7. Bố cục của Luận án
2.1. Khái niệm, đặc điểm và ý nghĩa bảo vệ quyền của người lao động
2.2.1. Khái niệm pháp luật về bảo vệ quyền của người lao động
Quyền của NLĐ và bảo vệ quyền của NLĐ luôn là nội dung quan trọng được pháp luật của các quốc gia trên thế giới ghi nhận và điều chỉnh. Tuy nhiên, xuất phát từ chế độ chính trị, chế độ sở hữu, cơ chế quản lý kinh tế, quan điểm về bảo vệ quyền của NLĐ ở mỗi quốc gia và ở những thời điểm lịch sử nhất định mà pháp luật của các quốc gia có những quy định khác nhau về quyền của NLĐ, cũng như những nội dung của việc bảo vệ các quyền của NLĐ trong QHLĐ.
Xuất phát từ quan điểm NLĐ luôn bị phụ thuộc vào NSDLĐ về cả mặt kinh tế và mặt pháp lý trong quá trình quản lý lao động và việc bảo vệ NLĐ đặt trong mối quan hệ pháp luật lao động là để phòng ngừa và chống lại mọi sự xâm hại đến từ phía NSDLĐ trong quá trình lao động nên pháp luật của hầu hết các quốc gia trên thế giới đã có những quy định về quyền và bảo vệ quyền của NLĐ khi tham gia các QHLĐ bằng việc ban hành các quy phạm pháp luật, điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm mục đích bảo vệ quyền của NLĐ trong mối tương quan hợp lý với bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NSDLĐ. Bởi về bản chất, QHLĐ trong thị trường là quan hệ mua bán hàng hóa sức lao
động, vì vậy nó cũng phải tuân thủ những quy luật khách quan của thị trường. Sự bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên về quyền, lợi ích và nghĩa vụ là khó tránh khỏi [100, tr.26]. Pháp luật của các quốc gia khi quy định nội dung về quyền và bảo vệ quyền của NLĐ cũng có những hình thức quy định khác nhau. Đó có thể là những quy định mà NLĐ được phép thực hiện khi tham gia QHLĐ như quyền được thành lập, gia nhập và tham gia tổ chức công đoàn, tổ chức của NLĐ tại doanh nghiệp nơi mình đang làm việc; tiến hành các hoạt động TLTT với NSDLĐ,… hoặc đó có thể là những hành vi (hoạt động) khác mà NSDLĐ bị pháp luật cấm không được làm để bảo vệ NLĐ như cấm những hành vi ép buộc, cưỡng bức lao động đối với NLĐ; những hành vi sử dụng LĐTE vào những công việc thuộc danh mục bị pháp luật cấm; những hành vi phân biệt, loại trừ hoặc ưu tiên dựa trên chủng tộc, màu da, nguồn gốc quốc gia hoặc nguồn gốc xã hội, dân tộc, giới tính, độ tuổi, tình trạng thai sản, tình trạng hôn nhân, tôn giáo, tín ngưỡng, chính kiến, khuyết tật, trách nhiệm gia đình hoặc trên cơ sở tình trạng nhiễm HIV,… Như vậy, có thể thấy rằng pháp luật lao động
là công cụ quan trọng để biến nhu cầu này thành các “quyền” của NLĐ bằng việc ghi nhận
và đảm bảo thực hiện nó trong mối tương quan với “nghĩa vụ” của NSDLĐ.
Thực chất các cam kết của các quốc gia thành viên Hiệp định CPTPP về vấn đề lao
động là việc các quốc gia thành viên của hiệp định này có nghĩa vụ “thông qua” và “duy
trì” những quyền cơ bản của NLĐ được nêu trong Tuyên bố của ILO năm 1998 với các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. Tiêu chuẩn lao động (labour standard) được ILO xây dựng, được thể hiện trong các công ước và các khuyến nghị có giá trị đối với các quốc gia thành viên trong đó đặc biệt có ý nghĩa đối với các quốc gia phê chuẩn.
Bản chất các tiêu chuẩn lao động là những quy phạm về điều kiện lao động được xác lập dưới những hình thức nhất định làm cơ sở cho việc xây dựng và vận hành QHLĐ. Các tiêu chuẩn lao động được đưa ra với những mục đích chính trị, kinh tế, xã hội khác nhau. Song động cơ chính yếu là nhằm thúc đẩy việc cải thiện điều kiện lao động và thực hiện các nguyên tắc cơ bản của luật lao động [87, tr.46]. Các quốc gia phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các công ước, khuyến nghị nhưng vẫn có thể chuyển tải tinh thần các văn kiện của ILO vào pháp luật của quốc gia mình, với mục tiêu bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của NLĐ, NSDLĐ và tạo điều kiện xây dựng QHLĐ tiến bộ, hài hòa, ổn định.
Từ những nghiên cứu về bảo vệ quyền của NLĐ và những quy định của pháp luật về quyền này, có thể hiểu pháp luật về bảo vệ quyền của NLĐ trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP là tổng hợp các quy phạm pháp luật do Nhà nước đặt ra, ban hành, thừa nhận hoặc phê chuẩn điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong việc phòng ngừa và chống lại mọi sự xâm phạm đến quyền của NLĐ trong Hiệp định CPTPP, trong đó Việt Nam và các quốc gia thành viên của hiệp định này phải tuân thủ, thực hiện nhằm bảo vệ hiệu quả, thực chất các quyền cơ bản của người lao động khi tham gia QHLĐ.