Kinh tế
Huyện Phù Cát là huyện có nhiều điều kiện địa lý, tự nhiên và giao thông khá thuận lợi, huyện đã và đang trở thành nơi giao lưu kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh Bình Định.
Nhờ phát huy hiệu quả các tiềm năng sẵn có, kinh tế của huyện duy trì được mức tăng trưởng trong có cấu tăng trưởng toàn tỉnh. Tổng sản phẩm giai đoạn 2012- 2014 trong huyện tăng bình quân là 10,7 %. Quy mô kinh tế của huyện tăng lên đáng kể.
Cơ cấu kinh tế của huyện tiếp tục có bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng nông – lâm – ngư nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ. Tuy nhiên cơ cấu chuyển dịch còn chậm, chưa rõ nét, cơ cấu nông – lâm –
ngư nghiệp; công nghiệp – xây dựng và dịch vụ từ: 38,04%; 32,3%; 28,7% ( năm 2012) sang 33,6%; 36,7%; 29,7% ( năm 2014). GDP bình quân/người tăng từ 975USD năm 2012 lên 1024 USD năm 2013 và năm 2014 là 1272 USD.
Cơ cấu nguồn vốn chuyển dịch tích cực theo hướng nâng dần tỷ trọng vốn của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước, phản ánh khả năng huy động vốn đa dạng các nguồn cho đầu tư phát triển. Vốn đầu tư nhà nước giữ vai trò quan trọng trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật thiết yếu trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đặc biệt là hạ tầng phúc lợi cộng đồng. Vốn đầu tư ngoài nhà nước ngày càng phát huy vai trò tích cực, đóng góp vốn đầu tư trực tiếp cho phát triển sản xuất kinh doanh và bước đầu tham gia đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội.
Kinh tế phát triển góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. Tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước tăng 12%/ năm. Thu nhập bình quân đầu người 21,1 tr.đồng năm 2012 tăng lên 28,1 tr.đồng năm 2014 vì thế mà đời sống vật chất tinh thần nhân dân tăng lên đáng kể nhất là nhân dân miền núi khó khăn.
Văn hóa – xã hội:
Trên địa bàn huyện có rất nhiều di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh như chùa Ông Núi, tượng đài anh hùng Ngô Mây, suối nước nóng Hội Vân…
Huyện Phù Cát còn là cái nôi của rất nhiều làng nghề nổi tiếng trong tỉnh như làng nón ngựa Phú Gia, làng dệt chiếu Cát Tài, làng đan lát và đá mỹ nghệ, làng bún…Sản phẩm của các làng nghề truyền thống thể hiện sự sáng tạo, khéo léo và tài hoa của những con người xứ “ nẫu” được khách hàng trong tỉnh và cả nước rất ưa chuộng.
Phù Cát là nơi rất giàu truyền thống hiếu học, trong những năm qua tại các làng, xã, thị trấn phát động rất nhiều cuộc bình chọn gia đình hiếu học, làng hiếu học hay dòng họ hiếu học. Phong trào ngày càng góp phần khuyến khích nền giáo dục huyện nhà ngày càng phát triển sâu rộng trong nhân dân, góp phần nâng cao tri thức của những chủ nhân tương lai đất nước.
Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cả về vật chất lẫn tinh thần, tỷ lệ đói nghèo giảm đáng kể 15,34% ( năm 2012), 9,34% ( năm 2014). Tại các xã, thôn, khu dân cư đều được tỉnh hỗ trợ và nhân dân đóng góp xây dựng nhà văn hóa, thư
viện, tủ sách và duy trì các hoạt động thường xuyên, có chất lượng, lôi cuốn được đông đảo nhân dân, góp phần nâng cao đời sống văn hóa cộng đồng. Công tác giáo dục và đào tạo đạt một số kết quả quan trọng về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và thực hiện mục tiêu quốc gia, đã hoàn thành phổ cập THPT trong năm 2012. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng. An ninh, quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo.
Dân số - Lao động
Dân số: 194.100 người, trong đó nữ 100.200 người, mật độ dân số 286 người/km2. Hiện nay, trên địa bàn huyện có các dân tộc anh em cùng sinh sống trong đó chủ yếu là người Kinh và một số ít người Bana gồm 26 hộ, 91 nhân khẩu nằm rải rác tại các xã Cát Lâm, Cát Sơn.
Cơ cấu dân số huyện Phù Cát nằm trong nhóm dân số trẻ. Nguồn lao động dồi dào, với số người trong độ tuổi lao động chiếm 62,2% tổng dân số. Đây thực sự là nguồn lực lớn trong tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ an ninh quốc phòng. Hiện nay, toàn huyện 89,9% dân số sống ở nông thôn, nhưng lực lượng lao động của huyện chủ yếu là lao động nông nghiệp, chiếm hơn 65% trong tổng số lao động, mặt khác số lao động qua đào tạo lại chiếm tỉ trọng nhỏ, khoảng 37% trong tổng số lao động, số lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao rất ít… đó là cản trở lớn trong việc tiếp nhận các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Cơ sở hạ tầng
Hệ thống giao thông
Hệ thống giao thông của huyện bao gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt được phân bố hợp lý, giao lưu rất thuận lợi tới các xã trong địa bàn và các tỉnh thành lân cận.
Hệ thống giao thông khá đồng bộ. Phù Cát có Quốc lộ 1A và đường sắt chạy ngang qua 3 xã và trung tâm huyện lỵ với chiều dài 18 km; có các trục đường tỉnh lộ 633, 634, 635, 640B và 639 nối liền các xã với huyện và các huyện lân cận đã được nâng cấp mở rộng, nhựa hoá và đi lại thông suốt. Sân bay Phù Cát cách thành phố Quy Nhơn 30km về phía Bắc đã và đang mở thêm nhiều chuyến bay đón hành khách đi và đến Bình Định. Đường huyện có 352,4 km và 1448 km đường xã đảm
bảo cho xe ô tô đến tất cả các vùng trong mọi mùa.
Hệ thống cấp thoát nước
Trong nhiều năm qua, ngành cấp thoát nước huyện liên tục đầu tư, cải tạo, nâng cấp các đường ống dẫn nước. Công tác cấp thoát nước đô thị được đầu tư một cách hệ thống với việc bàn giao đưa vào sử dụng Nhà máy cấp nước ODA; đang tiến hành xây dựng các trạm cấp nước các xã Cát Trinh, Cát Tài, Thị trấn Ngô Mây…; triển khai đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn tại các xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa như Cát Lâm, Cát Sơn; hoàn thành đầu tư xây dựng mở rộng kênh mương từ hồ thủy điện Định Bình ( Vĩnh Thạnh) vừa cung cấp nước tưới tiêu vừa là hệ thống thoát lũ vào mùa mưa.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì hệ thống cấp thoát nước của huyện vẫn còn nhiều khó khăn. Hệ thống thoát nước và xử lý rác thải chưa hoàn chỉnh. Phần lớn lượng nước thải xả trực tiếp vào các kênh mương, ao hồ gây nguy cơ ô nhiễm cao.
Nói chung ở huyện cơ sở hạ tầng cung cấp nước và hệ thống cấp thoát nước so với các cơ sở hạ tầng khác còn kém phát triển. Trước mắt và cả tương lai cần phải có những nguồn vốn đầu tư, ưu tiên tập trung giải quyết và cải thiện về vấn đề này.