(a) Địa điểm thực hiện: Phòng thí nghiệm và nhà lưới Khoa Nông nghiệp –
Thủy sản, Trường Đại học Trà Vinh.
(b) Phương pháp thực hiện
Bước 1: Định danh
Mẫu côn trùng được thu thập tại nơi khảo sát (khoảng 20 lá, mỗi lá mang 1 quần thể) và được định danh bởi PGS. TS Nguyễn Thị Thu Cúc (chuyên ngành Sinh học động vật), Khoa Nông nghiệp và Sinh học ứng dụng, Trường Đại Học Cần Thơ.
Bước 2: Khảo sát hình thái và đặc tính sinh học
Cây xoài được mua về trồng trong nhà lưới với đất trộn phân chuồng và tưới phân hóa học cho cây 1 tuần 1 lần. Sau khi trồng cây khoảng bốn tuần, thấy cây phát triển bình thường thì tiến hành chủng RSG lên cây.
Chọn lá xoài có RSG cái mang trứng đến giai đoạn sắp nở (ổ trứng đầy bên trong màu hồng) tại địa phương, dùng kẹp giấy kẹp lên lá xoài đã được trồng sẵn trong nhà lưới, quan sát hằng ngày cho đến khi thấy ấu trùng RSG di chuyển từ lá xoài địa phương sang cây xoài trong nhà lưới. Tiến hành theo dõi sự phát triển và phát tán của RSG từ khi thấy ấu trùng tuổi 1 xuất hiện lần 1 cho đến khi thấy ấu trùng tuổi 1 xuất hiện lần 2 và ghi nhận thời gian. Vòng đời được khảo sát được tiến hành trên 30 quần thể RSG, đặc điểm hình thái khảo sát 30 cá thể, thành trùng đực khảo sát trên 11 cá thể. Trong quá trình thực hiện vẫn duy trì nguồn RSG trên cây xoài trong nhà lưới để quan sát bổ sung.
(c) Chỉ tiêu theo dõi:
- Đặc điểm hình thái của trứng, ấu trùng, thành trùng - Chu kỳ sinh trưởng của côn trùng nghiên cứu - Cách phát tán của côn trùng nghiên cứu