Nhận diện chi phí cơ hội kinh tế của vốn công

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG MÔN HỌC MÔ HÌNH TÀI CHÍNH CÔNG ppsx (Trang 49 - 51)

4.1Tại sao phải xác định chi phí cơ hội kinh tế của vốn công?

Có một điều tương đối chắc chắn rằng không chỉ dự án công mà hầu hết các dự án đầu tư trong nền kinh tế bất kể công hay tư đều phải được các cấp chính quyền và các nhà tài trợ thẩm định dưới góc độ kinh tế. Do đó, để chiết khấu dòng tiền ròng kinh tế chúng ta phải sử dụng chi phí cơ hội kinh tế của vốn làm suất chiết khấu. Chẳng hạn, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tuyên bố về chính sách cho vay của mình như sau: “Chính sách của ADB đòi hỏi mọi hoạt động đầu tư phải được phân tích kinh tế nhằm đảm bảo sử dụng hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực … Tiêu chí cơ bản để đánh giá tính khả thi về mặt kinh tế của một dự án là hiện giá thuần kinh tế (the economic net present value -- ENPV) và suất nội hoàn kinh tế (the economic internal rate of return -- EIRR). Một dự án chỉ được chấp nhận khi EIRR bằng hoặc lớn hơn chi phí cơ hội kinh tế của vốn (the economic opportunity cost of capital – EOCC).” Các dự án do ADB tài trợ thường sử dụng chi phí cơ hội kinh tế của vốn trong khoảng từ 10% đến 12% làm suất chiết khấu.8 Cho đến giờ có nhiều câu hỏi chưa được trả lời thấu đáo. Tại sao phải xác định chi phí cơ hội kinh tế của vốn công, và nó được xác định theo xu hướng nào?

Vốn công hay kinh phí ngân sách nhà nước cấp thường được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau: thuế, vay nợ, quyên góp, cổ tức được chia từ vốn nhà nước tại các công ty cổ phần… Thuế, tiền quyên góp dân chúng và cổ tức được chia từ vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có vẻ như sử dụng không hề tốn chi phí. Nhưng thực ra chí phí của ba nguồn này được xem xét trên quan điểm cân nhắc những phương án tốt hơn về mặt kinh tế: nếu đã dùng cho một dự án thì không thể sử dụng để tài trợ dự án nào khác vậy nên cần đầu tư cho những dự án tạo ra nhiều lợi ích hơn.

Dù xác định chi phí cơ hội kinh tế của vốn công như thế nào đi nữa thì chi phí này cũng không thể cao hơn lãi suất vay nợ trên thị trường vốn. Vì thế chi phí cơ hội kinh tế trung bình của tất cả các nguồn tài trợ cho một dự án công kết hợp lại có thể thấp hơn chi phí cơ hội kinh tế của nguồn vay nợ. “Tuy nhiên, thực tế này không quan trọng đối với mục đích ước lượng chi phí cơ hội biên của các chi tiêu nhà nước. Cũng như việc ước lượng giá cung bất kỳ hàng hóa hay dịch vụ nào khác, chi phí cơ hội kinh tế biên phải phản ánh những cách thức mà cầu tăng thêm thường sẽ được đáp ứng”9.

8

“ADB’s policy requires that all investment activities be subjected to economic analysis in order to ensure the economic and efficient use of resources.”, OM Section G1/OP Issued on 15 December 2003.

9

Glenn P. Jenkins và Arnol C. Harberger, Sách hướng dẫn phân tích chi phí và lợi ích cho các quyết định đầu tư, bản tiếng Việt, Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright Niên khóa 2004-2005, Chương 12 -- Chi phí cơ hội kinh tế của công quỹ.

Trong khuôn khổ quyển sách này, chúng tôi nghiêng về việc sử dụng tỷ lệ ưa thích tiêu dùng theo thời gian của xã hội và năng suất biên của vốn trong khu vực tư làm những căn cứ để xác định chi phí cơ hội kinh tế của vốn công.

Cần nhắc lại về tỷ lệ ưa thích tiêu dùng theo thời gian của xã hội và năng suất biên của vốn. Tỷ lệ ưa thích tiêu dùng theo thời gian của xã hội theo Robert J. Gordon là “giá trị phụ thêm mà một người tiêu dùng sẵn lòng trả để có một số lượng nhất định những sản vật tiêu dùng trong hiện tại chứ không phải một năm sau hiện tại”10. Chẳng hạn nếu một người sẵn lòng trả 11000 đồng ngay bây giờ để mua một món hàng mà anh ta có thể có với 10.000 đồng một năm sau (bằng cách gửi tiết kiệm với lãi suất thực tế 10%/năm), thì người ấy có một tỷ lệ ưa thích tiêu dùng theo thời gian là 10%, tức là anh ta sẵn lòng chi thêm 10% để tiêu dùng hiện tại. Trong khi đó, năng suất biên của vốn chính là tỷ suất lợi nhuận tối thiểu phải đạt được trên đồng vốn đầu tư cuối cùng. Như thế, tỷ lệ ưa thích tiêu dùng theo thời gian của xã hội được nhìn nhận từ quan điểm của những người tiêu dùng còn năng suất biên của vốn được xem xét từ góc độ nhà đầu tư. Và chúng ta ai cũng biết rằng một đồng đem tiêu dùng thì không thể đầu tư.

Nếu năng suất biên của vốn lớn hơn tỷ lệ ưa thích tiêu dùng theo thời gian của xã hội thì một đồng được chuyển từ tiêu dùng hiện tại sang đầu tư. Ví dụ, nếu năng suất biên của vốn là 15% thì 100 đồng giảm tiêu dùng hiện tại sẽ tạo ra 115 đồng sau một năm. Cùng lúc đó, nếu tỷ lệ ưa thích tiêu dùng theo thời gian của xã hội là 12%, tức là xã hội hài lòng với 112 đồng năm sau như 100 đồng ngay bây giờ, thì rõ ràng người ta sẽ thích 115 đồng hơn. Như thế, nếu vốn có năng suất biên cao hơn tỷ lệ ưa thích tiêu dùng theo thời gian của xã hội thì chắc chắn xã hội sẽ nhịn tiêu dùng và tiết kiệm nhiều hơn, tức là mức cung về tiền cho đầu tư nhiều hơn. Ngược lại, nếu năng suất biên của vốn giảm dưới tỷ lệ ưa thích tiêu dùng theo thời gian của xã hội, thì người ta sẽ tiêu dùng nhiều hơn và làm giảm lượng cung tiền cho đầu tư.

4.2Trạng thái ban đầu về cầu đầu tư và cung tiết kiệm

Trạng thái ban đầu về lượng cung tiền gửi tiết kiệm tại các mức lãi suất trước và sau thuế và lượng cầu về vốn đầu tư tại các mức tỷ suất lợi nhuận trước và sau thuế được mô tả trong đồ thị dưới đây.

10

Kinh tế học vĩ mô, Robert J. Gordon, trang 573, bản tiếng Việt, Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội 1994.

Hình 1: Lượng cung tiền tiết kiệm và cầu về vốn đầu tư tại các mức lãi suất, tỷ suất

lợi nhuận trước và sau các loại thuế thu nhập.

Hình trên cho thấy bốn đường. Hai đường phản ánh lượng cung tiền tiết kiệm, đường S1 và S0, và hai đường phản ánh lượng cầu về tiền cho đầu tư, đường D1 và D0.

Đường S1 phản ánh lượng cung tiền tiết kiệm -- cung vốn cho đầu tư, tại các mức lãi suất sau khi đã trừ những khoản thuế liên quan đến thu nhập, gọi tắt là cung tiết kiệm ròng. Nói khác đi, đường S1 tập hợp những lãi suất sau thuế tối thiểu mà nhóm người cung tiền cho đầu tư muốn nhận được để họ sẵn lòng “hoãn” tiêu dùng hôm nay sang tiêu dùng tương lai. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm càng cao càng thu hút nhiều tiền tiết kiệm, và ngược lại. Nếu phải nộp thuế, những người tiết kiệm đòi hỏi lãi suất cao hơn -- chúng nằm trên đường S0.

Đường D0 phản ánh tập hợp lượng cầu về vốn đầu tư tại những mức tỷ suất lợi nhuận khác nhau. Sở dĩ đường D0 dốc xuống bởi các nhà đầu tư đương nhiên chọn thực hiện trước những dự án có tỷ suất lợi nhuận cao. Nếu phải trả các khoản thuế thu nhập, tỷ suất lợi nhuận sau thuế giảm đi, đường D0 dịch chuyển xuống thành đường D1.

Các ký hiệu được giải thích dưới đây:

Q0là điểm cân bằng giữa lượng cung về tiết kiệm và lượng cầu về vốn đầu tư.

Một phần của tài liệu ĐỀ CƯƠNG MÔN HỌC MÔ HÌNH TÀI CHÍNH CÔNG ppsx (Trang 49 - 51)