(năm Dân Quốc 20 - 1931)
Đời đã loạn tột cùng hết thuốc chữa! Xét đến cái gốc họa thì chỉ vì các tiên hiền bên Lý Học đã bài xích những sự lý nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo do đức Phật đã dạy. Họ nói: Phật bịa đặt những chuyện đó để làm căn cứ dụ dỗ, mê hoặc hàng ngu phu ngu phụ, chẳng biết “thuận theo thiên lý thì tốt lành, trái nghịch thì xấu, tích thiện sự vui có thừa, tích bất thiện thì tai ương có thừa”, cũng như “tinh khí là vật, du hồn biến chuyển” chẳng phải là nhân quả đó sao? Chẳng phải là luân hồi đó ư? Huống chi những chuyện nhân quả luân hồi được ghi chép trong sử sách kể sao cho xiết! Há họ trọn chẳng hề đọc đến hay sao? Chỉ vì tri kiến môn tường quá nặng, muốn tạo đường lối khác biệt nhà Phật để ngăn trở người đời sau, sợ họ đều học theo Phật hết thì Nho giáo sẽ bị lạnh lùng, suy sụp. Bọn họ chỉ lấy “trọn hết tình nghĩa, trọn hết bổn phận, thành ý, chánh tâm” làm đạo giáo hóa dân, để biến đổi phong tục thành tốt đẹp. Đối với phương tiện khiến cho dân không thể không trọn hết tình nghĩa, trọn hết bổn phận, thành ý, chánh tâm, sửa lỗi hướng thiện, họ chẳng những phế bỏ không bàn tới mà còn bài xích sâu đậm là sai trái, chỉ sợ lỡ ra người ta tin vào nhân quả ba đời và luân hồi lục đạo! Do vậy, bậc thượng trí biếng nhác tu trì, kẻ hạ ngu dám làm ác, bởi Nghiêu hay Kiệt đều cùng chết, đều mất sạch cả rồi, cần gì phải chú tâm, dè dặt, không dây mà tự buộc để tự khổ sở cả một đời ư? Sao chẳng mặc tình buông lung cốt sao đời này được sung sướng, quản chi cái danh xuông sau khi đã chết? Đến nỗi thiện không có gì để khuyên, ác không có gì để phạt! Tới khi gió Âu thổi dần sang phương Đông, biến đổi tận gốc càng thêm tệ hại, rốt cuộc đến nỗi phế kinh điển, phế luân thường v.v… lậm sâu mê hoặc bên trong, [biến thành] những chuyện tranh thành, tranh đất v.v… làm giặc bên ngoài. [Nông nghiệp] thì thiên thời lẫn địa lợi đều
mất, nhân họa, thiên tai cùng xảy tới. Xót thay dân đen, mắc phải sự hung tàn này. Xét đến nguồn gốc của họa loạn chẳng thể nào không quy tội cho học thuyết bài xích “nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo”! Xưa kia, khi họ đề xướng thuyết này, chẳng qua chỉ muốn chèn ép Phật giáo để đề cao Nho giáo, chẳng biết do đấy [con người] sẽ phóng túng không kiêng dè, đến nỗi phát sanh những hiện tượng phế kinh điển, phế luân thường, phế bỏ lòng hiếu, vứt bỏ hổ thẹn.
Ôi! Tình người như nước, nhân quả như đê. Đắp cho chắc còn sợ nước ngập lênh láng, huống hồ là trừ bỏ đê đi, há nước chẳng chảy tràn lan hay sao? Học thuyết lầm người, họa đến cùng cực như thế đấy, chẳng đáng buồn ư? Gặp phải thời vận này, người có tâm sao nỡ bỏ mặc được ư? Vì thế, cư sĩ Quách Giới Mai phổ biến lưu thông sách Vụ Bản Tùng Đàm để mong cứu vãn. Sách ấy nêu tỏ từng sự lý giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành, cũng như pháp tắc phát Bồ Đề tâm, tự lợi, lợi tha, tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương v.v... Nếu có thể hành theo đó thì khi sống ắt sanh vào địa vị thánh hiền, khuất bóng sẽ lên cõi Cực Lạc, ngõ hầu chẳng phụ chân tâm có thể làm Nghiêu - Thuấn, có thể thành Phật và tiếng thơm cùng sánh với Trời Đất xưng là Tam Tài vậy!
Những ai muốn mở rộng giềng mối “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” lớn lao, muốn thành tựu đại sự “cách vật, trí tri, thành ý, chánh tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, muốn chứng đại quả hết sạch Phiền Hoặc, phước huệ viên mãn, xin hãy dùng sách này để làm hướng dẫn hòng dẫn dắt người khác bước vào nơi thù thắng và những ai đã vào rồi sẽ tiến sâu thêm thì cuốn sách này sẽ không thể nào diễn tả tường tận sự thành tựu của người ấy cho được. Nguyện người thấy nghe chớ có xem thường thì may mắn lắm thay!