Lễ hội dân gian về các anh hùng sáng tạo văn hóa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội dân gian ở kiến thụy, hải phòng (Trang 72 - 78)

7. Đóng góp của luận văn

3.1.2. Lễ hội dân gian về các anh hùng sáng tạo văn hóa

3.1.2.1. Lễ hội Minh Thề đền chùa làng Hòa Liễu

Về tên gọi củ a lễ hội

Nguyên bà Thái Hoàng - Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn cùng nhân dân đặt ra bài hịch “Minh thệ” 明誓 có nghĩa là “lời thề minh bạch”. “Minh thệ” biến âm

mà thành “Minh thề”.

Xét về nguồn gốc của lễ hội

Kiến Thụy xưa có một ngôi làng nhỏ nằm ở ven đầm cửa phủ, tên gọi làng Hòa Liễu, nay thuộc xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thụy. Ngược dòng lịch sử, làng vốn tên là “Lan Điểu” 栏鸟. Theo các bậc tiền bối truyền lại, “Lan Điểu” tức là khu đất hoang đầy lau, sậy, chỉ có chim trời trú ngụ. Thổ ngữ lại đọc chệch thành “Lan Niểu”. Vào thời Minh Mệnh (1837) nhà Nguyễn cắt đặt lại các đơn vị hành chính lớn nhỏ, làng mới được đổi tên là làng Hòa Liễu, thuộc tổng Văn Hòa, phủ Kiến Thụy, tỉnh Kiến An.

Cùng với quá trình hình thành vùng đất và con người, nhân dân làng Hòa Liễu xã Thuận Thiên đã xây dựng lên những công trình văn hóa cổ truyền đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo đạo Phật và tín ngưỡng tôn thờ Thành hoàng làng. Cụm công trình đó là đền và chùa Hòa Liễu ngày nay. Cả hai di tích cùng nằm trên một khuôn viên cách biệt ở phía tây nam làng xóm, trông ra dải đầm cửa phủ Dương Kinh xưa, vốn là cố hương của vua Mạc Đăng Dung.

Chùa có tên chữ Thiên Phúc tự 天福寺, trùng tên với ngôi chùa Trà Phương

nổi tiếng quê hương công chúa Triều Mạc. Đền và chùa xây liền kề song song tạo thành một tổng thể kiến trúc hoàn chỉnh. Bố cục thiết kế xây dựng công trình

tưởng chừng như bị phá cách theo lối nhìn truyền thống “Tiền Phật hậu Thánh” hay “ Tiền Thánh hậu Phật”.

Đền Hòa Liễu là nơi tôn thờ bà Thái Hoàng - Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, một nhân vật lịch sử thời Mạc, người có công với làng trong việc mở mang, xây dựng làng xã, làm việc thiện giúp dân, giúp đời. Theo thế phả họ Mạc, bà Thái Hoàng Thái Hậu họ Vũ là vợ vua Mạc Đăng Dung.

Đền và chùa Hòa Liễu là hai công trình kiến trúc cổ hiện còn bảo lưu, gìn giữ được nhiều di vật mang phong cách nghệ thuật của nhiều thời kỳ lịch sử. Đặc biệt là các di vật thời Mạc tạc bằng chất liệu đá gồm pho Tam thế, hai pho tượng Phật Quan thế âm và Đại thế chí, đôi tượng đá trước cửa chùa. Còn ở đền có các di vật mang phong cách nghệ thuật thời Mạc rất tiêu biểu như tấm bia đá Thiên Phúc tự dựng vào đời vua Mạc Phúc Nguyên, niên hiệu Quang Bảo năm 1561, tượng bà Thái Hoàng Thái Hậu Vũ Thị Ngọc Toàn, cột đá "thạch trụ", v.v.

Các di vật và bài văn bia đã cung cấp nguồn tư liệu quí giá về bối cảnh kinh tế xã hội thời Mạc hồi thế kỷ 16. Vào thời gian này, các ông hoàng bà chúa, các vị quận công chức sắc đã công đức khá nhiều tiền của vào việc dựng chùa, tạc tượng, đúc chuông, nhất là ở địa bàn huyện Kiến Thụy, quê hương của vương triều Mạc.

Theo bi kí, chùa Hoà Liễu là một ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ XIII. Đến giữa thế kỷ XVI, Thái hoàng Thái hậu Vũ Thị Ngọc Toản đã đến ấp Lan Niểu (thôn Hoà Liễu ngày nay) dựng lại ngôi chùa cổ bằng tiền quyên góp. Cũng chính từ ngôi chùa này, Thái hoàng Thái hậu đã cùng với dân làng lập ra một Hịch văn hội Minh thề. Bài hịch này quy định lấy chí công làm trọng - người nông dân không phân biệt giàu - nghèo đẳng cấp xã hội, kẻ sĩ phải giữ tiết tháo, khí phách không vì cơ hàn mà xâm phạm của công.

Từ đó, hằng năm, làng đều được tổ chức lễ minh thệ trong không khí tôn nghiêm và trước sự chứng kiến của các chức dịch hàng tổng, quan lại hàng phủ

về dự chứng kiến. Lễ hội Minh thề đã hình thành từ sự kiện đó và được nhân dân làng Hoà Liễu gìn giữ trong suốt nhiều thế kỷ qua.

Vê tiến trình của lễ hội

Lễ Minh thề diễn ra vào ngày 14 tháng Giêng hàng năm, tại Miếu thờ Thành hoàng bản thổ, thôn Hoà Liễu, xã Thuận Thiên, huyện Kiến Thuỵ. Lễ là trung tâm của Hội đền chùa Hoà Liễu kéo dài tới 3 ngày, vào 14, 15 và 16 tháng Giêng. Lễ “Minh thề” được tổ chức ngay buổi khai hội.

Các nghi lễ được tiến hành trang trọng, uy nghiêm. Khai lễ, chủ lễ và các vị bồi lễ đọc chúc văn lai lịch công đức của Thánh vương. Sau đó làm lễ dâng hương, dâng rượu, dâng nước trong tiếng nhạc bát âm réo rắt. Tế thần xong, các bô lão, quan khách và dân làng, chức dịch, quần áo chỉnh tề tập trung quanh sân miếu theo thứ bậc. Chủ tế dùng động tác “chỉ trời vạch đất” mô phỏng theo phép biến trong Kinh dịch rồi vẽ một vòng tròn lớn đường kính khoảng 2m ở giữa sân miếu gọi là Đài thề. Trước Đài thề đặt một bàn thờ hướng về cửa miếu thâm nghiêm.

Ba vị đại diện cho hàng ngũ chức dịch, hội tư văn và bô lão trong làng do ban tổ chức lễ hội và hội đồng bô lão tuyển chọn bước lên Đài thề làm lễ thắp hương khấn vái trời đất, bách thần. Đại diện tư văn dõng dạc đọc Minh thề có Hịch văn. Mọi người trong làng từ hương chức đến nhân dân, trên là bô lão, dưới từ 18 tuổi trở lên, ai dùng của công dùng vào việc công xin thần linh ủng hộ, ai lấy của công dùng vào việc tư, cầu thần linh đả tử… làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, xin thần linh tru diệt. Sau khi mọi người cùng hô vang câu “y như lời thề” hoặc “y như miệng thề”, vị chủ tế cầm dao bầu cắm mạnh xuống trong vòng tròn Đài thề để biểu thị sự quyết tâm.

Tiếp đến là nghi lễ cắt tiết gà để uống máu ăn thề diễn ra rất cầu kì theo một quy định truyền thống từ ngàn đời. Máu gà trống được hòa vào bình rượu lớn, mỗi

người truyền tay nhau uống một ngụm khẳng định sự đoàn kết thực hiện đúng lời thề.

Ở phần hội, làng tổ chức nhiều sinh hoạt văn hóa dân gian như: bơi trải, hát đúm cùng các trò chơi dân gian thu hút nhân dân quanh vùng vui chơi suốt ba ngày hội. Tất cả đều là những sinh hoạt văn hóa dân gian lành mạnh, có khả năng quy tụ được đông đảo nhân dân, khách thập phương đến với quê hương Hòa Liễu.

Ý nghĩa của lễ hô ̣i

Lễ hội là sự kết hợp giữa tín ngưỡng với giáo dục đạo lý nhân cách. Sau lễ hội Minh thề trang nghiêm, dân làng Hoà Liễu như được tiếp thêm sức mạnh, rũ bỏ mọi ưu phiền của một năm qua để tiếp tục bước vào năm mới, với niềm tin tưởng những điều tốt đẹp đang chờ ở phía trước.

3.1.2.2. Lễ hội Vật cầu đảo Đền Mõ

Đền Mõ là tên gọi dân gian của đền thờ Công Chúa Quỳnh Trân nhà Trần. Theo Ngọc Phả hiện đang lưu giữ tại đền cho hay: “Tiếng mõ của công chúa Quỳnh Trân tu tập đã trở thành lệnh mõ hướng dẫn nhân dân. Sáng mõ vang, dân ra đồng cày cấy, trưa mõ vọng là nghỉ. Còn khi tiếng gõ liên hồi là báo điềm gở như trộm cướp, đạo tặc. Dân cứ theo tiếng đó sinh hoạt, ứng phó. Bởi thế cho nên nơi đây mới được gọi là làng Mõ, tổng Mõ”.

Ngôi đền cổ kính và gắn với nhiều huyền tích nằm ở thôn Nghi Dương, xã Ngũ Phúc, huyện Kiến Thụy, thành phố Hải Phòng. Đây là một trong những di tích lịch sử quan trọng bậc nhất của huyện Kiến Thụy. Đền còn lưu giữ được nguyên vẹn 11 bản sắc phong của các triều đại phong kiến. Ngoài những cổ vật quý báu, kiến trúc cổ kính, Đền còn có một cây gạo đã hơn 700 tuổi. Cây là nhân chứng sống chứng kiến bao thăng trầm trong đời sống nhiều thế hệ người dân làng Nghi Dương. Cứ độ tháng Ba về, cây lại bừng bừng sắc hoa đỏ, kích khởi lòng người thập phương về bái vọng.

Đền Mõ là một công trình kiến trúc cổ, thờ công chúa Thiên Thụy nhà Trần, được công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1991. Đền được xây dựng để tưởng nhớ công lao vị công chúa khai lập ra mảnh đất ven sông Văn Úc này. Truyền rằng, năm Quí Mùi (1283) công chúa xin xuất gia tu hành, được vua cha Trần Thánh Tông cho phép, bà đến vùng đất bồi ven sông khi ấy còn hoang vu. Nhìn thấy thế đất đẹp, có tiềm năng phát triển, bà bèn chiêu mộ dân đến khai hoang lập nên ấp Nghi Dương và dựng ở đây một ngôi chùa. Sau khi bà mất (1308), dân làng lập đền thờ bà ngay tại chùa ấy. Từ đó dân làng quen gọi là Chùa Mõ, đền Mõ để ghi nhớ sự tích về Công chúa Quỳnh Trân.

Lễ hội Vật cầu đảo

Lễ hội được tổ chức hằng năm, nhằm ngày 12 đến ngày 14 tháng 2 âm lịch. Lễ hội gồm hai phần:

Phần nghi lễ cầu đảo

Theo lệ tục, nghi lễ cầu đảo là nghi thức đầu tiên và quan trọng nhất, được tổ chức trang nghiêm. Khai lễ vào ngày đầu tiên của lễ hội Đền Mõ, tức ngày 12- 2 âm lịch. Đầu tiên là nghi thức 5 thôn trong xã Ngũ Phúc sẽ có 5 đội tế lễ rước long đình, bát bửu, rước thần hoàng làng từ các đình ở thôn đến đền Mõ. Rồi một đội tế lễ rước bài vị “Thánh Bà” từ trong Đền ra ngoài trường đảo (đàn cầu mưa). Những bài của vị phúc thần vốn phải được nâng niu, gìn giữ trong cung lại được dân làng đem ra dầm mưa dãi nắng chính là nghi thức kì lạ, độc đáo ở Lễ hội Đền Mõ. Bởi lẽ, sự kiện này gắn với truyền thuyết Bà Chúa Mõ khi xưa dạy dân cầu đảo, kêu gọi thần sấm, gọi thần mưa, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, xóm làng bình an.

Theo tục lệ, Sau khi rước bài vị “Thánh Bà” từ trong Đền ra ngoài, các mục đồng (tức các nam thiếu niên tuổi trạc 11-14), đóng khố để trần, diễn lại tích “mục đồng xin nước” ngày xưa.

Những người dân ở đây quả quyết rằng: chẳng biết ngẫu nhiên hay bởi “thánh thiêng”, nhưng năm nào cũng vậy, cứ vật cầu đảoxong, có thể ngay trong ngày, hoặc muộn là ngày một ngày hai, là y như rằng trời đổ mưa xuống, dù trước đó không hề có tín hiệu thời tiết nào cho biết trời sắp mưa.

Phần hội: Phần hội lại chia thành hai nội dung nhỏ hơn: vật cầu đảo và đấu vật tranh tài.

Vật cầu đảo

Người dân nơi đây thường kể lại cho con cháu nghe câu chuyện về phép lạ của Công chúa Quỳnh Trân. Chuyện rằng, năm ấy hạn hán kéo dài, cây cỏ khô héo, mùa màng thất bát. Trẻ chăn trâu thường vào chùa xin nước uống. Công chúa bảo trẻ chăn trâu đấu vật để bà xem thua được như thế nào. Bọn trẻ vâng lời, vờn tay đấu vật. Bà cả mừng ban phép, nghiệm thay trời đổ mưa xuống, mát mẻ chan hoà khắp vùng. Chùa nhân đó mà đổi tên chùa là Đồng Mục. Kể từ sau đó, hễ khi nào trời hạn hán thì dân làng lại khiêng long đình bát biểu và bài vị của thần thánh, từ trong đền ra trường đảo phơi giữa thanh thiên bạch nhật, tổ chức vật cầu đảo để cầu cho mưa thuận gió hòa. Người ta tin rằng đây cũng chính là tâm nguyện của bà trước khi về cõi Phật.

Để tiến hành nghi lễ, dân làng tuyển chọn vào đào luyện hai đô vật ở tuổi thiếu niên (10-14 tuổi), tương đương với độ tuổi của các mục đồng (trẻ chăn trâu) thời trước. Việc tuyển chọn các đô vật có tính nghi thức này cũng được tiến hành khá khắt khe. Các bé trai được tuyển chọn về dung mạo khôi ngô tuấn tú, thể hiện vẻ đẹp hình thể, và là những học sinh ngoan, học giỏi, đức độ. Nhưng đặc biệt hơn cả là những thiếu niên có năng khiếu về môn thể thao vật. Các đô vật được các huấn luyện viên của làng đào tạo và rèn luyện các thế võ, các miếng đòn để có thể biểu diễn đẹp mắt nhất.

Sau vật cầu đảo là hội vật các đô vật là trai tráng các làng trên xóm dưới tụ tập tranh tài. Mỗi làng cử ra các đô vật để thi đấu tranh tài, xếp giải theo thứ bậc cao thấp. Đây là trò chơi đối kháng góp phần cổ vũ phong trào luyện tập sức khỏe, vừa duy trì tinh thần võ bị trong nhân dân.

Ngoài đấu vật, trong những ngày lễ hội, dân làng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian, như: cờ người, tổ tôm, v.v.

Trong thời gian diễn ra lễ hội Đền Mõ, nhân dân địa phương lại cùng với nam thanh, nữ tú, khách thập phương tụ họp về trảy hội rất đông. Người đến hội, thăm cảnh cũ, gặp người quen, gia đình, dòng tộc, bạn bè thập phương được dịp đoàn viên, cùng ôn lại truyền thống uống nước nhớ nguồn và cùng thắp hương tưởng niệm Quỳnh Trân công chúa, người có công với dân làng và đất nước.

Gần hai mươi năm trở lại đây, lễ hội vật cầu đảo tưởng như đã bị mai một vừa mới được dân làng và địa phương phục dựng (từ năm 1996). Lễ hội Đền Mõ đã lại là sinh hoạt văn hóa tinh thần thiêng liêng, mang đậm bản sắc của vùng quê Nghi Dương.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) truyền thuyết và lễ hội dân gian ở kiến thụy, hải phòng (Trang 72 - 78)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(115 trang)