2.2.1. Hoàn cảnh và chủ trương phát triển giáo dục THPT huyện Chợ Đồn
Qua 20 năm thực hiện đổi mới (1986 – 2006), đất nước ta đã và đang đạt được những thành tựu quan trọng và có bước phát triển to lớn. Đất nước đã ra
khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội; kinh tế tăng trưởng khá nhanh; sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa được đẩy mạnh; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; vị thế của nước ta trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao... Trong bối cảnh đó, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã họp tại Hà Nội (18 – 25/4/2006).
Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện những thành tựu và cả những yếu kém, khuyết điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2001 – 2005, “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 – 2010” và nhìn lại 20 năm đổi mới. Đại hội đã xác định nước ta đã hoàn thành chặng đường đầu của thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội và hiện ta đang ở chặng thứ hai – chặng đường đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Mục tiêu mà Đảng đề ra là đến năm 2020, ta sẽ hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nước ta sẽ cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại.
Bên cạnh đó, tại Đại hội X, Đảng còn định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước cho 5 năm tiếp theo (2006 – 2010). Trong đó, về vấn đề giáo dục – đào tạo, Đảng ta tiếp tục khẳng định: “Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [36;94].
Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức để đến năm 2020 nước ta trở thành một nước công nghiệp hóa theo hướng hiện đại đặt ra cho giáo dục – đào tạo nước ta những yêu cầu, nhiệm vụ và thách thức mới. Điều này đòi hỏi phải có định hướng phát triển, tầm nhìn chiến lược cùng những hình thức, tổ chức, quản lý giáo dục – đào tạo cho phù hợp.
Đến năm 2011, sau 25 năm tiến hành đổi mới, cùng với sự phát triển chung về mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, lĩnh vực giáo dục – đào tạo tiếp tục
phát triển mạnh mẽ. Đầu tư cho giáo dục ngày càng tăng, trang thiết bị trường học được tăng cường, quy mô đào tạo không ngừng được mở rộng, đổi mới giáo dục – đào tạo đang được tiến hành ở mọi cấp học, việc xã hội hóa giáo dục đã thu được kết quả bước đầu... Nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được, giáo dục – đào tạo nước ta vẫn còn nhiều yếu kém, bất cập kéo dài và chậm được khắc phục. Trong đó, đáng quan tâm nhất là chất lượng và hiệu quả giáo – dục đào tạo còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Từ ngày 12 đến ngày 19/1/2011, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng họp tại Hà Nội. Đại hội đã tổng kết việc thực hiện “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2001 – 2010”, đề ra phương hướng, nhiệm vụ 5 năm 2011 – 2015 và xác định “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 – 2020”. Riêng về vấn đề giáo dục – đào tạo, Đại hội XI xác định: “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển. Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo nhu cầu phát triển của xã hội; nâng cao chất lượng theo yêu cầu chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” [37;77].
Như vậy, Đại hội Đảng lần thứ XI đã nhấn mạnh nhiệm vụ đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục – đào tạo nhằm đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế tri thức, là chìa khóa để mở ra tiềm năng cho sự phát triên bền vững của đất nước. Đó là định hướng đúng đắn cho sự nghiệp phát triển giáo dục – đào tạo của nước ta trong thời kỳ cách mạng mới.
Thực hiện đường lối của Đảng tại Đại hội X và Đại hội XI, để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra và thực hiện hàng loạt các quyết định, chỉ thị mới. Ngày 28/7/2006, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định số 3859/QĐ-BGDĐT ban hành kế hoạch tổ chức cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” (gọi tắt là cuộc vận động “Hai không”). Ngày 22/7/2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra chỉ thị số 40/2008/CT-BGDĐT về việc phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” trong các trường phổ thông giai đoạn 2008 – 2013. Ngày 13/8/2008, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ra chỉ thị số 47/2008/CT-BGDĐT về nhiệm vụ trọng tâm của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp năm học 2008 – 2009 xác định tổ chức thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành và trở thành một trong những chỉ tiêu thi đua của ngành giáo dục ở các địa phương và đơn vị. Những quyết định, chỉ thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu trên đã vạch ra một loạt việc làm cụ thể cho các đơn vị giáo dục trên cả nước nhằm nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo của đơn vị mình nói riêng, của toàn ngành giáo dục nói chung.
Tại Bắc Kạn, triển khai tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X, trong các ngày từ 18 đến 20/10/2010, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ X được tổ chức. Với tinh thần tiếp tục phát huy những thành tích đã đạt được trong thời gian vừa qua, Đại hội đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 đưa tỉnh Bắc Kạn cơ bản thoát khỏi tình trạng kém phát triển. Để đạt được mục tiêu đó, nhiệm vụ then chốt, có vai trò quyết định chính là công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đại hội tiếp tục đưa ra chủ trương huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục – đào tạo, nhất là phải thực hiện tốt hơn nữa công tác xã hội hóa giáo dục, tăng cường đầu tư trang thiết bị dạy học cho các đơn vị giáo dục, nâng cao tay nghề đội ngũ giáo viên nhằm nâng
cao chất lượng giáo dục cho tỉnh nhà. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã định ra đường lối cụ thể cho sự phát triển ngành giáo dục – đào tạo của tỉnh Bắc Kạn.
Quán triệt Nghị quyết của Đại hội X và Đại hội XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn lần thứ X về giáo dục – đào tạo, đồng thời thực hiện đúng theo chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về nhiệm vụ phát triển giáo dục – đào tạo trong thời kỳ cách mạng mới, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn đã xây dựng đề án phát triển giáo dục – đào tạo tỉnh Bắc Kạn trong những năm 2006 – 2010 và 2010 - 2015, đồng thời vạch ra phương hướng, nhiệm vụ cụ thể cho từng năm học nhằm phát triển sự nghiệp giáo dục – đào tạo của tỉnh. Cũng trên tinh thần Đại hội Trung ương Đảng và Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, Đại hội Đảng bộ huyện Chợ Đồn lần thứ XIX (2010) đã nêu cao hơn nữa nhiệm vụ phát triển sự nghiệp giáo dục của địa phương nói chung, giáo dục THPT nói riêng nhằm hướng tới mục tiêu đến năm 2015 đưa Chợ Đồn thoát ra tình trạng kém phát triển.
Đối với cấp học THPT của huyện Chợ Đồn, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển hơn nữa về quy mô trường lớp của cấp học, đồng thời tạo điều kiện học tập cho học sinh các con em đồng bào nhân dân các xã ở phía Nam của huyện không phải đi học xa nhà, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ra quyết định thành lập thêm một trường THPT ở huyện Chợ Đồn.
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003; căn cứ Luật Giáo dục năm 2005; Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/8/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục; xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn tại Tờ trình số: 1161/TTr-GD&ĐT ngày 29/8/2006 về việc xin thành lập trường Trung học phổ thông Bình Trung, huyện Chợ Đồn và theo đề nghị của Sở Nội vụ Bắc Kạn tại Tờ trình số: 662/TTr-NV ngày 01/9/2006, ngày 01/9/2006, Ủy ban
nhân dân Tỉnh Bắc Kạn đã ra quyết định số: 1781/QĐ-UBND về việc thành lập Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Bình Trung, huyện Chợ Đồn. Địa điểm đặt trường là tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn. Đến ngày 19/9/2006, căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003; căn cứ quyết định số: 1781/QĐ-UBND của UBND Tỉnh Bắc Kạn về việc thành lập Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Bình Trung, huyện Chợ Đồn; xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn tại Công văn số: 1194/GD&ĐT-TCĐT ngày 06/9/2006 về việc đặt tên trường, Ủy ban nhân dân Tỉnh Bắc Kạn ra quyết định số: 1856/ QĐ-UBND về việc đổi tên Trường Trung học cơ sở - Trung học phổ thông Bình Trung, huyện Chợ Đồn thành: Trường Trung học phổ thông Bình Trung, huyện Chợ Đồn. Như vậy, với quyết định của UBND Tỉnh Bắc Kạn, từ năm học 2006 – 2007, bậc học THPT huyện Chợ Đồn bao gồm hai trường THPT: THPT Chợ Đồn và THPT Bình Trung. Điều này đã tạo điều kiện mở rộng quy mô trường lớp cho bậc học THPT ở Chợ Đồn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của bậc học này cho huyện nhà.
2.2.2. Giáo dục THPT huyện Chợ Đồn 2.2.2.1. Quy mô trường lớp
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (2006), lần thứ X (2011) và tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn mà trực tiếp là Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Kạn, trong những năm 2006 – 2013, giáo dục trung học phổ thông huyện Chợ Đồn đã đạt được những kết quả to lớn.
Được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành, quy mô trường học bậc THPT huyện Chợ Đồn đã được mở rộng, từ 01 trường (giai đoạn 1997 – 2006) tăng lên 02 trường (giai đoạn 2006 – 2013).
Bảng 2.3: Quy mô trƣờng lớp, học sinh THPT Chợ Đồn (2006 – 2013) Năm học THPT Chợ Đồn THPT Bình Trung Tổng số lớp Tổng số học sinh Tổng số lớp Tổng số học sinh 2006 – 2007 44 2019 8 371 2007 – 2008 40 1810 7 307 2008 – 2009 38 1734 8 302 2009 – 2010 29 1164 9 311 2010 – 2011 29 1192 9 283 2011 – 2012 27 1137 9 308 2012 – 2013 28 1011 9 271
“Nguồn: Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn (2006 -2013)”
Bảng số liệu cho thấy đối với Trường THPT Chợ Đồn, trong những năm 2006 – 2013, số lớp học và số lượng học sinh có xu hướng giảm xuống. Năm học 2006 – 2007, nhà trường có 44 lớp học với 2.019 học sinh. Đến năm học 2012 – 2013, con số này giảm xuống còn 28 lớp với 1.011 học sinh. Có tình trạng này chủ yếu là do từ khi Trường THPT Bình Trung thành lập, Trường THPT Chợ Đồn không còn nguồn tuyển học sinh là con em các dân tộc thuộc các xã phía Nam của huyện.
Năm học 2006 – 2007 là năm học đầu tiên sau khi thành lập, Trường THPT Bình Trung có 8 lớp với 371 học sinh. Nhìn vào bảng số liệu ta thấy ở những năm học tiếp theo, số lượng lớp và số lượng học sinh của Trường THPT Bình Trung không có sự chuyển biến nhiều. Từ năm học 2009 – 2012 đến năm học 2012 – 2013, nhà trường duy trì 9 lớp học với khoảng hơn 300 học sinh.
2.2.2.2. Đội ngũ cán bộ, giáo viên
Trước yêu cầu phát triển về quy mô trường, lớp, đồng thời để thúc đẩy sự nghiệp giáo dục phát triển hơn nữa, việc xây dựng và không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên là hết sức cần thiết. Trong những năm 1997 – 2006, đội ngũ giáo viên trung học phổ thông Chợ Đồn đã trưởng thành hơn về số lượng và chất lượng, song vẫn còn có những bất cập về cơ cấu, trình độ.
Trong những năm 2006 – 2013, công tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, giáo viên được ngành giáo dục – đào tạo Bắc Kạn quan tâm, chú trọng. Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn đã xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và đội ngũ giáo viên giảng dạy cho các cấp học, trong đó có cấp học trung học phổ thông. Nhờ đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên trung học phổ thông Chợ Đồn được phát triển hơn về chất lượng và có sự chuyển biến về số lượng.
Bảng 2.4: Số lƣợng đội ngũ cán bộ, giáo viên THPT huyện Chợ Đồn (2006 – 2013) Năm học THPT Chợ Đồn THPT Bình Trung Tổng cộng 2006 – 2007 78 37 115 2007 – 2008 83 38 121 2008 – 2009 80 37 117 2009 – 2010 81 39 120 2010 – 2011 79 40 119 2011 – 2012 79 38 117 2012 – 2013 75 37 112
Bảng số liệu cho thấy trong những năm 2006 – 2013, số lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên THPT huyện Chợ Đồn có sự chuyển biến, tuy không nhiều. Nhưng điểm ghi nhận ở đây là số lượng giáo viên dạy các bộ môn đúng chuyên ngành đã được đảm bảo. Đây là một trong những điều kiện để chất lượng giáo dục bậc học THPT huyện Chợ Đồn.
Để nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ giáo viên trung học phổ thông, trong đó có đội ngũ giáo viên THPT Chợ Đồn, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn còn tạo điều kiện cho họ đi học để nâng cao trình độ. Trong thời gian này, Trường THPT Chợ Đồn đã có thêm một số giáo viên đi học lên chương trình đào tạo Thạc sĩ. Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, có 02 giáo viên tiếp tục công tác tại trường (còn một số giáo viên khác chuyển công tác). Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Kạn còn mở các hội nghị, các buổi tập huấn chuyên môn (tập huấn thay sách, tập huấn đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh...) để nâng cao tay nghề và chất lượng dạy học của giáo viên THPT.
Nhằm tạo ra phong trào thi đua sôi nổi trong dạy học, hàng năm, Trường THPT Chợ Đồn và Trường THPT Bình Trung còn tổ chức hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường và cử giáo viên các bộ môn của trường đi dự thi hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Qua việc tham dự hội thi giáo viên dạy giỏi, các giáo