2.3.1. Nghiên cứu biến đổi đặc điểm cấu trúc rừng khi chuyển rừng tự nhiên sang rừng cao su
- Nghiên cứu đặc điểm tầng cây cao.
- Nghiên cứu đặc điểm tầng cây bụi thảm tươi. - Nghiên cứu đặc điểm lớp thảm khô.
2.3.2. Nghiên cứu đặc điểm biến đổi môi trường đất, nước khi chuyển rừng tự nhiên sang rừng cao su
a/. Nghiên cứu biến đổi môi trường đất khi chuyển các trạng thái rừng tự nhiên sang rừng trồng cao su
- Nghiên cứu đặc điểm độ xốp đất. - Nghiên cứu đặc điểm xói mòn đất.
- Nghiên cứu đặc điểm biến đổi động vật đất.
- Nghiên cứu nhân tố ảnh hưởng đến môi trường đất ở rừng cao su.
b/. Nghiên cứu biến đổi đặc điểm môi trường nước khi chuyển rừng tự nhiên sang rừng trồng cao su
- Nghiên cứu biến đổi về độ ẩm đất.
- Nghiên cứu biến đổi về dung tích chứa nước của đất. - Nghiên cứu biến đổi về tính thấm nước của đất.
2.3.3. Nghiên cứu giải pháp bảo vệ môi trường khi chuyển rừng tự nhiên sang rừng trồng cao su
a/. Nghiên cứu đặc điểm các biện pháp kỹ thuật liên quan đến biến đổi môi trường khi chuyển rừng tự nhiên sang rừng cao su
- Lựa chọn đất rừng để chuyển sang trồng cao su. - Xử lý thực bì. - Làm đất. - Trồng rừng. - Chăm sóc rừng. - Khai thác nhựa. - Bảo vệ đất. - Bảo vệ thực vật.
b/. Những giải pháp bảo vệ môi trường đất, nước khi chuyển từ các trạng thái rừng tự nhiên sang rừng trồng cao su
2.4. Phương pháp nghiên cứu 2.4.1. Phương pháp luận
Tác động của đến môi trường được hiểu là việc làm biến đổi số lượng và chất lượng của các thành phần môi trường. Tác động đó có thể tích cực, có thể tiêu cực, có thể bình thường, có thể nguy hiểm. Đánh giá tác động môi trường là toàn bộ việc phân tích, đánh giá, dự báo tác động đến môi trường của một chiến lược, một chính sách, hay một dự án và đề xuất những giải pháp thích hợp cho bảo vệ môi trường.
Theo khái niệm, đánh giá tác động môi trường không chỉ xác định được tác động đến môi trường mà còn phải đề xuất được những giải pháp giảm thiểu và khắc phục tác động tiêu cực đến môi trường.
Các tác động đến môi trường của trồng rừng cao su cũng như của một hoạt động phát triển nói chung, có thể do 3 nguyên nhân: khai thác quá mức các thành phần môi trường, đưa những chất thải độc hại vào môi trường, và gây nên những rủi ro cho môi trường. Mức độ của các yếu tố này phụ thuộc chủ yếu vào đặc điểm công nghệ của hoạt động phát triển. Vì vậy, trong đánh giá tác động môi trường người ta phải phân tích toàn bộ những nội dung công nghệ của hoạt động phát triển, hay kỹ thuật mà hoạt động phát triển đó áp dụng. Trên cơ sở phân tích kỹ thuật áp dụng người ta xác định được ảnh hưởng của việc khai thác tài nguyên, của việc cung cấp chất thải và nguy cơ xảy ra những rủi ro cho môi trường. Nhờ vậy, không chỉ xác định được những tác động đến môi trường mà còn phân tích được nguyên nhân và những giải pháp cần thiết cho bảo vệ môi trường.
Trong đánh giá tác động môi trường, khi phát hiện ra những tác động tiêu cực đến môi trường, nhiệm vụ của người đánh giá không chỉ đưa một biện pháp bảo vệ môi trường mà cần đưa ra nhiều phương án khác nhau với những trình độ khoa học kỹ thuật, nhu cầu về nhân lực, thiết bị và yêu cầu kinh phí khác nhau. Đây là cơ sở để chủ thể hoạt động phát triển có thể lựa chọn những giải pháp thích hợp nhất với hoàn cảnh của mình để bảo vệ môi trường.
Trồng rừng cao su là một hoạt động phát triển
Trồng rừng cao su là một hoạt động phát triển vì nó nhằm khai thác những tiềm năng của đất đai, sản xuất sản phẩm chính là nhựa và gỗ cao su đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Vì vậy, những giải pháp cho bảo vệ môi trường cần được xây dựng trên cơ sở những phân tích tổng hợp cả về kinh tế và môi trường. Với quan điểm này thì một hoạt động phát triển có tác động tiêu cực đến môi trường vẫn có thể được thực hiện nếu chi phí cho các biện pháp bảo vệ môi trường không vượt quá lợi ích kinh tế do hoạt động đó tạo ra.
Hiệu quả môi trường của rừng trồng cao su chủ yếu là hiệu quả đến đất, nước, không khí, tình trạng đa dạng sinh học và nguy cơ của các rủi ro môi trường như cháy rừng, dịch bệnh v.v...
Trồng rừng cao su hoạt động sử dụng đất cho hoạt động canh tác. Các thành phần môi trường được khai thác trong trồng rừng cao su chủ yếu là đất và nước. Các chất loại thải trong trồng rừng cao su chủ yếu là dư lượng phân bón, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, các chất phân huỷ từ cành khô, lá rụng và nhựa cao su. Những rủi ro môi trường có thể xảy ra trong trồng rừng cao su là việc làm chết thực vật và động vật trong quá trình xử lý thực bì, làm đất, phòng trừ bệnh dịch, gây xói mòn trong quá trình làm đất chăm sóc rừng trồng, gây cháy rừng v.v… Vì vậy, nghiên cứu hiệu quả môi trường của trồng rừng cao su chính là nghiên cứu hiệu quả của nó đến các thành phần môi trường đất, nước và không khí và đa dạng sinh học và những rủi ro môi trường. Đây là lý do giải thích vì sao trong đề tài này phải tiến hành thu thập và phân tích thông tin phản ảnh đặc điểm các yếu tố môi trường đất, nước, không khí, tình trạng đa dạng sinh học và rủi ro môi trường. Để làm rõ hơn hiệu quả môi trường của rừng trồng cao su cũng cần thu thập những thông tin về các yếu tố môi trường này ở những địa điểm lân cận làm đối chứng.
Hiệu quả môi trường của trồng rừng cao su có thể tích cực, có thể tiêu cực phụ thuộc vào kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác rừng
Rừng trồng cao su mang đặc điểm chung của các thảm thực vật, hiệu quả môi trường của chúng thường phụ thuộc nhiều vào đặc điểm kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng. Cũng tương tự các rừng trồng khác, hiệu quả môi trường của trồng rừng cao su có thể tích cực, có thể tiêu cực tuỳ thuộc vào đặc điểm kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng. Vì vậy, để nghiên cứu hiệu quả môi trường của rừng trồng cao su cần thu thập thông tin về toàn bộ kỹ thuật trồng, chăm sóc và khai thác rừng trồng, phân
tích mối quan hệ của nó với những biến đổi các yếu tố môi trường do trồng rừng gây nên.
Hiệu quả môi trường của rừng trồng cao su cần được phân tích đánh giá trên cơ sở so sánh với hiệu quả môi trường của các trạng thái rừng và các thảm thực vật khác
Đánh giá tác động môi trường dựa trên hai nguồn tư liệu chính, một là những chỉ số về hiện trạng môi trường ở nơi thực hiện hoạt động phát triển hoặc chịu tác động của hoạt động phát triển và hai là những tiêu chuẩn môi trường. Khi đánh giá tác động môi trường người ta phải so sánh đối chiếu chỉ số về hiện trạng môi trường với các tiêu chuẩn môi trường. Tuỳ theo số chỉ tiêu vượt quá tiêu chuẩn và mức vượt quá của chúng mà người ta có những kết luật khác nhau trong đánh giá tác động môi trường. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân dẫn đến tình trạng vượt quá tiêu chuẩn của các tiêu chí môi trường người ta xây dựng những biện pháp nhằm giảm thiểu những nguyên nhân đó để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, đánh giá tác động môi trường là nhiệm vụ mới hình thành trong những năm gần đây. Nhiều lĩnh vực còn chưa có tiêu chuẩn môi trường. Khi đó phải so sánh các chỉ số về tình trạng môi trường ở nơi thực hiện dự án với những nơi không thực hiện dự án, hoặc thực hiện những hoạt động phát triển khác. Ngoài ra, cũng so sánh các chỉ tiêu này với mức cần thiết đảm bảo cho sự tồn tại lâu bền của con người và thiên nhiên.
Trồng rừng cao su là hoạt động có ảnh hưởng tới nhiều thành phần môi trường như đất, nước, đa dạng sinh học v.v..., một số chỉ tiêu môi trường có tiêu chuẩn để đánh giá như cường độ xói mòn, dư lượng các chất bảo vệ thực vật v.v..., nhưng cũng có những chỉ tiêu chưa có tiêu chuẩn môi trường, chẳng hạn chỉ tiêu đa dạng sinh học, chỉ tiêu về khả năng giữ nước, chỉ tiêu làm độc hại đất tổng hợp, chỉ tiêu về rủi ro môi trường v.v.... Vì vậy, đánh giá tác động môi trường cho rừng trồng
cao su trong đề tài này vừa phải căn cứ vào tiêu chuẩn môi trường, vừa phải căn cứ vào các chỉ số về tình trạng môi trường của những mô hình sử dụng đất khác. Trong một số trường hợp lại phải căn cứ vào các ngưỡng của các chỉ số môi trường đảm bảo duy trì tính ổn định của các thành phần môi trường.
Trong đánh giá tác động môi trường của rừng trồng cao su có thể coi trồng rừng cao su là một phương thức sử dụng đất và cần so sánh với các chỉ số môi trường của các phương thức sử dụng đất khác như cà phê, nương rẫy, rừng trồng v.v.... Một trong những đối tượng được sử dụng làm đối chứng khi đánh giá tác động môi trường của rừng trồng cao su trong đề tài này là rừng trồng keo tai tượng. Đây là loại rừng trồng được xem là có hiệu quả tích cực với môi trường. Vì vậy, có tới 80% trường hợp mô hình sử dụng đất được đem so sánh với rừng cao su về tác động môi trường là rừng keo tai tượng. Ngoài ra, các chỉ tiêu môi trường của rừng cao su cũng được so sánh với chỉ tiêu môi trường của rừng tự nhiên ở cùng một địa phương để khẳng định về hiệu quả tác động của nó.
Những giải pháp bảo vệ môi trường với trồng rừng cao su khi chuyển từ rừng tự nhiên sang là hướng vào điều chỉnh hoặc bổ sung kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng
Theo quan điểm sinh thái, trong tự nhiên không có thực vật hay động vật có hại cho môi trường mà chỉ có công nghệ nuôi trồng gây tác động tiêu cực đến môi trường mà thôi. Vì vậy, cũng như các rừng trồng khác, tác động của rừng trồng cao su trên đất dốc đến môi trường chủ yếu phụ thuộc vào kỹ thuật trồng rừng, chăm sóc rừng và các giải pháp bảo vệ môi trường. Những biện pháp bảo vệ môi trường đối với rừng trồng cao su trong đề tài này sẽ chủ yếu hướng vào điều chỉnh hoặc bổ sung kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng để làm giảm tác động tiêu cực của nó đến môi trường trên điều kiện địa hình dốc.
2.4.2. Phương pháp nghiên cứu cụ thể
2.4.2.1. Phương pháp tổng hợp tài liệu về tác động của rừng trồng cao su đến môi trường
Tra cứu dữ liệu lưu trữ tại các cơ quan nghiên cứu và quản lý cao su:
Hiện có những tài liệu quan trọng đang được lưu trữ ở các cơ quan nghiên cứu và quản lý cao su như các viện nghiên cứu, các trường đại học, tổng công ty cao su, các công ty thành viên, các nông trường v.v... Đây là nguồn thông tin quan trọng về quy trình kỹ thuật, kế hoạch phát triển, năng suất và hiệu quả của cao su, tác động của cao su đến đời sống kinh tế xã hội và môi trường. Đề tài dự kiến sẽ tham khảo tư liệu lưu trữ của một số cơ quan, công ty nghiên cứu khoa học học và quản lý cao su của tỉnh Bình Phước như Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Bình Phước, Công ty Cao su Phú Riềng, Vườn Quốc Gia Bù Gia Mập.... Những tài liệu dự kiến tham khảo gồm quy hoạch phát triển cao su, kế hoạch và sản xuất, thiết kế kỹ thuật trồng và chăm sóc rừng trồng, kế hoạch và các bản thiết kế khai thác sản phẩm từ rừng cao su.
Khai thác thông tin trên mạng Internet:
Một trong những công cụ khai thác thông tin hiệu quả hiện nay là sử dụng mạng Internet. Những kết quả nghiên cứu sơ bộ đã cho thấy đến nay kết quả của nhiều công trình nghiên cứu về cao su đã được công bố lên mạng Internet dưới dạng các bài báo khoa học, các bài báo đăng tải thông tin đại chúng và các dạng ấn phẩm khác. Một số trong đó trình bày tương đối chi tiết, một số khác chỉ giới thiệu tên công trình và địa chỉ tra cứu. Mặc dù vậy, đây vẫn là những thông tin rất hiệu ích cho việc tìm kiếm và khai thác dữ liệu liên quan đến kỹ thuật trồng và hiệu quả kinh tế - môi trường của cao su.
2.4.2.2. Nghiên cứu đặc điểm biến đổi cấu trúc rừng khi chuyển rừng tự nhiên sang rừng cao su
Đề tài dự kiếu thiết lập 22 ô nghiên cứu, trong đó có 15 ô nghiên cứu dưới rừng tự nhiên (thuộc 3 trạng thái rừng: Rừng nghèo; rừng nghèo kiệt và rừng phục hồi sau nương rẫy), 7 ô nghiên cứu dưới rừng trồng cao su tuổi 10 và 15 (tuổi). Diện tích ô nghiên cứu dưới rừng cao su là 2500m2 và rừng tự nhiên là 1000m2. Thông tin về đặc điểm tầng cây cao, cây bụi thảm tươi, và thảm khô được thu thập theo phương pháp điều tra lâm học. Các chỉ tiêu điều tra tầng cây cao được điều tra trên cả ô tiêu chuẩn gồm: tên cây, chiều cao vút ngọn, chiều cao dưới cành, đường kính thân cây ở độ cao 1.3m, đường kính tán, cấp sinh trưởng, độ tàn che.
Các chỉ tiêu điều tra tầng cây bụi thảm tươi ở mỗi ô nghiên cứu được thu thập trên 5 ô dạng bản 25m2, gồm: tên cây, chiều cao trung bình, độ che phủ từng loài, cấp sinh trưởng từng loài, độ che phủ chung.
Các chỉ tiêu điều tra thảm khô được thu thập trên 25 ô dạng bản 1(m2) ở mỗi ô nghiên cứu, gồm: khối lượng, bề dày, độ che phủ.
2.4.2.3. Phương pháp nghiên cứu tác động môi trường khi chuyển từ rừng tự nhiên sang rừng trồng cao su
a/. Nghiên cứu tác động của rừng cao su tới môi trường đất
Nghiên cứu đặc điểm biến đổi độ xốp của đất ở địa điểm nghiên cứu:
Độ xốp của đất được thu thập qua phân tích các mẫu lấy ở 4 tầng đất cách nhau 20cm từ mặt đất trở xuống ở 22 ô nghiên cứu của rừng cao su (7 OTC) và rừng tự nhiên đối chứng (15 OTC). Độ xốp của đất được tính theo công thức:
X% = (d - D)/ d *100%
Trong đó: X - là độ xốp của đất (tính bằng %) d - là tỷ trọng của đất (tính bằng g/cm3)
D - là dung trọng của đất (tính bằng g/cm3) (Hà Quang Khải; Đỗ Đình Sâm; Đỗ Thanh Hoa , 2002)[4]
Nghiên cứu cường độ xói mòn đất:
Cường độ xói mòn đất của rừng cao su và rừng tự nhiên đối chứng được xác định qua giá trị của các nhân tố ảnh hưởng và phương trình dự báo xói mòn đất của PGS. TS Vương Văn Quỳnh - Trường Đại học Lâm nghiệp và các chỉ tiêu điều tra lâm phần:
d = (2.31*10-6K*α2)/[(TC/H)+CP+TM]2*X
Trong đó: d - Cường độ xói mòn đất (mm/năm) (có thể dung trọng lớp đất mặt là 1g/cm3 thì có thể quy đổi 1mm/năm = 10 tấn/ha/năm)
α - Độ dốc mặt đất (0)
TC - Độ tàn che tầng cây cao, được điều tra theo phương pháp mạng lưới điểm, nằm trong khoảng 0 - 1.
H - Chiều cao tầng cây cao (m)
CP - Là tỷ lệ che phủ của lớp thảm tươi cây bụi, được điều tra theo phương pháp mạng lưới điểm, nằm trong khoảng 0 - 1.
TM - Là tỷ lệ che phủ mặt đất của lớp thảm khô, được điều tra theo phương pháp mạng lưới điểm, nằm trong khoảng 0 - 1.