Vũ Thị Hoa (2011) có nêu rằng về mặt lý thuyết, khi thực hiện quyết định mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ, những mục tiêu doanh nghiệp hướng tới bao gồm bốn mục tiêu chính.
Thứ nhất, nhằm truyền thông tin nội bộ xác thực ra thị trường. Thông báo mua lại cổ phiếu của công ty có thể phản ánh những dự tính của ban lãnh đạo về triển vọng tương lai của công ty. Ví dụ, công ty có một lượng tiền nhàn rỗi, chưa có dự án đầu tư và cùng lúc hoạt động kinh doanh đang có chiều hướng tốt, lợi nhuận bình quân cao hơn các ngành khác mà công ty dự định đầu tư. Động thái mua lại cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ thể hiện sự tin tưởng vào triển vọng phát triển tương lai của công ty cũng như ngành nghề là công ty sẽ thu được lợi nhuận và dòng tiền cao hơn trong tương lai, đây cũng là tín hiệu công ty gửi đến nhà đầu tư là giá cổ phiếu của họ đang ở mức hấp dẫn và khuyến khích nhà đầu tư mua vào.
Thứ hai, nhằm thay đổi cơ cấu nguồn vốn của công ty. Lựa chọn phương án mua lại cổ phiếu, thu hẹp vốn cổ phần trong điều kiện các yếu tố khác được giữ nguyên sẽ làm cho hệ số vốn chủ sở hữu giảm và hệ số nợ tăng. Trường hợp này xảy ra khi hệ số nợ của công ty chưa đạt mức tối ưu, do đó cần điều chỉnh tăng nợ nhằm phát huy tác dụng của đòn bẩy tài chính.
Thứ ba, nhằm thay đổi cấu trúc sở hữu của công ty. Khi công ty tiến hành mua lại cổ phiếu, những cổ đông nào bán lại tàon bộ hoặc một phần số cổ phiếu của mình đang nắm giữ cho công ty, điều đó đồng nghĩa với việc cổ đông không còn sở hữu cổ phần trong công ty nưa hoặc tỷ lệ sở hữu của họ bị giảm đi. Do đó, một chương trình mua lại cổ phiếu phổ thông có thể điều chỉnh lại tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông và theo đó tác
động tới cấu trúc sở hữu trong công ty. Việc thay đổi cấu trúc sở hữu có liên quan đến quyền kiểm soát công ty, vì vậy mua lại cổ phiếu được sử dụng để bảo vệ hay giành quyền kiểm soát công ty, đây được coi là một chiến lược phòng vệ chống lại âm mưu thâu tóm công ty.
Thứ tư, để tối thiểu hoá các khoản thuế. Ở một số nước, cách xử lý thuế trong trường hợp mua lại cổ phiếu phổ thông và trả cổ tức bằng tiền có sự khác nhau. Đối với cổ đông, cổ tức bằng tiền bị đánh thuế như một khoản thu nhập thông thường, trong khi thu nhập từ chênh lệch giữa giá bán lại cổ phiếu cho công ty phát hành với giá mua cổ phiếu lúc ban đầu lại được xử lý như một khoản lãi vốn. Do thuế suất đánh vào thu nhập là cổ tức và thu nhập là lãi vốn có sự chênh lệch, điều này tác động tới quyết định lựa chọn giữa hai phương án phân phối tiền của công ty.
Ngoài ra, Der-Jang Chi và cộng sự (2010) cho rằng ngoài những lý do kể trên, doanh nghiệp còn mua lại cổ phiếu quỹ với mục đích bảo vệ khả năng tín dụng của doanh nghiệp và lợi ích cổ đông hoặc chuyển nhượng cổ phiếu cho nhân viên.