Nét tương đồng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh chủ đề gia đình trong một số truyện nôm bình dân và truyện nôm bác học (Trang 30 - 35)

8. Cấu trúc của luận văn

2.1.1 Nét tương đồng

Dưới ảnh hưởng của bối cảnh lịch sử, của những hệ tư tưởng chính trị, tôn giáo cùng cách nhìn nhận vấn đề của mỗi tác giả, chủ đề gia đình qua quan hệ giữa cha mẹ và con cái được thể hiện một cách phong phú và đa dạng trong truyện Nôm. Những điểm gặp gỡ giữa truyện Nôm bình dân và truyện Nôm bác học trong việc thể hiện vấn đề này cho thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ hơn giữa hai tiểu loại trong cùng một thể loại.

Cả hai loại đều thể hiện khá rõ nét tình cảm thiêng liêng đó là tình yêu thương, lòng vị tha và đức hi sinh của cha mẹ và sự hiếu thuận của con cái. Tình cảm này xuất phát từ chính truyền thống văn hóa lâu đời của dân tộc. Khi xã hội phong kiến phát triển với hệ tư tưởng chính thống là Nho giáo thì quan hệ này đã trở thành chuẩn mực để đánh giá nhân phẩm, đạo đức con người. Truyện Nôm bình dân có sự gắn bó chặt chẽ với tư tưởng và quan niệm của nhân dân nhưng vẫn mang hơi hướng, sự ảnh hưởng từ Nho giáo. Trong khi đó, truyện Nôm bác học chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ hệ tư tưởng Nho giáo song vẫn chung cội nguồn từ những giá trị dân gian bền vững. Chính vì vậy, hai kiểu truyện Nôm có sự gặp gỡ và nhiều nét tương đồng ở sự thể hiện chủ đề gia đình trong khía cạnh tình cảm giữa cha mẹ và con cái.

Trên phương diện này, cả truyện Nôm bình dân và truyện Nôm bác học đều thể hiện khá sâu sắc tấm lòng yêu thương của bậc sinh thành dành cho con cái mình. Trong truyện Nôm Cái Tấm cái Cám, tình cảm của cha mẹ dành cho con cái được cụ thể chân thực hơn so với truyện cổ tích Tấm Cám, đồng thời ít mang tính giáo điều khiên cưỡng hơn so với một số truyện Nôm bác học. Cảnh bố con Tấm sống thiếu mẹ được viết lên đầy thương cảm. Đó là cảnh cha con “thui thủi” sớm hôm, sống trong những ngày tháng “Tình hoài chan chứa lệ sa vắn dài”. Tác giả truyện

Nôm Câu chuyện cái Tấm cái Cám đã dành những lời ca ngợi cho đức hi sinh và tình yêu thương của người cha họ Lê. Thương con thơ dại, lòng người cha vô cùng đau xót. Những câu thơ viết về mối quan hệ cha con đã trở thành điểm nhấn cho tác phẩm. Tấm lòng của người cha dành cho nhân vật Tấm xuất phát từ chính truyền thống của dân tộc, nó làm người đọc không khỏi xúc động:

Từ ngày rẽ thúy chia uyên

Cha con thui thủi muôn nghìn thảm thương Chiều thu khóm quế bên đường Gió đưa lay động can trường xót xa

Trông con chạy nhảy vào ra Tình hoài chan chứ lệ sa vắn dài

Cô Tấm hiền lành thiệt thòi từ trong tấm bé, mất đi tình thương của người mẹ nhưng bù lại cô có người cha với trái tim yêu thương con đong đầy tình cảm. Hình ảnh Tấm hiện lên trong tác phẩm mang một quan niệm rõ ràng về chữ hiếu. Tấm lòng hiếu nghĩa ấy trước hết là với người cha đã mất:

Tấm lòng hiếu nghĩa xưa nay Dù rằng phú quý chẳng khuây nhớ nhà

Gặp ngày kỵ nhật giỗ cha Quỳ tâu ngọc bệ xin ra ngoài thành

Ngựa xe lễ vật sắm sanh Tác thành gọi chút tỏ tình cháu con

Và đối với dì ghẻ, Tấm vẫn luôn tôn trọng, thành kính. Mẹ con Cám mưu hại Tấm nhưng nàng vẫn rất tin tưởng, không chút lo lắng thực hiện lời mẹ kế:

Rằng ngày kỵ nhật hôm nay Tấm con! Lên hái lấy vài buồng cau

Phòng khi khách đến mời chào khách xơi Tấm nghe dì bảo vâng lời

Nhẹ nhàng đã bám lên ngồi trên cây…

Trong truyện Phương Hoa, người đọc thấy tình cảm yêu thương của cha mẹ dành cho con được thể hiện đa dạng với những biểu hiện sâu sắc. Phụ mẫu của chàng Cảnh Yên hiện lên trong tác phẩm là người sống ân nghĩa vẹn tròn hết lòng yêu thương con cái. Trong những hoàn cảnh éo le nhất của gia đình họ Trương, bà vẫn một lòng lo lắng cho các con. Khi Cảnh Yên gặp nạn cũng chính là lúc bà đau khổ nhất:

Đêm thì thắc mắc ngậm ngùi

Thương chàng oan uổng giam nơi ngục hình Lão bà tư lự thất tình

Chẳng hay ăn uống mà sinh tật nguyền… Nói thôi giọt ngọc tuôn trào

Hồn hoa gió đã lọt vào linh tiêu

Truyện đã khắc họa và thể hiện thành công hình ảnh người phụ nữ của gia đình với vai trò là bậc sinh thành. Trương mẫu chính là hình ảnh lý tưởng của con người thời đại bấy giờ.

Đến truyện Tống Trân Cúc Hoa, tình cảm thiêng liêng này được thể hiện sâu sắc và tỉ mỉ hơn trong quan hệ giữa Cúc Hoa và mẹ chồng. Cúc Hoa là con gái nhà quyền quý nhưng lại đem lòng yêu thương Tống Trân – chàng trai nghèo phải dắt mẹ già đi xin ăn. Cha nàng biết chuyện đã vô cùng tức giận và đuổi nàng ra khỏi nhà. Cúc Hoa đi theo Tống Trân, hai người kết duyên vợ chồng. Nàng đã tần tảo vừa lo phụng dưỡng mẹ chồng, vừa lo cho chồng ăn học. Cúc Hoa không chỉ là người tài sắc mà còn có một ý chí quả quyết và một trái tim thủy chung nhân hậu. Với nàng tình cảm là thứ mà bạc vàng hay quyền lực không thể mua được. Cúc Hoa cảm mến sự thật thà ngay thẳng của Tống Trân mà từ bỏ cuộc sống khuê các trong nhung lụa để được ở bên người mình yêu. Nhìn hành động này dưới góc nhìn Nho giáo thì Cúc Hoa đã vi phạm chữ hiếu trong cương thường. Nhưng chỉ

dùng hành động này để đánh giá con người nàng thì có phần khiên cưỡng và phiến diện bởi cuộc đời nàng sau khi nguyện kết tóc se duyên với Tống Trân là minh chứng sống động cho tấm lòng ân nghĩa vẹn toàn của nàng. Trọng hoạn nạn khó khăn, gia đình họ bên nhau cùng sẻ chia vất vả. Đối với mẹ chồng nàng hết mực yêu thương kính trọng:

Mẹ chàng xem bằng mẹ tôi Sớm khuya mặc thiếp chăm nuôi nệ gì

Ngày nay mới lấy nhau về Đói no thiếp cũng yên bề cho xong

Nuôi mẹ hiếu thảo một lòng …Cơm thời để nuôi mẹ chồng Kính hiếu một lòng trời đất xét cho

Tấm lòng của nàng khiến Tống bà vô cùng cảm động:

Mẹ chồng thấy dâu thảo hiền Đôi hàng nước mắt chảy liền như mưa

Khó nghèo có mẹ có con Ít nhiều gạn sẻ vẹn tròn cho nhau

Cả ba truyện Nôm bình dân trên đều thể hiện mối quan hệ hai chiều giữa cha mẹ và con cái với những cung bậc tình cảm khác nhau nhưng đều gặp gỡ ở tấm lòng yêu thương của cha mẹ dành cho các con và sự kính hiếu của con cái dành cho cha mẹ. Đó là dòng chảy xuyên suốt trong văn học Việt Nam, là một trong những yếu tố tạo nên sức sống lâu bền của văn học. Đến truyện Nôm bác học, ta cũng bắt gặp được những nội dung đó với cách thể hiện độc đáo mang màu sắc ảnh hưởng của Nho giáo.

Hoa tiên kí là tác phẩm mở đầu cho sự phát triển của thể loại truyện Nôm bác

học. Cũng giống như các tác phẩm truyện Nôm bình dân, Hoa tiên kí thể hiện chủ đề gia đình qua mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái khá chặt chẽ với chữ hiếu làm

đầu. Trong truyện, tình cảm Lương mẫu dành cho Lương Sinh là sự quan tâm, yêu thương, chăm sóc hết mực chu đáo. Bà lo cho chàng chuyện học hành thi cử, đích thân gửi chàng đến Tràng Châu để dùi mài kinh sử mong ngày hiển vinh. Truyện tơ duyên trăm năm của Lương Sinh được Lương mẫu lo chu toàn khi hỏi cưới Ngọc Khanh. Với quan niệm thời đại bấy giờ thì Lương mẫu là hình ảnh tiêu biểu nhất cho mối quan hệ cha mẹ và con cái. Với vị trí con trong gia đình, các nhân vật như Lương Sinh, Ngọc Khanh, Dao Tiên đều thực hiện chữ hiếu theo đúng cương thường.

Truyện Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào, Song Tinh là chàng trai sinh ra

trong một gia đình có cha làm quan trong triều nhưng không may cha mất sớm. Mang theo hoài bão lớn lao, chàng muốn sang Chiết Giang du học. Nếu trong Hoa

tiên kí, chàng Lương Sinh nghe lời mẹ mà giấu kín khát vọng yêu đương trong mình

thì Song Tinh lại nói lên suy nghĩ của mình khi mẹ chàng có ý muốn con yên bề gia thất trước khi đi học xa. Quan niệm về mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái trong tác phẩm vẫn tồn tại. Nó như sợi dây kết nối vô hình nhưng lại không hề mang tính ràng buộc con người vào những khuôn phép nhất định. Bởi vậy, trong mối quan hệ với mẹ, Song Tinh rất thẳng thắn:

Rằng: “Trong danh giáo ngũ thường dám sơ Hãy chờ Nguyệt lão xe tơ

Con thơ sẽ liệu mẹ già lo chi”

Như vậy, qua lời giãi bày, tâm sự với mẹ ta thấy mối quan hệ mẹ con ở đây khá bình đẳng. Song Tinh dù“cưỡng ý chẳng nghe” nhưng không hẳn là thái độ đi ngược quan niệm của Nho giáo. Chàng khẳng định với mẹ là không dám trễ nải việc hôn nhân trăm năm nhưng muốn tự đi tìm nhân duyên cho mình. Trong Sơ kính tân

trang, mối quan hệ cha con cũng được thể hiện với sự kính hiếu của các nhân vật.

Tiêu biểu là Phạm Kim và Quỳnh Thư, Thụy Châu. Khi Thụy Châu đưa gương lược cho Trương Công xem nàng hết sức kính cẩn khiêm nhường. Đó là biểu hiện của một mối quan hệ cha con hòa hợp:

Rằng con đâu dám sỗ sằng Vì nghe đàn ấy biết chàng tính danh

Vậy đưa sơ, kính lên trình

Nhân duyên vàng đức điều đình chẳng sai

Như vậy, có thể thấy, tình cảm giữa cha mẹ và con cái được gắn kết trên cơ sở của tình yêu thương, đức hi sinh là nội dung quan trọng trong việc thể hiện chủ đề gia đình của cả hai kiểu truyện Nôm. Nét tương đồng này đã khẳng định sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các giá trị truyền thống – giá trị làm nên tính nhân văn và giáo dục sâu sắc cho văn học.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) so sánh chủ đề gia đình trong một số truyện nôm bình dân và truyện nôm bác học (Trang 30 - 35)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(97 trang)