Sử dụng di sản văn hóa trong dạy học lịch sử địa phương

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dạy học lịch sử địa phương theo hướng tiếp cận năng lực ở trường trung học phổ thông thành phố hải phòng​ (Trang 96 - 99)

7. Cấu trúc đề tài

3.3.4. Sử dụng di sản văn hóa trong dạy học lịch sử địa phương

3.3.4.1. Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa trong dạy học LSĐP

Tài liệu hay tư liệu là “những thứ vật chất con người sử dụng trong một lĩnh vực

hoạt động nhất định nào đó” [64, tr. 163]. Với cách hiểu đó, tài liệu về di sản văn hóa

là những văn bản chữ viết hoặc tranh ảnh về di sản văn hóa. Trong dạy học lịch sử, chủ yếu sử dụng thuật ngữ di sản theo nghĩa di sản văn hóa. Di sản văn hóa được quy định trong Luật di sản văn hóa, “bao gồm di sản văn hóa phi vật thể và di sản văn hóa

vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác”[65, tr. 32]. Thực hiện hướng dẫn sử dụng di sản

văn hóa trong dạy học ở THPT, Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng đã hướng dẫn sử dụng di sản văn hóa trong dạy học và tổ chức các hoạt động ở trường phổ thông trong thành phố [70, tr. 10]. Xuất phát từ khái niệm di sản và chỉ đạo của Bộ giáo dục và đào tạo, sự hướng dẫn của Sở Giáo dục và đào tạo Hải Phòng, chúng tôi nhận thấy, sử dụng di sản văn hóa trong dạy học rất phù hợp với dạy học LSĐP ở trường phổ thông. Phương pháp này vừa đáp ứng mục tiêu giáo dục về mặt nội dung mà còn phù hợp với định hướng đổi mới phương pháp dạy học ở trường phổ thông hiện nay. Sử dụng di sản văn hóa trong dạy học LSĐP ở trường phổ thông giúp rèn luyện và phát triển các kĩ năng cho HS như kĩ năng khai thác tư liệu, kĩ năng hợp tác nhóm, kĩ năng thuyết trình, kĩ năng quan sát, nhận xét; năng lực thực hành, rèn luyện các kĩ năng ứng xử với cộng đồng thông qua trải nghiệm di sản.

Việc sử dụng di sản văn hóa ở địa phương vào dạy học LSĐP có thể thực hiện phụ thuộc sự sáng tạo, linh hoạt của GV, điều kiện vật chất của nhà trường và đặc thù của di sản địa phương. Căn cứ vào bài học LSĐP nội khóa hay hoạt động ngoại khóa về LSĐP, căn cứ vào hình thức tổ chức dạy học trên lớp hay ngoài lớp học, việc sử dụng di

sản văn hóa trong dạy học LSĐP có thể được tiến hành theo các biện pháp khác nhau. Bài học LSĐP trong chương trình nội khóa có thể thực hiện các biện pháp như: Sử dụng tài liệu về di sản văn hóa trong dạy học LSĐP (trên lớp); Tiến hành dạy học lịch sử địa phương tại di tích, bảo tàng (ngoài lớp). Hoạt động ngoại khóa về LSĐP: Tiến hành tham quan học tập tại di tích,bảo tàng; trải nghiệm di sản trong dạy học LSĐP.

Việc sử dụng tài liệu về di sản văn hóa trong dạy học LSĐP có thể tiến hành trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh cơ sở vật chất như thế nào bởi nó hoàn toàn phù hợp với mọi đối tượng GV và HS ở các trường THPT thành phố Hải Phòng kể những trường THPT có điều kiện hay khó khăn. Trong dạy học LSĐP, GV lựa chọn và đưa nội dung về di sản văn hóa của địa phương vào bài học, bao gồm di sản văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tiêu biểu của thành phố, huyện, xã, làng nơi đơn vị trường đang công tác.

Hải Phòng với vị trí địa lý - lịch sử - văn hóa đặc biệt ở vùng Đông Bắc Bộ với mật độ dày đặc các di tích vì thế, sử dụng di sản văn hóa trong dạy học LSĐP là thế mạnh trong dạy học LSĐP ở trường THPT thành phố Hải Phòng. Hiện trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 1.134 di tích. Trong đó, có 482 di tích được xếp hạng các cấp, gồm: 2 di tích quốc gia đặc biệt, 113 di tích quốc gia và 367 di tích thành phố, 474 lễ hội với các loại hình và 6 lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ở Hải Phòng tiêu biểu nhất là Khu di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng Giang, đền thờ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, đình các làng gần trường học, đền thờ danh nhân lịch sử,... Còn di sản văn hóa phi vật thể là phong tục, tập quán, lễ hội, dân ca, văn học dân gian...

Theo Quyết định số 3325/QĐ-BVHTTDL ngày 4/9/2018 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, 8 di sản văn hóa phi vật thể vừa được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có Hát đúm Thủy Nguyên, những lễ hội truyền thống đậm bản sắc cội nguồn dân tộc như Lễ hội Minh Thề thôn Hòa Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy(Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia ); Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn...Tài liệu nghiên cứu về văn hóa, lễ hội, phong tục, truyền thuyết, dân ca...của nhân dân Hải Phòng rất phong phú, bao gồm công trình nghiên cứu của các nhà khảo cổ học, sử học, dân tộc học, văn học, các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian...trên cả nước và đặc biệt là các nghiên cứu chuyên sâu của các nhà nghiên cứu ở Hải Phòng. Vì thế, GV và HS hoàn toàn dễ dàng tiếp cận với các tài liệu này ở địa phương.

Để lựa chọn tài liệu về di sản văn hóa trong dạy học LSĐP, GV có thể thực hiện theo các bước: lựa chọn những di sản tiêu biểu cần giới thiệu trong nội dung bài học LSĐP; tìm kiếm thông tin về di sản; thiết kế các hoạt động dạy - học có sử dụng di sản kết hợp hình ảnh trực quan. Về phía HS, GV có thể tổ chức cho HS sưu tầm tư liệu về di sản; phỏng vấn nhân chứng về di sản; giới thiệu về di sản. Ví như, trong bài “Hải Phòng - miền đất lịch sử - văn hóa”, GV lựa chọn giới thiệu khu di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng Giang là một di sản văn hóa vật thể tiêu biểu của thành phố Hải Phòng. Tài liệu về di tích Tràng Kênh - Bạch Đằng Giang rất nhiều như: Khu di tích Bạch Đằng Giang - nơi giáo dục lịch sử cho thế hệ trẻ, Khu di tích Tràng Kênh, Bạch Đằng, Hải Phòng - Nơi hội tụ khí thiêng sông núi…GV chọn những chi tiết đặc sắc nhất để giới thiệu với HS về quần thể di tích, về vị trí và vai trò các nhà tưởng niệm Đức Vương Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn...GV cũng có thể sử dụng bãi cọc Bạch Đằng để giúp HS tái hiện lịch sử các trận thủy chiến chống giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng.

Cần lưu ý khi khai thác tài liệu về di sản phải có sự phân hóa đối tượng HS, vừa có tác dụng giúp HS hiểu biết về di sản, vừa có tác dụng kích thích sự khám phá, thích thể hiện của các em, đồng thời cũng bồi đắp niềm tự hào, tình yêu quê hương cho HS.

3.3.4.2. Thực hành trải nghiệm di sản trong dạy học lịch sử địa phương

Trải nghiệm là “ trải qua, kinh qua” [64, tr. 305]. Trải nghiệm di sản là để cho HS được tự mình thử nghiệm, thực hiện, đặt mình trong di sản đó, ví như học hát Đúm, được làm lễ thắp hương tưởng niệm Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, được tham gia các trò chơi trong lễ hội...Trải nghiệm di sản tốt nhất là được thực hiện trong không gian văn hóa của di sản, ví như hát Đúm trong lễ hội đầu năm ở huyện Thủy Nguyên, tham gia lễ hội địa phương, thử làm sản phẩm tại làng nghề... Có thể nhận thấy, việc trải nghiệm di sản tại không gian di sản có cùng hình thức với học tập tại di tích, bảo tàng và tham quan thực tế. Một điều cần xác định rõ sự khác biệt cơ bản trong trải nghiệm di sản là HS được tham gia trực tiếp, được tự cảm nhận và trải nghiệm chứ không phải là người quan sát.

Giáo dục trải nghiệm di sản trong dạy học LSĐP phù hợp với hoạt động ngoại khóa. Tuy nhiên, riêng đối với bài “Hải Phòng - miền đất lịch sử - văn hóa ”, nội dung

bài học thể hiện ưu thế nổi bật trong sử dụng di sản, GV có thể tổ chức dạy học bài học LSĐP nội khóa, kết hợp hình thức dạy học tại di tích và trải nghiệm di sản (tham quan khu di tích Tràng Kênh- Bạch Đằng Giang; xã hát Đúm Lập Lễ, trải nghiệm nghi lễ dâng hương Đức Vương Ngô Quyền, Vua Lê Đại Hành, Quốc công tiết chế Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn …) vì khu di tích Tràng Kênh- Bạch Đằng Giang và các xã hát Đúm Lập Lễ nằm gần nhau trên một tuyến đường. Để thực sự hoạt động trải nghiệm có hiệu quả, cần sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành, nhất là ngành văn hóa trong việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa ở thành phố Hải Phòng. Sử dụng di sản trong dạy học LSĐP là một cách tiếp cận mới, gây hứng thú đối với cả GV và HS, góp phần phát huy năng lực học tập tích cực, chủ động, hợp tác của HS.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) dạy học lịch sử địa phương theo hướng tiếp cận năng lực ở trường trung học phổ thông thành phố hải phòng​ (Trang 96 - 99)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(170 trang)