Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết luận đề của khái hưng (Trang 67 - 70)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2. Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật

Nhân vật là yếu tố cơ bản nhất trong tác phẩm văn học, là phương tiện để nhà văn khái quát hiện thực. B. Brecht đã nhận xét: “Các nhân vật của tác phẩm nghệ

thuật không phải đơn giản là những bản dập của những con người sống, mà là hình tượng được khắc họa phù hợp với ý đồ tư tưởng của tác giả” [1, tr. 213].

Chức năng của nhân vật là: “Khái quát những quy luật cuộc sống con người, thể hiện những hiểu biết, những ao ước và kì vọng về con người. Nhà văn sáng tạo nhân vật là để thể hiện những cá nhân xã hội nhất định và quan niệm về các cá nhân đó. Nói cách khác, nhân vật là phương tiện khái quát tính cách, số phận con người và các quan niệm về chúng” [8, tr. 279]. Nhân vật là sản phẩm của vốn sống trực tiếp và những tìm kiếm, khát khao của nhà văn. Qua nhân vật nhà văn thể hiện được quan niệm nghệ thuật và lý tưởng thẩm mĩ về con người. Vì thế nhân vật luôn gắn với tư tưởng chủ đề của tác phẩm.

Trong tiểu thuyết, nhân vật đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với việc thể hiện tư tưởng thẩm mỹ của nhà văn. Nhân vật là người dẫn dắt độc giả đi vào những thế giới khác nhau của đời sống. Từ lâu vấn đề nhân vật trong tiểu thuyết đã được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Trong cuốn Dẫn luận thi pháp

học, Giáo sư Trần Đình Sử cho rằng: “Nhân vật văn học biểu hiện cách hiểu của nhà văn về con người theo một quan điểm nhất định và qua các đặc điểm mà anh ta lựa chọn. Nhân vật văn học chính là mô hình về con người của tác giả” [42, tr. 48].

Nhưng cũng như các yếu tố khác, cách xây dựng nhân vật của các nhà văn trong tiểu thuyết thường rất uyển chuyển, mềm mại. Mỗi nhà văn, nhất là các nhà văn lớn, thường có nhiều phương pháp xây dựng nhân vật mang những cách cảm nhận và phương thức miêu tả riêng.

Suốt chặng đường sáng tác của Khái Hưng, chúng ta thấy nhà văn khá rành tầng lớp trung lưu trong xã hội. Đọc tiểu thuyết của ông, chúng ta khó có thể quên Ngọc, chú tiểu Lan trong Hồn bướm mơ tiên, bà Án, Hàn Thanh trong

Nửa chừng xuân, An, Bảo, huyện Viết trong Gia đình, huyện Bỉnh, sư Giáp, bà

Ba trong Thừa tự...Ông biết sử dụng nhân vật đi từ tác dụng rung động đến tác dụng xúc động, hình thái ấy cứ trở đi trở lại như sự chờn vờn của ánh sáng đối với bóng tối nên người đọc có thể đọc liền một mạch rồi lúc nào đó lại lần dở từng trang. Nhờ vậy tác phẩm trở thành “ruột gan” của người đọc và những cái

không định thuộc nó cũng bám vào trí nhớ. Để thấy rõ điều này, ta hãy đọc một đoạn trích trong tác phẩm Nửa chừng xuân:

“Ngồi một mình trong phòng khách, tìm sẵn hết các ý tưởng để chốc nữa đối phó với Mai, bà nghĩ thầm: “Ta lên đây là để bắt thằng cháu về…Trời ơi! thằng bé mới kháu khỉnh làm sao!...Nhưng muốn bắt được cháu về thì chỉ có hai cách…phải khôn khéo lắm mới được”. (…).

Mai chưa kịp trả lời thì bà Án nói luôn:

- Hôm nay tôi thân hành lên đây là vì bổn phận cũng có, nhưng điều thứ nhất là vì…là vì…thôi có mình mợ với tôi ở đây, can gì phải úp mở…Tôi lên đây là vì sự hối hận bắt buộc phải xin lỗi mợ.

Mai vội vàng đáp:

- Ấy chết! Cụ dạy quá lời, con đâu dám.

- Không, mợ cứ để tôi nói dứt câu đã. Phải, kể ra tôi già nua tuổi tác thế này mà hạ mình, xin lỗi mợ thì cũng có hơi quá thật. Song thiết tưởng, bất cứ bề trên đối với kẻ dưới, hay bề dưới đối với bề trên, ai ai cũng nhận biết lỗi mình. Tôi, thì tôi biết lỗi ngay, tôi hối hận ngay hôm sau…khi cô… khi mợ…bỏ nhà ra đi” [53, tr. 355 + 356 + 357]. Văn Khái Hưng đại loại như vậy nên người đọc dễ chấp nhận, đón đọc say sưa, mỗi tác phẩm phải tái bản nhiều lần. Ghi nhận đóng góp của ông trong việc góp phần xây dựng nền tiểu thuyết Việt Nam hiện đại, nhà văn Vu Gia viết: “Nhân vật trong tiểu thuyết của ông không có gì là siêu nhân, là lý tưởng mà là những người chúng ta có thể gặp thường ngày, hay đã gặp ở đâu đó, gần với chúng ta, ở cạnh chúng ta, nhưng laị chịu đi tới tận cùng cuộc sống của chính mình” [10, tr.109 ]. Nhìn chung, Khái Hưng đã hòa nhập vào nhân vật, nhưng biết che dấu bàn tay của mình và không mượn cửa miệng nhân vật làm cái loa cho tác giả. Ông đặt nhân vật vào những hoàn cảnh buộc phải phát huy hết khả năng, bản sắc cá tính của mình.

Khái Hưng khá thành công trong nghệ thuật xây dựng nhân vật. Cách xây dựng nhân vật của ông có những sáng tạo, mới mẻ, độc đáo, thể hiện một lối tư duy mới khác biệt rõ rệt với nhân vật trong văn học trung đại. Nhà văn không còn miêu tả nhân vật bằng những nét ước lệ tượng trưng, bằng điển cố, điển

tích, khuôn mẫu, không chỉ chấm phá để cốt làm nổi rõ thần thái nhân vật. Các nhân vật trong tiểu thuyết của Khái Hưng cũng không còn chia thành hai tuyến rõ rệt: chính diện, phản diện. Những nhân vật chính diện thường có tài, sắc. Trai thì phong lưu anh tuấn hơn người, giỏi cầm, kì, thi họa, học vấn trác tuyệt, nếu phải ra trận thì bách chiến bách thắng, sức dư muôn người…Gái thì khiến cho “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Những nhân vật phản diện thường gian ác, háo sắc, nham hiểm hại người, thông đồng với giặc, mưu lợi cầu vinh. Trái lại đó là những nhân vật được xây dựng theo một kiểu tư duy nghệ thuật mới, thể hiện một cách cảm nhận và một lối diễn đạt mới. Ở phương diện này, các nhà nghiên cứu đã khẳng định vai trò mở đường và cách tân trong nghệ thuật tiểu thuyết của Khái Hưng và Tự lực văn đoàn. Tiêu biểu như ý kiến của Phạm Thế Ngũ: “Đến đây (tiểu thuyết Tự lực văn đoàn) tiểu thuyết ta mới đạt tới những tính cách phân biệt một tiểu thuyết tân thức. Các nhà văn trong

Tự lực văn đoàn đã thành công trong kỹ thuật xây dựng nhân vật và có ý thức

xem nhân vật là trung tâm của tác phẩm” [30, 447]. Đúng như vậy, từ những tiểu thuyết đầu tay Khái Hưng đã viết theo lối mới. Tác giả đã không mượn chuyện, mượn người, mượn cảnh từ văn học Trung Hoa, đã chối bỏ lối tư duy khuôn sáo ước lệ. Tiểu thuyết của ông đã đặt trọng tâm vào nhân vật chứ không phải cốt truyện. Nhân vật của Khái Hưng được miêu tả trong mối liên hệ tiếp xúc tối đa với đời sống hiện thực. Hình tượng nghệ thuật được diễn tả trong đời thường, trong cuộc sống gia đình nhưng vẫn giàu ý nghĩa xã hội. Nhà văn Vu Gia cho rằng: “Nhân vật trong tiểu thuyết của Khái Hưng rất người. Họ đứng sừng sững giữa cuộc đời bình thường, ngay thẳng và mãnh liệt theo đuổi sự sống. Họ chấp nhận khổ đau, thậm chí cả cái chết để tìm ra hạnh phúc tối thiểu mà đã là con người thì phải có” [10, tr. 107 ]. Nhà văn đã khai thác nhiều cảnh ngộ, nhiều chi tiết chân thực, khiến cho nhân vật được miêu tả khá sinh động, có hồn, tạo được dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết luận đề của khái hưng (Trang 67 - 70)