6. Cấu trúc của luận án
2.3.2. Bất chấp định mệnh
Như trên đã nói, miền Nam nước Mĩ là một mảnh đất giàu lòng kiêu hãnh. Cho dù là kẻ chiến bại, lời nguyền phủ bóng thành định mệnh, thì họ vẫn luôn là những “kẻ bất khuất”, như nhan đề một tác phẩm của Faulkner (The
Unvanquished). Cho dù định mệnh đổ xuống khắc nghiệt, nhân vật của Faulkner
vẫn kiên tâm chịu đựng, chịu đựng như một lối kháng cự bướng bỉnh, ngấm ngầm. Thomas Sutpen trong Absalom, Absalom! có lẽ là nhân vật gây ấn tượng mạnh mẽ nhất về ý hướng bất chấp định mệnh. Xuất thân là một thằng bé da trắng nghèo ở miền Nam, khi còn bé, Sutpen bị khinh miệt, không được phép bước chân vào một gia đình da trắng giàu sang. Thằng bé da trắng nghèo ấy, khi lớn lên, quyết thực hiện một “thiết kế vĩ đại”: tạo nên một dòng họ Sutpen da trắng tinh khiết hoàn hảo không thua kém bất kì dòng họ quý phái đương thời! Để khăng khăng với bản thiết kế vĩ đại này, Sutpen phải đánh đổi: li dị người vợ thứ nhất, vứt bỏ con thơ khi biết người vợ có dòng máu đen, yêu cầu Rosa phải sinh con trai trước khi cưới, gạt bỏ Milly khi cô sinh con gái... Điều khiển những kẻ xung quanh như xê dịch những quân cờ, sẵn sàng tiêu diệt mọi chướng ngại, gạt tình riêng ra một bên, dùng lí trí để thiết kế tương lai cho cả một dòng họ, đó rõ ràng là một thứ hoài bão cá nhân đầy liều lĩnh, một sự cả gan thách đấu với định mệnh. Ở Sutpen, một mặt, ta thấy được bản tính kiên gan, bất khuất, tinh thần “bất chấp định mệnh”, nhưng mặt khác, ở một mức độ nào đó, là sự cố chấp, bảo thủ bắt nguồn từ văn hoá cộng đồng. Đó là chưa xét tới khía cạnh, bản thiết kế để đời của Sutpen cũng dựa trên tiên đề đầy định kiến của chủ nghĩa vị chủng và phân biệt đẳng cấp, thứ di sản cộng đồng.
Sự bất khuất đến mức cố chấp, bảo thủ dường như đã trở thành một nét căn tính của người miền Nam. Trên thực tế, miền Nam không dễ chấp nhận định mệnh. Lịch sử đã ghi nhận sự cố chấp và thế cô lập của miền Nam trong nỗ lực bảo vệ những lãnh địa ý thức hệ của riêng mình và thậm chí cả ý muốn “xét lại” lịch sử. Những làn sóng chưa kết thúc của phong trào Lost Cause là một điển hình. Giương cao ngọn cờ Liên minh miền Nam có thập tự và những ngôi sao của Thượng Đế, họ cất tiếng kêu than cho một “huyền thoại về một lí tưởng đã mất”, mượn lời của Alan Nolan trong cuốn sách dữ dội Huyền thoại Lost Cause và lịch sử Nội chiến (2010)
đấu vì tự do, công bình, thất trận trước âm mưu bành trướng của miền Bắc đông đúc và hung hãn. Các nhà sử học theo chủ nghĩa xét lại (revisionist), mà Avery Craven là một thủ lĩnh, ra sức tuyên truyền rằng nội chiến Hoa Kì là sự thất bại của dân chủ. “Liên minh đầu hàng nhưng không gục ngã, không cúi đầu khi bị đánh bại”. Bằng lòng kiêu hãnh đến cao ngạo, họ dựng nên những tượng đài, theo nghĩa đen và nghĩa bóng, để ăn mày dĩ vãng. Theo cách này, miền Nam đang tự tách mình thành kẻ cố chấp và cô lập. “Kể từ Thế chiến II, những định kiến chủng tộc cũ vốn đã từng có vẻ khả kính và bất di bất dịch nay đã có những biến đổi linh hoạt khó ai ngờ được. Từng chút một, nhanh chóng liên tục đến kinh ngạc, nhiều cột trụ của chủ nghĩa vị chủng đã sụp đổ, những rào cản cũ bị xô vỡ. Dĩ nhiên, vẫn còn những tàn dư, và rõ ràng là những thái độ chủng tộc miền Nam vẫn còn dai dẳng trong một thời gian dài. Tuy vậy, miền Nam cũng ngày càng nhận thức được sự cô lập của mình trong những thái độ này, và trong những nỗ lực bảo vệ các thiết chế của họ. Họ đã nhanh chóng rơi vào tình trạng mất uy tín và bị phần còn lại của đất nước và thế giới lên án” [58, 11].
Làn sóng dữ dội đầu tiên của Lost Cause xuất hiện trong Thế chiến I, khi những cựu binh trong Liên minh miền Nam ra sức bảo tồn những kí ức thời chiến của họ. Faulkner kín đáo giễu nhại nỗi hoài nhớ đậm chất Lost Cause này trong kí ức của Hightower. Ấn tượng này hằn sâu từ khi Hightower còn là một đứa trẻ. (Faulkner quan tâm đặc biệt cho những đứa trẻ, ông lặng lẽ quan sát cách trẻ thơ hấp thụ di sản văn hoá của cộng đồng). Cậu bé Hightower tìm thấy trong rương tấm áo cũ, “những mảnh vá bằng dạ xám cắt từ quân phục lính Hợp bang giờ trông như những chiếc lá nâu khô, và một mảnh vá đã làm ông thực sự cảm động: nó có màu xanh, màu xanh đậm, màu xanh của nước Mĩ” [70, 598]. Từ “mảnh vải câm nín và vô danh” đó, thằng bé lên tám “trải nghiệm một thứ như sự kinh hãi câm lặng và đắc thắng”. Nó hỏi, kiêu hãnh: “Kể cho con nghe về ông nội nữa đi. Ổng đã giết bao nhiêu thằng Yankee?” [70, 600]. Kể từ đó, trong căn phòng im ắng, trong ánh sáng
màu đồng đỏ đang lụi tàn, Hightower thường nghe thanh âm đoàn kị binh, không khí chiến trận xưa cũ. “Ông nghe, phía trên quả tim mình, tiếng sấm to dần, nhiều vô kể, liên tục. Đó là tiếng vó ngựa phi nước đại nghe như tiếng sấm đó đến từ xa, nó bắt đầu như tiếng gió thở dài trong các hàng cây, rồi chẳng mấy chốc hiện ra trong tầm mắt đám kỵ binh đang lao nhanh đến, bây giờ trông như bị cuốn đi trong đám bụi ma quái. Họ chạy qua như cơn lốc, cúi rạp người trên yên, tay vung gươm, các dải băng trên đầu những ngọn giáo cầm nghiêng và hăm hở thì bay phần phật” [70, 632-633]. Đoàn kị binh mang tinh thần hiệp sĩ kiểu cũ, kiêu hùng và danh giá,
đúng như phác thảo của những kẻ theo chủ thuyết Liên minh miền Nam. Faulkner không quên thả chút giễu nhại vào những chi tiết nhỏ: ngay cả khi kể chuyện một binh sĩ bị giết trong khi ăn trộm gà, trên tay còn đầy lông gà, Hightower, lúc bấy giờ là một chàng trai trẻ, vẫn hứng khởi, say sưa, rằng phát súng ấy có thể là phát súng trả thù của vợ một tên lính. “Anh thích nghĩ như vậy. Vì như vậy thì đẹp” [70, 621].
Faulkner đặt hoài niệm mang tinh thần Lost Cause này vào nhân vật Hightower, một kẻ bị giam cầm trong quá khứ, nhưng cũng chính là kẻ sẽ được phục sinh ở kết thúc tác phẩm. Những giây phút cuối đời, Hightower không còn được miêu tả trong “ánh sáng màu đồng đỏ lụi tàn” nữa, mà trong “ánh sáng tháng tám dịu dàng còn nấn ná trên trời”, Hightower nhìn thấy vầng hào quang đầy những khuôn mặt người. Đoàn kị binh vẫn ở trong ông, nhưng không phải bằng sự giam cầm, cô độc, mà chỉ ở lại với niềm kêu hãnh, thanh thản. Sự “phục sinh” của Hightower như một đối ứng cho hồi ức của ông – một ngụ ý của Faulkner về lối thoát cho con người chăng? Nhìn ở khía cạnh này, có thể thấy đóng góp của Faulkner như một thủ lĩnh tinh thần cho văn chương Phục hưng miền Nam, thứ văn chương chủ trương tìm liệu pháp hàn gắn nhờ can đảm đối diện với vết thương chứ không phải tô hồng hay né tránh nó.
Tuy nhiên, tinh thần bất chấp định mệnh, mà hệ luỵ là sự bảo thủ, cố chấp, nếu xét ở một khía cạnh tích cực của nó, lại gần gũi với nét tính cách bất khuất, kiên định, gan góc. Những nét tính cách ấy, đến lượt nó, lại là cội rễ cho sự trường tồn của người phương Nam. Câu chuyện trong Khi tôi nằm chết, hành trình đưa tang bà Addie lên thành phố, như một ám dụ về hành trình vật lộn sinh tồn của con người. Một gia đình người da trắng nghèo, những con người bình thường, cũng chỉ trích, từ bỏ, oán hận, u sầu, cũng giấu giếm đầy những bí mật. Giữa cuộc mưu sinh, những toan tính hèn mọn, đối với họ, cái chết không còn là mối bận tâm duy nhất. Nhưng vấn đề là, khi trải qua hoạn nạn, giữa nước lũ và lửa cháy, tất cả họ đều kiên định, nhẫn nại, đến bướng bỉnh, gan lì. Cuộc sống vẫn tiếp diễn - dường như đó là một cam kết ngầm giữa những con người nhà Bundren. Hoạn nạn, oán giận, u sầu là những gánh nặng, nhưng cũng là một phần tất yếu của sinh tồn.
“Miền Nam. Ôi Chúa tôi. Bảo sao người dân các anh vẫn sống năm này qua năm khác” [82, 445]. Đó là lời Shreve nói với Quentin, sau khi nghe những câu chuyện xa xưa về người miền Nam, về cả những bi kịch và sự trường tồn. Câu nói này có lẽ một phần được cắt nghĩa từ nét căn tính này trong văn hoá miền Nam - sự bất khuất, can trường, cho dù đau thương và tội lỗi. Họ trường tồn. Những con la cố bám trụ chân mình trên mặt đất cho tới khi bị cuốn theo dòng lũ. Hightower,
Joanna, bị cộng đồng xua đuổi, vẫn bám trụ lấy mảnh đất này, tự xây cho mình một căn nhà nhỏ, dẫu cho là nơi rìa thành phố, dẫu cho bị quên lãng. Lena vẫn kiên tâm đi tìm cha cho đứa con mình, dẫu cái tên Lucas dần phai mờ và trở nên không thực. Gan lì, can trường, bất khuất, đó chính là một phẩm chất căn cốt của miền Nam.