Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên việc kế thừa mô hình dự báo kiệt quệ tài chính đã được phát triển trên thế giới là mô hình Z” của Altman và áp dụng mô hình hồi quy Probit (được đề xuất bởi Chester Bliss (1934) theo phương pháp của Goldberger (1964). Nghiên cứu của tác giả trình bày một sự so sánh về tính chính xác trong phân loại và khả năng dự báo kiệt quệ tài chính của 213 công ty được niêm yết trên HOSE với biến số là các tỷ số tài chính và các chỉ số kinh tế vĩ mô. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc áp dụng mô hình Z” được điều chỉnh thêm biến DS/TTS, dòng tiền hoạt động/tổng nợ phải trả, △GDP và CPI (mô hình Z”* cho kết quả dự báo tốt nhất và chính xác nhất là vào thời điểm một năm trước kiệt quệ.
Bài nghiên cứu thể hiện một số ưu điểm nhất định trong việc dự báo tình trạng kiệt quệ tài chính của công ty:
Thứ nhất, nghiên cứu đã nêu được định nghĩa, những dấu hiệu và chỉ tiêu đo lường kiệt quệ tài chính cũng như sự cần thiết áp dụng mô hình dự báo khả năng kiệt quệ tài chính trong các doanh nghiệp hiện nay. Trong đó, điểm nổi bật của nghiên cứu là cách thức xác định công ty rơi vào tình trạng kiệt quệ tài chính trong nghiên cứu này không phụ thuộc vào hậu quả pháp lý cuối cùng của công ty là phá sản hay hủy niêm yết như một số nghiên cứu trước tại Việt Nam. Việc chọn tiêu chí để xác định nhóm kiệt quệ tài chính là công ty có cổ phiếu bị hủy niêm yết mà
không xác định bản chất hủy niêm yết là do công ty vi phạm quy định niêm yết; công ty hủy niêm yết tự nguyện hay hủy niêm yết do kiệt quệ tài chính sẽ dẫn đến những sai sót trong kết quả nghiên cứu.
Thứ hai, bài nghiên cứu sử dụng mẫu dữ liệu kết hợp các loại thông tin tài chính và dữ liệu thị trường. Dữ liệu về BCTC công ty và một số chỉ tiêu tài chính được lấy từ websites stoxvn.stox.vn và chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GDP và chỉ số CPI được lấy từ WorldBank nên dữ liệu có tính thống nhất khá cao.
Thứ ba, thời gian nghiên cứu của đề tài từ 2008 -2014 là tương đối dài so với các nghiên cứu trước giúp việc đánh giá tình trạng tài chính của các công ty được tốt hơn.
Cuối cùng, điểm mới của bài nghiên cứu là đã mở rộng mô hình Z” của Atman (1993) bằng việc bổ sung thêm biến vĩ mô và biến tài chính. Sự gia tăng của R2 qua ba mô hình cho thấy mô hình được mở rộng phù hợp với thị trường Việt Nam và làm tăng khả năng dự báo của mô hình gốc. Điều này đã góp phần tạo nên ý nghĩa của bài nghiên cứu