Nuôi dạy con người thuở bé là chuyện cấp bách. Ấy là vì lúc mới hiểu biết sẽ hấp thụ sự huân tập dễ dàng. Tập tành chuyện lành sẽ là người lành; tập thói ác sẽ thành kẻ ác, huống gì những cô nhi không cha, không mẹ, không cơm, không áo ư? Những hạng người này không được nuôi dạy thì nếu không chết đói sẽ lưu lạc thành ăn mày, hoặc thành kẻ bậy bạ. Bởi lẽ, tài đức thiên phú do nghèo cùng nên chẳng thể bộc lộ, chẳng tiếc lắm ư? Nếu được nuôi dạy thì sẽ như Thích Đạo An đời Tấn, Thích Diệu Phong đời Minh, đạo truyền Phật tâm, trên hoằng dương, dưới hóa độ. Lã Văn Mục101
, Phạm Văn Chánh đời Tống, dùng đạo cứu giúp cõi đời hoạn nạn, kế thừa người trước, mở mang hậu học, xưa nay vốn chẳng thiếu những người [giống như thế]. Dẫu đứa không có thiên tư cũng sẽ được nuôi thành lương thiện, biết tự chủ, trở thành bậc thuần thành, cẩn thận trong một làng, một ấp, tận tụy hành tám đức “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ”, sẽ biến đổi thế đạo nhân tâm mà chẳng hay chẳng biết. Do vậy, củng cố nền tảng đất nước, giúp cho sự bình trị, cố nhiên chẳng riêng gì đứa bé côi cút được hưởng lợi ích ấy!
101
Văn Mục là thụy hiệu của Lã Mông Chánh (944-1011), tự Thánh Công, người xứ Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, làm Tể Tướng dưới đời Tống Thái Tông và Tống Chân Tông. Ông vốn thuộc dòng dõi quyền quý, cha là Lã Quy Đồ làm quan Thị Lang, nghe lời người thiếp gièm xiểm, nhẫn tâm đuổi mẹ con ông ra khỏi nhà. Mẹ phải làm thuê vất vả để kiếm sống, Mông Chánh còn bé đã phải đi đốn củi giúp mẹ đắp đổi cuộc sống. Mỗi lần gánh củi đi ngang trường học, Mông Chánh rình nghe học trò đọc sách, không bao lâu đã thông thuộc Tứ Thư, Ngũ Kinh. Mẹ thấy con chăm học, đến van nài với thầy dạy. Thầy giáo thấy Mông Chánh thông minh, hiếu học bèn châu cấp bút mực, tận lực dạy dỗ. Ông tánh tình cương trực, nói thẳng không kiêng dè. Tống Thái Tông từng khoe kinh thành giàu có, ấm no, ông liền vạch thẳng tình trạng cả đống dân chết đói, chết rét, nhưng các quan giấu diếm không báo lên vua biết, khiến vua giận xám mặt. May mắn cho ông là Tống Thái Tông không phải là hôn quân, nên ông vẫn giữ được tánh mạng! Do cương nghị, đầy tài năng, ông từng kiêm nhiệm nhiều chức vụ trọng yếu như Đồng Bình Chương Sự, Chiêu Văn Quán Đại Học Sĩ, Tư Không, Thái Tử Thái Sư, tước phong Tưởng Quốc Công.
Nguyện những người nhân từ, những bậc quân tử, hãy đem cái lòng thương yêu trẻ thơ của ta để nhất trí tiến hành giúp đỡ cho chuyện này ngõ hầu an ủi tấm lòng thương trẻ của Khổng Tử, cái tâm [thương yêu chúng sanh như] con một của Phật Thích Ca thì cái tâm thương yêu trẻ thơ mới được viên mãn, không còn thiếu sót gì, khôn ngăn thơm thảo ngày đêm cầu khẩn vậy!