7. Bố cục của Luận án
1.2. Đánh giá kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học có liên quan đến
đề tài luận án và những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu
1.2.1. Đánh giá kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học liên quan đến đề tài tài
Mặc dù các công trình khoa học nêu trên không trùng với đề tài luận án nhưng ở các mức độ khác nhau, có chứa đựng những vấn đề liên quan đến nội dung của đề tài luận án. Cụ thể gồm các vấn đề sau:
Thứ nhất, các công trình đã xây dựng được các khái niệm về quyền con người, quyền của NLĐ; khái niệm về bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền của NLĐ; phân biệt, so sánh giữa bảo vệ quyền của NLĐ trong mối tương quan với bảo vệ quyền con người; sự cần thiết phải bảo vệ quyền của NLĐ trong QHLĐ, đặc biệt vấn đề bảo vệ quyền của NLĐ trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế.
Thứ hai, các công trình đã nghiên cứu một số vấn đề lý luận về bảo vệ quyền của NLĐ với tư cách là một chủ thể yếu thế trong QHLĐ, NLĐ có nguy cơ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị xâm phạm (hoặc bị đe dọa xâm phạm) đến các quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong quá trình lao động, đặc biệt dưới tác động của quá trình toàn cầu hóa và sức ép của sự cạnh tranh đã tạo ra nhiều nguy cơ đe dọa, làm ảnh hưởng đến các quyền của NLĐ. Các nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng để tác giả tham khảo và kế thừa trong quá trình nghiên cứu luận án của mình. Tuy nhiên, các công trình chưa tiếp cận thấu đáo về lý thuyết vấn đề bảo vệ quyền của NLĐ trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của Hiệp định CPTPP.
Thứ ba, các công trình nghiên cứu đã phần nào đánh giá được thực trạng pháp luật ở Việt Nam có nội dung liên quan đến các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản của ILO về bảo vệ quyền của NLĐ được đề cập trong Hiệp định CPTPP như quyền tự do liên kết và TLTT; chấm dứt mọi hình thức lao động cưỡng bức hoặc ép buộc; loại bỏ một cách hiệu quả LĐTE, cấm các hình thức LĐTE tồi tệ nhất; chấm dứt phân biệt đối xử về việc làm, nghề nghiệp. Đây được xem là những các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản được thừa
nhận rộng rãi trên phạm vi toàn cầu, được một số FTA, trong đó có CPTPP “lồng ghép”
vào trong nội dung các cam kết của mình, có giá trị ràng buộc đối với các quốc gia thành viên. Đồng thời, thông qua các nghiên cứu này các tác giả đã chỉ ra được một số nội dung đã tương thích, phù hợp bên cạnh những nội dung còn khác biệt, chưa phù hợp của pháp luật Việt Nam với các quy định liên quan đến các tiêu chuẩn lao động của ILO. Từ đó,
đánh giá được “mức độ” tương thích và phù hợp trong các quy định của pháp luật Việt
Nam so với các quy định của Hiệp định CPTPP về bảo vệ quyền của NLĐ.
Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu này chủ yếu mới tiếp cận nghiên cứu đến một hoặc một nhóm các quyền cụ thể của NLĐ mà chưa có sự nghiên cứu tổng thể và toàn
diện, có hệ thống các quyền cơ bản của NLĐ trên cơ sở Tuyên bố năm 1998 của ILO được đề cập trong Hiệp định CPTPP.
Thứ tư, các công trình nghiên cứu đã chỉ ra được một số tồn tại, hạn chế trong thực tiễn áp dụng pháp luật về bảo vệ quyền của NLĐ theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản của ILO. Những tồn tại, hạn chế này được phân tích và đánh giá do những nguyên nhân khách quan và chủ quan, đặc biệt là sự khác biệt về thể chế chính trị, điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ phát triển, truyền thống văn hóa… của mỗi quốc gia. Tuy nhiên, các
nghiên cứu đều có chung nhận định rằng, việc “việc luật hóa” các quy định pháp luật quốc
gia theo các tiêu chuẩn lao động quốc tế là một trong những yêu cầu bắt buộc trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cụ thể là việc tham gia các FTA, khi mà vấn đề bảo vệ
quyền của NLĐ luôn là nội dung luôn “hiện diện” trong các FTA thế hệ mới.
Thứ năm, ở phạm vi và mức độ khác nhau, nhiều công trình đã đưa ra các giải pháp để nâng cao hiệu quả thực thi và hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền của NLĐ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và việc gia nhập các FTA thế hệ mới nói riêng. Phần lớn các kiến nghị được đề xuất trên cơ sở phân tích những hạn chế trong các quy định của pháp luật có nội dung liên quan đến vấn đề bảo vệ quyền của NLĐ, đặc biệt là những quyền lao động cơ bản, cốt lõi của NLĐ. Việc bảo vệ, bảo đảm các quyền cơ bản của NLĐ theo yêu cầu của Hiệp định CPTPP không những đảm bảo việc thực thi và tuân thủ đầy đủ các cam kết của Việt Nam mà còn góp phần bảo vệ thực chất, hiệu quả hơn quyền con người, quyền của NLĐ trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
1.2.2. Những vấn đề luận án tiếp tục nghiên cứu
Mặc dù pháp luật lao động Việt Nam đã tạo hành lang pháp lý vững chắc cho sự phát triển của các QHLĐ, đáp ứng yêu cầu khách quan của nền kinh tế thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều các quy định của pháp luật lao động còn chưa tương đồng và phù hợp với các tiêu chuẩn lao động của ILO được đề cập trong Hiệp định CPTPP, tình trạng các vi phạm pháp luật về lao động vẫn còn diễn ra phổ biến với những mức độ và phạm vi khác nhau. Do đó, trên cơ sở tiếp thu, kế thừa những tư tưởng khoa học, những kết quả nghiên cứu của những công trình trước đó, luận án tiếp tục nghiên cứu, luận giải những vấn đề mà các tác giả chưa nghiên cứu, tiếp cận hoặc nghiên cứu, tiếp cận chưa đầy đủ, cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu để xây dựng khung lý luận về bảo vệ quyền của NLĐ trên cơ sở tiếp cận quyền con người và các công ước quốc tế.
Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, tiếp cận một cách thấu đáo từ phương diện lý luận về khái niệm, đặc điểm và sự cần thiết về bảo vệ quyền của NLĐ và nghiên cứu làm rõ các nội dung và biện pháp bảo vệ quyền của NLĐ.
Thứ ba, nghiên cứu, đánh giá thực trạng pháp luật và thực tiễn thực thi pháp luật về
bảo vệ quyền của NLĐ ở Việt Nam, nhằm đánh giá được “mức độ” tương thích, phù hợp
của pháp luật Việt Nam so với các yêu cầu bảo vệ NLĐ của Hiệp định CPTPP, chỉ rõ những tồn tại trong các quy định của pháp luật và những vướng mắc trong thực tiễn thực thi các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền của NLĐ tại Việt Nam trong những năm qua.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu về định hướng hoàn thiện pháp luật về bảo vệ quyền của NLĐ, từ đó đề xuất một số kiến nghị. Cùng với đó, luận án tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện pháp luật về bảo vệ quyền của NLĐ trong điều kiện Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP.