6. Kết cấu của khóa luận
1.3.2. Nhìn lại thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung Quốc giai đoạn 1
1.3.2.1. Các điểm chính của Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1
Ngày 15/01/2020, Mỹ và Trung Quốc chính thức ký kết Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau nhiều vòng đàm phán căng thẳng, tạo ra “lệnh ngừng bắn” đối với cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sau lễ kí kết
diễn ra tại Nhà Trắng giữa Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Washington đã công bố toàn văn gần 100 trang của thỏa thuận thương mại. “Điều khoản về sở hữu trí tuệ, mua hàng hóa Mỹ, chuyển giao công nghệ, tỷ giá và dịch vụ tài chính” là 5 điểm mấu chốt trong thỏa thuận sơ bộ giữa hai nước.
Sở hữu trí tuệ
Các vấn đề liên quan tới “Sở hữu trí tuệ” được coi là nguyên nhân châm ngòi cho cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc. Trong Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 này: "Mỹ công nhận tầm quan trọng của bảo hộ sở hữu trí tuệ. Trung Quốc công nhận tầm quan trọng của việc tạo lập và thực thi một hệ thống pháp lí toàn diện về bảo hộ sở hữu trí tuệ, trong quá trình chuyển dịch từ một nước tiêu thụ sản phẩm trí tuệ lớn đến nước tạo ra sản phẩm trí tuệ lớn. Trung Quốc cũng nêu quan điểm tin rằng nâng cao bảo hộ sở hữu trí tuệ và thực thi điều này có lợi cho việc xây dựng một quốc gia đột phá, phát triển các doanh nghiệp đột phá và thúc đẩy tăng trưởng chất lượng cao". Trước đó, nhiều Cựu Tổng thống Mỹ đã nỗ lực buộc Trung Quốc thay đổi các hoạt động liên quan đến “Sở hữu trí tuệ”, nhưng không mấy thành công.
Trung Quốc tăng mua hàng hóa, dịch vụ Mỹ
Nhìn lại thời điểm 2 năm trước, vào năm 2017, Trung Quốc nhập khẩu 186 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ. Dưới tác động của Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, con số này sẽ là 263 tỷ USD vào năm 2020 và sang năm 2021 sẽ đạt mốc hơn 300 tỷ USD. Ông Trump luôn coi việc Trung Quốc nhập khẩu quá ít hàng hóa từ Mỹ như là “một trong những cái gai trong mắt”. Chính vì thế, việc nâng giá trị hàng của Mỹ nhập vào Trung Quốc có thể được coi là “một chiến thắng không hề nhỏ”:
“Trung Quốc cam kết sẽ mua 32 tỷ USD hàng hóa nông sản của Mỹ trong vòng 2 năm tới: đậu nành, gia cầm và các loại nông sản khác. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng cam kết sẽ mua hơn 77 tỷ USD hàng sản xuất chế tạo và 52,4 tỷ USD các sản phẩm liên quan tới lĩnh vực năng lượng. Cuối cùng là lĩnh vực Dịch vụ và sở hữu trí tuệ: Trung Quốc sẽ nhập khẩu khoảng 37,9 tỷ USD hàng hóa trong lĩnh
vực này bao gồm các sản phẩm thương mại liên quan đến tài chính, bảo hiểm giáo dục, viễn thông và công nghệ thông tin - đây cũng được cho là lĩnh vực nhạy cảm nhất và khó đạt được thỏa thuận nhất trong lần ký kết vừa rồi”.
Chuyển giao công nghệ
“Công nghệ” cũng là “quân cờ” được sử dụng trong cuộc thương chiến giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Từ lâu các doanh nghiệp Mỹ đã phàn nàn về nhiều thách thức khi hoạt động tại thị trường Trung Quốc. Họ cho biết phải chuyển giao công nghệ và bí mật thương mại để đổi lấy quyền kinh doanh tại đây. Sau thỏa thuận thương mại, Bắc Kinh đã cam kết "không hỗ trợ hay chỉ đạo" các thương vụ mua bán - sáp nhập của doanh nghiệp Trung Quốc liên quan đến công nghệ nước ngoài trong các lĩnh vực công nghiệp được họ chọn làm trọng tâm kế hoạch phát triển. Hai bên cũng đồng ý với tầm quan trọng của việc thực hiện các bước đi nhằm giải quyết các vấn đề chuyển giao công nghệ, trong bối cảnh tác động của công nghệ và biến đổi công nghệ với kinh tế toàn cầu hiện rất sâu rộng.
Cơ chế và tiền tệ
"Nếu hai nước không đạt được đồng thuận về giải quyết tranh chấp theo Thỏa thuận Giải quyết Tranh chấp và Đánh giá Song phương ở chương 7, Bộ trưởng Tài chính Mỹ hoặc Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc có thể đề nghị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thực hiện theo đúng thẩm quyền của cơ quan này: (a) giám sát nghiêm ngặt các chính sách tỉ giá, kinh tế vĩ mô, minh bạch dữ liệu và chính sách báo cáo của bên được yêu cầu hoặc (b) cố vấn và cung cấp dữ liệu nếu phù hợp".
Ngày 13/01/2020, Bộ Tài chính Mỹ rút Trung Quốc khỏi danh sách các quốc gia mà Washington cáo buộc là thao túng tỷ giá tiền tệ. Động thái này diễn ra trước thềm Lễ ký kết thỏa thuận Mỹ - Trung nhằm xuống thang cuộc chiến thương mại song phương.
Dịch vụ Tài chính
Từ nhiều năm nay, các ngân hàng, hãng bảo hiểm và đánh giá tín nhiệm Mỹ vẫn chật vật trong việc thâm nhập thị trường Trung Quốc. Hậu Thỏa thuận thương
mại Mỹ - Trung giai đoạn 1, "Trung Quốc sẽ cho phép các công ty cung cấp dịch vụ tài chính Mỹ nộp đơn xin giấy phép thành lập công ty quản lí tài sản, giúp họ mua nợ xấu trực tiếp từ các ngân hàng Trung Quốc, bắt đầu bằng quy mô cấp tỉnh. Khi được cấp phép với quy mô cấp quốc gia, Trung Quốc sẽ đối xử với các hãng dịch vụ tài chính Mỹ như các công ty Trung Quốc". Song song với đó, "Chậm nhất là ngày 1/4/2020, Trung Quốc sẽ gỡ bỏ trần tỉ lệ sở hữu nước ngoài trong các lĩnh vực bảo hiểm y tế, lương hưu và nhân thọ, đồng thời cho phép hãng bảo hiểm 100% vốn Mỹ tham gia vào các lĩnh vực này. Trung Quốc khẳng định không có giới hạn nào với việc công ty bảo hiểm 100% vốn Mỹ đã thành lập, Trung Quốc được quyền sở hữu hoàn toàn công ty quản lí tài sản tại Trung Quốc”. Đồng thời, "Trung Quốc khẳng định hãng đánh giá tín nhiệm 100% vốn Mỹ được phép xếp hạng trái phiếu Trung Quốc bán cho nhà đầu tư Trung Quốc và quốc tế, bao gồm cả thị trường liên ngân hàng. Trung Quốc cam kết tiếp tục cho phép các hãng cung cấp dịch vụ này của Mỹ đánh giá tất cả loại trái phiếu Trung Quốc bán cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Trong vòng 3 tháng sau khi điều khoản này có hiệu lực, Trung Quốc sẽ xem xét lại và chấp thuận bất kì đơn xin cấp phép nào của doanh nghiệp Mỹ trong lĩnh vực đánh giá tín nhiệm".
1.3.2.2. Động thái từ Trung Quốc và Mỹ hậu thỏa thuận thương mại giai đoạn 1
a) Phía Trung Quốc
Ngày 06/02/2020, Trung Quốc tuyên bố sẽ giảm một nửa thuế quan đối với lượng hàng hóa trị giá 75 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ mà Trung Quốc đã bắt đầu đánh thuế từ ngày 01/09/2019. Theo đó, một số loại hàng hóa Mỹ sẽ được giảm thuế từ 10% xuống 5% và từ 5% xuống 2,5% kể từ ngày 14/02/2020. Động thái này diễn ra đồng thời với kế hoạch giảm thuế một nửa, từ 15% xuống 7,5% của Mỹ cho 120 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc. Tuy nhiên:
Theo dữ liệu của Cục Hải quan Trung Quốc thu thập bởi Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế (PIIE), năm 2020, Bắc Kinh nhập khẩu khối lượng hàng hoá trị giá 100 tỷ USD từ Mỹ, tương đương gần 58% mục tiêu 173,1 tỷ USD.
Ngay cả lĩnh vực có bước tiến mạnh nhất là nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp từ Mỹ cũng mới chỉ đạt 62% cam kết.
Riêng về mặt hàng năng lượng, giá trị mua hàng của Trung Quốc dừng ở mức 7,8 tỉ USD so với mục tiêu 21,8 tỉ USD, chỉ đạt 35% so với kế hoạch.
b) Phía Mỹ
Sau thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, Mỹ cắt giảm một nửa thuế nhập khẩu áp dụng vào ngày 01/09/2019 lên 120 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ xuống còn 7,5%. Mức thuế 25% đánh lên 250 tỷ USD hàng của Trung Quốc trước đó vẫn được giữ nguyên, nhưng có thể được cắt giảm như một phần thỏa thuận trong giai đoạn 2, trong khi hàng rào thuế dự định có hiệu lực ngày 15/12/2019 đánh lên 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, gồm điện thoại di động, máy tính xách tay, đồ chơi, quần áo sẽ được đình hoãn vô thời hạn. Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của Mỹ:
Xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc trong khoảng thời gian này là 82,3 tỉ USD, kém xa so với mục tiêu 141,7 tỉ USD.
Nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp của Mỹ từ Trung Quốc chỉ đạt 76% cam kết.
1.3.2.3. Nhìn lại Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1
Thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được coi là bước tiến dài sau chuỗi ngày chiến tranh lạnh căng thẳng giữa hai cường quốc Mỹ - Trung, tuy nhiên, đúng 1 năm sau lễ ký kết, bước tiến dài ấy chưa thể thành công hoàn toàn, khi mà cả Washington và Bắc Kinh đều chưa đạt được những mục tiêu đã định. Trong báo cáo kinh tế dựa trên Dữ liệu thương mại Mỹ (công bố vào ngày 05/02/2021), nhà kinh tế Chad Bown cho rằng: “Dựa theo năm đầu tiên của thỏa thuận gồm Sở hữu trí tuệ; Trung Quốc tăng mua hàng hóa, dịch vụ Mỹ; Chuyển giao công nghệ; Cơ chế và tiền tệ và Dịch vụ tài chính thì Trung Quốc không đáp ứng cam kết. Sự tàn phá kinh tế của đại dịch COVID-19 chỉ là một phần nguyên nhân. Nỗ lực quản lý thương mại - nhằm đáp ứng mục tiêu của ông Trump là giảm thâm hụt thương mại song phương - đã thất bại ngay từ đầu".
Giới phân tích nhận định điểm tích cực duy nhất hậu thỏa thuận thương mại là việc thỏa thuận đã mở ra nền tảng để hai bên can dự về các chủ đề kinh tế, thương mại; một bước đi quan trọng để tái định hình quan hệ song phương trong bối cảnh hai bên mất lòng tin vào nhau. Còn về những con số cụ thể, thỏa thuận này coi như bất thành. Tuy có một số yếu tố “đáng được duy trì và xây dựng”, song, thỏa thuận thương mại chỉ mới phần nào xoa dịu thương chiến khi mà chưa làm hài lòng được hai bên tham chiến!