Chiến lược của ngân hàng
Mỗi ngân hàng đều có chiến lược kinh doanh riêng vì các ngân hàng có những thế mạnh riêng. Tuy nhiên, các chiến lược kinh doanh đó trước tiên phải phù hợp với chính sách phát triển chung của Nhà nước và tiếp đó, phải phù hợp với khả năng của mình. Một ngân hàng nhỏ, không có nhiều kinh nghiệm thì không thể theo đuổi chiến lược kinh doanh là thâm nhập vào thị trường cần nhiều vốn đầu tư, rủi ro cao.
Chính sách tín dụng của ngân hàng
Với tầm quan trọng và quy mô lớn của hoạt động tín dụng, hoạt động này phải được thực hiện theo một chính sách rõ ràng, được xây dựng và hoàn thiện qua nhiều năm, đó là chính sách tín dụng. Chính sách tín dụng gồm: chính sách khách hàng, chính sách lãi suất, chính sách về tài sản đảm bảo…..sẽ phản ánh cương lĩnh tài trợ của một ngân hàng, nó hướng dẫn chung cho cán bộ tín dụng và các nhân viên ngân hàng trong hoạt động tín dụng nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao khả năng sinh lời. Như vậy, nếu chính sách tín dụng của ngân hàng không phù hợp với khả năng, quy mô của ngân hàng sẽ không mang lại lợi nhuận cao cho ngân hàng, không đáp ứng nhu cầu của khách hàng và do đó sẽ ảnh hưởng xấu đến chất lượng tín dụng. Nhưng nếu chính sách khách hàng được xây dựng tốt sẽ phát huy vai trò lớn đối với hoạt động của ngân hàng.
Quy trình tín dụng của ngân hàng
Để chuẩn hóa các quá trình tiếp xúc, phân tích, cho vay và thu nợ đối với khách hàng, các ngân hàng thường đặt ra quy trình tín dụng. Đó là các bước mà cán bộ tín dụng ở các phòng ban trong ngân hàng phải thực hiện khi tài trợ cho khách hàng. Quy trình này gồm nhiều bước: phân tích trước khi cấp tín dụng, xây dựng và ký kết hợp đồng tín dụng, giải ngân và kiểm soát trong khi cấp tín dụng, thu nợ và đưa ra các phán quyết tín dụng mới.
Công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ
Để tránh rủi ro, mỗi ngân hàng đều phải chú trọng vào công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Công tác này không chỉ được thực hiện đối với khách hàng mà còn được thực hiện đối với bản thân ngân hàng .
Công tác thẩm định khoản vay
Thẩm định tín dụng là việc sử dụng các công cụ và kĩ thuật phân tích nhằm kiểm tra, đánh gia mức độ tin cậy và rủi ro của một dự án khách hàng đã xuất trình nhằm phục vụ cho việc ra quyết định tín dụng. Khi lập dự án đầu tư, khách hàng do mong muốn được vay vốn, có thể đã thổi phồng và dẫn đến ước lượng quá lạc quan về hiệu quả kinh tế của dự án. Do vậy, thẩm định tín dụng cần phải xem xét đúng thực chất của dự án. Thẩm định tín dụng cần đạt được các mục tiêu:
- Đánh giá được mức độ tin cậy của dự án đầu tư mà khách hàng đã lập và nộp cho ngân hàng.
- Phân tích và đánh giá mức độ rủi ro của dự án khi quyết định cho vay. - Giảm xác suất của hai loại sai lầm khi quyết định cho vay: (1) cho vay một dự án tồi và (2) từ chối cho vay một dự án tốt.
Khi đạt được những mục tiêu trên, mức độ rủi ro khi cho vay sẽ được giảm xuống.