Theo định nghĩa trong cuốn “Từ điển Toán kinh tế, Thống kê, kinh tế lượng Anh – Việt” trang 255 của Nguyễn Khắc Minh (được trích theo Nguyễn Việt Hùng,
2008) “hiệu quả - efficiency” trong kinh tế được định nghĩa là “mối tương quan giữa đầu vào các yếu tố khan hiếm với đầu ra hàng hóa và dịch vụ” và “khái niệm hiệu quả được dùng để xem xét các tài nguyên được các thị trường phân phối tốt như thế nào”.
Theo Topak (được trích theo Trịnh Quốc Trung và Nguyễn Văn Sang, 2013) thì hiệu quả hoạt động được đo bằng chỉ số ROA, ROE.
- ROA là một chỉ tiêu chủ yếu phản ánh tính hiệu quả quản lý. Nó chỉ ra rằng khả năng của hội đồng quả trị trong quá trình chuyển tài sản thành thu nhập ròng. ROA được sử dụng rộng rãi trong phân tích hiệu quả hoạt động và đánh giá tình hình tài chính, nếu ROA thấp có thể là kết quả của một chính sách đầu tư hay kinh doanh không tốt hoặc chi phí hoạt động của doanh nghiệp quá mức. Ngược lại, mức ROA cao thường phản ánh kết quả hoạt động hữu hiệu, doanh nghiệp có cơ cấu tài sản hợp lý, có sự điều động linh hoạt giữa các dự án đầu tư trên tài sản trước những biến động nền kinh tế.
- ROE là chỉ tiêu đo lường tỷ lệ thu nhập cho các cổ đông. Tỷ lệ này càng cao thể hiện việc sử dụng vốn trong đầu tư, kinh doanh càng hiệu quả. Các nhà quản trị luôn muốn tăng ROE để thoả mãn yêu cầu của cổ đông. Chỉ tiêu này cũng sử dụng khá phổ biến trong phân tích hiệu quả hoạt động nhằm phản ánh hiệu quả sử dụng vốn chủ sở hữu. Để tạo ra giá trị cho các cổ đông, hệ số này cần phải lớn hơn chi phí vốn chủ sở hữu của công ty.
Theo Wahlen và ctg (được trích dẫn bởi Nguyễn Minh Kiều và Nguyễn Thị Hồng Huệ, 2013) với nhà phân tích quan tâm đến lợi nhuận và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp thì thước đo ROA được cho là quan trọng hơn hết. Nhưng đối với cổ đông thì thước đo ROE quan trọng hơn vì nó đo lường mức độ sinh lời của cổ đông sau khi trừ tất cả các chi phí và thuế, kể cả chi phí trả cổ phần ưu đãi.
Tóm lại quan điểm về hiệu quả là đa dạng, tùy theo mục đích nghiên cứu có thể xem xét hiệu quả theo nhiều khía cạnh khác nhau. Tuy nhiên, hạn chế về thời
gian cũng như số liệu nên luận văn sử dụng đánh giá hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp các chỉ tiêu ROA, ROE. Cũng là các chỉ tiêu thường được các nhà quản trị, các nhà đầu tư quan tâm, sử dụng khi đánh giá hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, chúng thể hiện khả năng, thời hạn thu hồi vốn đầu tư của chủ sở hữu. Hiệu quả sử dụng vốn và tài sản của doanh nghiệp càng cao là cơ sở để doanh nghiệp tăng quy mô và phát triển năng lực của doanh nghiệp.