Cơ quan quản lý nhà nước

Một phần của tài liệu Pháp luật về chào bán cổ phiếu ra công chúng của ngân hàng thương mại cổ phần ở việt nam (Trang 49 - 52)

7. Kết cấu luận văn

2.1.4Cơ quan quản lý nhà nước

Xét về cơ quan quản lý, hiện nay trên thế giới có hai mô hình cơ quan quản lý là cơ quan chuyên trách và cơ quan quản lý kiêm nhiệm.

Cơ quan quản lý phát hành chuyên trách là cơ quan được tổ chức độc lập, trực thuộc Chính phủ (ở Trung Quốc là thuộc Quốc Vụ viện) thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về TTCK nói chung. Mô hình này có ưu điểm là giải quyết công việc nhanh chóng, giảm thủ tục phiền hà, phức tạp đối với nhà đầu tư nhưng lại chồng chéo trong quản lý. Trên thế giới, có một số quốc gia áp dụng mô hình này như Trung Quốc, Hà Lan....

Cơ quan quản lý phát hành kiêm nhiệm là cơ quan của Chính phủ đảm nhiệm từng phần quản lý theo các chức năng có liên quan. Mô hình này thể hiện ở thành phần các cơ quan tham gia quản lý Nhà nước về chứng khoán và chức năng quản lý của từng thành viên trong ủy ban. Tại Hàn Quốc đang áp dụng mô hình này. Quản lý kiêm nhiệm sẽ cho phép tận dụng nguồn nhân lực có chuyên môn, trình độ ở nhiều lĩnh vực kinh tế khác nhau, góp phần điều hòa chính sách và chiến lược phát triển của ngành. Tuy vậy hoạt động quản lý mang tính phân tán nên ít nhiều gây khó khăn trong quá trình quản lý và giám sát.

Như vậy, cơ quan quản lý Nhà nước về TTCK do Chính phủ của các nước thành lập với mục đích bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và đảm bảo cho TTCK được hoạt động một cách lành mạnh, an toàn và phát triển bền vững.

Cơ quan quản lý Nhà nước về TTCK có thể có những tên gọi khác nhau, tùy thuộc từng nước nó được thành lập để thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với TTCK. Tại Anh có Uỷ ban đầu tư chứng khoán (SIB – Securities Investment Board), tại Mỹ có Uỷ ban Chứng khoán và giao dịch chứng khoán (SEC – Securities And Exchange Comission) hay ở Nhật có Uỷ ban giám sát chứng khoán và giáo dịch chứng khoán (ESC – Exchange Surveillance Comission) được thành lập vào năm 1992 và đến năm 1998 đổi tên thành FSA – Financial Supervision Agency. Và ở Việt Nam có Ủy ban chứng khoán được thành lập theo Nghị định số 75/CP – NĐ ngày 28/22/1996.

Ở Việt Nam, UBCKNN là tổ chức thuộc Bộ Tài chính, có trách nhiệm giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về chứng khoán và TTCK. Theo quy định của pháp luật, UBCKNN thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về quản lý hoạt động chào bán chứng khoán nói chung và chào bán cổ phiếu ra công chúng của NHTMCP nói riêng như sau:

•Trình Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền hoặc để Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động chào bán; chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển dài hạn, trung hạn và hàng năm về chào bán.

• Tổ chức thực hiện chiến lược, quy hoạch, chính sách phát triển thị trường chứng khoán sau khi được ban hành.

• Hướng dẫn quy trình nghiệp vụ về chào bán chứng khoán và các biểu mẫu theo quy định của pháp luật và của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

• Cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép, giấy chứng nhận liên quan đến hoạt động chào bán chứng khoán.

• Quản lý, giám sát hoạt động của Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu kí chứng khoán và các tổ chức phụ trợ; Sở giao dịch chứng khoán, Trung tâm giao dịch chứng khoán, Trung tâm lưu ký chứng khoán trong trường hợp có dấu hiệu ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư trong hoạt động chào bán chứng khoán.

• Thanh tra, giám sát, xử phạt vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động chào bán chứng khoán.

• Thực hiện công tác thống kê, dự báo về hoạt động cháo bán, tổ chức quản lý và ứng dụng thông tin; hiện đại hóa trong lĩnh vực chào bán chứng khoán.

• Tổ chức nghiên cứu khóa học, thông tin, tuyên truyền về hoạt động chào bán chứng khoán; tổ chức phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức quản lý chứng khoán và nhân viên hành nghề chứng khoán, phổ cập kiến thức về hoạt động chào bán.

• Thực hiện hợp tác quốc tế về chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng theo quy định của pháp luật.

• Thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động chào bán theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Bên cạnh đó thanh tra UBCKNN cũng có trách nhiệm phối hợp với Ban quản lý phát hành trong việc giám sát tổ chức phát hành, đề xuất các biện pháp để tăng cường thực thi pháp luật đối với tổ chức phát hành. Việc thực hiện tốt các chức năng giám sát sẽ đảm bảo tốt hơn nữa sự tuân thủ pháp luật từ phía các tổ chức phát hành, tổ chức bảo lãnh phát hành và các tổ chức liên quan thực hiện đợt chào bán trên thị trường.

Các cơ quan quản lý chứng khoán sẽ phát huy được vai trò quản lý của mình nếu có phương pháp quản lý chào bán phù hợp. Lý thuyết về thị trường hoàn hảo cho rằng sự can thiệp của Chính phủ dù ở mức độ nào cũng ảnh hưởng tiêu cực tới sự phát triển của thị trường. Tuy vậy trên thực tế không tồn tại thị trường hoàn hảo. Thị trường luôn tồn tại những khuyết tật của nó, đó là thông tin mất cân đối (information asymmetry), độc quyền tự nhiên (natural monopoly) và hàng hóa công cộng (public goods). Do vậy vai trò quản lý của Nhà nước đối với TTCK là vô cùng quan trọng, đặc biệt là nhằm đảm bảo sự công bằng cho mọi chủ thể tham gia vào thị trường và bảo đảm các nguồn vốn huy động được sử dụng hiệu quả vì mục tiêu phát triển kinh tế.

Trên thế giới hiện nay có hai mô hình quản lý phổ biến là: quản lý theo chất lượng (quản lý trên cơ sở xem xét điều kiện, tiêu chuẩn của tổ chức phát hành) và quản lý trên cơ sở chế độ đăng kí thông tin đầy đủ. Tại các nước đã phát triển, cơ quan quản lý thường theo chế độ công bố thông tin đầy đủ. Nghĩa là có những chuẩn mực công bố thông tin rõ ràng, tổ chức phát hành có ý thức được trách nhiệm công bố thông tin đầy đủ và chính xác, tổ chức trung gian có đủ năng lực chuyên môn và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong hoạt động kiểm toán, tư vấn và đưa ra ý kiến đánh giá về tổ chức phát hành trong các tài liệu công bố thông tin. Còn tại các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, kiến thức và kinh nghiệm các nhà đầu tư (đặc biệt là các nhà đầu tư nhỏ và cá thể) chưa đầy đủ, các định chế đi kèm như cơ quan phân tích, định giá, hệ thống thông tin, các chế định pháp luật về kiểm toán và kế toán phát triển không đầy

đủ hay còn trong giai đoạn rất sơ khai. Do vậy, dù cơ quan quản lý thị trường muốn quản lý theo chế độ công bố thông tin đầy đủ cũng không thể thực hiện được do cản trở về hệ thống thông tin và hệ thống kiểm toán, kế toán. Trong trường hợp các cơ quan quản lý về chứng khoán có thể đảm bảo các thông tin về các công ty như theo chế độ quản lý công bố thông tin đầy đủ trên thị trường thì nhà đầu tư cũng khó có được sự lựa chọn những cơ hội đầu tư tốt nhất do kinh nghiệm và kiến thức thiếu hụt và do sự vắng mặt của cơ quan phân tích tư vấn định giá thị trường [18,tr.132]. Việc áp dụng mô hình quản lý theo chất lượng chỉ có thể áp dụng ở nước ta một thời gian, sau khi thị trường đã có sự trưởng thành đáng kể về tất cả mọi mặt.

Một phần của tài liệu Pháp luật về chào bán cổ phiếu ra công chúng của ngân hàng thương mại cổ phần ở việt nam (Trang 49 - 52)