Giải pháp cơ chế chính sách

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bước đầu ước tính chi phí lợi ích về kinh tế môi trường trong việc sản xuất điện từ rơm rạ trên đồng ruộng tại việt nam​ (Trang 61 - 63)

Mặc dù Việt Nam đã có nhiều căn cứ pháp lý về việc nghiên cứu, phát triển điện sinh khối, hiện nay vẫn đang thiếu các cơ chế, chính sách cụ thể để khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và triển khai việc sản xuất điện sinh khối trong điều kiện thực tế. Việc có được những điều kiện thuận lợi về vốn (lãi vay, thời gian vay, nguồn vốn cho vay) và ưu đãi giá (giá bán điện sinh khối, trợ giá nhiên liệu sinh khối, giá bán điện từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác), cũng như các điều điện về công nghệ, cơ sở hạ tầng, sử dụng đất là vô cùng quan trọng để có thể triển khai việc sản xuất điện sinh khối với quy mô điện nối lưới.

Vai trò của Chính phủ là hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy, ưu tiên phát triển và sử dụng điện sinh khối. Những lợi ích về môi trường và xã hội của điện sinh khối nói chung và điện rơm nói riêng, cùng những tác hại đối với môi trường - xã hội

của các loại nhiên liệu hóa thạch đều chưa được phản ánh chính xác trong mức giá của chúng, do đó, điện sinh khối sẽ gặp những điều kiện bất lợi khi cạnh tranh với điện từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch khác. Đặc biệt, điện vẫn là mặt hàng độc quyền của Chính phủ, vì thế việc điều tiết sản xuất điện từ nhiều nguồn khác nhau do Chính phủ đảm nhiệm. Việc tiếp tục trợ giá cho điện than và xây mới nhiều nhà máy thủy điện khiến cho điện sinh khối càng gặp khó khăn khi triển khai trong thực tế, khi mà giá bán giá thấp cùng với chi phí đầu tư - vận hành cao đã cho thấy một thời gian hoàn vốn dài và có thể là điều kiện bất lợi khi tìm kiếm các nhà đầu tư. Một số giải pháp về cơ chế- chính sách được tham khảo và đưa ra để giúp khắc phục các điểm yếu và bất lợi đã được trình bày ở trên:

3.4.1.1 Giải pháp về vốn và thuế

- Chính phủ cần có các gói vay ưu đãi cho nhà đầu tư để vay vốn, mức vay tối đa đến 80%. Thời hạn cho vay lâu hơn thời gian cho vay hiện hành, từ 12-15 năm. Lãi suất vay dành cho các dự án điện sinh khối thấp hơn lãi suất cho vay doanh nghiệp hiện hành.

- Có cơ chế huy động nguồn vốn từ các quỹ đầu tư cho các dự án điện sinh khối.

- Có cơ chế chia sẻ rủi ro: Sử dụng ngân sách từ các quỹ tài chính khí hậu để thực hiện cơ chế bảo lãnh cho các dự án sinh khối, giúp ngân hàng giảm thiểu rủi ro khi cho vay nguồn vay lớn và từ đó có khả năng cung cấp nhiều gói cho vay ưu đãi.

- Có cơ chế ưu đãi cụ thể và ưu tiên đối với thuế doanh nghiệp và lãi suất vay ngân hàng của các ngân hàng nhà nước cho các dự án phát triển điện sinh khối.

3.4.1.2 Giải pháp về hạ tầng đất đai

- Miễn, giảm tiền thuê đất, tiền sử dụng đất cho các dự án điện sinh khối và công trình đường dây, trạm biến áp đấu nối với lưới điện quốc gia

- Ưu tiên sử dụng đất đối với các dự án phát triển điện rơm, đặc biệt là tại các địa điểm thuận tiện cho việc thu gom, vận chuyển, lưu giữ rơm rạ từ các vùng canh tác lân cận.

3.4.1.3 Giải pháp về biểu giá

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy định thực hiện phát triển điện sinh khối, cụ thể và công khai mẫu hợp đồng mua bán điện cho các dự án điện sinh khối.

60

- Thiết kế biểu giá điện sinh khối dựa trên nguyên tắc nhà đầu tư có thể thu hồi chi phí và có lợi nhuận.

- Dừng trợ giá đối với giá điện than và điện từ các nguồn nhiên liệu không tái tạo khác để đảm bảo tính cạnh tranh giữa loại điện sinh khối và điện không tái tạo.

3.4.1.4 Giải pháp về thủ tục hành chính

- Đơn giản hóa các thủ tục đầu tư, phát triển dự án điện sinh khối để tăng cường khả năng tiếp cận với dự án của các nhà đầu tư

- Tăng cường điều tra, khảo sát thông tin về tiềm năng thực tế và tính khả thi của việc sản xuất điện sinh khối nói chung và điện rơm nói riêng tại từng khu vực cụ thể. Có đánh giá về tình hình kinh tế - môi trường - xã hội và nguồn nhiên liệu sẵn có tại địa phương.

- Xây dựng quy hoạch phát triển điện sinh khối theo từng Tỉnh, vùng, đặc biệt tập trung vào các tỉnh thành có công suất tiềm năng cao >30 MW (Hình 3.3)

- Xây dựng cơ chế khuyến khích và có nguồn quỹ cho việc nghiên cứu, phát triển và vận hành thử nghiệm việc sản xuất điện năng từ rơm rạ trong các hội nghị, hội thảo nghiên cứu khoa học các cấp.

- Có kế hoạch hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc phát triển nhân lực, đào tạo và tập huấn về năng lượng sinh khối nói chung và nhiên liệu rơm rạ nói riêng.

- Xây dựng và phát triển các ngành công nghệ phụ trợ, công nghệ sản xuất điện sinh khối trong nước, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất NLSK, học tập mô hình sản xuất điện rơm từ các quốc gia đi trước.

- Thiết kế và ban hành các tiêu chuẩn quốc gia về chất lượng thiết bị nhà máy điện sinh khối. Có bộ quy chuẩn và hướng dẫn vận hành nhà máy điện sinh khối để đảm bảo an toàn, chất lượng và tăng hiệu quả sản xuất.

- Hình thành và phát triển thị trường mua - bán điện sinh khối và điện rơm nói riêng. Đẩy mạnh sự tham gia của tư nhân và người dân trong việc mua, bán nhiên liệu và sản xuất điện. Từng bước giảm dần sự độc quyền trong mua bán điện để tạo lợi thế cạnh tranh cho điện rơm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) bước đầu ước tính chi phí lợi ích về kinh tế môi trường trong việc sản xuất điện từ rơm rạ trên đồng ruộng tại việt nam​ (Trang 61 - 63)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(82 trang)