Để đánh giá một DNKNST hay thậm chí một doanh nghiệp nói chung có đạt được thành công hay không thì yếu tố đầu tiên cần để tâm đó là việc doanh nghiệp có mở rộng được quy mô hơn không. Nhiều người sẽ nghĩ với DNKNST, đây là điều tất yếu và khi thành lập doanh nghiệp thì người sáng lập chắc chắn đã có những tính toán trước. Nhưng sự thật không hoàn toàn như vậy. Rất nhiều nhà sáng lập thành lập DNKNST chỉ dựa vào công nghệ đang có hoặc đội ngũ tốt chứ chưa chắc đã có thể hoạch định ngay một hướng đi cụ thể nhằm mở rộng hoạt động kinh doanh của mình.
Đây đang là bài toán khó của đa số các DNKNST nói chung khi số liệu đưa ra rằng phải đến 90% DNKNST sẽ thất bại. Cụ thể hơn, 25% sẽ thất bại ngay trong năm đầu tiên và tỉ lệ này sẽ tăng lên 70% khi công ty hoạt động được khoảng 10 năm. Dù cho có rất nhiều bài học từ những thất bại nhưng dường như đây vẫn đang là một bài toán khó với các DNKNST khi ngoài vấn đề tài chính thì chính việc sử dụng những công nghệ quá mới gần như đi trước thời đại tưởng chừng giúp họ sống sót thì bây giờ lại đem đến những khó khăn nhất định mà nếu không giải quyết sớm những vấn đề này sẽ khiến các DNKNST mất
đi cái độc đáo của mình từ đó dẫn tới mất vị thế trên thị trường, tệ nhất là sẽ dẫn tới phá sản, ngừng kinh doanh. Nói thế vì trong nhiều trường hợp, chính người điều hành các DNKNST này cũng không thực sự hiểu rõ và có thể sử dụng công nghệ một cách thuần thục nhất. Chính vấn đề xuất hiện trong khâu quản trị này đã khiến vận hành doanh nghiệp gặp nhiều hạn chế, chưa phát triển hết được tiềm năng vốn có, năng suất không cao và chắc chắn sẽ thất bại trong việc đáp ứng cầu của thị trường. Một khi người làm chủ không nắm được công nghệ của mình trong tay, việc mất đi nó vào tay những ông lớn khác mà thị trường sẽ gọi là “cá mập” là một điều hết sức hiển nhiên và đã được thực tế chứng minh. Một trường hợp khác mà vẫn đang xảy ra đồng thời đó là với khả năng hiện tại thì các công nghệ, đặc biệt là các công nghệ trí tuệ nhân tạo hay blockchain (những công nghệ phổ biến và rất rộng mở để DNKNST tiếp cận) đang được sử dụng với quy mô rất nhỏ. Điều này có thể xuất phát từ chính việc người sáng lập chưa thể tận dụng hết khả năng do trình độ chưa đạt tới mức nhất định. Nhưng phần lớn là do những công nghệ này còn quá xa lạ với phần đông dân cư những người trực tiếp trải nghiệm sản phẩm. Có thể một số ít khách hàng sẽ hiểu và có thể tận dụng tốt các loại sản phẩm này nhưng như thế thì sẽ không đạt được mục đích nhân rộng mô hình và mở rộng quy mô hoạt động của doanh nghiệp nhưng phần lớn những người dùng phổ thông sẽ chưa hiểu được khái niệm hay cách tận dụng những công nghệ mới này, thậm chí họ còn có thể thấy phiền toái vì chúng chưa được cá nhận hóa hay chưa thân thiện với người sử dụng. Quy mô người dùng nhỏ trong khi chi phí còn cao sẽ là một vấn đề nan giải dành cho đội ngũ phát triển DNKNST.
Ngoài vấn đề về trình độ công nghệ nói chung, các DNKNST cũng phải đương đầu với khó khăn nữa trong việc mở rộng quy mô hoạt động đó là việc các người chủ sáng lập còn có nhận thức khá hạn hẹp và chưa thực sự có sự linh động trong hoạt động của doanh nghiệp. Với doanh nhân trẻ, họ chỉ mới có sự đầu tư học hỏi ban đầu để thành lập nhưng hướng phát triển duy trì về lâu về dài lại không thực sự đặt tâm vào xây dựng.
Ví dụ về đường lối phát triển, người sáng lập tạo ra doanh nghiệp với ý tưởng và công nghệ rồi đưa doanh nghiệp đó nổi bật lên nhờ tính mới. Nhưng hàng ngày hàng giờ vẫn có rất nhiều những đối thủ sẵn sàng đầu tư hơn và mang tới sự mới mẻ hơn nên việc thường
xuyên thay đổi là tất yếu. Hành động này đòi hỏi sự tìm hiểu thị trường thường xuyên, có thể coi là sự tiến hóa của bản thân doanh nghiệp. Tại mỗi thời điểm, DNKNST cần có một phương thức phát triển hoàn hảo khác nhau phù hợp với nhu cầu cũng như phải có sự hài hòa ăn ý với từng bộ phận và thành phần doanh nghiệp. Không phải cứ thấy một DNKNST đi trước thành công với một mô tuýp thì các lứa đi sau sẽ học hỏi và bắt chước lại y hệt từng chi tiết một và hi vọng doanh nghiệp của mình có thể thành công như người khác. Đây là một tư duy hẹp, ăn sẵn và giết chết đi tính độc nhất khiến mất đi bản chất của một DNKNST và tất nhiên quy mô phát triển cũng sẽ bị hạn chế.
Tính linh động của DNKNST cũng nên được người làm chủ lưu tâm hơn. Hiện nay các DNKNST tuy tập trung mở rộng quy mô nhưng khoản đầu tư vào nghiên cứu phát triển còn khá ít khiến tính linh động kém trong khi thị trường đang biến động rất mạnh. Đây là điểm yếu dễ dẫn tới cái chết của rất nhiều DNKNST thậm chí của cả những “kỳ lân” trong làng khởi nghiệp với quy mô đang rất tốt, nhiều triển vọng. Một thống kê cho biết chỉ có khoảng 4% số DNKNST có sự linh hoạt trong toàn bộ hệ thống hoạt động, tức là có sự liên kết trong cả phương pháp, công cụ hoạt động cũng như thái độ, cách suy nghĩ và tầm nhìn. Thực tế này đưa đến kết quả rằng khi các DNKNST phải đối mặt với những cuộc khủng hoảng lớn thì thường sẽ không có một biện pháp giải quyết sớm mà chỉ mang tính tạm thời nảy sinh để vượt qua trong ngắn hạn. Ví dụ gần đây nhất chính là Công ty cổ phần công nghệ Onaclover-một kỳ lân khởi nghiệp đã phải tuyên bố phá sản do cạn kiệt vốn lưu động trong đại dịch toàn cầu COVID-19. Có thể một phần do đại dịch bất ngờ khiến nhiều doanh nghiệp không thể lường trước, nhưng với những doanh nghiệp đang có quy mô tương đối lớn như Onaclover thì chí ít họ cũng đã phải có những sự chuẩn bị trước với một sự suy thoái kinh tế hoàn toàn được báo trước từ rất lâu và đã có thể trụ lại sau đại dịch. Nhưng chính vì sự hạn hẹp trong thái độ và cách nghĩ đã khiến doanh nghiệp này không có những biện pháp lâu dài, rồi đi đến phá sản trong khoảng thời gian gần hai tháng trải qua mùa dịch. Một lần nữa điều này khẳng định tính cấp thiết trong việc DNKNST cần thường xuyên “tiến hóa” và phát triển cùng sự biến động thị trường thì quy mô mới có thể mở rộng và ổn định trong lâu dài.