4. Phương pháp nghiên cứu
2.3. Kỷ luật quân đội
Quân đội Đàng Trong là một quân đội được tổ chức có kỉ luật. Im lặng là luật được ban hành trên toàn bộ hệ thống quân đội của chúa Nguyễn. Thích Đại Sán khi đến Đàng Trong, ông có tham dự một buổi lễ của chúa đã miêu tả lại rằng, quân đội đứng xếp hàng rất ngay ngắn, tất cả lặng thinh không nghe một tiếng động, chỉ có tiếng lá rơi và tiếng chim kêu. Thủy binh cũng vậy, không hề nghe thấy một hiệu lệnh nào phát ra từ người chỉ huy, họ chỉ dùng hành động của đôi tay để điều khiển binh lính, quân lính buộc phải im lặng và tập trung cao độ để có thể làm theo được đúng lệnh của chỉ huy kể cả khi thao diễn hay khi lâm trận họ đều phải tuân thủ nguyên tắc này. Ngoài ra còn có nhiều luật định khác trong quân đội và được áp dụng rộng rãi.
Luật áp dụng cho binh lính rất nghiêm ngặt, do đó quân đội Đàng Trong rất có kỉ cương. Bởi nếu họ làm trái lệnh quân vương, họ có thể đánh đổi bằng cả tính mạng của mình với những hình phạt hà khắc và vô cùng nặng nề. Quân đội của Đàng Trong rất đông, điều này gây khó khăn trong việc quản đốc, do đó kỉ luật cần phải nghiêm minh để có thể đảm bảo việc tổ chức có hiệu quả các binh chủng. Tình thế của Đàng Trong đặt trong thế “ngàn cân treo sợi tóc” điều đó không cho phép quân đội của họ được sai sót trong các trận chiến. Chính vì vậy tính kỉ luật cao trong quân đội sẽ đảm bảo cho việc phối hợp tác chiến và việc thực tế hóa giáp chiến đạt hiệu quả cao và điều này đã được
chứng thực bằng nhiều chiến thằng lớn của Đàng Trong trước sức ép của Đàng Ngoài, cướp biển, ngoại bang xâm lấn, giúp Đàng Trong có thể đứng vững trong suốt hơn 200 năm tồn tại. Vấn đề này đã được rất nhiều người ghi lại. Đầu tiên là kỉ luật trong khâu tuyển mộ lính phải đảm bảo diễn ra đúng quy cách, kẻ nào có nhiệm vụ mộ lính mà tuyển người không đủ tiêu chuẩn sẽ mất đầu. Không chỉ vậy, những người đã được chiêu mộ mà trốn tránh việc binh cũng sẽ bị nghiêm trị. Những người tham gia vào quân ngũ đều phải chấp hành nghiêm chỉnh quy định tuổi chưa đến 60 chẳng được về làng đoàn tụ với gia đình, có một số người đã dành cả đời trong quân ngũ. Mỗi gia đình gần như đều có một người tham gia quân lính theo sự lựa chọn của nhà vua. Những người được chọn thường là những người làm việc giỏi, độ tuổi từ 18 đến 60. Họ phải trải qua 3 năm huấn luyện trên biển (hoặc trên bộ) và trong thời gian đó không có lỗi nào là không nghiêm phạt. Theo Phan Huy Chú, lính thủy được tuyển phải là người thành thạo sông nước và chiều cao có thể kém bộ binh năm phân. Tùy thuộc theo sức vóc, chiều cao, họ được bố trí trên các loại chiến thuyền khác nhau, hưởng bậc lương khác nhau. Lính thủy được trả lương cao hơn lính bộ và lính thủy khi già được về hưu sớm hơn lính bộ từ 1 đến 4 năm35. Người thân cận có kì hạn sẽ được đến thăm gặp.
Thứ hai, đó là trong quá trình luyện tập. Khi luyện tập cũng cần phải đảm bảo hàng ngũ đội ngũ ngay ngắn, quân mệnh phải nghiêm trang. Trong
Tiền biên có chép, quân lính hay phải luyện tập ban đêm và những lúc không có chiến tranh, người lính phải đảm bảo có mặt trong quân ngũ không được trốn tránh lén lút trở về nhà kể cả khi không có chiến tranh mà chưa được sự cho phép. Những người lính sẽ chịu sự quản đốc của người chỉ huy trưởng, ngoài ra mỗi thuyền cũng phân ra một người chịu trách nhiệm chỉ huy khác, trong thủy quân thường gọi là người kì trưởng. Người này phải là người nắm rõ các hiệu lệnh trong quân ngũ, đồng thời cũng phải là người có hành động
35
Nguyễn Việt, Vũ Minh Giang, Nguyễn Mạnh Hùng (2012), Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm, Nxb Quân đội nhân dân, tr,247.
chính xác nhất bởi việc chỉ huy chủ yếu bằng hành động không phải bằng lời nói nên phải luyện tập thuần thục. Người lính phải nghe hiệu lệnh của người kì trưởng, nếu có người nào không tuân thủ quân mệnh, người cầm cờ trong đội sẽ bị chặt đầu ngay tức khắc và được thay thế bằng người khác giỏi hơn trên thuyền. Hầu hết quân mệnh đều được thể hiện bằng hành động nên cần lính phải học thuộc và rất mực tập trung.
Việc thưởng phạt được áp dụng rộng rãi trong quân đội không kể binh hay quan. Khi diễn tập nếu bắn trúng 3 phát liên tiếp sẽ được thưởng một tấm nhiễu hồng. Nhưng nếu việc binh không nghiêm các quan chịu trách nhiệm cũng sẽ phải chịu phạt. Đại nam thực lục có chép: “Kỉ Sửu, năm thứ 18 (1709), mùa xuân, tháng giêng chúa đến trường Vạn Xuân để thao diễn bộ binh. Trước kia các quân thao diễn trời tạnh mặc nhung phục, trời mưa thì mặc thường phục. Hôm ấy trời tạnh ráo, trong quân còn có người mặc thường phục, Chúa giận là trái lệnh, phạt chức nội tả, nội hữu và các nội ngoại đội trưởng theo thứ bực”36
. Việc phân biệt quân phục là để dễ phân định được người lính đó thuộc binh chủng nào, ngoài ra còn thể hiện sự đồng đều của binh lính, nên việc xử phạt là đương nhiên vì binh không nghiêm tức phép vua chưa thành. Chúa phải xử phạt nghiêm minh để răn đe những kẻ khác.
Bởi lẽ vương quốc Đàng Trong được tạo lập và tồn tại do chiến tranh nên kỷ luật quân đội rất được tuân thủ. Người chỉ huy đoàn chiến thuyền luôn luôn là vị đông cung thái tử đương thời. Các con của Chúa sẽ được phân định quản lãnh binh lính để tập làm việc binh, chỉ huy quân đội, đây cũng là cơ hội để các hoàng tử thể hiện mình đối với vua cha. Họ đều đua nhau lập chiến công cũng như điều hành tốt quân đội để nhận được sự khen ngợi của Chúa
Mỗi chiến thuyền đều có 3 sĩ quan, 6 đại bác nhỏ, hai người giám lộ, 60 lính hay tay chèo và trống. Có một lối đi ở phía trước và hai mảnh nhỏ ở hai bên sườn. Thuyền đều có sự sắp xếp quy củ và cũng có những quy định
36
Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục (tập 1), Viện khoa học và xã hội Việt Nam- Viện sử học, Nxb Giáo dục, tr,123.
chung, người lính trên thuyền sẽ được phân chia vào những công việc khác nhau như chèo thuyền, lái thuyền, sửa chữa… còn lại sẽ làm nhiệm vụ tác chiến và quan sát. Thuyền thường có 30 mái chèo mỗi bên; mỗi người giữ một mái chèo. Lái và mũi để tự do, và đó là vị trí của sĩ quan, không có gì rõ ràng cả. Bên ngoài thuyền là một lớp sơn đen, bên trong sơn lớp sơn màu đỏ mà người ta rất tự hào. Các mái chèo đều thếp vàng có dây buộc lại với mạn thuyền, khi cần người lính có thể buông tay chèo mà cầm vũ khí chiến đấu ngay lập tức. Người chèo thuyền cũng là lính, dưới chân họ có một khẩu súng hỏa mai, một dao găm, một chiếc cung và một chiếc Carcois; họ bị cấm một điều khó khăn nhất trong đời là không được nói một lời nào. Họ luôn luôn phải nhìn người chỉ huy, với chiếc đũa trong tay diễn tả tất cả các lệnh lạc. Mọi tay chèo đều chèo đứng, mặt hướng về mũi thuyền nơi có người chỉ huy. Tất cả ở đây đều hòa hợp, y như một thầy dạy nhạc đánh nhịp để cho mọi nhạc công của mình nghe rõ hơn, một người chỉ huy chiến thuyền ở Đàng Trong cũng dùng động tác với chiếc đũa của mình để được vâng lời; vì không mở miệng, ông ta làm điệu tiến lên, lùi lại, rút vũ khí mà ông thích, mọi thao tác được điều chỉnh theo nhịp của chiếc đũa37. Người chỉ huy cũng là người đứng ở vị trí nguy hiểm nhất của chiếc thuyền, cũng là người đầu tiên xung phong khi lâm trận.