(năm Dân Quốc 21 - 1932)
Đời loạn đến cùng cực, con người hết sức mong mỏi bình trị. Đạo để bình trị vốn thật gần, thật dễ, nhưng những kẻ thông minh trong thế gian thường muốn lập dị để mong lấn áp cổ nhân. Vì thế, họ coi thường những điều gần gũi, dễ dàng, chẳng thèm sử dụng, cứ muốn coi trọng những điều xa xôi, khó khăn để tỏ rõ bản lãnh của chính mình. Rốt cuộc chỉ thành rối ren, đạt hiệu quả trái ngược, nước loạn, dân khốn khổ hết thuốc chữa, chẳng đáng buồn ư? Chẳng đáng sợ ư? Chẳng biết thánh nhân vốn từ thiên lý, luân thường để lập pháp, khiến cho ai nấy đều giữ vẹn bổn phận, tôn trọng luân thường, tận tụy hành hiếu đễ, nên mới nói: “Nghiêu Thuấn chi đạo, hiếu đễ nhi dĩ hỹ” (Đạo của Nghiêu Thuấn chỉ là hiếu - đễ mà thôi). “Lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu, trị thiên hạ khả vận chi chưởng thượng” (Dùng lòng phụng dưỡng, tôn kính người già cả của ta để phụng dưỡng, tôn kính người già cả của kẻ khác, đem lòng thương yêu con thơ của ta để thương yêu con thơ của người khác, thì giữ cho cõi đời bình trị sẽ là chuyện nắm chắc trong tay). Nếu ai nấy đều giữ được tấm lòng trung hậu, khoan thứ, cùng thấu hiểu sâu xa “mọi người là ruột thịt của ta, muôn vật cũng giống như ta” thì lễ nghĩa, nhân nhượng sẽ thịnh hành, thắng hung tàn, bỏ giết chóc, phong tục thuần thiện, thiên hạ thái bình.
Thánh nhân lại lo con người không nghĩ chín chắn tới nơi tới chốn, bèn dùng sự lý nhân quả báo ứng để răn dạy. Vì thế, kinh Thư chép:
“Huệ địch cát, tùng nghịch hung, duy ảnh hưởng” (thuận theo đạo thì tốt lành, trái nghịch thì xấu xa, giống như bóng theo hình, như tiếng vọng theo âm thanh vậy)94. Lại chép: “Tác thiện giáng chi bách tường, tác bất thiện giáng chi bách ương” (Làm lành trăm điều lành giáng xuống, làm điều chẳng lành, trăm tai ương giáng xuống). Khổng Tử khen ngợi Châu Dịch, vừa mở đầu liền nói: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh. Tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương” (Nhà tích chứa điều thiện, sự vui có thừa. Nhà làm điều chẳng lành, tai ương có thừa). Cơ Tử trần thuật Hồng Phạm, cuối [thiên sách] mới nói: “Hưởng dụng ngũ phước, oai dụng lục cực” (Thuận theo sẽ được năm điều phước, trái nghịch sẽ bị sáu nỗi cực nhọc). Những nhà Nho về sau chẳng biết nhân quả ba đời, gom hết ngũ phước, lục cực về sự cai trị của nhà vua. Chẳng những vu báng sự cai trị của vua là bạo ngược, mà còn vu báng cả từ ngữ “phước, cực” nữa. Vì thế, khó thể nào giải thích không khập khiễng cho được!
Nay lại dùng lẽ nhân quả rõ ràng để nói thì: “Ái nhân giả, nhân hằng ái chi; kính nhân giả, nhân hằng kính chi” (Yêu người, người mãi thương yêu; kính người, người sẽ luôn thường kính ta). Nói ra lời trái tai thì sẽ nghe lời trái tai. Cho vay sự trái nghịch thì cũng sẽ nhận lại sự trái nghịch. Giết cha người khác, người ta cũng sẽ giết cha ta. Giết anh người ta, người ta cũng sẽ giết anh mình. Phàm những gì đã làm cho người khác thì không chuyện gì [bản thân ta sẽ gặp phải] lại chẳng giống như vậy. Còn đối với nhân quả tự tu thì nói: “Thánh do mất niệm thành cuồng, cuồng do khắc chế được ý niệm bèn thành thánh”. Thánh hay cuồng chỉ do mất niệm hay khắc chế được ý niệm mà thôi! Như câu nói:
“Cẩu chí ư nhân hỹ, vô ác dã. Năng chí ư nhân, tắc kiến tiên triết ư canh tường, thận độc tri ư khâm ảnh. Bất chí ư nhân tắc nhân dục nhật tứ, thiên lý nhật mẫn, tiện dữ cầm thú cơ hy hỹ!” (Nếu dốc chí vào lòng nhân thì không ác, dốc chí nơi nhân sẽ thấy bậc tiên triết trong canh, nơi tường, cẩn thận dè dặt như sợ cả bóng áo [của chính mình] sẽ biết được [tội lỗi của chính mình]. Nếu lòng chẳng hướng về điều nhân thì lòng ham muốn ngày một phóng túng, thiên lý ngày một mất đi, có khác gì cầm thú cho mấy). Mạnh Tử nói: “Tây tử mông bất khiết, tắc nhân giai
94
Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giảng của Khổng An Quốc, trích dẫn bởi Hà Yến và Hình Bỉnh trong cuốn Luận Ngữ Chú Sớ. Câu nói này lấy từ thiên Đại Vũ Mô trong sách Thượng Thư.
yểm tỵ nhi quá chi” (Tây Thi bôi đồ dơ thì mọi người đều bịt mũi, quở trách) (Tây Tử (tức nàng Tây Thi) cực đẹp, nhưng bôi phân khắp mặt thì mọi người đều sợ hôi thối, chẳng những không chịu nhìn mà còn bịt mũi chê trách). “Tuy hữu ác nhân (ác ở đây là xấu xa, “ác nhân” là người diện mạo xấu xí), trai giới mộc dục, tắc khả dĩ sự Thượng Đế” (Tuy người xấu xí, nhưng trai giới tắm gội sẽ có thể thờ Thượng Đế). Đấy đều là sự lý nhân quả báo ứng vậy! Thánh nhân dạy người, trước hết nói thẳng vào những cách thức nên làm, rồi lại dạy những lẽ lợi - hại, được - mất do tuân thủ hay chống trái [những phương cách ấy]. Hai điều này tiến hành song song thì sẽ chẳng thể nào lệch lạc hay phế bỏ được.
Thánh nhân muốn cho con người ai nấy đều tu đức, đều trọn hết phận mình, chỉ sợ có kẻ coi thường, nên dùng sự lý nhân quả báo ứng để đôn đốc sao cho họ nghiêm túc tuân thủ, chẳng trái nghịch vậy. Nhưng nhân quả được thánh nhân nói đến chỉ là nói về bản thân và con cháu mà thôi! Do chẳng nói đến chuyện trước khi sanh ra và sau khi đã mất, nên đối với chuyện quá khứ, vị lai của người ấy dù nhân hay quả đều chẳng nhắc tới. Cơ Tử nói đến ý nghĩa Ngũ Phước, Lục Cực, chính là chỉ rõ cái nhân quá khứ tạo thành cái quả trong hiện đời. Vì thế biết rằng: Do kẻ tầm thường chẳng dễ gì hiểu được nên thánh nhân chẳng nói, chứ không phải là chẳng biết có nhân quả ba đời! Từ khi Phật giáo truyền sang phương Đông, nêu rạng rỡ lý “tâm, Phật, chúng sanh, cả ba không sai biệt” và sự “nhân quả ba đời, lục đạo luân hồi”, nhân dân được hưởng ngầm lợi ích chẳng thể kể xiết. Thử nêu ra một hai điều ắt sẽ biết rõ.
Vào đầu đời Châu, ân trạch của Văn Vương thấm đến cả xương khô, nhưng chưa đầy ba bốn trăm năm, tục lệ giết người tuẫn táng đã phổ biến cả thiên hạ. Thiên tử, chư hầu, đại phu, kẻ sĩ đều tùy sức giết người để tuẫn táng. Những kẻ có thế lực mạnh mẽ đều cho rằng càng giết nhiều càng sang! Mục Công là vua hiền của nước Tần còn giết một trăm bảy mươi bảy người. Ba vị họ Tử Xa đều là hiền thần của nước Tần, vẫn chẳng thể vì nước vì dân mà được miễn khỏi [cái chết]. Trong các nước còn có mấy trăm mấy ngàn người bị tuẫn táng theo. Từ khi Phật giáo xiển minh sự lý nhân quả ba đời thì tục lệ này mới vĩnh viễn chấm dứt. Nếu không, cũng hiếm người được hưởng hết tuổi thọ rồi mới chết! Lợi ích ấy, nếu chẳng suy nghĩ sâu xa, ai hòng biết được!
Tống Nho trộm lấy nghĩa lý sâu thẳm về tâm tánh trong kinh Phật để hoằng dương, xiển phát đạo Nho, quá sợ người đời sau học Phật sẽ khiến cho môn đình Nho Giáo bị lạnh lẽo, đìu hiu, nên đã học từ nơi người ta
lại ngược ngạo bảo người ta chẳng bằng mình, tà vạy bài bác, bảo Phật dùng nhân quả luân hồi để làm căn cứ phỉnh phờ ngu phu ngu phụ tin thờ giáo pháp của Ngài. Hơn nữa, con người sau khi chết đi, hình hài đã mục nát, thần hồn cũng phiêu tán. Dẫu có những dụng cụ hành hình trong địa ngục thì sẽ thi thố vào đâu? Nếu đúng như họ nói thì con người sanh ra không từ đâu đến, chết rồi cũng chẳng đi về đâu, Nghiêu lẫn Kiệt đều chết sạch cả rồi, dẫu thiện hay ác hễ chết đều là không cả! Do vậy, thiện không có gì để khuyên, ác không có gì để phạt, chỉ dạy dỗ tận nghĩa, tận phận, thành ý, chánh tâm xuông, nhưng lại ra sức bài xích phương tiện đôn đốc con người chẳng thể không tận nghĩa, tận phận, thành ý, chánh tâm. Sai lầm của kế sách ấy chẳng thể nói xiết!
Do vậy, nhà Nho đều chẳng dám nói đến nhân quả, cũng chẳng dám dạy con người nỗ lực làm lành, do họ thường cho rằng “hễ có làm gì để làm lành thì đấy chính là ác”, tức là dạy [con người] tự tư tự lợi vậy! “Không làm gì để làm lành quả thật là làm lành đến cùng cực”, đấy chính là chuyện của bậc thánh nhân, sao lại đem chuyện này dạy người bình thường? Nếu dạy [điều ấy cho] người bình thường thì sẽ ngăn trở người ta làm lành, hướng dẫn người ta làm chuyện chẳng lành! Tuy “thánh nhân không làm gì là làm lành” nhưng thánh nhân cũng thường có chuyện để làm, chứ không phải là hoàn toàn chẳng làm gì hết! Ông Cừ Bá Ngọc95 tuổi tròn hai mươi biết mười chín năm trước sai trái. Đến khi năm mươi tuổi, biết bốn mươi chín năm trước sai quấy, muốn giảm bớt lỗi nhưng chưa thể được. Đấy chính là những gì bình sinh ông ta đã thực hiện vậy. Tăng Tử hằng ngày dùng ba chuyện để tự phản tỉnh, đến lúc lâm chung mới nói: “Kinh Thi chép: „Chiến chiến cạnh cạnh, như lâm thâm uyên, như lý bạc băng, nhi kim nhi hậu, ngô tri miễn phù” (dè dặt kinh sợ, như vào vực sâu, đi trên băng mỏng, từ rày mai sau, ta biết thoát rồi). Đấy là từ đầu đến cuối “có làm” vậy.
Nhan Uyên hỏi về lòng nhân, Khổng Tử bảo “dùng đánh đổ điều ham muốn xằng bậy của chính mình để khôi phục lễ nghĩa”. Hỏi đến chi
95
Cừ Bá Ngọc: Tên thật là Cừ Viện, Bá Ngọc là tên tự, vốn giao du thân thiết với Khổng Tử. Ông là người nước Vệ, nổi tiếng là người hiền, giữ lễ, làm đại phu dưới thời Vệ Linh Công, ông thường được coi như học trò của Khổng Tử. Một buổi nọ, Vệ Linh Công và phu nhân tên Nam Tử đang ngồi trong cung nghe tiếng xe lăn bánh đến gần cửa cung, đột nhiên tiếng xe im bặt. Bà Nam Tử nói: “Người ngồi xe đến đây chắc chắn là Cừ Bá Ngọc!” Vệ Linh Công ngạc nhiên: “Sao bà biết?” Nam Tử trả lời: “Phàm người hiền giữ lễ, đến trước cửa nhà vua ắt phải xuống xe đi bộ vào, đang cưỡi ngựa thấy người hiền phải xuống ngựa chào hỏi”. Cừ Bá Ngọc là một người trong số Thất Thập Nhị Hiền được thờ phối hưởng với Khổng Tử ở Văn Miếu.
tiết, Ngài dạy: “Phi lễ vật thị, phi lễ vật thính, phi lễ vật ngôn, phi lễ vật động” (Điều phi lễ đừng nhìn, chuyện phi lễ đừng nghe, lời phi lễ đừng nói, chuyện phi lễ đừng làm). Cả hai câu đáp đều là “có làm”, chứ không phải là không làm gì! Khổng Tử thấy vua Nghiêu trong canh, thấy vua Thuấn nơi tường, thấy Châu Công trong mộng. Tuổi đã bảy mươi vẫn mong trời cho sống thêm vài năm nữa để học kinh Dịch hòng tránh được lỗi lớn, đều là “có làm” sâu xa!
Tống Nho cất giọng cao xa, muốn tự khoe khoang cao minh, chẳng hề biết đã trái nghịch đạo “khéo léo khuyên dụ dần dần” của thánh nhân. Họ tự lầm, gây lầm lạc cho người và cả thiên hạ đời sau cũng lớn lắm. Từ sau khi Tống Nho bài xích nhân quả luân hồi, phàm là người đọc sách đều chẳng dùng những gì được nói trong Ngũ Kinh để luận định mà cứ coi những thuyết của Tống Nho như khuôn thước. Nếu có ai biết thì sợ bị mang tiếng “trái nghịch tiên Nho”, hoặc nếu có thành tựu đáng dự vào Văn Miếu nhưng vì đã dự phần học Phật thì sẽ trở thành tuyệt vọng. Do vậy, chẳng dám hé răng! Nhưng kẻ hiểu Phật lý sâu xa, đem những pháp ấy diễn tả rõ ràng ra, nhưng vẫn kèm theo lời lẽ bài bác, chỉ vì muốn có chỗ đặt chân hòng được dự vào Văn Miếu trong mai sau! Vì thế, mấy trăm năm qua, phương tiện lớn lao để khuyên lành phạt dữ đã nhất loạt bị bỏ lửng, dù có khuyên hay phạt đều là chuyện thuộc về cành nhánh, chẳng đạt được cội rễ, được lợi ích quá ít! Gần đây, do gió Âu dần dần thổi sang phương Đông, những kẻ ham mới chuộng lạ đối với những chuyện người Âu Tây làm, không gì chẳng bắt chước, biến đổi dữ dội tận gốc càng nhiều gấp mấy lần hơn nữa, đến nỗi đối với những chuyện “vì nước, vì lẽ công” họ bỏ mặc, coi như không nghe thấy, nên mới đề xướng những đường lối phế kinh điển, phế luân thường, phế bỏ lòng hiếu, không hổ thẹn v.v… chẳng nỡ thấy nghe! Cả nước thành cuồng không sao kể xiết!
Nếu hết thảy mọi người đều biết có sự lý nhân quả ba đời, lục đạo luân hồi, dẫu dùng cái chết để uy hiếp họ, ép họ phải làm những chuyện như trên đây thì họ sẽ thà chết chứ chẳng dám làm những chuyện đại ác ấy! Do vậy, biết cái gốc họa của chuyện diệt Nho giáo, diệt luân lý để mong thực hiện biến con người thành cầm thú, đều từ học thuyết bài xích nhân quả của Tống Nho ươm thành, thật vậy đó! Học thuyết gây lầm lạc cho con người, dù nước lũ, mãnh thú, cũng chẳng gây họa khốc liệt như vậy.
Trước kia, có người hỏi tôi: “Đời đã loạn tột bậc, nên bình trị như thế nào?” Tôi nói: “Nếu ông biết được nguyên nhân của sự loạn lạc thì sẽ biết được pháp tắc để bình trị”. Ông Châu An Sĩ nói: „Ai nấy đều biết nhân quả, đó là đạo để bình trị lớn lao. Ai nấy đều chẳng biết nhân quả thì đấy là con đường dẫn đến đại loạn vậy”. Do nhà Nho kỵ nói đến nhân quả khiến cho thế đạo, nhân tâm ngày càng bạc bẽo dần dần, cho đến tận ngày nay rốt cuộc có kẻ dám đề xướng phế kinh điển, phế luân thường v.v… Nếu thật sự biết nhân quả thì chẳng những miệng không dám thốt ra lời ấy, mà cũng chẳng dám để lọt vào tai! Bởi đấy là những tiếng xấu xa, bạc ác, người có tấm lòng lo cho con người chẳng nên nghe! Hễ nghe sẽ khiến cho con người đau lòng buốt óc, không làm sao được!
Nay muốn biến loạn lạc thành bình yên mà nếu chẳng cực lực đề xướng giáo dục trong gia đình thì sẽ không thể thực hiện được. Nhưng giáo dục trong gia đình thì điều đầu tiên là lấy “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, dứt lòng tà, giữ lòng thành, đừng làm các điều ác, vâng giữ các điều lành” làm gốc. Lại phải thường bàn về sự lý nhân quả ba đời và luân hồi lục đạo thì những nhân tài xuất hiện trong gia đình đều là bậc hiền thiện. Trong gia đình đã có nhân tài hiền thiện xuất hiện thì thiểu số chẳng hiền thiện cũng sẽ được un đúc, đều được cảm hóa. Vì thế nói: “Thiên hạ bất trị, thất phu hữu trách” (thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm). Đấy là lời bàn luận xác định: “Do cái nhân suy sụp mà đời yên bèn thành loạn, do cái nhân được hưng thịnh mà đời loạn bèn thành yên” vậy. Chẳng nương theo đó mà muốn đất nước được bình trị thì làm sao thực hiện cho được? Đấy là điều những người có tâm lo cho thế đạo, nhân tâm đều cùng lo nghĩ.
Cư sĩ Phan Đối Phù thấy được điều này, vào năm trước đã thỉnh cư sĩ Hứa Chỉ Tịnh biên soạn cuốn Phật Học Cứu Kiếp Biên, dùng Tam Quy, Ngũ Giới, Thập Thiện để sửa lỗi hướng lành, bỏ mê trở về với ngộ, giữ ba nghiệp thân - khẩu - ý thanh tịnh, tu Tam Học Giới - Định - Huệ để mong trừ khử vọng nghiệp vốn chẳng hề có, khôi phục chân tâm vốn sẵn có. Lại còn dạy [người đời] tín nguyện niệm Phật, cầu sanh Tây Phương để vĩnh viễn lìa khỏi đời ác Ngũ Trược, thường hưởng pháp lạc Tứ Đức. Lại còn lấy mười đại nguyện vương của Phổ Hiền Bồ Tát để làm chỗ nương về, ngõ hầu nương vào từ lực của Phật Di Đà và nguyện