Bên cạnh các điểm mạnh, VNVC cũng tồn tại một số điểm yếu và gặp một số khó khăn trong công tác định giá doanh nghiệp:
a, Hạn chế trong quá trình thực hiện công tác định giá doanh nghiệp Thứ nhất, hạn chế về thông tin dữ liệu:
Thẩm định viên còn gặp một số khó khăn trong việc xử lý thông tin. Một số doanh nghiệp cần định giá không cung cấp đầy đủ hồ sơ, chứng từ, sổ sách kế toán theo yêu cầu của công ty định giá, công tác phân loại tài sản còn chậm chạp, việc hạch toán và lưu giữ hồ sơ không thực hiện đầy đủ theo quy định của Bộ Tài chính nên có nhiều sai sót trong sổ sách kế toán, khiến cho thẩm định viên trong quá trình thẩm định mất nhiều thời gian để rà soát và xử lý sai sót trước khi tiến hành thẩm định. Các báo cáo tài chính mà doanh nghiệp cần thẩm định cung cấp thường chưa được kiểm toán. Vì vậy, độ chính xác của các số liệu do khách hàng cung cấp là không được đảm bảo.
Thứ hai, hạn chế trong việc thực hiện quy trình định giá doanh nghiệp:
Về cơ bản, các thẩm định viên đã thực hiện công tác thẩm định giá tài sản nói chung và định giá doanh nghiệp nói riêng theo đúng quy trình của công ty. Tuy nhiên, bước lập kế hoạch thẩm định giá còn chưa được coi trọng.
Trong bước khảo sát hiện trạng, đối với các doanh nghiệp có nhiều chi nhánh, do hạn chế về thời gian nên thẩm định viên chỉ có thể thực hiện khảo sát tại một số chi nhánh của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc hoạt động tại các chi nhánh là không đồng nhất, mỗi khu vực đều có đặc điểm và điều kiện hoạt động khác nhau. Điều này khiến cho việc đánh giá về tình hình tài sản và hoạt động của doanh nghiệp phần nào trở nên thiếu chính xác.
Trong quá trình thực hiện định giá doanh nghiệp, VNVC chưa thực hiện phân tích tình hình tài chính và mới chỉ đưa ra số liệu về hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong những năm trước nên việc xác định tiềm năng, mức độ phát triển của doanh nghiệp trong tương lai chưa được chặt chẽ, chính xác.
Công ty chưa có sự phân tích và đánh giá đối với các nhân tố nội tại của doanh nghiệp cần thẩm định giá. Điều này làm mất đi tính khách quan và giảm đi độ tin cậy của kết quả thẩm định giá.
Trong quá trình thực hiện công tác định giá doanh nghiệp, thẩm định viên còn bị ảnh hưởng bởi ý kiến của doanh nghiệp cần định giá khi khách hàng đã đánh giá quá cao vào giá trị doanh nghiệp mình nên dẫn đến một số đòi hỏi không phù hợp. Điều này khiến cho thời gian hoàn thành một dự án thẩm định giá trở nên dài hơn so với dự kiến.
b, Hạn chế trong phương pháp thực hiện định giá doanh nghiệp
VNVC đã có sự kết hợp sử dụng các phương pháp, chủ yếu là sử dụng 2 phương pháp khi thực hiện định giá doanh nghiệp. Tuy nhiên, sự chênh lệch kết quả định giá giữa 2 phương pháp đôi khi là rất lớn, thẩm định viên chưa đưa ra được lập luận giải thích nguyên nhân của sự chênh lệch này khiến cho kết quả định giá trở nên kém tin cậy hơn. Thêm vào đó, khi đưa ra trọng số cho từng phương án, thẩm định viên cũng chưa đưa ra lập luận cho việc xác định những số liệu này.
Phương pháp tài sản
Khi đánh giá tài sản vô hình của doanh nghiệp, VNVC thường không tính đến lợi thế thương mại của doanh nghiệp. Việc đánh giá lợi thế thương mại gặp nhiều hạn chế về thông tin, dữ liệu và không đủ thời gian. Do vậy, trường hợp doanh nghiệp cần thẩm định có lợi thế kinh doanh, tiềm năng phát triển thì việc xác định theo phương pháp tài sản tại công ty sẽ không phản ánh giá trị thực của doanh nghiệp đó.
Đồng thời, trong phương pháp tài sản, việc đánh giá lại tài sản đôi khi cũng phụ thuộc nhiều vào ý kiến chủ quan của thẩm định viên như việc ước tính tỷ lệ chất lượng còn lại của tài sản cố định. Chính vì vậy, sẽ gây ra sự tranh cãi giữa các bên có liên quan trực tiếp.
Trong việc xác định giá trị tài sản vô hình còn có nhiều vấn đề bất cập. Theo quy định hiện hành phương pháp khấu hao và thời gian khấu hao thường do các doanh nghiệp tự lựa chọn và thời gian khấu hao không quá 20 năm. Điều này là chưa hợp lý vì có nhiều tài sản cố định vô hình đã khấu hao hết và thu hồi đủ vốn (giá trị ghi sổ bằng 0) vẫn đang được sử dụng, hay có những tài sản không thay đổi nhiều sau khi đưa vào sử dụng nhưng lại được trích khấu hao nhanh. Vì vậy có thể dẫn đến thất thoát giá trị tài sản cố định vô hình khi định giá.
Phương pháp chiết khấu dòng lợi nhuận thuần và chiết khấu dòng tiền
Kết quả các phương pháp định giá đưa ra dựa trên các giả định về sự phát triển của doanh nghiệp trong một thời gian dài. Giả định cho rằng doanh nghiệp hoạt động trong môi trường chính trị, nền văn hóa, an ninh xã hội ổn định, kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định trong các năm tới. Trên thực tế, những giả định này rất khó có thể xảy ra, đặc biệt là khi hiện nay nước ta đang trong giai đoạn phát triển chưa bền vững về các yếu tố văn hóa, chính trị, xã hội, đặc biệt là yếu tố kinh tế. Doanh nghiệp có thể gặp phải các tình huống bất ngờ ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngay sau đó. Các thẩm định viên do hạn chế về thông tin của thị trường cũng như của doanh nghiệp đã không tính đến tình huống đó. Dẫn đến kết quả định giá bằng phương pháp này có độ chính xác không cao.
Đối với việc áp dụng phương pháp chiết khấu dòng tiền và chiết khấu lợi nhuận
thuần trong định giá doanh nghiệp thì giá trị của doanh nghiệp được thẩm định sẽ bị thay đổi khi một trong các biến số tham gia vào quá trình định giá thay đổi. Bởi vậy, trong quá trình vận dụng phương pháp này công ty VNVC đã gặp một số khó khăn nhất định như việc dự báo các khoản lợi nhuận trong tương lai. Nguyên nhân là do các dữ liệu đầu vào như doanh thu, chi phí, ... có thể thay đổi nhanh chóng theo thời gian và sự biến động của thị trường nên kết quả định giá có sự sai lệch nhất định.
Khi áp dụng hai phương pháp chiết khấu này, thẩm định viên thực hiện tính toán và ước lượng các thông tin như: Tỷ suất lợi nhuận 3-5 năm liền kề trước khi thực hiện
định giá doanh nghiệp, lợi nhuận dự kiến 5-10 năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng trong 5-10 năm tới, hệ số rủi ro của doanh nghiệp. Ngoài ra cần thu thập, tính toán các số liệu vĩ mô như: tốc độ tăng trưởng ngành, hệ số rủi ro ngành,... Có thể thấy phương pháp này đòi hỏi một lượng lớn thông tin để đánh giá sự ảnh hưởng của môi trường vĩ mô, vi mô, các yếu tố bên trong, bên ngoài tác động đến doanh nghiệp và các dự báo dựa vào trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của cán bộ định giá. Do vậy, phương pháp này sẽ đem lại kết quả không khả quan cho các doanh nghiệp không có chiến lược kinh doanh hoặc có chiến lược kinh doanh không rõ ràng.
Các phương pháp này luôn phải sử dụng thị trường chứng khoán hoặc các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam làm chuẩn. Tuy nhiên, hiện nay số lượng công ty niêm yết chưa nhiều, nhiều ngành có số lượng công ty đại diện ít, dữ liệu lịch sử về giá ngắn, thông tin các công ty niêm yết chưa được cập nhật thường xuyên và đầy đủ, cho nên khó phản ánh đúng mức độ rủi ro của cả thị trường, của từng ngành cũng như từng công ty. Do vậy việc sử dụng phương pháp dòng tiền chiết khấu trong thực tế còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hệ thống dữ liệu thống kê ngành của Việt Nam chưa hoàn thiện, việc xác định các chỉ số bình quân ngành là không hề dễ dàng, mà thiếu những chỉ số này sẽ khó cho việc xác định định tỷ lệ chiết khấu thích hợp để thực hiện cho phương pháp này.
Như đã phân tích ở trên, khi tính chi phí sử dụng vốn bình quân trong phương pháp chiết khấu dòng tiền, VNVC xác định chi phí sử dụng nợ phải trả của doanh theo mức lãi suất trung và dài hạn bình quân của 04 ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam. Điều này không phản ảnh được tỷ trọng đi vay của doanh nghiệp. Điều này có thể dẫn đến sự sai lệch trong giá trị của doanh nghiệp.