Bộ máy tại chi cục hải quan gồm cơ cấu bộ máy và nguồn nhân lực:
-Cơ cấu bộ máy gồm có: Chi cục trưởng, Các phó Chi cục trưởng phụ trách các mảng công tác, cụ thể: 01 Phó chi cục trưởng phụ trách Đội Tổng hợp; 01 Phó chi cục trưởng phụ trách Đội Nghiệp vụ hải quan; 01 Phó chi cục trưởng phụ trách Tổ kiểm soát chống buôn lậu.
Đồng chí chi cục trưởng phụ trách chung, chịu trách nhiệm toàn bộ mọi mặt hoạt động của đơn vị.
Đồng chí Phó chi cục trưởng phụ trách và chịu trách nhiệm về từng mảng việc theo phân công nhiệm vụ. Cụ thể:
Đội nghiệp vụ sẽ do 01 đồng chí Phó chi cục trưởng phụ trách phụ trách trực tiếp đồng chí Đội trưởng Đội nghiệp vụ và chịu trách nhiệm về toàn bộ mọi mặt hoạt động của Đội nghiệp vụ. Đồng chí đội trưởng đội nghiệp vụ phụ trách 3 đồng chí phó đội trưởng đội nghiệp vụ được giao nhiệm vụ phụ trách từng bộ phận cụ thể.
Đội Nghiệp vụ hải quan được chia thành 3 bộ phận: Bộ phận tiếp nhận đăng ký tờ khai hải quan; Bộ phận giám sát; Bộ phận kiểm tra thực tế hàng hóa. Mỗi bộ phận do 1 đồng chí phó đội trưởng trực tiếp phụ trách và chịu trách nhiệm trước đội trưởng và lãnh đạo chi cục về mảng việc được phân công.
Công tác giám sát hàng hoá xuất nhập khẩu được giao cho bộ phận giám sát thực hiện. Bộ phận giám sát tại các Chi cục thường được chia thành 3 nhóm như sau:
a. Văn phòng bộ phận giám sát:
Văn phòng giám sát thực hiện các nhiệm vụ:
- Tiếp nhận, nhập máy các tờ khai hải quan được chủ hàng chuyển đến vào phần mềm theo dõi của chi cục. Cập nhật biên bản bàn giao vào hệ thống và hồi báo cho các cơ quan hải quan nơi đăng ký tờ khai.
- Quản lý điều hành việc giám sát trực tuyến qua camera đối với hàng hóa xuất khẩu, đưa vào, đưa ra khu vực cửa khâu.
- Thực hiện thanh khoản hồ sơ tạm nhập tái xuất, hồ sơ vận chuyển độc lập, tờ khai Kho ngoại quan.
- Thực hiện giám sát đối với các tờ khai thuộc luồng xanh, luồng vàng đối với hàng hóa xuất khẩu. Giám sát đối với tất cả các tờ khai chuyển cửa khẩu, quá cảnh, tờ khai vận chuyển, tờ khai Kho ngoại quan, TNTX, PTVT xuất nhập cảnh... khi được phân công.
b. Bộ phận giám sát cổng khu vực cửa khẩu.
Bộ phận này thường được chia thành bộ phận nhỏ: cổng tiếp giáp biên giới được gọi là cổng 1, cổng tiếp giáp nội địa được gọi là cổng 2.
12
c. Bộ phận giám sát cơ động:
- Bộ phận cơ động có nhiệm vụ tuần tra tất cả các khu vực trong địa bàn giám sát hải quan. Trong quá trình tuần tra nếu phát hiện các hành vi vi phạm hành chính xảy ra trong địa bàn giám sát hải quan, kịp thời ngăn chặn, báo cáo lãnh đạo đơn vị xử lý theo quy định
- Được phân công giám sát trực tiếp giám sát các lô hàng trọng điểm.
1.2.5.Phương thức và công cụ giám sát hàng hóa xuất khẩu tại chi cục hải quan
Phương thức và công cụ giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu: - Niêm phong hàng hóa:
Niêm phong hải quan là việc sử dụng các công cụ kiểm tra hoặc các dấu hiệu để nhận biết và bảo đảm tính nguyên trạng của hàng hóa.
Hàng hóa phải niêm phong ở đây là hàng hóa xuất khẩu, quá cảnh, TNTX, vận chuyển độc lập, hàng gửi KNQ, PTVT chở hàng hóa xuất khẩu, quá cảnh, TNTX, vận chuyển độc lập, hàng gửi KNQ đảm bảo niêm phong.
Công cụ để thực hiện việc niêm phong là seal. Hiện nay, niêm phong hải quan có nhiều hình thức như niêm phong giấy, niêm phong kẹp chì bao gồm seal đốt trúc và seal cáp thép; ngoài ra mới nhất còn có niêm phong điện tử hay còn gọi là E.Seal.
Đây không những là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho kiểm soát HH vận chuyển xuyên biên giới, giữa các cửa khẩu nội địa mà còn góp phần tạo thuận lợi thương mại.
- Giám sát trực tiếp: do công chức hải quan thực hiện. Không áp dụng phương thức giám sát trực tiếp của công chức hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu được lưu giữ, vận chuyển ở ngoài phạm vi, địa bàn hoạt động của cơ quan hải quan, trừ trường hợp cần thiết do Tổng cục trưởng Tổng cục hải quan quy định.
- Giám sát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật:
Giám sát bằng phương tiện kỹ thuật như sử dụng phương thức định vị vệ tinh, camera hay máy soi là một hình thức giám sát khá hiệu quả đối với các lô hàng nằm trong contener kín hoặc hàng rủi ro cao phải vận chuyển tuyến đường dài. Dùng phương tiện kỹ thuật này có thể kịp thời trao đổi, phối hợp giữa các cơ quan
hải quan với các cơ quan, đơn vị có liên quan đến đối tượng đang chịu sự giám sát hải quan.
Căn cứ kết quả phân tích, đánh giá rủi ro và các thông tin khác có liên quan đến đối tượng giám sát hải quan, cơ quan hải quan quyết định phương thức giám sát phù hợp. Trong trường hợp nhận thấy lô hàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật có thể tiến hành kiểm tra thực tế hàng hóa để phát hiện sai phạm.