6. Cấu trúc của luận án
1.2.2. Những nghiên cứu về tiểu thuyết Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa
Lịch sử nghiên cứu văn chương Faulkner đồ sộ trên thế giới và đang dày dặn thêm ở Việt Nam cung cấp một nền tảng không hề ít ỏi cho việc đọc tiểu thuyết của ông từ lí thuyết nhân học. Phần tiếp sau đây nỗ lực thu thập và giới thiệu, trong khả năng bao quát tư liệu có hạn, một số nghiên cứu về tiểu thuyết Faulkner từ góc nhìn nhân học trên thế giới. Chúng bao gồm những nghiên cứu từ lí thuyết nhân học, và
cả những công trình, dù không tự định danh mình là những thực hành nhân học, nhưng có hướng tiếp cận gần gũi, giao cắt với nhân học văn hoá.
1.2.2.1. Những nghiên cứu về tiểu thuyết Faulkner từ nhân học văn hóa trên thế giới
Khi kiếm tìm lịch sử nghiên cứu tiểu thuyết Faulkner từ góc nhìn nhân học, chúng tôi quan sát thấy không chỉ các nhà phê bình văn học trải nghiệm việc đọc Faulkner từ lí thuyết nhân học, mà nhiều học giả trong lĩnh vực nhân học, khi bàn luận về mối quan hệ liên ngành giữa nhân học và văn chương, đã xem tiểu thuyết Faulkner như một đối tượng khảo cứu. Từ thập niên 60 của thế kỉ XX, Frederick W. Turner, mở đầu tiểu luận Melville và Thomas Berger: Tiểu thuyết gia như nhà nhân học (1969), đã đặt vấn đề “sự thật” trong tiểu thuyết. “Liệu một tiểu thuyết có thể bóp
méo hay diễn giải sai lạc các sự kiện và nhân vật lịch sử nhưng lại nói đúng sự thật về văn hoá của cái nơi mà lịch sử đó ghi lại?” [48;101]. Faulkner là dẫn chứng đầu tiên được dẫn ra, với tư cách là nhà văn gây tranh cãi về quyền hư cấu các sự thật lịch sử. Đây không phải là công trình đầu tiên bàn về tiểu thuyết Faulkner và lịch sử miền Nam, nhưng từ góc nhìn nhân học, Turner đã đặt vấn đề “sự thật lịch sử” và “sự thật văn hoá”. “Nếu chúng ta đồng tình rằng tiểu thuyết gia có quyền đi chệch sự thật để đạt được một sự thật cao hơn, tại sao chúng ta không thừa nhận quyền của anh ta khi đi chệch với những lưu trữ lịch sử?” [48;101]. Với cách đặt vấn đề này, Turner đã khẳng định lập trường của mình khi nhìn Faulkner như một nhà văn - nhà nhân học, người dùng những hư cấu chủ quan để diễn giải sự thật văn hoá của cộng đồng mình.
Những trao đổi về mối liên hệ giữa nhân học và văn chương tiếp tục sôi nổi vào đầu thế kỉ XXI và Faulkner vẫn được nhắc tới như một tác giả tiêu biểu. Trong bài báo Vài suy nghĩ về mối liên hệ giữa nhân học và văn chương (2012) trên tờ L’Homme, hai học giả nhân học người Pháp Daniel Fabre và Jean Jamin tập trung
vào một đối tượng văn chương gần gũi với nhân học - văn chương địa phương (regionalist literature). Ở đây, Faulkner được xem như một trường hợp để phân tích: hình ảnh người da đen trong tiểu thuyết của ông không thực sự là chính họ trong đời thực, mà đã được nhào nặn qua những khuôn mẫu, định kiến văn hoá của bản thân Faulkner và người miền Nam nói chung. Bởi thế, mặc dù giống như nhân học, tiểu thuyết cũng phản ánh văn hoá và xã hội, nhưng bản thân chúng không thể bị quy giản thành những tư liệu dân tộc học đơn thuần, mà ngược lại, nên trở thành đối tượng của nghiên cứu nhân học [49,xxi]. Các tác giả cũng lưu ý rằng điều này không có nghĩa những khảo cứu về những yếu tố ngoài văn bản (như sổ tay, bản thảo…của tác giả) quá cần thiết để đọc tiểu thuyết, mà Faulkner là một trường hợp. “Nhân học của văn
chương không thể là thứ nhân học về việc văn chương được tạo thành như thế nào, điều này vốn dĩ tiềm ẩn nguy cơ biến văn chương thành những khúc mảnh vụn vặt, thành những cái trước nó và xung quanh nó. Cùng với huyền thoại, nghi lễ, tín ngưỡng, tiểu thuyết phổ biến hay tiểu thuyết tinh hoa đều nên được xem xét như chính nó, và cũng như nghi lễ cần được nhìn một cách trực tiếp, tiểu thuyết cũng nên được đọc ở dạng vẹn nguyên, chứ không chỉ bó hẹp trong những lề giấy” [49,xxii]. Từ công trình này, người đọc Faulkner có thêm một tham chiếu hữu ích để tiếp nhận tính chất địa phương trong tiểu thuyết của ông từ góc nhìn nhân học.
Nếu như Fabre và Jamin nhìn tiểu thuyết Faulkner như một điển hình cho văn chương địa phương - một phạm vi gần gũi với nhân học, thì John B. Vickery lại khai thác tiểu thuyết Faulkner với tư cách một tiểu thuyết hiện đại, trong mối liên hệ với trường phái huyền thoại - nghi lễ trong nhân học. Trong chương sách Frazer và cái bi
thương: mối liên hệ với văn học hiện đại, Vickery lập luận rằng các tác phẩm hiện đại
là âm vọng của những tiếng nói bi thương đã cất lên từ thưở xa xưa, và một trong những cội nguồn của cái bi thương chính là “huyền thoại về ông vua của rừng”. Sự sống của huyền thoại này đã được các nhà nhân loại học, tiêu biểu là Frazer, khảo cứu trong các công trình của mình. Bởi vậy, theo Vickery, “rất nhiều các tác phẩm văn học hiện đại đều có thể tìm thấy dấu vết, cho dù không trực tiếp, tới bản chất, những mối ưu tư về văn hoá, và tiếng nói của nhân học kinh điển” [50,51]. Tiểu thuyết Faulkner được phân tích khi bàn tới yếu tố đầu tiên tạo nên cảm thức bi thương mang tính giống loài, đó là “cái nhìn ngoái lại lịch sử văn hoá như là một chuỗi viễn cảnh suy tàn và tiền đồ không tưởng” [50,54]. Cùng với Ford Madox Ford, Faulkner đã “báo trước một viễn tượng văn hoá và lịch sử rất gần với thời đại cùng với những giá trị triết học đang xói mòn” [50,54]. Vickery đã tiếp cận cảm thức bi thương trong tiểu thuyết Faulkner như một đặc trưng của tiểu thuyết hiện đại, và truy tìm cội rễ nhân học của nó trong huyền thoại. Công trình này cũng gợi mở cho luận án những suy nghĩ về sự gặp gỡ của Faulkner - nhà tiểu thuyết và Frazer - nhà nhân học.
Ngoài những công trình tiếp cận tiểu thuyết Faulkner như một trường hợp để trao đổi thêm về mối liên hệ giữa nhân học và văn chương, nhiều nghiên cứu ứng dụng các lí thuyết, phạm trù nhân học để đọc tiểu thuyết Faulkner. Việc tiếp cận di sản Faulkner từ góc nhìn nhân học được đề xuất một cách trực diện trong tham luận
Một tiếp cận nhân học về Yoknapatawpha của Berndt Ostendorf tại hội thảo thường
niên Faulkner và Yoknapatawpha năm 1983 [51]. Tại hội thảo, các học giả phản biện tình hình nghiên cứu Faulkner lúc bấy giờ, vốn đang chú trọng vào phân tích văn bản và phê bình đạo đức học, đồng thời ưu ái nhiều cho thể loại tiểu thuyết. Họ đề xuất
việc đọc Faulkner như một nhà văn hiện đại, tiếp cận từ các bình diện thẩm mĩ và khảo sát toàn diện các sáng tác và tư liệu ngoài tiểu thuyết như truyện ngắn, thư từ, kịch bản, phỏng vấn. Trong bối cảnh tìm “những hướng nghiên cứu mới trong nghiên cứu Faulkner” (tên chủ đề hội thảo), Ostendorf đề xuất rằng Faulkner có những phương pháp, những mối ưu tư và mục tiêu như một nhà nhân học, và rằng tri thức nhân học sẽ giúp thấu hiểu hơn về thành tựu văn chương ông [51]. Trong phạm vi tư liệu bao quát được, chúng tôi hình dung rằng công trình này góp phần đặt nền móng và gợi mở những tiếp cận nhân học toàn diện đối với di sản Faulkner.
Trong những thực hành ứng dụng các phạm trù nhân học cụ thể để đọc tiểu thuyết Faulkner, có thể kể tới đóng góp của Christopher A. LaLonde, Irene Visser và Charles Hannon. LaLonde và Visser ứng dụng lí thuyết nghi lễ chuyển đổi của nhà nhân học người Bỉ Arnold Van Gennep trong hai công trình William Faulkner và nghi lễ chuyển đổi (1996) [52] và Sẵn lòng cho cái chết: Nghi lễ chuyển đổi trong
tiểu thuyết William Faulkner (2012) [53]. Trong tác phẩm xuất bản bằng tiếng Pháp Les Rites de Passage (Các nghi lễ chuyển đổi, 1909), Gennep nghiên cứu về những
nghi lễ đánh dấu sự chuyển đổi của cá nhân trong suốt vòng đời và sự chuyển đổi từ tình trạng này sang tình trạng khác, ví dụ như sự chào đời, dậy thì, kết hôn, thụ phong, hay cái chết [54]. Trong đó, nghi lễ chết được phân tích sâu trong bài báo của Visser. Khảo sát hành trình đưa tang bà Addie trong Khi tôi nằm chết, ngày
Quentin tự vẫn trong Âm thanh và cuồng nộ và hành vi giết người của Joe trong Nắng tháng tám, Visser khẳng định “Faulkner kịch tính hoá những nghi lễ chuyển
ngưỡng của cái chết trong những tác phẩm quan trọng này không chỉ như những biểu hiện của văn hoá truyền thống và cấu trúc thứ bậc trong xã hội, mà có lẽ quan trọng hơn, trong khi khơi gợi về một bầu sinh quyển huyền thoại vượt trên cả những mộng tưởng văn hoá, thì chúng vẫn hé lộ những bất công trong xã hội đương thời” [53,469]. Luận án có thể học hỏi ở hai công trình của LaLonde và Visser những phân tích sâu ở Khi tôi nằm chết, Âm thanh và cuồng nộ, Nắng tháng tám, đồng
thời, tìm thấy những gợi ý về việc ứng dụng tri thức về nghi lễ để đọc Faulkner. Trong chương Phúng dụ dân tộc học và Xóm nhỏ in trong sách Faulkner và các
diễn ngôn văn hoá (2005), Hannon thực hành đọc Xóm nhỏ của Faulkner bằng việc
khai thác “phúng dụ dân tộc học” (ethnographic allegory) - một thuật ngữ được đề xuất bởi nhà nhân học James Clifford. Theo Clifford, các thực hành nhân học, vốn được xem là những văn bản phi hư cấu, nhưng khi mô tả văn hoá, cũng giống như các sáng tác hư cấu, chúng luôn gợi lên những phúng dụ đa dạng [55,104-105]. Việc đọc Faulkner từ nhân học, theo Hannon, “mang lại cơ hội để quan sát mối liên hệ giữa
tính chủ thể trong các văn bản của Faulkner và những gián đoạn lịch sử trong các diễn ngôn văn hoá” [55,105]. Từ đây, Hannon diễn giải hai kiểu giọng nói (voice) trong văn Faulkner: các tự sự chủ quan và miêu tả khách quan. “Thể nghiệm của nhà văn với truyền thống diễn ngôn văn chương (như diễn ngôn đồng quê, lãng mạn, và nhiều dạng thức của châm biếm hiện đại) trong suốt sự nghiệp của mình, và đặc biệt là trong Xóm nhỏ, thể hiện khoảnh khắc chuyển giao của những diễn ngôn văn hoá
thời hiện đại đang vượt quá đường biên của lịch sử văn học. Chúng là những chỉ dấu, và cũng chịu ảnh hưởng qua lại bởi những trải nghiệm về giọng xuất hiện trong những diễn ngôn hiện đại khác, như diễn ngôn thuật chép sử, luật, lao động, và - như tôi [Hannon] sẽ trao đổi ở đây - diễn ngôn nhân học” [55,107]. Công trình của Hannon mang tới người đọc một trải nghiệm đọc Xóm nhỏ của Faulkner từ nhân học và đồng thời, cung cấp những tư liệu nhân học về Hoa Kì đầu thế kỉ XX.
Tuy lịch sử nghiên cứu Faulkner từ nhân học trên thế giới đã có những thành tựu phong phú, và chắc hẳn vượt ngoài sức bao quát tư liệu trong luận án, nhưng nếu đặt trong tương quan với các xu hướng nghiên cứu về Faulkner, thì nhân học thường không được xướng tên như một xu hướng độc lập. Công trình đồ sộ và công phu nhất cho tới nay, Sổ tay về nghiên cứu William Faulkner do Charles A. Peek và Robert W. Hamblin biên tập, tổng hợp 13 xu hướng nghiên cứu Faulkner, không chương nào có tên là nhân học. Chương 7 cuốn sách là hướng nghiên cứu gần gũi với nhân học - Phê
bình nghiên cứu văn hóa. Ngay ở đây, tác giả cũng cho biết “mặc dù không có một
công trình độc lập nào để lấy ví dụ cho hướng tiếp cận nghiên cứu văn hóa về Faulkner, nhưng đã có nhiều tuyển tập hoặc chuyên đề tạp chí áp dụng hướng nghiên cứu văn hóa về tác phẩm của ông” [9,170]. Tương tự như văn hoá học, tiếp cận nhân học, với quan điểm toàn diện và liên ngành, có thể được tìm thấy, với những độ đậm nhạt khác nhau, ở một phổ rộng các nghiên cứu liên quan. Vì thế, phần tiếp sau đây hướng tới các nghiên cứu về tiểu thuyết Faulkner giao cắt, tiệm cận với nhân học. Trên thực tế, các công trình đặt vấn đề, bàn bạc về các khái niệm trọng tâm của nhân học đã xuất hiện xuyên suốt trong hành trình phê bình tiểu thuyết Faulkner ngay từ đầu cho tới ngày nay. Trong bộn bề những nghiên cứu liên ngành rộng rãi đó, chúng tôi lựa chọn khái lược những công trình có hướng tiếp cận trực tiếp hoặc gần gũi với các nhiệm vụ cụ thể sẽ được giải quyết trong luận án.
Vấn đề Faulkner và miền Nam Hoa Kì được diễn giải từ nhiều góc độ, trong đó phê bình lịch sử và phê bình văn hoá là hai cách tiếp cận chủ đạo. Dấu ấn miền Nam của Faulkner đã được khẳng định ngay từ phần đầu Lời tuyên dương của Viện Hàn lâm Thuỵ Điển dành cho Faulkner [56,440]. Tiếp cận lịch sử về Faulkner xuất
hiện khá sớm. Ý thức đọc Faulkner trong bối cảnh miền Nam được đề xuất bởi O’Donnell, người đã cho rằng “nguyên lí quan trọng bậc nhất của văn chương Faulkner chính là truyền thống xã hội - kinh tế - luân lí của miền Nam” [theo 9,32]. Kế nhiệm O’Donnell, một loạt học giả tiến hành những nghiên cứu công phu về Faulkner từ góc độ lịch sử. D. H. Doyle dành 20 năm viết Hạt của Faulkner: Cội nguồn lịch sử của Yoknapatawpha (2001) [57]. Đặc biệt, Faulkner cũng được bàn
tới trong một công trình đầy dữ dội và khiêu khích: Huyền thoại Lost Cause và lịch
sử Nội chiến (Alan T. Nolan & Gary W. Gallagher biên tập, 2010). Trong công
trình này, chín sử gia đã thẳng thắn tuyên chiến với hiện tượng Lost Cause, họ phơi bày và chỉ trích cách người ta bóp méo lịch sử nội chiến và nguỵ tạo nên những huyền thoại nguy hiểm. Margaret Mitchell, chẳng hạn, với Cuốn theo chiều gió, bị
coi là “một câu chuyện tuyệt vời nhưng là một lịch sử dở tệ, một tuyên ngôn mang bản chất Lost Cause” vì những nguỵ tạo của nó về nô lệ, yankee, quân đội miền Nam, các tổ chức lynch, thời kì Tái thiết. Khác với Mitchell, Faulkner được nhắc tới như một nhà văn đã giễu nhại một cách hài hước và đau xót âm hưởng Lost Cause. Những nghiên cứu trên có điểm chung là nỗ lực tìm kiếm sự nối kết giữa lịch sử miền Nam và văn chương Faulkner để cắt nghĩa quan niệm của Faulkner về quê hương mình. Nhờ đó, không chỉ tiếp cận nhân học, mà hầu như nghiên cứu Faulkner từ nhiều hướng khác nhau đều hàm ơn các phê bình lịch sử này.
Xuất hiện muộn mằn hơn, phê bình văn hoá về Faulkner tiến đến gần hơn với các phạm trù nhân học và phạm trù căn tính cộng đồng. Các công trình của Clean Brooks là những nghiên cứu sớm đặt trọng tâm vào vấn đề văn hoá miền Nam trong tiểu thuyết Faulkner. Hai cuốn sách tiêu biểu, William Faulkner: thế giới
Yoknapatawpha (1963) và William Faulkner: Phía bên bờ Yoknapatawpha (1978)
đều khẳng định rằng một trong những khía cạnh trung tâm của nhãn quan Faulkner chính là “cộng đồng”. Đặc biệt, cuốn Gánh nặng lịch sử miền Nam (xuất bản lần
đầu năm 1960), của nhà sử học C.V. Woodward đã tiến đến rất gần với nhân học, khi “căn tính” (identity) miền Nam trở thành phạm trù cốt lõi và xuyên suốt của cuốn sách. Woodward xem miền Nam như một sinh thể đặc biệt: là đứa con của đất mẹ Hoa Kì, nhưng miền Nam mang gánh những nỗi đau riêng, những câu chuyện quá khứ riêng, những bản sắc không hoà lẫn. Nghiên cứu quá trình xâm lấn của nền văn minh công nghiệp ở miền Nam hậu nội chiến và đầu thế kỉ XX, Woodward xoáy sâu vào nỗi âu lo đánh mất căn tính: “mối nguy trở nên “không còn gì khác biệt”, nỗi lo sợ bị nghiền nát dưới cỗ xe ủi quốc gia đã ám ảnh tâm trí miền Nam trong một thời gian dài” [58,8]. Ông trân trọng các tác phẩm văn học Phục hưng
miền Nam, với tư cách là nơi ươm giữ kho tàng di sản ấy. Ông viết, “tôi cho rằng các sử gia miền Nam mang nợ những tác phẩm nghệ thuật và văn chương Phục hưng miền Nam, nơi bung nở nguồn năng lượng sáng tạo mạnh mẽ của địa phương mình” [58,xxii]. Trong đó, Faulkner là nhà văn mà Woodward đặc biệt trân trọng: “Sau Faulkner, Wolfe, Warren và Welty, không một người miền Nam có học nào lại