2.4.1. Các nhân tố bên ngoài doanh nghiệp a, Đối thủ cạnh tranh
* Các đối thủ cạnh tranh của doanh nghiệp được chia thành hai loại. Đối thủ cạnh tranh sơ cấp: Sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm cùng loại;
Đối thủ cạnh tranh thứ cấp: Sản xuất và tiêu thụ những sản phẩm có khả năng thay thế.
Neu đối thủ cạnh tranh mạnh hơn thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn rất lớn trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh. Doanh nghiệp lúc này chỉ có thể nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách nâng cao chất lượng, giảm giá thành sản phẩm để đẩy mạnh tốc độ tiêu thụ, tăng doanh thu tăng vòng quay của vốn, yêu cầu doanh nghiệp phải tổ chức lại bộ máy hoạt động phù hợp tối ưu hơn, hiệu quả hơn để tạo cho doanh nghiệp có khả năng cạnh tranh về giá cả, chất lượng, chủ loại, mẫu mã, ... Như vậy, đối thủ cạnh tranh có ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp đồng thời thúc đẩy sự tiến bộ trong kinh doanh, tạo ra động lực phát triển của doanh nghiệp.
Việc xuất hiện càng nhiều đối thủ cạnh tranh thì việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ càng khó khăn và sẽ bị giảm một cách tương đối.
b, Nhân tố thị trường
Nhân tố thị trường ở đây bao gồm: Thị trường đầu vào và thị trường đầu ra của doanh nghiệp.
Nhân tố thị trường sẽ có tác động trực tiếp và mang tính quyết định quá trình tái sản xuất mở rộng của doanh nghiệp.
Đối với thị trường đầu vào: Cung cấp các yếu tố cho quá trình sản xuất như nguyên vật liệu, máy móc thiết bị... Cho nên nó tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm, tính liên tục và hiệu quả của quá trình sản xuất.
Còn đối với thị trường đầu ra quyết định doanh thu của doanh nghiệp. Neu hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp được thị trường chấp nhận, ưa dùng thì sẽ tạo điều kiện tăng doanh thu cho doanh nghiệp. Thị trường đầu ra sẽ quyết định tốc độ tiêu thụ, tạo vòng quay vốn nhanh hay chậm từ đó tác động đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
c, Tập quán dân cư và mức độ thu nhập bình quân dân cư
Đây là một nhân tố quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả kinh doanh. Nó quyết định mức độ chất lượng, số lượng, chủng loại, hình dáng, kích thước của hàng hóa, dịch vụ, ...
Doanh nghiệp khi muốn giữ vững thị phần hoặc mở rộng thị phần thì cần phải nắm bắt và nghiên cứu để phù hợp với nhu cầu, thói quen tiêu dùng, mức thu nhập bình quân của nhiều tầng lớp dân cư để đưa ra chính sách phù hợp.
Những yếu tố này tác động một cách gián tiếp lên quá trình sản xuất cũng như công tác marketing và cuối cùng là hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
d, Mối quan hệ và uy tín của doanh nghiệp trên thị trường
Đây chính là tiềm lực vô hình của doanh nghiệp tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh của mình, nó tác động rất lớn tới sự thành bại của việc nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Sự tác động này là sự tác động phi lượng hóa bởi vì chúng ta không thể tính toán, định lượng được.
Khách hàng sẽ quan tâm đến doanh nghiệp có thương hiệu, hình ảnh, uy tín tốt về hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ, giá cả,...Đây cũng là yếu tố quan trọng để tạo cho doanh nghiệp một ưu thế lớn trong việc tạo nguồn vốn, hay mối quan hệ với bạn hàng.
Với mối quan hệ rộng sẽ tạo cho doanh nghiệp nhiều cơ hội, nhiều đối tác và từ đó doanh nghiệp có thể lựa chọn được những cơ hội, phương án kinh doanh tốt nhất cho mình.
Ngoài ra, môi trường kinh doanh còn có các nhân tố khác như hàng hóa thay thế, hàng hóa phụ thuộc doanh nghiệp, môi trường cạnh tranh... nó tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Vì vậy doanh nghiệp cũng cần phải quan tâm đến nhiều khía cạnh khác nhau để có những hướng đi đúng với thị trường trong từng thời điểm và giai đoạn cụ thể.
e, Môi trường chính trị - pháp luật
Môi trường chính trị - pháp luật có chi phối mạnh mẽ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Sự ổn định chính trị được xác định là một trong những tiền đề quan trọng cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Sự thay đổi của môi trường chính trị có thể ảnh hưởng có lợi cho một nhóm doanh nghiệp này nhưng lại kìm hãm sự phát triển nhóm doanh nghiệp khác hoặc ngược lại.
Hệ thống pháp luật hoàn thiện, không thiên vị là một trong những tiền đề ngoài kinh tế của kinh doanh.
Mức độ hoàn thiện, sự thay đổi và thực thi pháp luật trong nền kinh tế có ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định và tổ chức thực hiện chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.
Có thể nói, môi trường chính trị - luật pháp có ảnh hưởng rất lớn đến việc nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp bằng việc tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động của doanh nghiệp thông qua hệ thống công cụ luật pháp, cộng cụ vĩ mô...
f, Nhân tố môi trường tự nhiên
Môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố như thời tiết, khí hậu, mùa vụ, tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, ...
Các nhân tố này ảnh hưởng rất lớn đến quy trình công nghệ, tiến độ thực hiện kinh doanh của các doanh nghiệp. Đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng mang tính chất mùa vụ như: Nông, lâm, thủy sản, đồ may mặc, giày dép, ... Với những điều kiện thời tiết, khí hậu và mùa vụ nhất định thì doanh nghiệp phải có chính sách cụ thể phù hợp với điều kiện đó.
Và như vậy khi các yếu tố này không ổn định sẽ làm cho chính sách hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không ổn định, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
g, Các yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng
Các yếu tố thuộc cơ sở hạ tầng như hệ thống đường giao thông, hệ thống thông tin liên lạc, điện, nước, ...đều là những nhân tố tác động mạnh mẽ đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp kinh doanh ở khu vực có hệ thống giao thông thuận lợi, điện, nước đầy đủ, dân cư đông đúc và có trình độ dân trí cao sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, tăng tốc độ tiêu thụ sản phẩm, tăng doanh thu, giảm chi phí kinh doanh, ... kết quả là nâng cao hiệu quả kinh doanh của mình.
Ngược lại, ở nhiều vùng nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo có cơ sở hạ tầng yếu kém, không thuận lợi cho việc cho mọi hoạt động như vận chuyển, mua bán hàng hóa, ... các doanh nghiệp hoạt động với hiệu quả kinh doanh không cao.
Thậm chí có nhiều vùng sản phẩm làm ra mặc dù rất có giá trị nhưng không có hệ thống giao thông thuận lợi vẫn không thể tiêu thụ được dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp.
Trình độ dân trí tác động rất lớn đến chất lượng của lực lượng lao động xã hội nên tác động trực tiếp đến nguồn nhân lực của mỗi doanh nghiệp.
Chất lượng của đội ngũ lao động ảnh hưởng quyết định đến hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.