2.3.1.Cơ sở phòng ngừa tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng
2.3.1.1. Cơ sở Chính trị - Pháp lý của hoạt động phòng ngừa tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng
- Cơ sở Chính trị của hoạt động phòng ngừa tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng là toàn bộ những quan điểm, chủ trương, đường lối có tính chất chỉ đạo, định hướng cho công tác phòng ngừa tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, được thể hiện trong các văn kiện của Đảng
Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới cho thấy, trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức quần chúng và nhân dân đã tích cực tham gia vào công tác phòng, chống tội phạm. Nhờ đó, tình hình tội phạm từng bước được kiềm chế, một số loại tội phạm có xu hướng giảm, tình hình chính trị - xã hội ổn định, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn còn diễn biến phức tạp, đã xuất hiện nhiều loại tội phạm mới như: rửa tiền, sử dụng công nghệ cao để phạm tội, tội phạm trong lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng, tội phạm xuyên quốc gia… Do vậy, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, kết hợp chặt chẽ giữa công tác phòng, chống tội phạm với nhiệm vụ pháttriển kinh tế - xã hội vẫn là đòi hỏi cấp thiết. Tại kết luận số 13-KL/TW, ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW, ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị khoá X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Bộ Chính trị vẫn tiếp tục khẳng định và yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung, nhiệm vụ trong Chỉ thị 48 và xác định công tác phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, phải thực hiện mọi nơi, mọi lúc, mọi địa bàn, lĩnh vực, có trọng tâm, trọng điểm; lấy "chủ động phòng ngừa" từ sớm, từ xa, từ cơ sở là
chính, lấy cơ sở là địa bàn trọng tâm tập trung các biện pháp phòng, chống tội phạm. Kết hợp chặt chẽ giữa chủ động phòng ngừa với tích cực phát hiện, đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có vùng cấm, không có ngoại lệ với những hành vi phạm tội.
Năm 2021 là năm đầu tiên quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021- 2025, Ngân hàng Nhà nước đã ra quyết định số 54/QĐ-NHNN ngày 18/1/2021 ban hành Quy chế hoạt động của ban phòng chống tham nhũng và tội phạm trong ngành ngân hàng và đã được cụ thể bằng kế hoạch hoạt động cho năm 2021. Quyết định đã xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ phận trong toàn ngành ngân hàng, nâng cao ý thức và trách nhiệm trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong những năm tới; tiếp tục phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong phòng chống tội phạm bằng cách huy động sự tham gia rộng rãi, tích cực của các tổ chức quần chúng và nhân dân vào công tác phòng, chống tội phạm, có chính sách bảo vệ cá nhân và gia đình những người tham gia làm công tác phòng, chống tội phạm.
- Cơ sở Pháp lý của hoạt động phòng ngừa tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng
Cơ sở pháp lý của hoạt động phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng được hiểu là tổng hợp các nguyên tắc, quan điểm, đường lối chỉ đạo mang tính định hướng, được cụ thể hóa thành những quy định của pháp luật và những biện pháp phòng ngừa cụ thể, cũng như quyền và trách nhiệm cụ thể của các chủ thể phòng ngừa tội phạm. Các quy định này được thể hiện trong hệ thống văn bản pháp luật và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia.
Nhóm các văn bản quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng, các tổ chức tín dụng; quy định quản lý Nhà nước đối với hoạt động ngân hàng
- Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 và thay thế Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997/QH10 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 10/2003/QH11 (Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 gồm 7 chương, 66 điều).
- Luật Các tổ chức tín dụng đã được Quốc hội khoá XII thông qua tại kỳ họp thứ 7 ngày 16/6/2010, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011 và được sửa đổi bổ sung năm 2017 (Luật Các tổ chức tín dụng có 10 chương, gồm 163 điều).
Nhóm các văn bản pháp luật quy định về phòng ngừa tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng
- Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, gồm Phần chung và Phần các tội phạm đã quy định các tội danh cụ thể, làm căn cứ cho công tác đấu tranh, xử lý các hành vi phạm tội trong lĩnh vực ngân hàng. Điển hình như quy định: Chương XVI - Các tội xâm phạm sở hữu; Chương XVIII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế; Chương XXII - Các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính; Chương XXIII - Các tội phạm về chức vụ.
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 là văn bản pháp lý quan trọng trong hệ thống pháp luật ở Việt Nam. Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành được ban hành ngày 27/11/2015, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016. Bộ luật là căn cứ pháp lý quan trọng nhất quy định trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng, của các cơ quan, tổ chức và công dân, nhằm chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, phát hiện chính xác, nhanh chóng và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội.
- Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2012 quy định Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về phòng, chống rửa tiền; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về phòng, chống rửa tiền; các Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và các bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện các hoạt động quản lý Nhà nước, các hoạt động khác theo quy định của pháp luật trong hoạt động phòng, chống rửa tiền.
- Luật phòng chống tham nhũng năm 2018 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/07/2019. Đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong vực ngân hàng. Với nhiều qui định đã được thay đổi, bổ sung về đối tượng kê khai tài sản, loại tài sản kê khai, qui trình thực hiện, trách nhiệm của người đứng đầu. - Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm trong vực ngân
hàng có yếu tố nước ngoài. Phạm vi điều chỉnh của Luật Tương trợ tư pháp bao gồm các nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam với nước ngoài; trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước Việt Nam trong tương trợ tư pháp. Luật Tương trợ tư pháp quy định riêng một chương (Chương VI) về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong hoạt động tương trợ tư pháp.
- Các điều ước quốc tế: Tại Công văn 33/TANDTC-HTQT ngày 17/3/2021, TANDTC cập nhật danh sách các Hiệp định tương trợ tư pháp (TTTP) về dân sự, hình sự, dẫn độ, chuyển giao người bị kết án phạt tù. Thì hiện nay Việt Nam đã là thành viên của 23 điều ước quốc tế đa phương và Việt Nam đã tham gia 40 điều ước quốc tế song phương về phòng, chống tội phạm, thực hiện tương trợ tư pháp về hình sự, dẫn độ giữa Việt Nam và một số nước như: Anh và Bắc Ailen, Ấn Độ, Ôxtrâylia, Ba Lan, Bungari, Campuchia, Đức, Hàn Quốc, Hunggari, Lào, Inđônêxia, Myanma, Nga, Séc, Thái Lan, Triều Tiên, Trung Quốc...
Quyết định số 623/QĐ-TTg, ngày 14/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030 chỉ rõ, phòng chống tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm thực hiện Hiến pháp, pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành, góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Toàn bộ hoạt động này đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng, sự quản lý, chỉ đạo điều hành thống nhất của Nhà nước đi đôi với việc tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác
phòng, chống tội phạm trong tình hình mới.
2.3.1.2. Cơ sở thực tiễn của phòng ngừa tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng
Từ việc nghiên cứu tình hình thực tiễn phản ánh của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng đã tạo cơ sở cho hoạt động phòng ngừa cho thấy, tội phạm trong lĩnh vựcngân hàng đã và đang gây ra những thiệt hại vô cùng lớn về kinh tế, mà hậu quả là trực tiếp đe dọa đến sự phát triển an toàn và lành mạnh của cả nền kinh tế; xâm hại đến quyền lợi hợp pháp của các cơ quan, tổ chức và cá nhân được pháp luật ghi nhận và bảo vệ. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, của việc ứng dụng công nghệ vào các lĩnh vực thì tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng đã hình thành và ngày càng phát triển đa dạng cả quy mô và hình thức, gây hậu quả to lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động của lĩnh vực ngân hàng. Thống kê của VKSNDTC cho thấy tội phạm trong lĩnh vực quản lý kinh tế, sở hữu, chức vụ trong lĩnh vực ngân hàng năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này cho thấy, tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng đang có chiều hướng gia tăng và ngày càng phức tạp, với diễn biến tăng cả về số vụ và tính chất, mức độ, hậu quả (xem thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tại Phục lục 1). Tội phạm sử dụng công nghệ cao trong lĩnh vực ngân hàng thực hiện trong những năm qua, nếu lấy năm 2011 là năm định gốc thì đến năm 2020 tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng tăng 269% số vụ và tăng 729% số bị cáo. Hàng năm, trung bình gia tăng so với năm trước là 71,16%.
Trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế. Đặc biệt, với sự ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh những thuận lợi mà nó mang lại cho nền kinh tế thì tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng tiếp tục phát triển, có những diễn biến phức tạp, khó lường. Đồng thời, sẽ là loại tội phạm chủ đạo có tác động lớn đến nhiều tội phạm truyền thống khác. Tội phạm trộm cắp, sử dụng trái phép thông tin thẻ tín dụng, làm giả thẻ tín dụng sẽ còn rất phức tạp, nhất là với tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam phạm tội ngày càng nhiều. Số lượng phần mềm mã độc nhằm vào dịch vụ Ngân hàng trên nền tảng thiết bị thông tin di động (mobile banking malware) cũng sẽ tăng mạnh, do người dùng có xu hướng thanh toán trực tuyến trên thiết bị này. Các đối tượng phạm tội là người nước ngoài sẽ tăng và chiếm tỷ lệ cao hơn so với hiện nay. Đối tượng có trình độ hiểu biết về công nghệ chiếm đa số và tập trung ở các đối tượng làm việc trong các công ty kinh doanh dịch vụ ngân hàng, các nhân viên ngân hàng và sinh viên được đào tạo chuyên ngành về ngân hàng và công nghệ thông tin.
Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng có xu hướng gia tăng trong những năm gần đây với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt và phức tạp, gây hậu quả thiệt hại lớn.
2.3.2.Các nguyên tắc phòng ngừa tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng
Các nguyên tắc phòng ngừa tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng là các quan điểm làm nền tảng, chỉ đạo, định hướng và xuyên suốt trong tổ chức thực hiện hoạt động phòng ngừa tội phạm. Trên cơ sở các nguyên tắc phòng ngừa tội phạm nói chung, có thể cụ thể hóa các nguyên tắc đối với phòng ngừa tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng như sau:
Nguyên tắc pháp chế. Pháp chế là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước và của xã hội ta. Nguyên tắc này đòi hỏi hoạt động phòng ngừa tội phạm phải trên cơ sở quy định của pháp luật và tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật. Các quy định của pháp luật ở đây được hiểu là quy định trong Hiến pháp, các văn bản luật và văn bản quy phạm pháp luật khác. Các quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động phòng ngừa tội phạm nói chung, phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng được ban hành trên cơ sở đảm bảo yêu cầu vừa bảo vệ lợi ích của nhà nước, của xã hội, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Do xuất phát từ tính nguy hiểm của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, nhất là hậu quả do loại tội này gây ra cho xã hội, nên trong quá trình tiến hành phòng ngừa, các chủ thể phòng ngừa thường có tâm lý muốn nhanh chóng hạn chế, loại trừ hành vi phạm tội ra khỏi xã hội. Sự nóng vội trong việc triển khai, áp dụng các biện pháp phòng ngừa dễ dẫn đến những nguy cơ vi phạm pháp luật, xâm phạm quyền con người, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Do đó, tuân thủ nguyên tắc pháp chế là yêu cầu đầu tiên và quan trọng nhất khi tiến hành phòng ngừa loại tội phạm này.
Nguyên tắc dân chủ. Dân chủ là nguyên tắc cao nhất của tổ chức và thực hiện quyền lực Nhà nước ở nước ta. Bên cạnh đó, nguyên tắc dân chủ còn xuất phát từ đặc điểm của phòng ngừa tội phạm là một hoạt động phức tạp, đòi hỏi có sự tham gia không chỉ của các chủ thể có trách nhiệm mà còn là đông đảo người dân và các tổ chức xã hội. Như
vậy, bên cạnh việc tạo điều kiện cho người dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp tiếp cận ngân hàng, cần khuyến khích và thực hiện các giải pháp để họ tham gia tích cực vào việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm như tố giác tội phạm; giám sát hoạt động phòng ngừa tội phạm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm và có thẩm quyền, tích cực đóng góp ý kiến đối với các chủ trương, biện pháp, pháp luật về phòng ngừa tình hình loại tội phạm này.
Nguyên tắc nhân đạo. Nguyên tắc nhân đạo trong phòng ngừa tội phạm này thể hiện ở các phương diện: lấy phòng ngừa là chủ yếu, không chỉ nhằm trừng trịngười phạm tội mà thông qua các biện pháp phòng ngừa đa dạng nhằm giáo dục, cải tạo người phạm tội, cảnh báo, ngăn ngừa những người khác phạm tội; vì tiêu cao nhất của phòng ngừa tội phạm là: Không để cho tội phạm xảy ra, không để cho một công dân nào phải bị xử lý hình sự. Do đó, nguyên tắc nhân đạo là nguyên tắc xuyên suốt quá trình và toàn bộ hoạt động phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng.
Nguyên tắc cụ thể hóa. Phòng ngừa tội phạm này phải được tiến hành cụ thể, phù hợp với những đặc điểm nhân thân của người chịu sự tác động bởi các biện pháp phòng ngừa, đặc biệt là phải tùy thuộc vào khu vực địa lý, đặc điểm lịch sử, tự nhiên, xã hội, dân cư người đó đang sinh sống. Nói cách khác, nguyên tắc này thể hiện ở hai khía cạnh:
Thứ nhất, phải được tiến hành cụ thể đối với các đối tượng có nhân thân khác nhau. Tùy thuộc vào độ tuổi, trình độ học vấn, nghề nghiệp, đặc biệt là đối với các đối tượng có nguy cơ tái phạm tội cao…Thì được áp dụng những biện pháp phòng ngừa riêng biệt. Đặc thù về chủ thể phạm tội như trình độ văn hóa, hiểu biết pháp luật cao hơn so với nhóm tội khác. Bên cạnh đó, nhiều tội phạm được thực hiện bởi chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn trong