Trên thế giới đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra bằng chứng thực nghiệm của việc mua lại cổ phiếu quỹ có ảnh hưởng tới giá cổ phiếu của doanh nghiệp.
Hầu như các nghiên cứu đều chỉ ra rằng giá cổ phiếu sẽ thay đổi tích cực và xuất hiện lợi nhuận bất thường xung quanh ngày công bố thông tin. Ikenberry, Lakonishok và Vermaelen (1995) đã nhận thấy thị giá cổ phiếu tăng mạnh sau khi có công bố mua lại cổ phiếu quỹ. Cụ thể, những cổ phiếu này có mức tăng khoảng 12% trong vòng bốn năm. Hiện tượng này cho thấy đối với công ty công bố mua lại cổ phiếu quỹ, mua lại cổ phiếu của chính họ là một khoản đầu tư hấp dẫn kể cả khi giá cổ phiếu đã tăng do phản ứng với việc thông tin được công bố ra. Nghiên cứu của Stephens và Weisbach (1998) đã chứng minh điều này.
Hatakeda và Isagawa (2004) đã nghiên cứu diễn biến của giá quanh ngày công bố thông tin liên quan đến mua lại cổ phiếu quỹ được công bố tại thị trường chứng khoán Nhật Bản. Họ đã nghiên cứu hành động giá của 452 công ty tại Nhật Bản trong khoảng thời gian ba năm, từ tháng 11 năm 1995 đến tháng 11 năm 1998 để tìm ra hành vi của giá cổ phiếu. Nghiên cứu này đã chia mẫu thành hai nhóm bao gồm nhóm các công ty công bố thông tin về việc lấy ý kiến mua lại cổ phiếu quỹ và nhóm các công ty công bố thông tin về việc thay đổi chính liên quan tới cổ phiếu quỹ. Kết quả của nghiên cứu này chỉ ra rằng cổ phiếu của doanh nghiệp có xu hướng giảm trước thời điểm thông tin liên quan tới cổ phiếu quỹ được công bố và có xu hướng tăng sau khi tin đã được công bố. Họ cũng nhận thấy phản ứng của giá cổ phiếu của hai nhóm công ty kể trên sau thời điểm tin được công bố không có sự khác biệt đáng kể, tuy nhiên lại có sự khác nhau trong hành vi của giá cổ phiếu thuộc hai nhóm công ty này trong giai đoạn trước khi thông tin được công bố. Cụ thể, nhóm doanh nghiệp công bố thông tin về việc lấy ý kiến mua lại cổ phiếu quỹ có mức giảm giá cổ phiếu lớn hơn so với nhóm cònn lại.
Một nghiên cứu khác của Larry Y.Dann (1981) đã nghiên cứu khoảng 143 thương vụ mua lại cổ phiếu từ năm 1962 đến năm 1976 của 122 doanh nghiệp khác nhau để tìm ra ảnh hưởng của những thương vụ này đến giá của cổ phiếu, trái phiếu và cổ phiếu ưu đãi của công ty vào ngày công bố thông tin. Larry Y.Dann đã nhận ra cổ đông của doanh nghiệp nhận được một khoản lợi nhuận dương đáng kể trong vòng một ngày kể từ khi thông báo mua lại cổ phiếu quỹ được công bố, và giá cổ phiếu không giảm trở lại mức tại thời điểm trước khi thông tin được công bố cho tới khi doanh nghiệp dừng việc mua cổ phiếu quỹ.
David K.Ding (1996) đã mở rộng nghiên cứu của Dann (1981) bằng cách thực hiện nghiên cứu trên ba nhóm cổ đông: (1) cổ đông nhỏ lẻ (sở hữu ít hơn 5% cổ phần),
(2) cổ đông lớn (sở hữu nhiều hơn 5% cổ phần) trực tiếp điều hành doanh nghiệp và (3) cổ đông lớn thuộc tổ chức bên ngoài như quỹ đầu tư hoặc công ty khác. Mẫu bao gồn 52 thương vụ thuộc nhóm (1), 68 thương vụ thuộc nhóm (2) và 36 thương vụ thuộc nhóm
(3) . Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng cổ đông lớn nhận được khoản lợi nhuận bất thường
lớn hơn cổ đông nhỏ lẻ khi giao dịch dựa trên thông tin liên quan đến việc mua lại cổ phiếu quỹ.
Der-Jang Chi và cộng sự (2010) cũng có một nghiên cứu về ảnh hưởng của công bố mua lại cổ phiếu quỹ với những mục đích khác nhau lên thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành khác nhau niêm yết trên thị trường chứng khoán Đài Loan. Phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong nghiên cứu này là phương pháp nghiên cứu sự kiện để đánh giá dao động của giá cổ phiếu và GARCH cũng được sử dụng để ước lượng hệ số hồi quy của mô hình. Mau nghiên cứu bao gồm những doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán Đài Loàn lần đầu công bố thông tin mua lại cổ phiếu quỹ trong khoảng từ tháng 8 năm 2000 đến tháng 12 năm 2005, với điều kiện là công ty phải được niêm yết ít nhất 150 ngày trước ngày công bố. Nghiên cứu của Der- Jang Chi và các cộng sự cho thấy những cổ phiếu ngoài ngành điện lực có lợi nhuận bất thường tích luỹ tương đối lớn so với các công ty thuộc ngành điện trong cả hai giai đoạn trước và sau khi công bố thông tin mua lại cổ phiếu quỹ và những thương vụ mua lại với mục đích để “bảo vệ tín dụng của doanh nghiệp và lợi ích cổ đông” có lợi nhuận bất thường tích luỹ lớn hơn những thương vụ với mục đích “chuyển nhượng cổ phiếu cho nhân viên”.
Những lý thuyết trên đúng với thị trường hiệu quả, tuy nhiên nghiên cứu của Isagawa (2002) được thực hiện trên giả định thị trường không hiệu quả và doanh nghiệp không cam kết sẽ mua lại cổ phiếu quỹ sau khi đưa ra thông báo. Kết quả cho thấy khi thị trường không hiệu quả, cổ phiếu lưu hành của doanh nghiệp sẽ bị đánh giá thấp sau khi thông báo mua lại cổ phiếu quỹ được đưa ra và doanh nghiệp có thể lợi dụng sự đánh giá sai lệch của thị trường để kiếm lợi nhuận. Nếu thị trường hiệu quả và đánh giá đúng giá trị của cổ phiếu, doanh nghiệp sẽ không có một động lực rõ ràng để mua lại cổ phiếu quỹ sau khi công bố.
Bên cạnh những nghiên cứu về tác động của việc doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ đến thị giá cổ phiếu của chính doanh nghiệp đó, một số nghiên cứu còn mở rộng hơn khi nghiên cứu tác động trên cổ phiếu của doanh nghiệp khác. Michael G. Hertzel (1991)
đã nghiên cứu tác động của việc công bố thông tin liên quan tới cổ phiếu quỹ đến hành vi giá cổ phiếu của doanh nghiệp đối thủ. Sau khi thực hiện nghiên cứu trên 231 thương vụ mua lại cổ phiếu quỹ từ năm 1970 đến 1984, Hertzel rút ra kết luận không có lợi nhuận bất thường nào được ghi nhận trên cổ phiếu của công ty đối thủ. Thậm chỉ khi quan sát trong khoảng thời gian dài hơn xung quanh ngày công bố thông tin còn ghi nhận ảnh hưởng tiêu cực của thông tin đến giá cổ phiếu của công ty đối thủ.
Ngoài những nghiên cứu về ảnh hưởng của thông báo liên quan tới cổ phiếu quỹ tới lợi nhuận của nhà đầu tư cá nhân cũng có những nghiên cứu về ảnh hưởng của những thông tin này tới những nhà đầu tư giao dịch nội gián. Raad và H.K.Wu (1995) đã có nghiên cứu về vấn đề này dựa trên 204 doanh nghiệp thông báo mua lại cổ phiếu quỹ trên thị trường mở từ năm 1982 đến 1990. Kết quả nghiên cứu cho thấy những giao dịch nội gián được thực hiện trong khoảng một tháng trước khi thông báo về việc mua lại cổ phiếu quỹ được công bố có ảnh hưởng đáng kể tới lợi nhuận của cổ phiếu. Những nhà đầu tư nội gián bán cổ phiếu trong giai đoạn này nhận được mức lợi nhuận dương. Tuy nhiên, những nhà đầu tư nội gián nắm giữ vị thế mua trong giai đoạn này còn hưởng mức lợi nhuận cao hơn cả những nhà đầu tư nắm giữ vị thế bán.
Có một số học thuyết được đưa ra nhằm nghiên cứu lí giải nguyên nhân của những phản ứng này. Chúng ta có thể kể đến một số giả thuyết sau:
Sự bất cân xứng thông tin (Information asymetry effect hypothesis) cho thấy rằng những người điều hành và ra quyết định của công ty luôn có nhiều thông tin như tiềm năng, rủi ro và các giá trị của công ty mình hơn những nhà đầu tư trên thị trường. Với lợi thế thông tin này, Ross (1977) gợi ý rằng các nhà quản lý có động cơ để truyền tải thông tin về triển vọng doanh nghiệp của họ ra thị trường thông qua các hoạt động tài chính. Các nhà quản lý sẽ không thích nắm giữ cổ phiếu của công ty mình nếu họ không lạc quan về lợi nhuận và triển vọng tương lai của doanh nghiệp. Như vậy, việc mua lại cổ phiếu quỹ sẽ được nhìn nhận bởi thị trường như là một tín hiệu của chất lượng và lạc quan về triển vọng trong tương lai của doanh nghiệp, điều này dẫn đến diễn biến tích cực
về giá cổ phiếu. Ngoài ra, phản ứng của thị trường có thể giảm đi nếu có ít thông tin bất cân xứng giữa những thành phần tham gia thị trường (Dierkens, 1991).
Ảnh hưởng của áp lực giá (Price pressure effect hypothesis) cho rằng khi giảm khối lượng chứng khoán lưu hành trên thị trường mở thì giá chứng khoán có xu hướng tăng do hệ số góc của đường cầu chứng khoán là nhỏ hơn 0. Khi doanh nghiệp mua lại cổ phiếu quỹ, cung cổ phiếu sẽ giảm, giá sẽ tăng nếu như cầu đối với một chứng khoán riêng lẻ không hoàn hảo và nếu số lượng cổ phiếu được mua lại càng nhiều thì mức giá tăng sẽ càng lớn.