Phòng bệnh bằng vaccine

Một phần của tài liệu Đề tài: Đánh giá khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gia cầm sau khi tiêm phòng vaccine cúm AH5N1 tại tỉnh Nghệ An potx (Trang 31 - 33)

Đồng thời với các biện pháp phòng bệnh như đã nêu trên thì việc sử dụng vaccine được xem như là một biện pháp hỗ trợ tích cực và chủ động trong việc phòng và hạn chế bệnh cúm gia cầm.

Đối với vaccine virus cúm, có 2 thành phần kháng nguyên chính có vai trò kích thích sản sinh kháng thể tạo miễn dịch chủ động là HA và NA. Trong đó kháng thể kháng HA có vai trò chủ đạo trong đáp ứng miễn dịch chống virus cúm gia cầm. Còn kháng thể kháng NA có ý nghĩa trong việc phát hiện giữa gia cầm được tiêm vaccine với những gia cầm nhiễm virus trên thực địa.

Những kết quả thu được từ việc phòng bệnh bằng vaccine là [9]: - Tạo đáp ứng miễn dịch chủ động cho gia cầm chống lại bệnh cúm.

- Giảm bài thải virus 1000 lần so với gia cầm không tiêm và ngừng hẳn sự bài thải virus sau 13 - 18 ngày tiêm phòng. Nhờ vậy làm giảm khả năng lây truyền bệnh.

- Giảm số ổ dịch phát ra cục bộ.

- Giảm thiểu việc loại thải những đàn gia cầm khỏe mạnh, giảm thiệt hại về kinh tế cho chăn nuôi gia cầm công nghiệp.

Bên cạnh những kết quả thu được thì việc sử dụng vaccine phòng cúm cho gia cầm hiện nay vẫn còn gặp một số hạn chế:

- Hiệu lực và độ dài miễn dịch chưa được nghiên cứu thật đầy đủ.

- Do thời gian nung bệnh của bệnh cúm gia cầm ngắn (1 - 3 ngày) nên việc sử dụng vaccine khó đạt hiệu quả khi dùng trong các ổ dịch.

- Việc sản xuất vaccine gặp khó khăn do virus cúm rất đa dạng về đặc tính kháng nguyên và giữa các chủng không có sự bảo hộ chéo. Qua thời gian có thể biến chủng và xuất hiện nhiều phân type mới. Vì vậy cần phải có ngân hàng vaccine đủ các chủng loại kháng nguyên H và N nhằm hạn chế tối đa hậu quả biến chủng virus cúm sau khi áp dụng tiêm phòng.

- Sau khi tiêm phòng khó phân biệt gia cầm được miễn dịch do cảm nhiễm tự nhiên và do tiêm phòng.

- Lực lượng thú y cơ sở còn thiếu, khi tiêm phòng phải huy động lực lượng khác nên việc tiêm phòng một số nơi chưa đảm bảo kỹ thuật.

Các loại vaccine đang được sử dụng hiện nay [9]. - Vaccine truyền thống

+ Vaccine vô hoạt đồng nhất hoàn toàn: Là vaccine được sản xuất từ chủng virus cúm gia cầm có cấu trúc kháng nguyên giống như chủng lưu hành trong ổ dịch. Vaccine này được dùng rộng rãi ở Mexico và Pakistan trong vùng có dịch lưu hành. Nhược điểm của vaccine này khi dùng là không phân biệt được gà bị nhiễm tự nhiên với gà được tiêm vaccine.

+ Vaccine vô hoạt không đồng nhất hoàn toàn (vaccine vô hoạt dị chủng): Vaccine này được sản xuất giống vaccine vô hoạt đồng nhất hoàn toàn. Tuy nhiên virus chứa trong vaccine này có kháng nguyên H giống với kháng nguyên H của virus trong ổ dịch, nhưng khác kháng nguyên N. Như vậy tác dụng ngăn ngừa bệnh được tạo ra do kháng nguyên H còn kháng thể chống lại kháng nguyên N dùng để phân biệt giữa nhiễm tự nhiên và do vaccine.

- Vaccine tái tổ hợp: Là vaccine với vector là virus đậu gia cầm chứa kháng nguyên H5. Vaccine này được phép và hiện đang được sử dụng tại Mexico trong chương trình tiêm chủng chống lại bệnh cúm gia cầm gây ra do virus có độc lực thấp H5N2.

Vì lý do an toàn, các nhà khoa học khuyến cáo trong những vùng có nguy cơ lây truyền rộng, chủng virus có độc lực trung gian hoặc trong những trường hợp cần thiết phải dùng vaccine thì vaccine vô hoạt là sự lựa chọn tốt nhất. Chất lượng của vaccine vô hoạt phụ thuộc vào hàm lượng kháng nguyên và sự tương đồng kháng nguyên giữa virus cúm chứa trong vaccine và virus gây bệnh trong ổ dịch. Người ta cũng chứng minh được việc tăng hàm lượng kháng nguyên H có thể nâng cao được hiệu quả của các chỉ số phòng bệnh như giảm tỷ lệ bệnh, giảm tỷ lệ chết và giảm bài xuất virus cường độc.

Các loại vaccine đang được sử dụng tại Việt Nam [23].

- Vaccine vô hoạt nhũ dầu H5N2 (Trung Quốc) tiêm cho gà: Là loại vaccine dị chủng bất hoạt, sử dụng chủng virus A/Turkey/England/N-28/73 (H5N2).

- Vaccine vô hoạt nhũ dầu H5N1 (Trung Quốc) tiêm cho vịt: Là loại vaccine đồng chủng bất hoạt, sử dụng chủng virus A/Harbin/Re-1/2003 (H5N1).

- Vaccine Nobilis Influenza H5 (Hà Lan) tiêm cho gà: Đây là loại vaccine dị chủng: sử dụng chủng virus A/Chicken/Mexico/232/94/CPA (H5N2).

Một phần của tài liệu Đề tài: Đánh giá khả năng đáp ứng miễn dịch của đàn gia cầm sau khi tiêm phòng vaccine cúm AH5N1 tại tỉnh Nghệ An potx (Trang 31 - 33)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(67 trang)
w