Yếu tố tâm linh trong văn học trung đại

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tâm linh trong truyện ngắn nguyễn minh châu sau 1975 (Trang 33 - 36)

7. Cấu trúc của luận văn

1.3.2. Yếu tố tâm linh trong văn học trung đại

Văn học phản ánh hiện thực thì tất nhiên phản ánh yếu tố tâm linh vào các tác phẩm. Tuy nhiên vị trí của yếu tố tâm linh trong văn học có tính chất lịch sử của nó. Vào thời trung đại, yếu tố tâm linh chiếm địa vị chủ đạo. Các yếu tố tâm linh trong văn học trung đại bao gồm: quan niệm về Trời, Phật, Thần, Tiên; Quan niệm về âm dương ngũ hành; linh hồn - thể xác; tài - mệnh và các vong hồn, linh hồn, ma, quỷ, điềm báo…

Có thể tìm thấy sự xuất hiện rất sớm của yếu tố tâm linh trong những tác phẩm đầu tiên của văn học viết như: Quốc tộ (Đỗ Pháp Thuận), Nam quốc sơn (Lí Thường Kiệt). Bên cạnh cảm hứng chủ đạo là tinh thần yêu nước, các tác phẩm còn vận dụng yếu tố tâm linh để tăng thêm niềm tin của nhân dân và góp phần khẳng định quyền độc lập chính đáng của dân tộc. Bài thơ Nam quốc sơn

của Lý Thường Kiệt là một minh chứng. Vận dụng thuyết thiên mệnh - một học thuyết thể hiện niềm tin tuyệt đối của người cổ đại vào quyền lực của tự nhiên, thứ vô cùng khó lý giải nhưng luôn tác động rất lớn đến đời sống của con người, Lý Thường Kiệt đã khéo léo tác động đến nhận thức của quân xâm lược khiến chúng phải lo sợ mà tự phản tỉnh về hành vi xâm lược của mình.

Ngoài Nam quốc sơn hà của Lý Thường Kiệt, những tác phẩm văn học giai đoạn từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ thứ XV như: Thiên đô chiếu (Lí Công Uẩn),

Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn) Tụng giá hoàn kinh sư (Trần Quang Khải),

Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão), Bạch Đằng giang phú (Trương Hán Siêu) cũng là những tác phẩm vừa thể hiện tài năng văn chương, trí tưởng tượng phong phú vừa cho thấy khả năng dự báo mang đầy tính tâm linh về sự phát triển bền vững lâu dài của đất nước.

Bước sang giai đoạn từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVII, do lịch sử Việt Nam có những lúc bước vào thời kì đen tối nhất, nên các nhà văn cần đến tưởng tượng để thăng hoa và lạc quan hơn trong cuộc sống. Và để thoát ra khỏi hiện thực cuộc sống chật trội tù túng đó, họ đã thoát ly vào thế giới kỳ ảo, địa hạt của tâm linh. Một số tác phẩm viết bằng chữ Hán và chữ Nôm như: Bình Ngô đại cáo, Quân trung từ mệnh tập (Nguyễn Trãi), thơ Lê Thánh Tông, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm, Truyền kì mạn lục (Nguyễn Dữ) đã vận dụng và khai thác yếu tố tâm linh như một phương tiện để thể hiện khát vọng tự do. Đặc biệt với Truyền kỳ mạn lục yếu tố tâm linh đã giúp Nguyễn Dữ mở rộng ranh giới của không gian, thời gian sang một cảnh giới khác để phần nào thể hiện nguyện vọng của con người về vật chất và tinh thần mà thực tại nhỏ hẹp không thực hiện được.

Giai đoạn từ đầu thế kỷ XVIII đến hết nửa đầu thế kỷ XIX, mặc dù chế độ phong kiến Việt Nam ngày càng khủng hoảng trầm trọng dẫn đến cuộc sống của người dân vô cùng khổ cực… nhưng đây được xem là giai đoạn phát triển tột bậc, rực rỡ nhất của văn học phong kiến Việt Nam. Văn học là tiếng nói đòi quyền sống, quyền hạnh phúc, đấu tranh đòi giải phóng con người cá nhân. Các tác phẩm tiêu biểu: Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn; Đoàn Thị Điểm dịch),

Cung oán ngâm khúc (Nguyễn Gia Thiều), Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái), Vũ trung tùy bút (Phạm Đình Hổ), Thượng kinh kí sự (Lê Hữu Trác), thơ Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan, Truyện Kiều (Nguyễn Du) tuy đều thể hiện cảm hứng xuyên suốt là nhân đạo, nhưng không thể phủ nhận được không khí thời đại đã tác động mạnh mẽ tới đời sống tâm linh của các tác giả. Chẳng hạn xem xét toàn bộ tác phẩm Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều sẽ thấy cảm quan Phật giáo bộc lộ trước hết ở tần số xuất hiện đậm đặc các từ ngữ, thuật ngữ phản ánh quan niệm đời sống nhà Phật như nước dương, lửa duyên, bể khổ, bến mê, bào ảnh, mối thất tình, tuồng ảo hoá, kiếp phù sinh, cơ thiền, cửa Phật, hoa đàm đuốc tuệ, túc trái, tiền nhân hậu quả... Hay đọc Văn tế thập loại chúng sinh (còn gọi là Văn chiêu hồn) và Truyện Kiều của Nguyễn Du, chúng ta sẽ thấy màu sắc Phật giáo thẫm đẫm qua từng trang viết. Mặc dù trong các tác phẩm, nhà thơ không hẳn nói về thế giới bên kia, nhưng tư tưởng của ông đã vượt khỏi xứ người lan tới cõi Phật, rồi lại từ cõi Phật lan khắp cõi trần ai, thấm thật sâu vào buồng tim nhân ái của vạn triệu con người.

Ở chặng cuối của văn học trung đại, đất nước rơi vào tay thực dân Pháp. Từ chế độ phong kiến, Việt Nam chuyển sang chế độ thực dân nửa phong kiến và văn hóa phương Tây bắt đầu ảnh hưởng đến xã hội Việt Nam. Lúc này văn học trở lại với cảm hứng xuyên suốt là cảm hứng yêu nước nhưng không mang âm hưởng hào hùng như giai đoạn đầu mà trầm hùng, bi tráng bởi nó ghi lại một thời khổ nhục nhưng vĩ đại, thất bại nhưng vẫn hiên ngang của dân tộc Việt Nam. Các tác phẩm thơ tiêu biểu như: Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Chạy giặc... của Nguyễn Đình Chiểu; Thơ Nguyễn Khuyến, Tú Xương, Nguyễn Quang Bích, Phan Văn Trị, Nguyễn Xuân Ôn, Nguyễn Thượng Hiền... và một số tác phẩm văn xuôi viết bằng chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Kí, Huỳnh Tịnh Của đã đem đến những đổi mới bước đầu theo hướng hiện đại hóa. Yếu tố tâm linh vì những đổi thay mang xu hướng hiện đại tưởng sẽ mờ nhạt dần trong văn học, bỗng trở nên đậm đặc trong hầu hết sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu. Từ truyện thơ (Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, Ngư tiều y thuật vấn đáp), đến văn tế (Văn tế

nghĩa sĩ trận vong lục tỉnh, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, Văn tế Trương Định), hay hầu hết các bài thơ Đường luật đều ít nhiều mang màu sắc tôn giáo (Nho, Phật, Đạo), tín ngưỡng (thờ cúng tổ tiên, thần linh) và cảm quan về âm dương, duyên kiếp, số mệnh, bói toán, phù phép, chiêm bao…

Có thể khẳng định rằng trong văn học trung đại Việt Nam, từ lực lượng sáng tác là vua chúa, quan lại, tăng ni đến lớp sáng tác bình dân đều quan tâm sử dụng yếu tố tâm linh. Văn học chữ Hán như Đại Việt sử kí toàn thư, Đại Việt thông sử, Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh, Truyền kì mạn lục, Truyền kì tân phả, Thánh Tông di thảo, Hoàng Lê nhất thống chí … đến văn học chữ Nôm như Truyện Kiều, Nhị Độ Mai, Phan Trần, Lục Vân Tiên, Thạch Sanh, Tống Trân Cúc Hoa…đều không bỏ qua yếu tố tâm linh trong tác phẩm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) yếu tố tâm linh trong truyện ngắn nguyễn minh châu sau 1975 (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)