40. Āmantanā hoti sahāyamajjhe vāse ṭhāne gamane cārikāya,
anabhijjhitaṃ seritaṃ pekkhamāno eko care khaggavisāṇakappo.
Giữa bạn bè thân hữu, Bị gọi lên gọi xuống, Tại chỗ ở trú xứ,
Hay trên đường bộ hành. Thấy tự do giải thoát, Không có gì tham luyến, Hãy sống riêng một mình Như tê ngưu một sừng. (HT Thích Minh Châu dịch)
“Hễ còn bè bạn thì bất cứ chỗ nào cũng bị phiền phức bởi những phiếm luận dây dưa, kẻ nhận thức được những gì không thật sự cần thiết, hãy lên đường độc hành như loài tê ngưu”.
DUYÊN SỰ:
Vua Baranasi có một nhóm đại thần thân tín. Vua tôi xem nhau như bè bạn. Điều đó xem ra có nhiều cái hay nhưng đôi lúc cũng gây phiền phức cho vua không ít. Vì không muốn xử bạc ai nên đối với vị đại thần nào vua cũng chiều lòng để không người nào thấy mình là bị rẻ rúng. Mà vua thì dĩ nhiên chỉ có một. Một người không sao làm vui lòng hết mọi người trong một lúc và thế là biết bao chuyện rắc rối cứ xảy ra triền miên. Thôi thì đủ thứ ghen tỵ, mặc cảm, tự ái, dèm xiểm, cạnh khóe cứ hòa quyện vào nhau để tạo ra trong triều đình một không khí không thể chịu nổi.
27
Lần đó, nhân lúc vua đang ngồi một mình, một vị đại thần đến mời ông vào chỗ vắng để bàn chuyện cơ mật gì đó. Vua chưa ngồi được bao lâu thì một viên đại thần khác lại vào mời đi tuần du thành phố. Để chiều lòng, vua cũng lên voi ra phố. Ngang qua thượng uyển, một vị quan nằng nặc thỉnh vua vào vườn ngự để dạo cảnh còn một vị khác thì lại kiên quyết ngăn cản. Thấy cứ sống chiều người khác là một điều phiền toái, vua tuyên bố bỏ ngôi đi xuất gia để lại toàn bộ vương quốc cho đám đại thần mặc tình chia chác nhau.
Thế nhưng mọi việc vẫn chưa ổn thoả như vua nghĩ. Nhóm đại thần đầu triều không ai chịu nhường ai những phần lãnh thổ trù phú. Họ cãi vã, tranh giành, xung đột nhau, rồi cuối cùng dẫn nhau đi tìm đức vua lúc đó đã xuất gia để nhờ phân xử bởi dù gì họ vẫn cứ xem ông như một người cha.
Trước mặt vua, các vị đại thần chẳng nể nang gì nhau nữa, họ buộc tội nhau rồi công kích, vạch lỗi nhau thậm tệ. Cảm thấy mình bị quấy rầy nhiều quá, vua Baranasi ngán ngẩm: “Thật chẳng biết phải sống sao cho vừa lòng người, nhân tâm cứ trắc trở rối ren thế này thì chỉ còn có cách bỏ hết lại sau lưng để độc cư một mình”.
Thế rồi sau tư tưởng dứt khoát đó, vua Bārāṇasī đem khổ lòng yếm thế của mình vào một hướng tư duy khác. Ông thực chứng được bản chất của vạn pháp và trở thành một đức Phật Độc Giác. Rồi để nhắc lại nguồn động lực đã đưa mình ra khỏi dòng đời phiền luỵ, Ngài đã chọn bài kệ trên làm lời cảm hứng.
28