II. VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
2. Mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hộ
2.1. Xã hội là một bộ phận đặc thù của tự nhiên
Như đã được nhắc đến ở phần trước, con người và xã hội loài người là một bộ phận của tự nhiên. Nguồn gốc của con người chính là tự nhiên. Quá trình phát triển của tự nhiên đã sản sinh ra sự sống và theo quy luật tiến hóa được đặt trong những điều kiện nhất định dựa trênNguồn gốc các loàicủa Darwin, con người đã tiến hoá lên từ động vật. Con người sinh sống trong tự nhiên như mọi sinh vật khác vì con người
thiết phải tuân theo những quy luật sinh học. Ngay cả bộ óc con người cũng chính là sản phẩm cao nhất của vật chất. Vì vậy, tự nhiên chính là tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của loài người.
Con người ra đời không chỉ nhờ những quy luật sinh học, từ tự nhiên mà còn nhờ lao động. Lao động là một quá trình được tiến hành giữa con người với tự nhiên, trong quá trình này, con người khai thác, sử dụng và tối ưu tự nhiên để đáp ứng nhu cầu tồn tại của mình. Qua quá trình lao động, con người dần hoàn thiện cả về vật chất và ý thức. Đó là sự hoàn thiện về cấu tạo cơ thể và hình thành ngôn ngữ. Chính lao động và ngôn ngữ đã khiến bộ não con người phát triển vượt bậc so với những động vật khác, tâm lý động vật đã chuyển thành tâm lý con người.
Cùng với đó là sự hình thành các quan hệ giữa người với người, cộng đồng người dần thay đổi, từ mang tính bầy đàn sang một cộng đồng mới khác hẳn về chất, đó là xã hội. Xã hội lấy sự tác động lẫn nhau giữa người với người làm nền tảng, “là sự tác động qua lại giữa những con người”. Xã hội mang tính đặc thù ở chỗ: nhân tố hoạt động là của con người có ý thức, hành động có suy nghĩ và theo đuổi những mục đích nhất định. Hoạt động của con người không chỉ tái sản xuất ra chính bản thân mình mà còn tái sản xuất ra giới tự nhiên.
2.2. Tự nhiên là nền tảng của xã hội
Giữa xã hội và tự nhiên thống nhất và tương tác với nhau. Đây là mối quan hệ biện chứng hai chiều. Trước hết, ta xét những tác động của tự nhiên lên xã hội loài người. Tự nhiên vô cùng quan trọng với xã hội. Bởi tự nhiên vừa là nguồn gốc của sự xuất hiện xã hội vừa là môi trường tồn tại và phát triển của xã hội. Xã hội được hình thành trong sự tiến hóa của thế giới vật chất. Tự nhiên là môi trường tồn tại và phát triển của xã hội vì chính tự nhiên đã cung cấp những điều kiện cần thiết nhất cho sự sống của con người và cũng chỉ có tự nhiên mới cung cấp được những điều kiện cần thiết cho các hoạt động sản xuất xã hội. Vì “con người không thể sáng tạo ra được cái gì nếu không có giới tự nhiên, nếu không có thế giới hữu hình bên ngoài.
Xã hội và con người được hình thành là nhờ quá trình lao động. Trong khi đó, tự nhiên là nguồn cung cấp mọi thứ cần thiết cho sự tồn tại của xã hội và cho hoạt động lao động của con người. Do đó, tự nhiên có thể tác động thuận lợi hoặc gây khó khăn cho sản xuất xã hội, có thể thúc đẩy hoặc kìm hãm xã hội phát triển bởi nó là nền tảng của xã hội.
2.3. Tác động của xã hội lên tự nhiên
Giữa tự nhiên và xã hội liên hệ với nhau bằng một mối quan hệ khăng khít. Trong
sự tác động qua lại giữa chúng, yếu tố tự nhiên có ảnh hưởng vô cùng to lớn đến sự tồn tại và sự phát triển của xã hội, còn yếu tố xã hội có vai trò quan trọng đối với sự biến đổi và phát triển của tự nhiên. Tự nhiên là điều kiện tiên quyết đối với sự tồn tại và tiến lên của xã hội, con người. Vai trò này của tự nhiên không thể thay thế được và cũng sẽ không bao giờ mất đi dưới tác động của trình độ phát triển trong xã hội. Bởi lẽ, nếu ta coi xã hội là một cơ thể sống, thì tự nhiên chính là nguồn cung cấp không khí, nước và thức ăn; còn nếu coi xã hội như một cỗ máy sản xuất, thì tự nhiên lại là bộ phận cung cấp nhiên, nguyên vật liệu. Nếu như thiếu đi một trong những yếu tố này thì cơ thể sẽ còi cọc, ốm yếu rồi tàn lụi; không có nguồn cung nguyên vật liệu thì dẫu máy móc có hiện đại đến đâu đi nữa cũng sẽ trở nên vô dụng. Ngày nay, với khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, con người đã chế tạo được ra những vật liệu mới vốn không có sẵn trong tự nhiên, nhưng, suy đến cùng, thì những thành phần tạo nên chúng cũng lại đều xuất phát từ tự nhiên. Xã hội dù có phát triển đến trình độ nào thì cũng vẫn không thể thoát ra ngoài cái vòng tự nhiên, vì mọi hoạt động xã hội đều diễn ra trong tự nhiên, lấy tài liệu từ tự nhiên và có đạt kết quả hay không cũng lại phụ thuộc vào tự nhiên ấy. Tự nhiên có thể tác động thuận lợi hoặc cản trở đến sản xuất xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất lao động, do đó thúc đẩy hoặc làm chậm nhịp độ phát triển của xã hội.
Theo C.Mac: “ Xã hội loài người gắn bó với tự nhiên nhờ có các dòng vật chất, năng lượng và thông tin, nhờ sự kết hợp giữa lao động với thiên nhiên”. Nền sản xuất xã hội là phương thức trao đổi vật chất giữa xã hội và tự nhiên. Thông qua quá trình hoạt động thực tiễn, trước hết là quá trình lao động và sản xuất, con người đã thu nhận các dòng vật chất, năng lượng và thông tin từ môi trường tự nhiên, biến đổi chúng sao cho cho phù hợp với nhu cầu sống và phát triển của mình và của xã hội.
2.4. Những nhân tố tác động đến mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội
Có rất nhiều yếu tố tác động đến mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội phải kể đến là trình độ phát triển của xã hội và nhận thức; vận dụng quy luật tự nhiên xã hội vào hoạt động thực tiễn của con người .
Quan hệ giữa tự nhiên và xã hội chịu tác động bởi trình độ phát triển của xã hội : Sự phát triển của lịch sử xã hội không thể tách rời khỏi các yếu tố tự nhiên, bởi vì chỉ có trong mối quan hệ với tự nhiên và quan hệ với nhau, con người mới làm nên lịch sử của mình. Bởi vậy khi chúng ta nghiên cứu lịch sử cần phải xét đến cả hai mặt : Lịch sử xã hội và lịch sử tự nhiên. Lịch sử tự nhiên và lịch sử xã hội không thể tách rời nhau. Chừng nào loài người còn tồn tại thì lịch sử của họ và lịch sử tự nhiên quy định
lẫn nhau. Sự gắn bó và quy định này phụ thuộc vào trình độ phát triển của xã hội mà tiêu chí để đánh giá chính là phương thức sản xuất. Sự ra đời của những phương thức sản xuất mới quyết định sự biến chuyển về chất của xã hội loài người. Chính phương thức sản xuất quy định tính chất của mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội vì mỗi phương thức sản xuất khác nhau sẽ có những công cụ lao động khác nhau để khai thác giới tự nhiên, sẽ có những mục đích sản xuất khác nhau. Khi công cụ thay đổi, mục đích sản xuất của mỗi chế độ sản xuất thay đổi thì tính chất của mối quan hệ giữa xã hội và tự nhiên cũng thay đổi theo. Ngày nay, khi có khoa học và kỹ thuật phát triển song với chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa thì con người coi tự nhiên không chỉ là môi trường sống mà còn là đối tượng chiếm đoạt nhằm mục đích lợi nhuận. Khủng hoảng môi trường đã xảy ra ở nhiều nơi và đang đe dọa sự sống của nhân loại. Để tồn tại và phát triển con người phải chung sống hòa bình với thiên nhiên, thay đổi cách đối xử với tự mà quan trọng nhất là phải xóa bỏ chế độ tư hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa - nguồn gốc sâu xa của việc phá hoại tự nhiên nhằm tối đa hóa lợi nhuận. Nhiệm vụ này là nhiệm vụ của tất cả mọi người.
Quan hệ giữa tự nhiên và xã hội chịu tác động bởi nhận thức; vận dụng quy luật tự nhiên xã hội vào hoạt động thực tiễn của con người : Bằng các hoạt động thực tiễn, con người và xã hội ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự biến đổi và sự phát triển của tự nhiên. Bằng hoạt động sản xuất, xã hội đã tham gia vào chu trình trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin với tự nhiên. Song "mắt khâu xã hội" trong chu trình đó đã không phù hợp với tính chất cơ bản của sinh quyển - tính tự tổ chức, tự điều chỉnh, tự làm sạch, tự bảo vệ. Cuộc khủng hoảng sinh thái đang diễn ra ở một số nơi trên hành tinh chúng ta là hậu quả của những hành động thiếu suy nghĩ và "bóc lột" quá đáng tự nhiên của con người, đặc biệt là dưới chủ nghĩa tư bản. Những hành động đó không chỉ hủy hoại các sinh vật, mà còn làm tổn hại đến khả năng tự điều chỉnh của các hệ thống tự nhiên hay hệ thống tự điều chỉnh của sinh quyển. Bởi vậy, tự nhiên đang trả thù chúng ta, đang chống lại chính con người, điều mà cách đây hơn 100 năm Ph. Ăngghen đã từng cảnh báo.
Quy luật xã hội cho thấy, phải tìm cách sống hài hòa với tự nhiên, phải điều khiển có ý thức mối quan hệ giữa con người và tự nhiên. Đó là cách giải quyết đúng đắn cho các vấn đề sinh thái toàn cầu hiện nay. Chúng ta có nguồn gốc từ tự nhiên, và tất cả sự thống trị của chúng ta đối với tự nhiên là ở chỗ chúng ta, khác với tất cả các sinh khác, là chúng ta nhận thức được quy luật của giới tự nhiên và có thể sử dụng được những quy luật đó một cách chính xác". Như vậy, để điều khiển được tự nhiên, trước hết, con người cần phải nhận thức được rằng mình là một bộ phận không thể tách rời của tự
nhiên, hơn thế nữa, còn là con đẻ của tự nhiên. Vì vậy, con người cần phải nắm vững những quy luật của tự nhiên và quan trọng hơn, phải biết vận dụng những quy luật đó một cách chính xác vào trong hoạt động thực tiễn của mình.
2.5. Sự tác động của con người với tự nhiên và xã hội
Con người là minh chứng, là hiện thân của sự thống nhất giữa tự nhiên và xã hội. Con người là sản phẩm của tự nhiên nhưng con người lại tạo ra xã hội. Con người vốn tồn tại trong tự nhiên nhưng sau khi tạo ra xã hội thì lại không thể tách rời khỏi xã hội. Con người sống trong môi trường xã hội, trong mối quan hệ qua lại giữa người với người với người. Vì thế con người mang trong mình bản tính tự nhiên và bản chất xã hội.
Mối quan hệ giữa tự nhiên và xã hội còn phụ thuộc vào trình độ nhận thức cũng như cách con người vận dụng các quy luật trong hoạt động thực tiễn. Mối quan hệ giữa tự nhiên và con người được thể hiện thông qua hoạt động của con người. Tự nhiên là nguồn cung cấp các tư liệu sinh hoạt và tư liệu sản xuất cho con người và xã hội, đồng thời con người và xã hội là những người tiêu thụ, người biến đổi tự nhiên mạnh mẽ nhất, nhanh chóng nhất so với tất cả những thành phần khác của chu trình sinh học. Trong sự tác động qua lại giữa xã hội và tự nhiên, yếu tố xã hội ngày càng giữ vai trò quan trọng hơn. Tuy nhiên, để tồn tại và phát triển, con người và xã hội không được phá vỡ sự cân bằng của hệ thống tự nhiên - xã hội; muốn vậy, trong các hoạt động của mình, con người cần phải tuân thủ các quy luật của tự nhiên.