Thuận lợi và khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất ở huyện Nho Quan

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp kinh tế nhằm khuyến khích tích tụ ruộng đất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện nho quan, tỉnh ninh bình​ (Trang 74 - 76)

4. Những đóng góp mới và ý nghĩa của luận văn

3.4. Thuận lợi và khó khăn trong việc tích tụ ruộng đất ở huyện Nho Quan

* Thuận lợi

Huyện đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cụ thể thực hiện tích tụ ruộng đất để liên kết sản xuất trong nông nghiệp. Trong đó, huyện cho phép UBND cấp xã ký hợp đồng cho thuê quyền sử dụng đất với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, trên cơ sở được các hộ gia đình (người sử dụng đất) ủy quyền cho UBND cấp xã ký hợp đồng cho thuê đất với tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có nhu cầu tích tụ đất để phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn. UBND cấp xã thực hiện việc tích tụ ruộng đất, dồn điền, đổi thửa đất 5% của xã với nông dân, trên cơ sở vận động và được sự đồng thuận của nông dân nhằm tạo quỹ đất tập trung cho tổ chức, doanh nghiệp thuê để tổ chức sản xuất.

UBND huyện đã giao phòng kinh tế hạ tầng nông thôn và phòng tài nguyên môi trường chủ trì phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan cân đối nguồn vốn để tham mưu, đề xuất bố trí đủ nguồn lực thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định hiện hành của trung ương, của huyện; rà soát, giảm thiểu các thủ tục về cấp phép đầu tư, chấp thuận đầu tư và hưởng các chính sách hỗ trợ đầu tư của Nhà nước để thu hút doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Hiện nay, việc tích tụ ruộng đất trên địa bàn huyện được thực hiện chủ yếu thông qua hình thức liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) với các hộ. Trong đó doanh nghiệp giữ vai trò tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, các hộ dân thực hiện sản xuất trên đất của mình và cung cấp sản phẩm cho doanh nghiệp. Đến nay, toàn huyện đã thu hút được 6 doanh nghiệp, 30 HTX tham gia liên kết sản xuất, tích tụ ruộng đất, hình thành các chuỗi khép kín tiêu thụ các sản phẩm dược liệu, rau, cây ăn quả. Tổng diện tích đất tích tụ thông qua liên kết sản xuất đạt trên 7.800 ha, với hơn 12.500 hộ nông dân tham gia. Cùng với đó, việc tích tụ ruộng đất được thực hiện với hình thức thuê đất của nông dân để sản xuất. Tuy nhiên, hình thức này không được nhiều đất (mới có 100,5 ha) do giá thành thuê đất hiện nay rất cao, bình quân 40 triệu đồng/ha/năm.

* Những hạn chế

Tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất hàng hóa là chủ trương lớn được Huyện ủy, HĐND, UBND huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện, tuy nhiên, trong tổ chức thực hiện còn bộc lộ nhiều khó khăn. Theo Luật Đất đai năm 2013, điều kiện để doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án quy mô lớn trong nông nghiệp rất phức tạp, chưa có quy định về việc hỗ trợ doanh nghiệp thuê lại hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp của nông dân, nên khi triển khai các dự án đầu tư gặp khó khăn. Bên cạnh đó, do các quy định về hạn điền, về chuyển đổi mục đích sử dụng đất và đặc biệt là khó vận động người dân dồn điền, đổi thửa, góp đất tham gia sản xuất cũng gây nhiều trở ngại khi thực hiện các mô hình sản xuất hàng hóa. Chế tài xử lý ruộng đất bị bỏ hoang hóa chưa đủ mạnh, nên trên địa bàn huyện vẫn diễn ra tình trạng sử dụng đất kém hiệu quả hoặc ngừng canh tác.

Trên thực tế, phần lớn đất sản xuất nông nghiệp do các hộ gia đình quản lý và sử dụng, nhưng do đặc điểm địa hình miền núi nên diện tích đất canh tác không tập trung. Mặt khác, một bộ phận người dân không sản xuất hoặc sản xuất hiệu quả thấp nhưng vẫn có tư tưởng giữ ruộng, giữ đất vì coi đó là tài sản bảo đảm từ đời trước đến đời sau. Do vậy, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đầu tư máy móc, thiết bị để sản xuất tập trung gặp nhiều khó khăn.

Ví dụ tại xã Cúc Phương, theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tại xã hiện còn nhiều đất có khả năng tích tụ, ... Tuy nhiên, nông dân địa phương lo ngại rằng hầu hết diện tích gồm các thửa nhỏ, khi doanh nghiệp đầu tư sẽ dồn điền đổi thửa, tạo mặt bằng lớn, nhưng nếu hoàn trả thì khó xác định lại ranh giới đất đã cho thuê. Phó Chủ tịch UBND xã Sa Pả, ông Bùi Trọng Thủy cho biết: Rất khó để hoàn thành kế hoạch tích tụ ruộng đất vì người dân chưa mặn mà với chủ trương này.

Các xã còn lại trong huyện, việc thực hiện tích tụ ruộng đất cũng gặp vấn đề tương tự. Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định: Mặc dù ngành chức năng đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân thực hiện chủ trương của huyện, nhưng thực tế khi triển khai còn nhiều vướng mắc...

Ngoài những bất cập trên, việc đầu tư sản xuất nông nghiệp cũng rủi ro cao, lợi nhuận thấp nên nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư lĩnh vực này. Thủ tục chuyển nhượng, thuê đất còn rườm rà, phức tạp, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Ông Nguyễn Xuân Giang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh: Tích tụ ruộng đất đang là hướng đi phù hợp, thúc đẩy nông dân tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao giá trị sản xuất. Để thúc đẩy tiến trình tích tụ, tập trung ruộng đất tạo vùng phát triển hàng hóa, cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội và đặc biệt là các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp kinh tế nhằm khuyến khích tích tụ ruộng đất, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn huyện nho quan, tỉnh ninh bình​ (Trang 74 - 76)