(Sakkadevarāja)
KỆ NGÔN: (Pháp Cú câu 354)
“Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti “Pháp thí thắng mọi thí
Sabbarasaṃ dhammaraso jināti Pháp vị thắng mọi vị
Sabbaratiṃ dhammaratī jināti Pháp hỷ thắng mọi hỷ
Taṇhakkayo sabbadukkhaṃ jināti”. Ái diệt thắng mọi khổ”.
Kệ ngôn nầy được Đức Thế Tôn thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana. Ngài trả lời những câu hỏi của Thiên Vương Đế Thích.
Tương truyền rằng: Một hôm, chư thiên nơi Đao Lợi Cung cùng nhau ngồi hội họp tại Giảng đường Sudhammā, nêu lên bốn câu hỏi rằng: “Trong các sự thí, bậc trí gọi sự thí nào là tối thắng? Trong các sự hoan hỷ, bậc trí gọi hỷ nào là tối thắng? Trong các vị, vị nào được bậc trí cho là tối thượng? Vì sao chấm dứt ái dục gọi là cao thượng nhất?”.
Khi nêu lên bốn nghi vấn nầy rồi, không có vị Thiên tử nào giải đáp được cả. Chư thiên hỏi lẫn nhau về lời giải đáp bốn vấn đề nầy, tiếng hỏi nhau lan rộng đi khắp 10 ngàn thế giới và trải qua 12 năm, không vị Thiên nhân nào giải đáp được.
Sở dĩ được lan rộng là vì: Khi chư thiên địa cầu nghe được bốn vấn đề nầy liền đi đến hỏi Tứ Thiên Vương. Tứ Thiên Vương hỏi chư thiên địa cầu rằng:
- Nầy các Thiên tử! Việc chi mà các ngươi đến hội họp nơi đây?
- Chúng tôi được bốn nghi vấn như thế nầy… thế nầy… Nhưng không ai giải đáp được, do đó mới đến hỏi Ngài đây.
- Nầy các bạn! Chúng tôi cũng không thể giải đáp được. Chỉ có Thiên Vương Đế Thích có sự hiểu thấu được bốn vấn đề nầy, vì Ngài có trí hiểu được ý nghĩ của ngàn người có cùng một lúc chỉ trong giây phút. Thiên chủ là bậc thù thắng hơn chúng ta về phước báu và trí tuệ. Vậy chúng ta hãy mang vấn đề nầy đến hỏi nơi Ngài.
Thế là chư thiên cùng Tứ Thiên Vương đi đến Đao Lợi hỏi lại bốn vấn đề nơi Thiên Chúa Đế Thích. Đức Thiên Chủ nói rằng:
- Nầy các khanh, vấn đề nầy không có một ai có thể thấu triệt, vì đây thuộc về trí tuệ của vị Chánh Đẳng Giác. Nầy các khanh! Hiện nay Đức Thế Tôn đang ngự nơi nào?
- Thưa Thiên Chủ, Đức Thế Tôn đang trú tại Tịnh xá Jetavana.
- Nầy các khanh, chúng ta hãy đến yết kiến Đức Thế Tôn, trình lên Ngài vấn đề nầy.
Và Thiên Vương Đế Thích cùng chư thiên tùy tùng đi đến Jetavana, làm cho trọn cả Tịnh xá rực sáng trong đêm ấy. Vua Trời sau khi đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi, đứng vào nơi phải lẽ, Đức Thế Tôn phán hỏi rằng:
Chú giải KINH PHÁP CÚ – Quyển 4 Trang 224 - Nầy Đại Vương! Có việc chi mà Ngài cùng chư thiên tùy tùng đi đến đây? - Bạch Thế Tôn! Tất cả chư thiên nêu lên bốn vấn đề như thế, nhưng không một ai có thể hiểu thấu đáo ý nghĩa bốn vấn đề nầy. Xin Thế Tôn từ mẫn giảng giải ý nghĩa nầy cho chúng con đi.
- Nầy Đại Vương! Được rồi. Như Lai đã hành Pháp Độ đến bờ cao thượng, đắc thành bậc Chánh Đẳng Giác là để giải trừ hoài nghi cho chúng sanh như Đại Vương đây. Nầy Đại Vương, Ngài hãy lắng nghe ý nghĩa nầy đi: Trong tất cả sự thí, Pháp thí là tối thắng, Pháp vị là vị tối thượng trong tất cả các vị, trong các hỷ thì Pháp hỷ là thù diệu nhất. Sự chấm dứt ái dục là tối thắng vì khiến chúng sanh ấy chứng đắc Vô Lậu quả, chấm dứt trọn vẹn khổ uẩn nầy.
Chú thích:
Sabba dānaṃ…: Nghĩa là người cúng dường như là tam y, vật thực… đến chư Phật Chánh Đẳng Giác, hay chư Phật Độc Giác và bậc Lậu Tận nhiều vô số kể, các bậc ấy ngồi khít khao tràn ngập cả thế giới cho đến cõi Phạm thiên. Sự bố thí ấy chẳng sánh bằng 1/16 của Pháp tùy hỷ mà chư Phật tuyên thuyết, dù chỉ là bốn kệ ngôn. Sự nghe Pháp, sự thí Pháp, thuyết Pháp là cao quý hơn mọi sự thí khác.
Lại nữa, người chú tâm nghe Pháp sẽ tạo được vô lượng công đức, quả lành chắc chắn sẽ phát sanh đến người ấy. Chính sự thí Pháp mà Đức Thế Tôn ban bố bằng tùy hỷ Pháp với 4 kệ ngôn thôi, cũng cao quý hơn sự thí vật thực thượng vị đầy bát đến hội chúng Thánh Tăng nhiều vô số. Hơn cả sự thí dược phẩm trị bịnh mà tín thí gia dâng cúng bởi năm loại thuốc đến chư Tăng Tỳ khưu. Hơn cả sự thí trú xứ mà người thí xây dựng cốc liêu… hay lâu đài vĩ đại có giá trị trăm lần, ngàn lần, hơn cả sự thí Tịnh xá Jetavana của Trưởng giả Anāthapiṇḍika… Vì sao vậy? Vì rằng: Những người làm được phước như vậy, do nhờ nghe Pháp mới làm được, nếu không được thính Pháp thì chẳng bao giờ có tâm dũng mãnh để làm việc đại thí ấy, nếu chúng sanh không được thính Pháp thì dù là một muỗng cơm cũng không cúng dường. Do vậy thí Pháp là tối thắng hơn mọi sự thí.
Lại nữa, ngoại trừ bậc Chánh Đẳng Giác, Độc Giác Phật, ngay cả vị Thượng Thủ Thinh Văn là Sāriputta chẳng hạn, là người có trí tuệ quảng đại, có thể đếm được những hạt mưa rơi xuống một kiếp trái đất, nhưng cũng không thể tự mình chứng Đạo Quả được theo với căn tánh của mình, Ngài cũng phải nghe Pháp của Trưởng lão Assaji mới chứng Quả Dự Lưu được, và tác chứng Vô Lậu quả từ nơi Pháp bảo của Bậc Đạo Sư. Vì vậy Đức Đạo Sư mới tuyên thuyết rằng: “Nầy Đại Vương! Thí Pháp là tối thắng mọi sự thí – Sabbadānaṃ dhammadānaṃ jināti”.
Hương vị mọi loại cây như là gỗ trầm hương, là vị ngon ngọt thù diệu nhất như Thiên vị chẳng hạn, những hương vị ấy vẫn khiến chúng sanh chịu khổ ải trong trầm luân, chịu sanh tử triền miên ngập tràn đau khổ. Còn hương vị của Giáo Pháp tức là 37 nhân trợ Bồ Đề Giác cùng với 9 pháp Siêu Thế, hương vị ấy mới thật cao quý hơn mọi hương vị. Vì thế, Bậc Đạo Sư phán dạy rằng: “Sabbarasaṃ dhammaraso jināti”.
Sự hoan hỷ với con trai, con gái, tài sản, nữ nhân tuyệt sắc… sự hoan hỷ ấy chỉ là một phần nhỏ của sự hoan hỷ khi múa hát… Sự hoan hỷ nầy cũng khiến chúng sanh phải trầm luân khổ ải, chịu đau khổ trong vòng sanh tử. Còn hỷ lạc sanh lên khiến cho
Chú giải KINH PHÁP CÚ – Quyển 4 Trang 225 người thính Pháp, thuyết Pháp và dạy Pháp thường mang đến sự an lạc cho tâm làm sung mãn, tràn đầy an lạc nơi tâm. Sự hỷ lạc ấy đưa đến chấm dứt luân hồi được như bậc A La Hán là vị đã đến nơi cuối cùng của thế gian. Chính nhờ hỷ lạc quán Pháp ấy mới là tối thượng, cao quý hơn mọi hỷ lạc khác. Do đó Đức Thế Tôn phán dạy rằng:
“Sabbaratiṃ dhammarati jināti”.
Sự chấm dứt ái dục ấy đồng nghĩa với bậc A La Hán. Bậc A La Hán là cao quý hơn mọi chúng sanh, vì các Ngài đã nhiếp phục được luân hồi. Do đó, Đức Thế Tôn phán dạy rằng: “Taṇhakkhayo sabbadukkhaṃ jināti”.
Đức Thế Tôn giảng giải trọn vẹn ý nghĩa của bốn vấn đề ấy, có đến 84 ngàn chúng sanh chứng đạt Đạo Quả. Ngay cả Thiên Vương Đế Thích khi được nghe Pháp rồi, đảnh lễ và bạch rằng:
- Bạch Thế Tôn! Thật là bất lợi cho chúng con khi Ngài không dạy bảo chia phước thí Pháp cao quý như thế. Kể từ nay trở đi, xin Ngài từ bi phán bảo chư Tỳ khưu chia phước Pháp thí đến chúng con đi. Bạch Thế Tôn.
Nhận lời thỉnh cầu Thiên Vương Đế Thích, Ngài đã phán dạy chư Tỳ khưu rằng: - Nầy chư Tỳ khưu! Kể từ nay trở đi khi các ngươi thuyết pháp hay dạy Pháp, hoặc đàm luận Chánh Pháp, chí đến sự tùy hỷ Pháp, các ngươi nên chia phước đến tất cả chúng sanh vậy.
Dịch Giả Cẩn Đề
Đế Thích cầu xin giải bốn điều, Thí nào là thí thật cao siêu? Vị nào, hỷ lạc nào cao nhất? Ái diệt, vì sao gọi tối siêu?
Phật rằng: Pháp thí, thí cao siêu, Pháp vị ngon hơn các vị nhiều, Pháp hỷ đáng kêu vì tối thắng, Ái diệt, vòng đau khổ dứt tiêu!
DỨT TÍCH ĐỨC THIÊN VƯƠNG ĐẾ THÍCH
Chú giải KINH PHÁP CÚ – Quyển 4 Trang 227