Dưới bóng Cành vàng: cuộc “gặp gỡ” giữa Faulkner và Frazer

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 121 - 124)

6. Cấu trúc của luận án

4.1. Dưới bóng Cành vàng: cuộc “gặp gỡ” giữa Faulkner và Frazer

Trong tiểu luận Mối quan hệ giữa nhân học về văn chương và văn chương nhân học (2012), Anna Lebkowska khi đặt ra câu hỏi: “một nhà nhân học có thể trợ

tiếp cận. Thứ nhất là lối tiếp cận mô hình nhận thức - tái hiện ở văn chương. Những người theo xu hướng này, tiên phong là F. Poyatos, cho rằng: “Văn chương là ngọn đèn tri thức của văn hoá. Ngay cả với những tiểu thuyết sơ sài cũng có thể là một bức tranh hấp dẫn về một nền văn hoá riêng biệt và giá trị tài liệu của nó sẽ dần đầy lên bất khả bác bỏ theo năm tháng” [theo 32, PL.26]. Theo đó, phẩm tính nhân học là giá trị tự thân của mọi tác phẩm văn học, cho dù nhà văn ý thức hay không, thì bản thân văn chương đã là những cuốn “cẩm nang”, những tư liệu quý về văn hoá. Hướng đi của chúng tôi trong chương bốn không phải là hướng đi này.

Hướng tiếp cận thứ hai, Lebkowska quan sát, “tập hợp những người từ chối đơn giản hoá “tính đồng dạng giữa một tác phẩm văn chương và một hiện tượng văn hoá”, và tôn trọng “những vay mượn đa tầng bậc rõ ràng giữa văn chương và hệ thống văn hoá” [theo 32, PL.27]. Dựa trên lối tiếp cận này, chúng tôi cho rằng, ở một số nhà văn, tri thức, mối bận tâm, ý hướng của anh ta về đời sống văn hoá sâu nặng tới mức anh ta sẽ, (dù ý thức hay không), sáng tạo nên những cách thức, thủ pháp, kĩ thuật kể chuyện của riêng mình, những điều mà, đến lượt chúng, mang lại phẩm tính nhân học cho những tác phẩm hư cấu của anh ta, theo một cách riêng. Theo chúng tôi, những dấu tích nguyên thuỷ chính là điểm tô đậm thêm phẩm tính nhân học trong tiểu thuyết Faulkner. Bằng việc tái dựng các cổ mẫu nguyên thuỷ, tiểu thuyết Faulkner có vẻ đẹp riêng và gần gũi với nhân học: cũng như nhân học, nó dẫn người đọc trở về với cội rễ văn hoá xa xưa của loài người.

Những bằng chứng tiểu sử tác giả cho thấy Faulkner chịu ảnh hưởng sâu sắc từ một nhà nhân loại học vĩ đại, bậc thầy của trường phái nghi lễ: Jame George Frazer. Năm 1925, Faulkner có thời gian sống cùng Sherwood Anderson tại New Orleans - nhà văn tiền bối mà ông rất ngưỡng mộ. Họ thường dạo quanh khu nhà, đàm đạo, và “phần lớn cuộc trò chuyện của họ là về Freud, Eliot, và Frazer, với cuốn Cành vàng bản rút gọn trên bàn trà” [theo 62, 153]. Cành vàng, được biên

soạn từ năm 1890 đến năm 1907 gồm 15 tập và đến năm 1922 thì được rút gọn lại thành một tập, là công trình để đời của Frazer, được xem như bách khoa thư về văn hoá cổ xưa của nhân loại.

Điều đáng nói là, việc biết đến Frazer, đối với một nhà văn, không chỉ có ý nghĩa như việc tìm thấy một kho tàng tri thức nhân học khổng lồ. Vị thế của Frazer còn vượt ra ngoài biên giới nhân học; nói đúng hơn, Frazer, cùng Cành vàng, đã trở thành điển phạm khi nói về sự giao thoa liên ngành nhân học - văn chương. Công trình uy nghi và mê hoặc của ông đã truyền cảm hứng cho những người kế nhiệm

tạo nên cuộc cách mạng trong viết nhân học: nhân học được viết như những áng văn chương. Không chỉ thế, kể từ Frazer, nhân học bắt đầu thâm nhập vào địa hạt văn chương, tạo nên bước ngoặt trên cả phương diện sáng tác lẫn phê bình. Ở lĩnh vực sáng tác, thế kỉ XX chứng kiến sức tái sinh đầy uy lực của huyền thoại trong sáng tác của các nhà văn kinh điển. Ở lĩnh vực phê bình, Frazer - linh hồn của trường phái phê bình nghi lễ (ritual school), trở thành tiên phong cho sự ra đời của phê bình huyền thoại hiện đại. Như thế, cuộc “gặp gỡ” giữa Faulkner và Frazer, đối với luận án, thú vị ở chỗ, nó gợi ý cho việc tìm hiểu về Frazer ở hai tư cách. Một mặt, công trình Cành vàng được xem như một nguồn tư liệu bách khoa về văn hoá nguyên

thuỷ để đối chiếu với tác phẩm của Faulkner. Thứ hai, trường phái phê bình nghi lễ do Frazer tiên phong cung cấp những chỉ dẫn lí thuyết trong quá trình nghiên cứu.

Cổ mẫu (archetype, còn được dịch là mẫu gốc, siêu mẫu, nguyên sơ tượng, mẫu cổ, nguyên mẫu, nguyên tượng...) có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp, gộp thành từ

arche - khởi đầu, khởi nguyên, và typos - mô hình, khuôn mẫu, loại. Có thể hiểu

thuật ngữ này nhằm chỉ những khuôn mẫu nguyên thuỷ, thể hiện đậm nét văn hoá dân tộc và nhân loại, có tính di truyền, bền vững, hồi quy và phái sinh, tồn tại xuyên suốt lịch sử văn hoá nhân loại. Vào những năm 1940, 1950, trường phái phê bình cổ mẫu (archetypical criticism) trở nên thịnh hành trong nghiên cứu văn chương. Các từ điển thuật ngữ văn học kinh điển đều thừa nhận một trong hai nhánh quan trọng, đưa đến sự xuất hiện của lí thuyết cổ mẫu chính là trường phái nhân học so sánh ở Đại học Cambridge, mà Frazer là thủ lĩnh. Cành vàng, với việc “truy tìm những

khuôn mẫu huyền thoại và nghi lễ mà ông tuyên bố, tái diễn từ trong truyện cổ và nghi lễ của nhiều nền văn hoá khác nhau” [139, 201], có thể được xem là một công trình sớm về phê bình cổ mẫu. Một nhánh khác của phê bình cổ mẫu chính là phân tâm học của C.G. Jung, “người đã vận dụng thuật ngữ “cổ mẫu” vào cái ông gọi là “hình ảnh nguyên thuỷ”, “thặng dư tâm lí” của những khuôn mẫu trải nghiệm nhân sinh được lặp lại trong cuộc sống của tổ tiên rất xa xưa của chúng ta mà, như ông khẳng định, sống sót trong “vô thức tập thể” của nhân loại và được biểu đạt trong huyền thoại, tín ngưỡng, giấc mơ, những tưởng tượng cá nhân cũng như trong tác phẩm văn học” [139, 201].

Phần tiếp sau đây chúng tôi chủ yếu nhìn cổ mẫu từ nhánh nghi lễ của Frazer, cụ thể là quan tâm tới sự chuyển dịch của những khuôn mẫu huyền thoại, nghi lễ nguyên thuỷ vào văn chương. Trong quá trình chuyển dịch ấy, cổ mẫu được hiểu như “một dạng kí hiệu kinh nghiệm kinh điển” [140, 86] đối với cả người sáng tạo

và người tiếp nhận. Theo đó, ngay từ thời nguyên thuỷ, các cổ mẫu đã có những phái sinh để tạo nên các hệ cổ mẫu. Các nhà văn, một cách vô thức và ý thức, tái dụng những cổ mẫu nguyên thuỷ, nhưng những mẫu gốc khi đó đã không còn ở dạng bản nguyên, mà được cải dạng qua sự đối thoại, thậm chí hoài nghi của tác giả. Quá trình đó, mặc dù vẫn đảm bảo tính bền vững của cổ mẫu, là một quá trình không hoàn kết.

Một phần của tài liệu Tiểu thuyết William Faulkner từ góc nhìn nhân học văn hóa. (Trang 121 - 124)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(168 trang)