phối hợp những phần trong tổng số nhân quả của một người và thiết lập chương trình cho mỗi kiếp sống. Các Ngài đưa ra ý kiến về việc tạo nên xác thân vật chất, là y phục của linh hồn lúc tái sinh, để có thể biểu lộ khả năng cũng như hạn chế của một người. ‘’Ý kiến’’ của các Ngài được các vị Maharajas tiếp nhận và dùng làm căn bản cho một kiểu mẫu với đầy đủ chi tiết, kế đến giao cho một trong những phụ tá của các Ngài làm bản sao; bản sao này chính là thể dĩ thái hay là thể phách (etheric double), cái khuôn của thể xác đậm đặc. Những chất liệu để tạo nên thể này được rút ra từ người mẹ và là vấn đề thuộc sự di truyền vật chất. Chủng tộc, quê hương, cha mẹ được chọn theo khả năng có thể cung cấp chất liệu thích hợp cho thể xác vật chất của linh hồn sắp tái sinh, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho đời sống lúc đầu. Sự di truyền thể chất của gia đình cho ra vài loại tính chất đặc biệt do sự kết hợp các chất liệu, như: bệnh tật di truyền, sự nhạy cảm di truyền của hệ thần kinh, tất cả biểu hiện sự phối hợp chính xác chất liệu vật chất và có khả năng truyền đạt. Một linh hồn có thể trí và thể vía phát triển đặc biệt, cần một thể xác có những tính chất đặc biệt để biểu lộ, sẽ được đưa đến những cha mẹ cho di truyền vật chất có thể đáp ứng những điều kiện này. Như một linh hồn có khả năng tiến bộ cao về âm nhạc, có thể được hướng dẫn tái sinh vào một gia đình nhạc sĩ, để được cung cấp chất liệu tạo thành thể dĩ thái và thể xác sẵn sàng thích ứng với nhu cầu của nó, và loại di truyền của hệ thần kinh trang bị thật tinh tế cho nhu cầu biểu lộ năng khiếu. Một linh hồn thuộc loại rất xấu xa sẽ đầu thai vào một gia đình thô lỗ, độc ác, thể xác của họ toàn là sự phối hợp những chất thô trược, đê tiện, để đáp ứng với những rung động của chính thể trí và thể vía của họ. Một linh hồn đã không tự kiểm soát được, để cho thể vía và hạ trí dẫn dắt quá trớn chìm đắm trong rượu chè say sưa, chắc chắn sẽ tái sinh vào một gia đình có hệ thần kinh yếu kém và cha mẹ là kẻ nghiện ngập, sẽ truyền lại bệnh tật cho thể xác của nó. Các Đấng Chưởng Quản Nhiệp Quả chỉ đạo và điều chỉnh những phương tiện cho đến cuối cùng, để bảo đảm sự thực thi công lý. Còn linh hồn vẫn mang theo tài sản nghiệp quả, những khả năng cũng như dục vọng của nó, và nó sẽ nhận được một thể xác thích hợp cho sự biểu lộ của những thể cao hơn.
Linh hồn phải trở lại cõi trần đến khi nào đã trả xong các món nợ đời, cũng như đã chấm dứt nghiệp quả cá nhân, và trong mỗi kiếp luân hồi, tư tưởng và dục vọng của cá nhân lại phát sinh nghiệp quả mới. Câu hỏi có thể
được đặt ra là: ‘’Làm thế nào để chấm dứt sự trói buộc này? Làm sao linh hồn được giải thoát?’’ Vậy chúng ta phải đề cập đến sự ‘’chấm dứt nghiệp’’, và nghiên cứu về sự kiện này.
Trước tiên chúng ta phải nắm vững yếu tố ràng buộc của nhân quả. Năng lực hướng ngoại của linh hồn trói buộc nó với vài đối tượng, sự ràng buộc này kéo linh hồn đến với đối tượng mà nó ưa thích. Chừng nào linh hồn còn đeo níu vào bất cứ một đối tượng vật chất nào, nó phải bị lôi kéo đến nơi có thể đạt được đối tượng đó. Nhân quả tốt cũng như nhân quả xấu đều trói buộc linh hồn. Bất cứ sự ham muốn nào ở cõi vật chất hay ở cõi thiên đàng, đều lôi kéo linh hồn đến cõi đó để thụ hưởng.
Chính dục vọng thúc đẩy hành động, vậy một hành động được thực hiện không phải vì lợi ích cho chính nó mà là để cho dục vọng đạt được những kết quả của nó, nói theo danh từ kỹ thuật là vui hưởng kết quả của hành động. Con người làm việc, không phải vì họ thích đào đất, xây cất, hay dệt vải mà để hưởng kết quả do sự đào đất, xây cất, dệt vải đem lại dưới hình thức tiền bạc hay tài sản. Một luật sư biện hộ không phải để trình bày rõ ràng các sự kiện, mà là vì tiền bạc, danh tiếng, địa vị. Phần đông con người đang làm việc để đạt những điều gì đó, và bị thúc đẩy do lòng mong muốn đạt được kết quả, chớ không do một nhiệm vụ đặc biệt. Sự ham muốn thu thập kết quả thúc giục họ hoạt động, để rồi vui hưởng kết quả như là phần thưởng của sự cố gắng.
Dục vọng là yếu tố trói buộc chúng ta vào nghiệp quả. Khi một linh
hồn không còn ham muốn bất cứ điều gì ở cõi trần hay cõi thiên đàng, thì mọi điều ràng buộc với bánh xe luân hồi trở lại ba cõi sẽ được tháo gỡ. Hành động tự nó không có năng lực trói buộc linh hồn, vì khi đã hoàn tất, hành động tự biến ngay vào dĩ vãng. Nhưng tham vọng phục hồi kết quả không ngớt thúc đẩy linh hồn lao vào những hoạt động khác, và những sợi xích trói buộc mới liên tục được trui rèn.
Chúng ta không nên cảm thấy tiếc khi thấy những người bị sức mạnh của dục vọng liên tục thúc đẩy vào hành động; vì nhờ dục vọng, họ chiến
thắng tính lười biếng, sự uể oải, tính ù lì35 và thúc giục con người hoạt động để có được kinh nghiệm. Hãy để ý người hoang dã, họ lười biếng nằm ngủ trên cỏ dại; họ bị bắt buộc phải hoạt động do cái đói, do ham muốn có thức ăn và phải tập kiên nhẫn, khéo léo, chịu đựng. Nhờ đó, thể trí của họ phát triển, nhưng khi đã thỏa mãn nhu cầu, họ chìm đắm trở lại trong sự mơ màng như loài thú. Biết bao khả năng trí tuệ được tiến bộ trọn vẹn do sự kích thích của dục vọng, biết bao điều hữu ích do lòng háo danh, muốn để lại tiếng tăm sau khi chết. Ngay đến khi con người tiến gần đến thiêng liêng, họ vẫn cần sự thúc giục của ham muốn, và ham muốn trở nên trong sạch hơn, bớt ích kỷ hơn khi họ tiến lên cao. Dù sao, dục vọng thấp hèn vẫn trói buộc con người vào vòng luân hồi, nếu muốn giải thoát, phải tiêu diệt chúng.
Khi một người khởi sự ước mong được giải thoát, họ được chỉ dạy phải thực hiện sự ‘’từ bỏ những thành quả của hành động,’’ như thế, họ phải dần dần loại hết những khát khao chiếm hữu bất cứ một sự vật nào. Trước hết phải suy nghĩ kỹ và tự nguyện từ bỏ những đối tượng vật chất, và tập thói quen hài lòng mà không cần sự vật đó. Sau một thời gian, họ không cảm thấy thiếu vắng sự vật đó và lòng ham muốn sự vật đó hầu như biến mất khỏi tâm trí. Vào giai đoạn này, họ cần rất thận trọng, không xao lãng bất cứ một nhiệm vụ nào, bởi vì họ phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ với sự chú tâm chân thành, trong khi vẫn hoàn toàn lãnh đạm đối với sự hưởng thụ kết quả của việc làm. Khi con người đã đạt được sự việc này một cách hoàn hảo, không còn một điều ham muốn hay ghét bỏ đối với bất cứ đối tượng nào, họ sẽ không còn tạo nghiệp quả nữa. Con người cũng không đòi hỏi một điều gì nơi cõi trần hay cõi thiên đàng và không bị lôi cuốn vào cõi nào cả. Khi họ không còn ham muốn điều gì thì tất cả những sự kết nối họ với mọi sự vật đã được cởi bỏ, đến đây cá nhân không còn gây nghiệp quả mới nữa.
Không những linh hồn phải chấm dứt tạo ra sợi xích mới mà còn phải cởi bỏ sợi xích cũ, hoặc để sợi xích cũ hao mòn dần, hay cẩn thận chặt đứt nó. Trí thức rất cần thiết để bẻ gãy sợi xích này; người trí thức có thể nhìn về quá