Lời tựa cho bộ Viên Anh Pháp Vựng

Một phần của tài liệu ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN (Quyển Hạ) Phần 3 potx (Trang 38 - 39)

(năm Dân Quốc 22 - 1933)

Tri kiến Như Lai chúng sanh đều cùng sẵn có; nhưng nếu đức Phật chẳng nói, ai hòng tự biết được? Vì vậy, đức Thế Tôn ta thị hiện sanh trong thế gian, thành Đẳng Chánh Giác, vì khắp chúng sanh chín giới, tùy theo căn cơ tuyên nói diệu pháp sao cho lý lẫn cơ đều khế hợp, giải lẫn hạnh cùng trọn vẹn, ngõ hầu đoạn Hoặc chứng Chân, khôi phục tâm tánh vốn có mà thôi!

Lại do những nhân duyên như: Chúng sanh độn căn khó mong đoạn chứng được, hễ phải thọ sanh lần nữa, tiến chỉ một, lùi cả vạn; [chỉ có] bậc thượng sĩ Nhất Thừa đích thân chứng được Pháp Thân, chẳng phải trải qua tăng-kỳ [đại kiếp], mau thành Phật đạo v.v… nên Phật đặc biệt mở ra pháp môn tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, để chín pháp giới thượng thánh hạ phàm đều cùng vãng sanh Tây Phương ngay trong đời này. Bậc thượng sĩ sẽ viên mãn Bồ Đề, kẻ hạ căn cũng đích thân lên bậc Bất Thoái. Ân che chở, vỗ về, nuôi dưỡng ấy dù hết cả kiếp cũng chẳng thể nói trọn. Do vậy biết: Một pháp Tịnh Độ chính là pháp môn tổng trì thành thủy thành chung để mười phương ba đời hết thảy chư Phật trên thành Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Đang thời Mạt Pháp này, căn cơ con người kém hèn, thọ mạng ngắn ngủi, tri thức hiếm hoi, tà ma ngoại đạo tung hoành, nếu không có pháp này thì làm sao yên được? Vì thế, khi Phật pháp được truyền sang Chấn Đán, hai ngàn năm qua, tất cả tri thức ai nấy hoặc chuyên tu hoặc kiêm tu, hoặc hiển tu hoặc ngầm tu pháp này để mong rốt ráo tự lợi, lợi tha.

Pháp sư Viên Anh xưa đã sẵn huệ căn, nghiên cứu Giáo Quán đã lâu, tuy thị hiện dáng vẻ duy trì Tông môn, nhưng thật ra lòng chuyên chú nơi Tịnh Độ. Người căn cơ viên mãn thọ pháp, không pháp nào chẳng viên, tùy lòng người ưa thích mà giảng các kinh. Phật Học Thư Cục tập hợp những trước tác của Sư để ấn hành, lưu truyền, đặt tên là Viên Anh Pháp Vựng. Đầu sách là A Di Đà Kinh Chú (chú giải kinh A Di Đà) để nêu rõ ý pháp sư chú trọng Tịnh Độ. Trộm nghĩ vùng Chiết Giang xưa kia đã có Vân Thê Pháp Vựng, gần đây thì có Đế Nhàn Giảng Lục, Viên Anh Pháp Vựng, đều là người hướng dẫn nơi đường hiểm, là thuyền từ

trong biển khổ. Kẻ có duyên gặp được may mắn chi hơn? Quang là một ông Tăng tầm thường chỉ biết cơm cháo, ngoài niệm Phật ra, chẳng biết một chuyện gì, được Sư chẳng chê bỏ, sai viết lời tựa dẫn giải, chỉ đành lược thuật những gì được biết cho xong trách nhiệm, nhưng lời văn chẳng ăn nhập gì đến đầu đề, đành mặc cho bậc đại thông gia chỉ trích, chê cười mà thôi!

Một phần của tài liệu ẤN QUANG PHÁP SƯ VĂN SAO TỤC BIÊN (Quyển Hạ) Phần 3 potx (Trang 38 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(40 trang)