Bối cảnh kinh tế

Một phần của tài liệu NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG KHÁCH HÀNG DOANH NGHIỆP TẠI AGRIBANK CHI NHÁNH HÀ NỘI II (Trang 83 - 86)

3.1.1.1. Bối cảnh quốc tế

Kinh tế - xã hội nước ta 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (Covid-19) gây ra, bùng phát lây lan mạnh trên phạm vi toàn cầu. Đại dịch đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt chính trị, kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới. Ngay cả những nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Cộng đồng chung châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng kinh tế suy thoái sâu rộng tồi tệ nhất trong lịch sử nhiều thập kỷ qua; thương mại toàn cầu tiếp tục suy giảm, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô giảm mạnh do nhu cầu sử dụng hạn chế; thất nghiệp tăng cao; ngành công nghiệp không khói – ngành du lịch của nhiều quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi lệnh cấm xuất nhập cảnh để hạn chế dịch bệnh của chính phủ các nước. Theo các tổ chức quốc tế và thể chế tài chính dự đoán, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ rơi vào suy thoái toàn bộ trong năm 2020. Cùng với đó, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung vẫn tiếp diễn, căng thẳng chính trị ngày càng gia tăng giữa Mỹ - Iran, bất đồng nội bộ trong tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và tình hình giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên bế tắc đã tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế Việt Nam.

3.1.1.2.Bối cảnh trong nước

Trong nước, bên cạnh những thuận lợi từ kết quả tăng trưởng tích cực năm 2019, kinh tế vĩ mô, chính trị ổn định nhưng phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường làm tăng trưởng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực chậm lại; tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao; nhiều doanh nghiệp nộp đơn xin phá sản. Bên cạnh đó, hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt diễn ra sớm ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng, dịch tả lợn châu Phi

chưa được khống chế hoàn toàn. Nhờ các biện pháp bình ổn giá, giá lương thực thực phẩm trong nước không biến động nhiều so với thời điểm trước dịch nhưng việc mất thu nhập do phải đóng của kinh doanh, nghỉ việc bởi dịch bệnh vẫn khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời đưa ra các chỉ đạo quyết liệt tới các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp tại các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2020 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020, Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Trước đại dịch Covid-19, với phương châm vừa ứng phó phòng chống dịch bệnh, vừa phải đặt sức khỏe người dân lên hàng đầu, vừa phòng chống suy giảm, thiệt hại về kinh tế và giữ vững ổn định an ninh và an toàn xã hội, nỗ lực phấn đấu cao nhất thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho các ngành nghề sản xuất kinh doanh, bảo đảm năng lực quốc gia ứng phó với dịch Covid-19. Ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 42/NQ-CP về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đồng thời thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện trong từng tháng, từng quý.

Do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Quý II/2020, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm của giai đoạn 2011-2020. Quý II/2020 cũng chính là thời điểm kinh tế nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19 khi Chính phủ chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp nhằm giãn cách xã hội, trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,38%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,72%; khu vực dịch vụ giảm 1,76%; tiêu dùng tăng 0,04% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 2,3%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 9,67%.

GDP 6 tháng đầu năm 2020 tăng 1,81% là mức tăng thấp nhất của 6 tháng các năm trong giai đoạn 2011-2020. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực tới mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, toàn bộ hệ thống chính trị, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đặt ưu tiên hàng đầu việc phòng chống và dập dịch, hy sinh lợi ích kinh tế đặt tính mạng và sức khỏe của người dân lên hàng đầu. Đây chính là nền tảng vững chắc để nền kinh tế nước ta tiếp tục duy trì tăng trưởng, không rơi vào tình trạng tăng trưởng âm. Kết quả trên cho thấy sự đồng lòng quyết tâm của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và người dân trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời vẫn duy trì các hoạt động sản xuất kinh doanh và từng bước đưa nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường như trước khi xảy ra dịch bệnh. Trong tình hình suy thoái chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,19%, đóng góp 11,89% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,98%, đóng góp 73,14%; khu vực dịch vụ tăng 0,57%, đóng góp 14,97%.

3.1.1.3. Dấu ấn ngành ngân hàng

Năm 2019, ngành ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả nổi bật với những chính sách mang tính đột phá. Hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng nói chung bên cạnh những khó khăn đã tồn tại, có nhiều tín hiệu khởi sắc, cụ thể:

 Hoàn thành mục tiêu nợ xấu dưới 2%:

Các ngân hàng đã kiểm soát tốt để không xảy ra tình trạng thao túng tiền tệ. Tính đến tháng 12/2019, ước tính nợ xấu còn 1,89%, hoàn thành mục tiêu dưới 2%. Đặc biệt, sau hai lần giảm các lãi suất điều hành, mặt bằng lãi suất cho vay nền kinh tế đã giảm từ 0,2 đến 0,5%/năm, lãi suất cho vay lĩnh vực ưu tiên chỉ còn 6%/năm.

 Tăng trưởng tín dụng 13%:

Trong năm qua, các ngân hàng thương mại đã đưa ra thị trường lượng lớn tín dụng, tăng tưởng tín dụng trên 13%. Nhưng với việc áp dụng nhiều công cụ tiền tệ khác đã góp phần ổn định thị trường, vừa đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế, vừa giúp kiểm soát được lạm phát.

Ngân hàng nhà nước cũng đã thực hiện tốt việc siết chặt hoạt động của các ngân hàng, công ty tài chính, nhiều Tổ chức tín dụng đạt chuẩn Basel II với những quy định về pháp lý cho việc hoạt động của dịch vụ ngân hàng số và các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, tiếp tục đẩy mạnh tái cơ chế hệ thống các tổ chức tín dụng.

Đến năm 2020, các NHTM cũng chịu ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế do đại dịch Covid 19, nhiều khoản nợ phải tiến hành cơ cấu cho khách hàng, thu nhập của ngân hàng giảm mạnh, ngân hàng phải tiến hành cắt giảm nhân sự ở nhiều bộ phận để duy trì hoạt động.

Một phần của tài liệu NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG TÍN DỤNG KHÁCH HÀNG DOANH NGHIỆP TẠI AGRIBANK CHI NHÁNH HÀ NỘI II (Trang 83 - 86)

w