Như đã phân tích trong chương 1, lý thuyết tài chính, lý thuyết kinh tế và kế toán đưa chúng ta đến nhận định về tương quan thuận chiều giữa mức độ công bố thông tin phi tài chính và kết quả hoạt động trên cơ sở kế toán và biến động thị trường của doanh nghiệp. Từ đó tác giả xây dựng hai giả thuyết cho từng mối quan hệ.
Trong phần 1.3, tác giả đã trình bày về cơ sở lý thuyết của mối tương quan này. Bắt đầu bằng việc phạm vi công bố thông tin phi tài chính rộng rãi làm tăng cường minh bạch thông tin, giúp tăng cường các nhân tố quyết định thành công của doanh nghiệp, sau đó tác động dẫn truyền khiến doanh thu tăng, giảm thiểu một số chi phí. Kết quả là lợi nhuận tăng, chất lượng lợi nhuận và chất lượng tăng trưởng được cải thiện, giảm thiểu rủi ro kinh doanh – rủi ro lợi nhuận của doanh nghiệp suy giảm do những biến động trong doanh số. Những thước đo tài chính đánh giá hoạt động như lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE), tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận biên, lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA)... cũng sẽ di chuyển theo hướng tích cực hơn.
Theo một hướng khác, công bố thông tin phi tài chính có thể tác động đến giá trị nội tại của doanh nghiệp khi nó phản ánh được chính xác những nguồn lực quan trọng hình thành nên giá trị nội tại của doanh nghiệp không được trình bày trong báo cáo tài chính như nguồn nhân lực, trình độ quản lý, cơ sở khách hàng...
Cuối cùng, nhờ những tín hiệu tích cực từ kết quả kế toán và tăng cường giá trị nội tại, giá trị thị trường của công ty cũng sẽ gia tăng kể cả khi công ty hoạt động trong một thị trường không hiệu quả. Còn nếu doanh nghiệp hoạt động trong thị trường hiệu quả, mọi thông tin được công bố, dù là thông tin tài chính hay phi tài chính đều sẽ ảnh hưởng ngay lập tức tới giá cổ phiếu của công ty trên thị trường.
Hình 2.1. Sơđồ tổng quát lý thuyết nghiên cứu
Từ những lý luận trên, tác giả đặt 2 giả thuyết cho nghiên cứu này:
Giả thuyết 1:
H1: Mức độ công bố thông tin phi tài chính tương quan với kết quả hoạt động trên cơ sở kế toán của doanh nghiệp.
Có thể thấy đây chính là bước thứ 1 trong mô hình trình bày ở trên. Kết quả hoạt động kế toán bao gồm các chỉ tiêu tài chính được theo dõi trong hệ thống kế toán hay những hệ số tài chính tính toàn từ các chỉ tiêu kế toán đó. Trong phạm vi bài nghiên cứu này các thang đo tài chính mà tác giả quan tâm bao gồm: ROA, ROE. Đây là những thang đo phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và rất được nhà đầu tư quan tâm.
Giả thuyết 2:
H2: Mức độ công bố thông tin phi tài chính tương quan với biến động giá trị thị trường của doanh nghiệp.
Công bố thông tin phi tài chính rộng rãi và đầy đủ Các chỉ tiêu đánh giá hoạt động trên cơ sở kế toán: ROE ROA Giá trị thị trường – biến động giá cổ phiếu
Giả thiết này được minh họa trong bước thứ 2 của mô hình tổng quát trên. Biến động giá trị thị trường được đo lường bằng biến động trong hệ số giá thị trường trên thu nhập cổ phiếu (P/E). Thống kê số liệu trong năm 2013 cho thấy, khối lượng giao dịch bình quân ngày trên cả hai sàn HOSE và HNX đạt 64,48 triệu chứng khoán với tổng giá trị 1.060 tỷ đồng, giá cổ phiếu chính là thước đo phản ánh sự đánh giá của giá thị trường về chất lượng và tiềm năng của công ty tại một thời điểm nhất định. Tuy nhiên, hệ số giá trên thu nhập mới là chỉ số phản ánh kỳ vọng của thị trường về sự tăng trưởng cổ phiếu trong tương lai hơn là kết quả làm ăn đã qua. Một công ty có chỉ số P/E càng cao thì kỳ vọng của thị trường vào lợi nhuận của công ty càng cao, do đó thu hút được càng nhiều các nhà đầu tư. Còn ngược lại khi họ ít hoặc không kỳ vọng vào khả năng sinh lời lớn của công ty thì mức giá họ sẵn sàng bỏ ra khi mua cổ phiếu thấp, dẫn đến chỉ số P/E thấp, biểu hiện giá cổ phiếu này đang trên xu hướng giảm.