Với khách hàng lẻ mua số lượng nhỏ, DN tiếp tục thực hiện chính sách mua đứt bán đoạn, không để nợ hoặc chỉ cung cấp chiết khấu ở mức thấp. Với khách hàng lẻ mua với khối lượng lớn, DN cần thu thập thông tin khách hàng qua các kênh cung cấp, và tình trạng tín dụng của khách hàng, từ đó phân khách hàng vào nhóm phù hợp. Hợp đồng mua hàng phải quy định rõ ràng, cụ thể về thời hạn, cách thức thanh toán và hình phạt cụ thể với từng mức vi phạm.
Trong công tác thu hồi nợ: Công ty cần theo dõi thường xuyên, liên tục các KPT, lập bảng excel phân tích các KPT theo quy mô, thời gian cụ thể từ gần đến xa và cập nhật danh sách thường xuyên để có thể kịp thời thu hồi nợ, không bị chiếm dụng vốn. Bên cạnh đó cần có chính sách khuyến khích khách hàng thanh toán trước (ví dụ: chiết khấu thanh toán).
Đối với những khoản nợ quá hạn, nợ đọng: Kế toán cần phân loại, tìm hiểu nguyên nhân (chủ quan, khách quan) của từng khoản và dựa trên tình hình thực tế để có biện pháp xử lý phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Đối với những khách hàng uy tín, truyền thống, tạm thời gặp khó khăn về tài chính như dịch bệnh, thiên tai.... DN có thể áp dụng biện pháp gia hạn nợ. Còn đối với những khách hàng cố ý thanh toán chậm hoặc không thanh toán, DN dứt khoát, thậm chí có thể nhờ đến sự can thiệp của toà án kinh tế để giải quyết nhằm thu hồi được các khoản nợ.
Do cơ cấu nợ phải trả trên nguồn vốn lớn, rủi ro tài chính của công ty là rất cao. Việc KPT tăng cao gây áp lực trong việc trả nợ vốn vay cho DN do DN đang bị khách hàng chiếm dụng vốn. Vì vậy. để phòng tránh các rủi ro đó. DN cần có biện pháp để phòng ngừa cho chính mình, bằng cách trích lập dự phòng phải thu khó đòi theo từng khoản mục và khả năng thu hồi của các khoản nợ đó.