a) Điều kiện tự nhiên — Cơ sở hạ tầng
Yếu tố này tác động rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp. Tài nguyên của nước ta nằm trong vành đai xích đạo với nhiệt độ cao và độ ẩm lớn thuận lợi cho
thực vật phát triển đa dạng về chủng loại. Theo thống kê đến năm 2016, hiện nay thì số loài thực vật hiện có ở Việt Nam tổng cộng có 12.000 loài thực vật, hơn 4000 loài có công dụng làm thuốc, có nhiều loại dược liệu được xếp vào hàng quý hiếm của thế giới. Đối với tài nguyên có tiềm năng to lớn như vậy tuy nhiên phương thức bảo tồn và khai thác của nước ta còn nhiều hạn chế. Việc khai thác dược liệu quá mức không đi đôi với tái tạo dẫn đến nguồn dược liệu khai thác tự nhiên càng ngày càng khan hiếm, trên cả nước hiện nay chỉ còn 206 loài dược liệu có giá trị có thể khai thác tự nhiên, nhiều loài dược liệu quý hiếm phải đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Việc này ảnh hưởng to lớn đến ngành công nghiệp dược phẩm của Việt Nam, nhất là đối với một số ngành chỉ chú trọng vào các sản phẩm được làm từ dược liệu thiên nhiên. Đứng trước nguy cơ đó, hiện Bộ Y tế đang triển khai danh mục 40 loại dược liệu có tiềm năng khai thác và phát triển nhằm làm cơ sở cho việc phát triển dược liệu giai đoạn từ nay đến năm 2030. Tiếp đó, khí hậu cũng là một tiêu chí quan trọng. Với sự phát triển của nền công nghiệp của thế giới nói chung và nước ta nói riêng, con người đã và đang thải vào môi trường 1 lượng lớn các chất thải độc hại, ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là chất thải từ các nhà máy xí nghiệp và tiếp theo là chất thải sinh hoạt. Điều này làm hàm lượng các khí độc hại tăng lên nhanh chóng. Những hiện trạng trên gây e ngại tới người dân, đồng thời gây nên mối lo sợ về nguy cơ bệnh tật, cụ thể như hô hấp tim mạch, ung thư,... Đây chính là tiền đề để phát triển các ngành dược phẩm, thực phẩm chức năng của Việt Nam trong tương lai. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội thì môi trường bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển cũng như nguy cơ bị tuyệt chủng của những thảo dược thiên nhiên, ảnh hưởng đến các công ty trong ngành dược nói chung, cũng như Công ty Cổ phần Sao Thái Dương nói riêng.
Để chủ động đối phó với các tác động của yếu tố tự nhiên, các doanh nghiệp phải tính đến các yếu tố tự nhiên có liên quan thông qua các hoạt động phân tích, dự báo của bản thân doanh nghiệp và đánh giá của các cơ quan chuyên môn. Các biện pháp thường được doanh nghiệp sử dụng: dự phòng, san bằng, tiên đoán và các biện pháp khác,... Ngoài ra, nó có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp như vấn đề tiếng ồn, ô nhiễm môi trường,.. và các doanh nghiệp phải cùng nhau giải quyết.
b) Các yếu tố kinh tế
Các yếu tố kinh tế bao gồm các yếu tố như tốc độ tăng trưởng và sự ổn định của nền kinh tế, sức mua, sự ổn định của giá cả, tiền tệ, lạm pháp, tỷ giá hối đoái,... tất cả các yếu tố này đều ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Những biến động của các yếu tố kinh tế có thể tạo ra cơ hội và cả những thách thức với doanh nghiệp. Để đảm bảo thành công của hoạt động doanh nghiệp trước biến động về kinh tế, các doanh nghiệp phải theo dõi, phân tích, dự báo biến động của từng yếu tố để đưa ra các giải pháp, các chính sách tương ứng trong từng thời điểm cụ thể nhằm tận dụng, khai thác những cơ hội, né tránh, giảm thiểu nguy cơ và đe dọa. Khi phân tích, dự báo sự biến động của các yếu tố kinh tế, để đưa ra kết luận đúng, các doanh nghiệp cần dựa vào một số căn cứ quan trọng: các số liệu tổng hợp của kỳ trước, các diễn biến thực tế của kỳ nghiên cứu, các dự báo của nhà kinh tế lớn,.
c) Đặc điểm ngành nghề kinh doanh
Đặc điểm của ngành nghề kinh doanh cũng ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp. Mỗi ngành nghề kinh doanh lại có những đặc điểm khác nhau. Các đặc trưng về cơ cấu vốn đầu tư, cơ cấu nguồn vốn làm ảnh hưởng đến tỷ lệ sử dụng vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ đó có ảnh hưởng đến tốc độ lưu chuyển vốn hay hoạt động thanh toán các khoản nợ.
d) Kỹ thuật — Công nghệ
Đây là nhân tố ảnh hưởng mạnh, trực tiếp đến doanh nghiệp. Các yếu tố công nghệ thường biểu hiện như phương pháp sản xuất mới, kĩ thuật mới, vật liệu mới, thiết bị sản xuất, các bí quyết, các phát minh, phần mềm ứng dụng,. Khi công nghệ phát triển, các doanh nghiệp có điều kiện ứng dụng các thành tựu của công nghệ để tạo ra sản phẩm, dịch vụ có chất lượng cao hơn nhằm phát triển kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy vậy, nó cũng mang lại cho doanh nghiệp nguy cơ tụt hậu, giảm năng lực cạnh tranh nếu doanh nghiệp không đổi mới công nghệ kịp thời.
e) Văn hóa — Xã hội
Văn hóa - xã hội có ảnh hưởng sâu sắc đến hoạt động quản trị và kinh doanh của một doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng tới năng lực tài chính của doanh nghiệp. Đề cập đến việc các thay đổi mà doanh nghiệp cần thực hiện để đáp ứng nhu cầu của môi trường xã hội. Mỗi một quốc gia, địa phương lại có những đặc điểm khác nhau, liên quan đến cách con người làm việc, vui chơi, chi tiêu và thói quen sinh hoạt. Do đó, doanh nghiệp cần phải phân tích các yếu tố văn hóa, xã hội nhằm nhận biết các cơ hội và nguy cơ có thể xảy ra, để có thể tận dụng và khai thác tối đa phục vụ cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mỗi một sự thay đổi của các lực lượng văn hóa có thể tạo ra một ngành kinh doanh mới nhưng cũng có thể xóa đi một ngành kinh doanh.
f) Chính trị - Pháp luật
Chính trị - pháp luật gồm các yếu tố Chính phủ, hệ thống pháp luật, xu hướng chính trị. Pháp luật có tác động quan trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thông qua hệ thống pháp luật và hệ thống thuế. Thông qua các bộ luật và chính sách như luật thương mại, luật doanh nghiệp, luật phá sản,... giúp Nhà nước điều hành nền kinh tế. Các nhân tố này ngày càng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của doanh nghiệp, vì đây chính là hành lang pháp lý mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải tuân thủ chặt chẽ. Những bộ luật và chính sách này vừa đảm bảo tính pháp lý vừa tạo điều kiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chính sách thuế ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Nếu mức thuế hoặc hệ thống thuế thay đổi thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cơ hội và thách thức đối với doanh nghiệp bởi chính sự thay đổi này ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận của doanh nghiệp. Hơn thế nữa, sự ổn định về chính trị, nhất quán về quan điểm, chính sách lớn luôn là sự hấp dẫn của các nhà đầu tư.
Trong xu thế toàn cầu hiện nay, mối liên kết giữa chính trị và kinh doanh không chỉ diễn ra trên bình diện quốc gia mà còn thể hiện trong các quan hệ quốc tế. Để đưa ra được những quyết định kinh doanh hợp lý, doanh nghiệp cần phải phân tích, dự báo sự thay đổi của môi trường trong từng giai đoạn phát triển.
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG NĂNG Lực TÀI CHÍNH CỦA CÔNG TY CỔ PHẦN SAO THÁI DƯƠNG
2.1. Khái quát chung về Công ty Cổ phần Sao Thái Dương
2.1.1. Thông tin chung về Công ty
a) Thông tin chung
Công ty Cổ phần Sao Thái Dương (tên tiếng anh: Sun Star Joint Stock Company), ban đầu là cơ sở sản xuất Thái Dương được thành lập vào ngày 24/05/2002 theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 0103001086 và các giấy chứng nhận kinh doanh thay đổi từ lần 1 đến lần 12 do Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp. Khi mới thành lập, số vốn điều lệ là 500.000.000 (năm trăm triệu Việt Nam đồng) với sự góp vốn của các cổ đông là: GĐ.DS Nguyễn Hữu Thắng, PGĐ.ThS.DS Nguyễn Thị Hương Liên, bà Nguyễn Thị Hải Yến. Đến tháng 9 năm 2003, vốn điều lệ của công ty tăng lên 2.000.000.000 (2 tỷ Việt Nam đồng); tháng 2 năm 2008 tăng lên 5.000.000.000 (5 tỷ Việt Nam đồng) do có sự góp vốn của các cổ đông mới là Ông Nguyễn Tiến Thành và Ông Ngô Văn Thiểm với mục tiêu mở rộng quy mô sản xuất, thị trường và phát triển sản phẩm mới.
Trải qua gần 20 năm hoạt động và phát triển, ban đầu chỉ có 10 nhân viên, nay tổng số cán bộ công nhân viên của Công ty đã tăng lên hơn 1300 người, trong đó, cán bộ có trình độ đại học và sau đại học chiếm 16%, trung cấp chiếm 10%, sơ cấp, công nhân kỹ thuật chiếm hơn 50%.
Trụ sở chính của Công ty ban đầu đặt tại số 92, phố Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, Hoàng Mai, Hà Nội. Đến tháng 8 năm 2019, công ty chuyển về trụ sở mới tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội.
Chi nhánh của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương cơ sở tại Hà Nam được thành lập theo chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh số 0613000059 cấp ngày 16 tháng 10 năm 2016 và giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh thay đổi lần 1. Theo giấy chững nhận đăng ký kinh doanh thay đổi từ lần 1 đến lần 3 ngày 13 tháng 1 năm 2011, mã số doanh nghiệp là: 0101252356001.
b) Quá trình hình thành và phát triển của Công ty
Công ty Cổ phần Sao Thái Dương dưới sự dẫn dắt của GĐ.DS Nguyễn Hữu Thắng, PGĐ.Ths.DS. Nguyễn Thị Hương Liên cùng ban giám đốc đã và đang phát triển lớn mạnh và gặt hái được rất nhiều thành tựu về sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, được chia ra làm 3 lĩnh vực chính: dược mỹ phẩm (chiếm 40%), thực phẩm chức năng (~40%) và thuốc thảo dược (~20%), chủ yếu được bán ở thị trường trong nước.
Công ty có các đơn vị trực thuộc là:
- Chi nhánh Công ty Cổ phần Sao Thái Dương tại Hà Nam. Địa chỉ tại Khu công nghiệp Đồng Văn, thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên, Tỉnh Hà Nam. Hoạt động chủ yếu của chi nhánh là sản xuất sản phẩm. Chi nhánh tại Hà Nam hạch toán độc lập, không liên quan đến Công ty tại Hà Nội.
- Chi nhanh Công ty Cổ phần Sao Thái Dương tại Thành phố Hồ Chí Minh. Địa chỉ tại đường 50, khu 9, phường Tân Tạo, quận Bình Tân, TP. Hồ Chí Minh. Hoạt động chủ yếu là bán hàng. Chi nhánh này cũng hạch toán độc lập.
Công ty có đơn vị liên kết là:
- Công ty Cổ phần Nhà thuốc Thái Dương. Trước năm 2019, nhà thuốc Thái Dương có 10 cơ sở tại Hà Nội, nhưng đến hiện tại, chỉ còn 3 cơ sở đang hoạt động.
Thực tế đã chứng minh, với hơn 100 mặt hàng được bán ra hiện nay, sản phẩm của Sao Thái Dương đã thỏa mãn được nhu cầu của hàng triệu khách hàng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Không những thế, hiện nay, sản phẩm của Công ty cũng đã có mặt ở nhiều quốc gia trên thế giới như Đức, Pháp, Úc, Mỹ,...
Với gần 20 năm xây dựng và phát triển, công ty đã đạt được rất nhiều thành tích cũng như giải thưởng như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của Chủ tịch Nước, bằng khen Trí tuệ Việt, bằng nghiên cứu độc quyền sáng chế, chứng nhận giải thưởng khoa học sáng tạo. Nhiều năm liền Công ty vinh dự nhận được huy chương Vàng “Hàng hóa tiêu dùng ưa thích” do Hội người tiêu dùng Việt Nam tổ chức và bình chọn, Giải thưởng “Hàng Việt Nam chất lượng cao” do người tiêu dùng bình chọn,.. và rất nhiều giải thưởng khác.
Với mục tiêu luôn đặt lợi ích của khách hàng là trên hết, CTCP Sao Thái Dương luôn không ngừng nỗ lực, cố gắng phát triển và hoàn thiện để phát triển hơn nữa, đem lại sự tin tưởng cho khách hàng và đưa thương hiệu Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm có mặt trên thị trường quốc tế.
c) Các sản phẩm chính của Công ty
Là một trong những doanh nghiệp đi đầu và uy tín về sản xuất và kinh doanh các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên, các sản phẩm của Công ty rất đa dạng từ dược phẩm chăm sóc sức khỏe cho đến mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp. Hiện nay, đã có hơn 100 mặt hàng được bán trên thị trường, một vài sản phẩm tiêu biểu có thể kể đến được phân loại là:
- Thuốc dược liệu: thuốc uống, viên nang, viên cốm, thuốc dạng nước hoặc thuốc dạng kem,... (VD: Viên uống Tây Thi, Rocket, dầu gừng Thái Dương, Viên xương khớp,.)
- Sản phẩm chăm sóc da: serum dưỡng da, nước rửa tay, gel nano bạc,...
- Sản phẩm chăm sóc tóc: dầu gội, dầu xả dược liệu; thuốc nhuộm, xịt tóc dược liệu,.
- Chế phẩm vệ sinh: nước súc miệng, rửa tay,.
- Thực phẩm chức năng: về gan, xương khớp, trí não, dạ dày,. - Rượu: rượu Rockmen,.
Với đặc thù là ngành dược phẩm có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, việc nghiên cứu sản phẩm luôn được Công ty ưu tiên đặt lên hàng đầu. Trước khi các sản phẩm được đưa ra thị trường, toàn bộ sản phẩm đều được các bên có thẩm quyền cấp giấy phép, đảm bảo chất lượng, phù hợp để đưa ra thị trường tiêu thụ, đáp ứng các yêu cầu về mặt pháp lý cũng như được đăng ký sở hữu trí tuệ, khẳng định bản quyền thuộc về Công ty.
d) Nhiệm vụ
Với mục đích nghiên cứu và phát triển các sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của khách hàng, Công ty Sao Thái Dương đã xác định rõ chức năng như sau:
- Nghiên cứu và lập ra các chiến lược sản xuất kinh doanh: nghiên cứu và tìm hiểu thị trường, tiến hành nghiên cứu các sản phẩm thỏa mãn nhu cầu
của khách hàng, thực hiện các chiến lược nhằm tăng doanh thu trong giai đoạn ngắn, trung và dài hạn.
- Lên kế hoạch tạo thị trường ổn định, đảm bảo các mặt hàng chủ lực của Công ty có chỗ đứng nhất định trong phân khúc các mặt hàng cùng loại, phát triển, quảng bá các sản phẩm khác, tạo lợi nhuận cao.
- Đào tạo cán bộ công nhân viên có trình độ, năng suất lao động cao, xây dựng một môi trường làm việc chuyên nghiệp, cạnh tranh lành mạnh.
- Đội ngũ quản lý có chức năng kiểm soát tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tránh tổn thất cho Công ty ở mức thấp nhất.
- Tiến hành các kế hoạch kinh doanh đã đề ra, thực hiện hiệu quả, đem lại doanh thu cao nhất.
- Sử dụng hiệu quả nguồn vốn của Công ty, tối đa hóa lợi nhuận.
- Thông qua hoạt động sản xuất kinh doanh, thu hút nhà đầu tư, mở rộng quy mô vốn để tiếp tục mở rộng phát triển sản xuất.
- Nhận thức rõ những thay đổi của thị trường, từ đó có những chiến lược cụ thể nhằm đáp ứng những thay đổi đó.
e) Chức năng của Công ty
- Mở rộng thị trường, tạo chỗ đứng vững chắc với các sản phẩm của Công ty.
- Đem những sản phẩm của Công ty ra thị trường quốc tế để cạnh tranh, nâng cao thương hiệu Việt trên thị trường quốc tế.
- Tích cực tham gia các hoạt động liên quan đế ngành dược phẩm, góp phần nâng cao chất lượng cho các sản phẩm dược phẩm.
f) Đặc điểm về cơ sở vật chất
• Hiện trạng Công nghệ, máy móc, thiết bị của Công ty
Khác với một số ngành sản xuất và tiêu dùng khác, dược phẩm có yêu cầu rất khắt khe từ công đoạn sản xuất đến lúc đánh giá chất lượng. Chính vì vậy, ngoài các tiêu chí phải đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của khách hàng, thì từ việc đảm bảo nghiêm ngặt quy trình lựa chọn nguyên vật liệu đầu vào, nghiên cứu sản phẩm, đảm