Công bố thông tin phi tài chính và doanh thu, chi phí là một công bố chỉ tiêu đánh giá hoạt động toàn diện – bao gồm cả các thước đo phi tài chính và thước đo tài chính. Đầu tiên, trong hầu hết các trường hợp, chất lượng sản phẩm khá khó để khách hàng quan sát và nhận biết trước khi mua, vì vậy một chính sách trình bày rộng rãi thông tin phi tài chính về tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ có thể coi như một dấu hiệu về chất lượng sản phẩm. Ví dụ như doanh nghiệp tuân theo các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như ISO 9001:2008, HACCP, về việc sản xuất theo một dây chuyền công nghệ tiên tiến… Do đó, công bố thông tin phi tài chính rõ ràng và minh bạch giúp tăng trưởng doanh thu thông qua tăng số lượng khách hàng được cung cấp đầy đủ thông tin, tăng số lượng tiêu thụ trên mỗi khách hàng. Thứ hai, việc báo cáo rộng rãi về thông tin phi tài chính có thể tạo nên một thương hiệu mạnh, một dấu hiệu tốt cho sản phẩm và dịch vụ của công ty. Với một thương hiệu mạnh, công ty có thể đưa ra sản phẩm và dịch vụ mới hay tiếp cận thị trường mới một cách dễ dàng hơn. Do đó, tác giả cho rằng phạm vi công bố thông tin phi tài chính có mối tương quan thuận chiều với doanh thu, tăng trưởng doanh thu, và độ ổn định của doanh thu qua các năm, những nhân tố mà tận cùng sẽ mang lại một lợi nhuận cao hơn và chất lượng lợi nhuận tốt hơn.
Công bố thông tin phi tài chính giúp giảm thiểu chi phí: Công bố thông tin phi tài chính toàn diện và minh bạch cũng giúp giảm chi phí thông qua (a) tăng cường năng lực mặc cả với nhà cung cấp so với đối thủ cùng ngành không có hệ thống thông tin phi tài chính hỗ trợ, (b) tiêu hao ít hơn cho các hoạt động tiếp thị bằng cách thiết lập mối quan hệ vững chắc với các nhà phân phối thông qua chủ động cung cấp thông tin, mang hình ảnh của mình đến các bên liên quan một cách rõ ràng hơn và (c) có thể tiếp cận các nguồn vốn giá rẻ hơn khi trở thành đối tượng ít rủi ro trên thị trường vốn.
1.4. Mối quan hệ giữa công bố thông tin phi tài chính và giá thị trường của doanh nghiệp doanh nghiệp
Giá trị nội tại của một công ty phụ thuộc vào nhiều nhân tố, và chỉ có một vài nhân tố có thể đo lường được bằng thước đo tài chính. Trong thị trường cạnh tranh ngày nay, các công ty nắm giữ vô số nguồn lực đóng góp đáng kể vào giá trị nội tại
của nó nhưng lại nằm ngoài những con số tài chính: nguồn lực nhân sự (trình độ người lao động), tài sản vô hình (dữ liệu, tài sản trí tuệ, bản quyền) và nguồn lực khách hàng (thương hiệu, danh sách khách hàng),… để cá biệt hóa bản thân khỏi các đối thủ cạnh tranh. Đây chính là những lợi thế cạnh tranh quan trọng doanh nghiệp cần để tồn tại và phát triển mà thông tin phi tài chính hoàn toàn có khả năng phản ánh.
Fama và French (1992, 1995) cho rằng có hai trường phái trong nghiên cứu tài chính về việc xác định giá cổ phiếu của một công ty.
Một trường phái giả định rằng thị trường chứng khoán hiệu quả, và bất kỳ thông tin mới nào cũng sẽ được phản ánh gần như ngay lập tức trong giá chứng khoán. Theo trường phái này, những công bố thông tin phi tài chính sẽ có tác động trực tiếp đến giá chứng khoán ngay lập tức.
Với trường phái còn lại, cho rằng thị trường hoạt động không hiệu quả và rằng giá chứng khoán bị tác động bởi cả các yếu tố tài chính, như chi phí giao dịch và thuế…, ví dụ như kỳ vọng của các chuyên gia và nhà đầu tư. Theo quan điểm này, cung cầu thị trường cho một loại chứng khoán cụ thể nào sẽ xác định giá chứng khoán đó, và cung, cầu này lại bị ảnh hưởng bởi kỳ vọng và hành vi của nhà đầu tư. Do đó, công bố thông tin rộng rãi và minh bạch – bao gồm các thông tin phi tài chính có thể tác động đến giá trị nội tại của doanh nghiệp và thông qua kênh này tác động tới giá chứng khoán.
Tóm lại, dù xét trong bối cảnh hiệu quả của thị trường ra sao, lý thuyết tài chính và kế toán đều đưa ta tới kết luận tích cực về ảnh hưởng của công bố thông tin phi tài chính tới giá trị thị trường của doanh nghiệp.
TÓM TẮT CHƯƠNG 1
Chương 1 trình bày cơ sở lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu trước đây về thước đo phi tài chính trong đánh giá hoạt động và mối quan hệ giữa công bố các thông tin đó với kết quả về kế toán và biến động giá thị trường của doanh nghiệp.
Nhìn chung các thước đo phi tài chính bù đắp được những thiếu sót của thước đo tài chính. Về mặt lý thuyết, thông tin phi tài chính mang lại giải pháp căn bản cho vấn đề bất cân xứng thông tin. Tuy nhiên, hiệu quả đánh giá hoạt động sẽ đạt tối ưu nếu phối hợp cả thước đo tài chính và phi tài chính. Vận dụng các lý thuyết tài chính về thị trường hiệu quả, lý thuyết kế toán đưa ta tới kết luận về sự tồn tại mối tương quan thuận chiều giữa công bố các thông tin phi tài chính với tình hình tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh cũng như giá trị thị trường của doanh nghiệp.
Trước khi kết thúc phần trình bày về tổng quan lý thuyết, tác giả muốn khẳng định rằng bởi vì không thể xác định trước được các vấn đề được mô tả trong thông tin phi tài chính diễn ra trước hay các kết quả kế toán và thị trường diễn ra trước, cũng như tính phức tạp trong quy trình sản xuất kinh doanh và công tác đánh giá hoạt động tại các doanh nghiệp, nghiên cứu của tác giả chỉ dừng lại ở việc kiểm nghiệm mối tương quan, chứ không nhằm xác định mối quan hệ nguyên nhân – kết quả của ba vấn đề trên.
Chương tiếp theo sẽ giới thiệu mô hình, giả thuyết nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu. Bên cạnh đó, chương 2 sẽ trình bày việc đo lường các biến trong mô hình nghiên cứu. Chương 2 cũng sẽ trình bày kỳ vọng của tác giả về mối tương quan giữa các biến số nghiên cứu.
CHƯƠNG 2
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của mức độ công bố thông tin phi tài chính trên thị trường chứng khoán với kết quả hoạt động trên cơ sở kế toán và biến động giá trị thị trường của doanh nghiệp. Giả thuyết nghiên cứu chính bao gồm mức độ công bố thông tin phi tài chính có tác động thuận chiều lên kết quả hoạt động trên cơ sở kế toán của doanh nghiệp (H1) và mức độ công bố thông tin phi tài chính có tác động thuận chiều lên biến động giá trị thị trường của doanh nghiệp (H2).