Trị giá Hải quan là một trong những kẽ hở mà gian thương triệt để lợi dụng, bởi cơ quan Hải quan rất khó để điều tra, và xác định chính xác, kịp thời trị giá của tất cả hàng hoá ngay tại cửa khẩu xuất/nhập do hạn chế về thời gian, thông tin và cả về kiến thức, trình độ chuyên môn... Trước tình hình đó, Hiệp định GATT đã ra đời, được ký lần đầu vào năm 1947. Các nước thành viên của hiệp định này đã thoả thuận về “giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu theo mục đích Hải quan” và ghi nhận trong điều 7 GATT những quy tắc về trị giá Hải quan như sau: Trị giá của hàng nhập khẩu phải:
- Không được dựa vào trị giá hàng hoá của nước xuất xứ hoặc trị giá áp đặt tuỳ tiện vô căn cứ
- Phải là mức giá mà ở mức giá đó, hàng hoá tương tự có thể bán trong chu kỳ kinh doanh bình thường với điều kiện cạnh tranh lành mạnh, không có sự thông đồng giữa người bán với người mua để lập chứng từ giả làm sai lệch trị giá thực của hàng hoá xuất nhập khẩu.
Đến năm 1994, hiệp định này được sửa đổi thành Hiệp định thực hiện điều 7 GATT - 1994 gồm 4 phần 24 điều. Hiệp định thực hiện điều 7 GATT - 1994 đã nhận thức được sự cần thiết phải có một hệ thống định giá công bằng, thống nhất và trung lập đối với việc định giá hàng hoá cho mục đích thuế quan để ngăn ngừa việc sử dụng các trị giá Hải quan tuỳ tiện hay giả mạo trên cơ sở các tiêu chuẩn đơn gian và công bằng phù hợp với các tập quán thương mại quốc tế và các thủ tục định giá được áp dụng chung không có sự phân biệt đối xử giữa các nguồn cung cấp.