Các phương thức, biện pháp miêu tả nhân vật

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết luận đề của khái hưng (Trang 78 - 84)

7. Cấu trúc của luận văn

3.2.2. Các phương thức, biện pháp miêu tả nhân vật

Các nhà nghiên cứu, phê bình ở cả hai miền Nam - Bắc đều đã chú ý đến nghệ thuật miêu tả nhân vật trong tiểu thuyết của Khái Hưng.

Nhiều ý kiến ghi nhận, miêu tả nhân vật là thành công lớn, là bước tiến vượt bậc của nghệ thuật tiểu thuyết Khái Hưng. Tuy vẫn còn một số hạn chế như: nội tâm nhân vật chưa thật có góc cạnh, có cá tính rõ nét, đôi khi theo tưởng tượng hơn là quan sát. Song tác giả cũng đã góp phần mở đường và khẳng định một bước tiến lớn của văn học đương thời. Theo thời gian, nghệ thuật miêu tả nhân vật trong tiểu thuyết của Khái Hưng cũng có những vận động, biến đổi khá rõ.

Miêu tả tâm lý nhân vật

Thành công nổi bật của Khái Hưng trong nghệ thuật tiểu thuyết, trong xây dựng nhân vật là miêu tả tâm lý. Độc giả và giới nghiên cứu, phê bình nhiều thế hệ đã mến mộ và khen ngợi ông. Nhà nghiên cứu Trần Thanh Mại đánh giá cao

Hồn bướm mơ tiên ở một số phương diện, nhất là “cách phô diễn tâm lý của

những vai chủ động” [23, tr. 701]. Trong cuốn Nhà văn hiện đại nhà phê bình

Vũ Ngọc Phan cũng không tiếc lời ngợi ca: “Hiện nay, nhà văn mà được nam nữ thanh niên yêu chuộng, được họ coi là người hiểu biết tâm hồn họ hơn cả, có lẽ chỉ có Khái Hưng. Khái Hưng là nhà văn rất hiểu tâm lý phụ nữ. Ông hiểu rõ đàn bà Việt Nam trong cả phái già lẫn phái trẻ” [6, tr. 29]. Các nhà nhiên cứu, phê bình Nguyễn Văn Xung, Thanh Lãng, Phạm Thế Ngũ, Trương Chính, Bạch Năng Thi, Phan Cự Đệ, Hà Minh Đức, Nguyễn Hoành Khung…cũng đều chú ý nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của Khái Hưng.

Miêu tả thế giới nội tâm là bước tiến vượt bậc của thi pháp tiểu thuyết Khái Hưng. Qua từng thời điểm khác nhau, nghệ thuật miêu tả tâm lý nhân vật của Khái Hưng cũng có những vân động, biến đổi khá rõ.

Khái Hưng bộc lộ khả năng miêu tả tâm lý nhân vật ngay từ ở tiểu thuyết đầu tay. Nhà nghiên cứu Trương Chính đã nhận xét: “Ông Khái Hưng dùng một cách phô diễn tâm lý khác hẳn, giản dị hơn, nhưng tinh tế hơn. Hiểu rằng một cử chỉ, một dáng điệu, một sắc mặt có thể biểu lộ một trạng thái của tâm

hồn, nên tác giả Hồn bướm mơ tiên chỉ tả cái dáng điệu ấy, vẽ cái cử chỉ ấy. Vài nhận xét có ý tứ cũng đủ làm hoạt động những nhân vật trong truyện. Đó chính là một đặc điểm phải nhớ” [47, tr. 61].

Giáo sư Hà Minh Đức cũng cho rằng: “Ở tác phẩm đầu tay này (Hồn

bướm mơ tiên) đã bộc lộ khả năng miêu tả tâm lý của Khái Hưng, đặc biệt đối

với nhân vật nữ. Cùng với Lan, các nhân vật nữ của Khái Hưng ở nhiều cuốn tiểu thuyết sau đều nổi lên trong các câu chuyện. Ông hiểu tâm lý nhân vật, biết diễn tả tình cảm nhân vật khá tinh tế và không can thiệp vào cuộc đời nhân vật bằng quá nhiều lời bình luận dài dòng” [47, tr. 66].

Tuy nhiên trong các tiểu thuyết Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, tâm lý nhân vật vẫn đều chủ yếu được miêu tả theo quan niệm cổ điển, truyền thống. Tính cách tâm lý nhân vật như là những gì đã được định hình sẵn. Mặc dù là một thế giới bên trong thầm kín nhưng đời sống nội tâm con người vẫn có thể hiểu được. Đó là cái rõ ràng, hợp lý, có mở đầu, có kết thúc. Qua tác phẩm của mình, Khái Hưng tỏ ra tin tưởng tâm lý con người hoàn toàn có thể hiểu được tường tận, rõ ràng. Trong Nửa chừng xuân ông viết: “Người đàn bà, nhất là người yêu bao giờ cũng là một nhà tâm lý học trông rõ lòng người, như là trông vào trang giấy có chữ” [47, tr. 201]. Nhà văn quan niệm: nhân vật sống, hoạt động, là nhân vật được xây dựng từ “những chuyện giản dị”, những sự xảy ra hàng ngày”, từ “nhận xét thực mà tả ra” không cần “những tình tiết ngoắt ngoéo, tối tăm, nhiều khi rất trẻ con” [15, tr. 5]. Theo ông, muốn tả một cơn giận thì không những phải tả đúng “hiện trạng của cơn giận dữ”, mà còn “phải hỏi lòng ta, ta phải hỏi kí ức ta xem khi ta tức giận thì ý nghĩ và tính tình ta ra sao, thì cảm giác ta ra sao, hơn thế, ta phải sống lại một cơn giận” [15, tr. 6]. Bởi quan niệm như vậy cho nên Khái Hưng coi trọng việc tìm hiểu, quan sát, trải nghiệm. Nhà văn miêu tả nhân vật qua sự thấu hiểu của mình về những sự việc xảy ra và những suy nghĩ, cử chỉ, động tác, lời đối thoại ở mỗi thời điểm, hoàn cảnh khác nhau. Khi viết lời tựa cho cuốn Hồn bướm mơ tiên, Nhất Linh

đã nhận xét: “Tác giả không bàn luận lôi thôi. Ông khéo đem một vài nhận xét tinh vi, một vài việc xảy ra thích đáng để phô diễn tâm lý những nhân vật trong

truyện” [47, tr. 8]. Nhà nghiên cứu Trương Chính cũng viết: “Ông chú ý đến những ý nghĩ, cử chỉ, và sự biến đổi bên trong của nhân vật hơn là hình thức bề ngoài. Ông phân biệt rõ được các động cơ khác nhau, có khi mâu thuẫn nhau của một hành động, và làm cho ta thấy rõ được sự mâu thuẫn đó. Ông là một nhà văn quan sát kĩ và có một hiểu biết sâu sắc về tâm lý con người” [29, tr. 43 + 44].

Trong Nửa chừng xuân nhà văn cho người đọc thấy những vui buồn của nhân vật Mai trước ngoại cảnh. Có lúc “Mai ngước mắt nhìn lên, búp xuân non mơn mởn đầu cành. Cái cảm tưởng về xuân dịu dàng êm ái, khiến Mai hé cặp môi tươi thắm, mỉm cười với xuân, trong lòng chứa chan hy vọng” [47, tr. 84]. Có khi nhìn con thuyền trôi “Mai thở dài lo sợ vẩn vơ cho số phận chiếc thuyền con lại chạnh nghĩ vơ vẩn đến thân phận mình” [47, tr. 91]. Khái Hưng còn miêu tả diễn biến tâm lí phức tạp, tinh tế trong lòng người phụ nữ trẻ, lỡ dở tình duyên ở độ tuổi nửa chừng xuân qua những cử chỉ, giọng nói, nụ cười: “Tay Mai cầm bức thư run lẩy bẩy. Mặt Mai dần đỏ, rồi tái đi. Rồi cất giọng khàn khàn, ướt những nước mắt (…) Mai gượng cười cúi xuống bế con lên hôn rất nồng nàn. Nàng có ngờ đâu rằng tình xưa còn ấm trong tình mẫu tử và cái hôn kia chỉ là hôn tiếc rẻ một quãng đời đã mất” [47, tr. 188 + 189].

Đến tiểu thuyết Trống mái tính cách, tâm lý nhân vật đã được Khái Hưng miêu tả phần nào theo khuynh hướng hiện đại. Nó như một quá trình diễn tiến, biến đổi khó lường trước. Tâm lý, tính cách nhân vật Vọi có sự đổi thay đột ngột, bất thường. Nhà văn không chỉ miêu tả trên bình diện ý thức mà còn len lách vào tầng sâu của thế giới tiềm thức, vô thức. Giáo sư Thanh Lãng nhận xét: “Vọi cái thời chưa gặp Hiền chỉ là một Vọi giả, che đậy, dồn ép, đang ngủ, giấu kín; Hiền đã đánh thức dậy cái Vọi đang ngủ và ghi nhận, qua cái mộc mạc khô khan ấy, một cuộc bão tố đang nổi dậy” [23, tr. 740].

Tâm trạng của anh chàng đánh cá Vọi đã được nhà tiểu thuyết hiện đại Khái Hưng miêu tả khác rất xa anh chàng Trương Chi trong truyện cổ. Tác giả như biết hết tâm tư nhân vật và thuật kể lại. Nội tâm nhân vật không chỉ được miêu tả trên một mặt phẳng mà còn được miêu tả cụ thể, sinh động với những

trạng thái ghen tuông, hụt hẫng, ám ảnh, bâng khuâng và những suy tư, liên tưởng. Thành phố biển cuối mùa nghỉ mát, không còn bóng dáng cô Hiền, anh chàng đánh cá cảm thấy rất buồn. Năm nào cũng vậy, cứ sang đầu tháng chín là bãi biển vắng ngắt “nhưng năm nay Vọi mới nhận thấy cái cảnh tiều tụy của thành phố không người” [14, tr.168]. Tuy vẫn đi biển cùng với bạn, nhưng Vọi đã bị cô Hiền hút hết hồn. “Cái lòng yêu nghề, cái vui sướng tung lưới ở ngoài biển rộng, cái ham thích mạo hiểm phiêu dạt lang thang mấy ngày trời trên làn sóng dữ ở Vọi không còn nữa. Từ vui vẻ nhanh nhẹn, chàng trở nên buồn tẻ nặng nề. Trước kia chàng hay nói bông đùa với bạn nghề bao nhiêu, thì nay chàng lẩn thẩn ít lời bấy nhiêu. Ai cũng nhận thấy rằng chàng đổi hẳn tính nết” [14, tr. 168 + 169]. Một buổi chiều, Vọi thoái thác đau bụng, để hai em con nhà cậu lên mảng đi thả lưới. Khi mảng đã ra xa, chàng lững thững đi từ đầu nọ đến đầu kia bãi Sầm Sơn. Rồi “trong cái cảnh rực rỡ ánh sáng, Vọi ủ dũ như bông hoa tàn héo rũ bên hàng dậu” [14, tr.169]. Một mảnh vỏ quả dừa khô trong hang đá cũng gợi lên trong tâm trí anh chàng đánh cá bao nhiêu kỉ niệm, hồi ức, liên tưởng êm đềm về một đoạn đời xưa. Hương vị nước dừa ngọt, dịu êm, thơm mát như còn phảng phất đâu đây. “Vọi ngắm nghía mảnh vỏ dừa khô, trong lòng ngao ngán. Trời đã nhá nhem tối, chàng vẫn ngồi trên tảng đá như một pho tượng. Bỗng chẳng biết nghĩ gì Vọi bưng mặt khóc rưng rức” [14, tr. 175]. Một chiếc lá rơi vào trong lòng, cũng gợi lên bao nhiêu liên tưởng, xốn xang trong tâm thức Vọi. Anh “cầm mân mê trong tay, tò mò ngắm nghía … Màu chiếc lá rụng đỏ như màu vỏ xò vừa nhắc chàng nhớ tới bộ áo tắm Hiền thường mặc. Tất cả cái thời kì tắm biển lại hiện ra rõ rệt, hiện ra với những cô thiếu nữ trắng trẻo, xinh tươi mà trong số đó, cô Hiền trắng trẻo, xinh tươi nhất” [14, tr.181]. Đến khi nghe tin cô Hiền lấy chồng, Vọi suy sụp hẳn. “Mặt Vọi tái đi, thân thể Vọi run lẩy bẩy. Vọi chậm chạp, lảo đảo, đi theo Phụng. Chàng cũng chẳng biết đi đâu. Tiếng Phụng chàng nghe như trong giấc chiêm bao” [14, tr. 187].

Khái Hưng quả là đã biết khám phá nội tâm nhân vật, đưa ngòi bút vào phanh phui mổ xẻ những khía cạnh tinh vi, sâu kín của đời sống tinh thần con

người. Ông đã biểu hiện được một cách sinh động, rõ ràng, gợi cảm những tâm hồn lắt léo, phức tạp.

Miêu tả nhân vật phụ

Trong các tiểu thuyết luận đề, Khái Hưng còn hay lựa chọn miêu tả những nhân vật phụ, những nhân vật có khi tương đồng, có khi đối lập nhau để mở rộng phạm vi lý giải, đánh giá và phản ánh cuộc sống. Đồng thời để chủ đề tác phẩm hay tính cách nhân vật chính được thể hiện sâu sắc tự nhiên hơn.

Ở tiểu thuyết Nửa chừng xuân, ngoài miêu tả tình yêu nồng nàn, lý tưởng của Mai và Lộc, Khái Hưng còn miêu tả tình yêu của Minh và Bạch Hải. Mỗi người có một kiểu yêu riêng: Minh thì cao thượng, không cố chấp. Bạch Hải vừa tài tử, vừa ga lăng. Nhưng rút cuộc, cả hai đều không chinh phục được Mai vì cô tôn thờ tình yêu lí tưởng. Cô nghĩ mình đã yêu Lộc thì suốt đời sẽ không yêu ai được nữa.

Đến các tiểu thuyết Gia đình, Thoát ly, Thừa tự, số lượng nhân vật phụ có sự gia tăng rõ rệt. Nhà văn dã dùng các nhân vật phụ để chắp nối những mảnh vụn của cảnh trạng, động tác hay diễn biến tâm lý rải rác. Qua đó nhằm khêu gợi một cách kín đáo và tự nhiên sự chú ý của người đọc. Nhà nghiên cứu Đào Trường Phước cho rằng: “Đó là những nét chấm phá có thể nói là tinh xảo trên một bức họa linh động (…). Trong các tác phẩm này, những sự việc dàn trải từng mẩu sinh hoạt của mỗi nhân vật, khiến người đọc có cảm tưởng được đối diện một sân khấu trên đó các động tác, ngôn ngữ,…liên tiếp diễn đạt một dòng sống miên man và linh hoạt” [40, tr. 96].

Trong Gia đình, nhà văn miêu tả các cặp vợ chồng: bố mẹ Nga, bố mẹ

Viết, bố mẹ Hạc và các gia đình An - Nga, Viết - Phụng, Hạc - Bảo… để nhấn mạnh tính chất quyết liệt của cuộc đấu tranh mới - cũ, và sự tan rã, lỗi thời của mô hình gia đình cũ dựa trên nền tảng của tư tưởng Nho gia.

Trong Thoát ly, Khái Hưng cũng cho thấy thái độ đánh giá, cảm nhận

khác nhau đối với Âu hóa và “đời sống mới”. Trong ngày hội sinh viên, kẻ thì reo cười ầm ĩ, người lại vươn cổ thét gào. Có người cho là “hơn kém nhau chỉ ở chỗ trẻ trung và biết vui đùa”, có người lại cho là “thô bỉ quá”, “lõa lồ đĩ thõa

quá”, người Bắc kì tiến, tiến đến chỗ suy đồi” mau chóng quá. Sự cay nghiệt của dì ghẻ đối với con chồng cũng bị lên án bằng những thái độ khác nhau: có cách phản ứng cực đoan của Lương và Yến, có cách đấu tranh tiêu cực, đầu hàng dẫn đến cái chết thương tâm của Hồng, có cách chống đối quyết liệt của Hảo và bà Thông.

Ở tiểu thuyết Thừa tự, nhân vật bà mối (bà hai) vừa đem đến cho tác phẩm một sự linh động, vừa góp phần bộc lộ tính cách keo kiệt, bủn xỉn nhưng biết cách sử dụng đồng tiền của bà Ba.

Từ Nửa chừng xuân đến Gia đình, Thoát ly, Thừa tự, cách miêu tả nhân

vật phụ của Khái Hưng đã có những vận động, biến đổi khá nhiều. Nhà phê bình Trương Chính đã nhận thức rõ điều này. Ông viết: “Theo ý nhiều người thì Gia đình chưa được hoàn hảo chỉ vì ông Khái Hưng hơi đãng trí: ông không phân biệt được vai chính và vai phụ. Trước mắt quan sát của ông, ai cũng đồng một giá trị, nghĩa là ai cũng cần được ta chăm sóc và dò xét tới. An, Hạc, Viết, ông đều tả một cách tỉ mỉ và tận tâm như nhau. Những nhân vật khác, ông điều Vạn, cụ án Bùi, cho chí cô huyện Linh, bà Phán San, ông cũng giới thiệu đầy đủ và phân minh. Như vậy việc chính mất hẳn độ lực mà toàn cuốn truyện mất hẳn quân bình. Một điều đáng phàn nàn” [47, tr. 657]. Nhưng theo Trương Chính “đó không phải là “một điều đáng phàn nàn”, mà ông Khái Hưng cũng không “đãng trí” như họ lầm tưởng. Vì vai chính trong một cuốn truyện không phải chỉ là một nhân vật nhất định. Có thể là nhiều nhân vật (…). Có thể là một tư tưởng hay một luận đề. Vai chính trong “Gia đình” là chế độ đại gia đình. Bởi thế ông Khái Hưng đã cố tìm tất cả những cái đáng ghét, tất cả những cái đáng khinh, bất cứ trong một gia đình nào. Bởi thế ông đã kể lại một cách mạch lạc những chuyện vặt vãnh, lôi thôi…” [47, tr. 657].

Với Khái Hưng, như đã nhắc tới ở trên, nhân vật tiểu thuyết là những con người đời thường, có lúc người ta tốt, có lúc người ta xấu. Nhà văn hiểu thế nào là nhân vật tiểu thuyết và biết từ chối vị trí cố định của mình mà nhập thân vào nhân vật. Ông biết làm cho người đọc say mê, yêu thích, giận hờn với những nhân vật mà mình tạo dựng trong tác phẩm. Thậm chí, có lúc nào đó, người đọc

cũng thấy nhân vật trong tiểu thuyết có chút gì giống bản thân mình, giống người mà mình đã gặp, đã quen. Nghĩ cho cùng sức hấp dẫn của tác phẩm là ở chỗ nhà văn đã làm cho người đọc cảm thấy lo sợ, hồi hộp cùng với người trong cuộc.

Như vậy tiểu thuyết luận đề của Khái Hưng đã thể hiện sự cách tân đáng kể trong nghệ thuật xây dựng cốt truyện và nhân vật. Nhà văn xây dựng cốt truyện theo lối mới, vừa giản dị, gần gũi, vừa đa tuyến, mở, không có hậu, vừa chú trọng tâm lí, vừa có sự dung hợp Á, Âu…Khái Hưng đã đặt trọng tâm sáng tạo vào xây dựng nhân vật, đi sâu miêu tả đời sống nội tâm với những khám phá, phát hiện sâu sắc, mới mẻ.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tiểu thuyết luận đề của khái hưng (Trang 78 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(104 trang)