(The Law of Sacrifice)
Sự học hỏi luật hy sinh theo sau một cách tự nhiên việc học hỏi luật nhân quả. Một vị Chân Sư có nói rằng, sự hiểu biết luật hy sinh cũng cần thiết cho con người như sự hiểu biết luật nhân quả. Do sự hy sinh, Thượng Đế biểu hiện tạo nên vũ trụ, nhờ đó vũ trụ được duy trì và con người đạt tới toàn thiện.36
Như thế mỗi tôn giáo phát xuất từ minh triết cổ truyền đều có giáo huấn chính yếu là luật hy sinh, và vài chân lý thâm sâu của huyền bí học cũng bắt nguồn từ luật hy sinh.
Một sự cố gắng am hiểu bản chất hy sinh của Thượng Đế, dù còn mơ hồ, cũng có thể giúp chúng ta tránh được sự lầm lạc rất thông thường cho rằng hy sinh là một điều rất đau khổ, trong khi chính tinh túy của luật hy sinh là tự nguyện và hân hoan tuôn tràn sự sống mà mọi người có thể cùng dự phần. Sự đau khổ chỉ nảy sinh khi nào có bất hòa trong bản chất của hy sinh, giữa người có tấm lòng cao cả cho ra và người thấp kém chỉ biết thỏa mãn bằng cách giành lấy và giữ chặt cho mình, chính sự bất hòa này là nhân tố của đau khổ. Trong sự hoàn thiện tối cao của Thượng Đế, không bất hòa nào có thể nảy sinh. Đấng Duy Nhất vốn là một hòa âm tuyệt hảo với muôn loài vạn vật, một giai điệu du dương bất tận với tất cả cung bậc cùng một âm điệu đơn thuần ; ở đó Sự Sống, Minh Triết và Phúc Lạc được hòa tan vào nhau trong một chủ âm của cuộc Sinh Tồn.