7. Cấu trúc của luận văn
2.3. Những thân phận, những bi kịch cá nhân của những người phụ nữ
trong cuộc sống thời kỳ hiện đại
Tuy nhiên trong những sáng tác của Hà Thị Cẩm Anh khi viết về người phụ nữ Mường thì không chỉ là sự ngợi ca và khẳng định, tự hào, trân trọng về vẻ đẹp của người phụ nữ mà tác giả còn để lại một dấu ấn sâu sắc, một xúc cảm mạnh mẽ, phức tạp trong tâm hồn người đọc. Đó là sự xót xa thương cảm, là đau đớn uất nghẹn, là sự yêu thương, kính trọng, là sự sẻ chia, đối với những số phận, những hoàn cảnh, thân phận đầy đớn đau và bất hạnh của những người phụ nữ Mường nơi xứ Mường xa xôi ấy. Người phụ nữ trong truyện ngắn của Hà Thị Cẩm Anh, dù ở Mường Vang, Mường Chiềng hay Mường Dồ thì đều có những nỗi khổ và phải chịu thiệt thòi riêng trong cuộc sống. Trong truyện ngắn Mẹ tôi - nhân vật nàng Sam chịu bao nỗi khổ đau bất hạnh. Một người con gái xinh đẹp, hiếu thảo, đảm đang nhưng không được hưởng một hạnh phúc trọn vẹn mà cam chịu chấp nhận đúng như lời tâm sự của chính nhân vật trong tác phẩm: "Đàn bà thì lúc nào chả phải chịu thiệt thòi. Mường này, đất nước này thiếu gì những kẻ bị mắc tiếng oan như tôi. “Phúc đức tại mẫu mà!”, cái gì tốt đẹp thì người đàn bà được hưởng không đáng là bao. Những cái gì không tốt đẹp thì họ cứ oằn lưng ra mà gánh” [7, tr.339]. Đây cũng chính là lời tác giả thốt lên trong nỗi cay đắng, xót xa. Nhà văn đã đi sâu nhìn nhận và phản ánh số phận của người phụ Mường trong các tác phẩm của mình một cách chân thực, sinh động. Đó trước hết là sự bất bình đẳng nghiêm trọng giữa người phụ nữ với người đàn ông trong gia đình cũng như trong xã hội (được thu nhỏ ở đơn vị bản, làng, Mường... này). Đến với truyện ngắn Bài xường ru từ núi, ta thấy một cô Cầm mạnh mẽ, thẳng thắn và rất quyết liệt đấu tranh để đòi sự công bằng cho người phụ nữ Mường. Cô nói với bố, mế mình: “Tôi muốn con trai tôi có một ngôi nhà sàn để ở. Tôi muốn có đủ
cơm cho con tôi ăn, đủ áo cho con trai tôi mặc. Tôi muốn con trai bố mế có gì thì con gái của bố mế cũng phải có cái đó. Con trai hay con gái đều do bố mế đẻ ra. Tôi cũng có quyền lợi của mình” [7, tr.255]. Cuối cùng, cô đã đòi được quyền bình đẳng giữa nam và nữ trong gia đình mình. Cô cũng có nhà, có vốn làm ăn và mế cũng lên trông con cho cô. Người phụ nữ trong truyện ngắn của Hà Thị Cẩm Anh thường bị rơi vào bi kịch cuộc sống, nhưng trong chính hoàn cảnh đó nhân vật đã bộc lộ được niềm tin cùng những khát vọng chân chính của mình. Đó là những khát vọng chính đáng về quyền được sống, được yêu, được làm vợ, làm mẹ, làm chủ cuộc đời và tương lai của chính mình. Với truyện ngắn Quả còn - người đọc không khỏi xót xa cho nhân vật cô gái trẻ ở Mường Bi mới 10 tuổi đã bị đón về Mường Vang “lạy ma nhà chồng” để làm “dâu ma”. Bởi vì nhà cô đã nhận nhiều bạc, nhiều trâu nhà người ta. Và vì một lời hứa giữa hai người thợ săn Mường Vang và Mường Bi sẽ làm “du gia” với nhau từ lúc hai đứa con chưa chào đời. Đến khi cô cất tiếng khóc chào đời thì lễ vật của nhà trai đã được gửi đến. Nhưng trong lễ hỏi của nhà trai có chiếc bánh chưng có nhân bên trong khiến cho họ nhà gái rất tức giận. Họ cho rằng như thế là ám chỉ con gái họ không còn trinh tiết nữa. Như để trút giận họ hàng nhà gái ở Mường Bi lợi dụng tục “ném rể” trong ngày lễ Pao chầu (ăn hỏi) ném những trận mưa quả chuối xanh, quả sung, quả vả và cả những hòn đá cuội to dội xuống chú rể khiến cho cậu bé tơi tả, máu chảy mãi không cầm. Sợ hãi, đau đớn và cậu đã bị ốm chết. Nhưng cô vẫn phải theo về nhà trai để trở thành vợ ma đến năm mươi tuổi, cô gái ấy phải sống trong nỗi cô đơn như một chiếc bóng trong chính ngôi nhà sàn của mình. Ngôi nhà sàn to,
“cửa man” rộng rãi, nhưng không một ai bước chân vào nhà cô, “bếp khách của cô nguội lạnh”. Cô chỉ biết gửi lòng theo quả còn nói hộ một lời với trời cao đất rộng rằng: “Chị cũng là một con người. Một con người sao phải sống cô đơn côi cút giữa cuộc đời này giống như một thân cây giữa rừng đại ngàn bị người ta bứt trụi hết lá, chặt đứt hết cả rễ, cả cành?” [7, tr.275]. Thậm chí người bản làng xa lánh chị vì cho rằng chị là ác ma khiến nhà chồng héo hon, ốm đau. Phải chăng vì những hủ tục, lòng tham, sự hận thù mông muội của hai dòng họ đã đẩy: “ Người con gái vô tội, xinh đẹp, rực rỡ, thảo hiền, tài hoa, khéo tay may vá, hát Xường rất hay, làm nương rẫy giỏi vào cuộc đời bất hạnh - như một ngục tù tăm tối, không lối thoát. Cô đã bị tước
đoạt tất cả: quyền yêu, quyền làm vợ, làm mẹ... một cách tàn bạo từ chính những người thân của mình” [51, tr.262].
Lắng đọng trên từng trang viết của Hà Thị Cẩm Anh là tiếng lòng thổn thức bà dành cho người phụ nữ Mường trong cuộc sống hiện tại xô bồ hôm nay. Đó là nhân vật Vạ Cát trong Chuyện xưa chị bị rơi vào một hoàn cảnh, một bi kịch đau đớn, xót xa. Đau đớn hơn, chị lại bị chính người chồng của mình lừa gạt. Chỉ vì lòng tham mà anh ta bỏ rơi người vợ của mình. Người đã cứu “danh dự” của gia đình khi anh ta “ăn lá cứt chim để cáo bệnh trốn nghĩa vụ quân sự” [7, tr.140]. Trong khi đó Vạ Cát thì xung phong đi Thanh niên xung phong nhưng không được nhận nên Vạ xin vào Trung đội dân quân trực chiến, trực tiếp bắn máy bay Mỹ. Nhưng Vạ là con người trung thực thẳng thắn khi thấy chồng mình “nhận vơ” công trạng bắn rơi máy bay Mỹ để đi báo cáo điển hình khắp nơi: “Vạ Cát xăm xăm đi đến gặp Bí thư Đảng uỷ xã nói tuột ra sự thật” [7, tr.142]. Nên Vạ bị “vu oan giá hoạ ” với tội danh “chỉ điểm” cho máy bay địch và bị bắt giam ba ngày, bị viết tới hàng chục bản tường trình. Nhưng thật tệ bạc và kinh tởm hơn chính ông Giáp - chồng Vạ đã dựng lên những màn kịch trong cuộc đời Vạ rồi lại giả vờ ra tay cứu vớt Vạ. Hắn đã thuê lão Cò Cà cố tình bẫy Vạ để bỏ Vạ để có cơ hội lấy con gái ông cán bộ tổ chức dưới tỉnh - vừa già vừa xấu làm bước đệm tiến thân. Hắn dựng lên màn kịch “ngoại tình” của vợ mình và cũng chính hắn lại còn làm ra vẻ một người chồng tốt đứng ra bảo vệ vợ khỏi sự sỉ nhục, đánh đập của bản Mường và xin trưởng bản cho Vạ Cát về nhà:“Làng Cốc Vàn đồng ý cho anh đem vợ về mà giáo dục” [7, tr.145]. Nhưng đáng thương thay, câu chuyện ấy vạ Cát cứ tưởng thật để rồi mang ơn hắn suốt bao năm trời. Để rồi, hắn còn lợi dụng vạ bằng việc mua chịu, hay đúng hơn là cướp không 7 tấn cá lồng - vạ nuôi trên sông với biết bao mồ hôi công sức và nước mắt. Một con người đáng thương như Vạ Cát cứ âm thầm chịu đựng nỗi oan mà không thể nào hoá giải được. Câu chuyện kết thúc trong sự buồn thương, đau đớn, xót xa cho thân phận người phụ nữ Mường vốn xinh đẹp, chăm chỉ, khoẻ mạnh, dũng cảm, trung thực thế nhưng lại bị chính người chồng tàn ác, thâm độc của mình lừa lọc, tàn hại, lợi dụng, và bị đày đoạ cho đến lúc chết. Vạ chết trong sự khổ sở, cô đơn, co quắp trên chiếc thuyền rách nát: “Trong đống chăn
cũ, hình một người nhỏ bé, gày gò đang nằm co quắp. Vạ Cát không trả lời. Chân tay vạ lạnh ngắt. Vạ Cát đã qua đời” [7, tr.146].
Dường như đau đáu trong những trang viết của Hà Thị Cẩm Anh là nỗi băn khoăn, trăn trở trước số phận của những con người thật thà, tốt bụng mà lại chịu nhiều oan khốc, bất công. Nhà văn đã gắn bó sâu sắc với cuộc sống của người dân bản Mường để rồi cảm thông chia sẽ cho những số phận bất hạnh của người phụ nữ Mường. Còn có bao nhiêu thân phận thiệt thòi, đau khổ, bao bi kịch cuộc đời như thế nữa trong các tác phẩm của Hà Thị Cẩm Anh - khiến cho người đọc không thể không cảm thương, xa xót, bùi ngùi. Đó là hoàn cảnh số phận của một cô gái Mường trong truyện Của hồi môn, cô là một cô gái xinh đẹp, trong sáng, lãng mạn, cả tin để đến nỗi bị mất chồng, mất con, bị hành hạ, gả bán cho một thằng nghiện ngập, phải làm con ở, là con “ma xó” chính trong ngôi nhà của người đàn bà nanh ác, tàn độc cướp chồng cướp con của mình. Biến cô thành con “ma xó” trong bếp khách, đói ăn, rách mặc. Khiến cô héo hon, mòi mỏi, đau khổ “xanh như lá, gầy như que, hai mắt trũng sâu như mắt Voọc già”7, tr.192]. Và chết trong sự cô độc, trong một đêm mưa gió ở Mường Dồ: “Một mình sống, một mình chết trong căn nhà siêu vẹo ở thẻo đất thừa, chật hẹp mài tận cuối làng Chiềng Va” [7, tr.179]. Sự ân hận muộn màng cùng với
“của hồi môn” là “một bài thơ chân thực và tử tế” của người đàn ông lãng mạn nhưng hèn nhát, vô trách nhiệm gửi cho con gái của cô - thật là một sự mai mỉa, thật là một cái giá quá đắt đối với cuộc sống, tình yêu với sự trong sáng, cả tin, với sự dâng hiến, hy sinh hết mình của cô đối với một kẻ bạc tình, hèn nhát. Điều đó khiến người đọc không khỏi bùi ngùi xót xa cho số phận của người phụ nữ Mường. Bằng trái tim yêu thương trĩu nặng nhà văn cảm thông và bệnh vực cho người phụ nữ. Cùng cảnh ngộ số phận như bao người phụ nữ Mường khác trong truyện Suối lạnh
số phận người con gái Mường cũng hiện lên với bao đau khổ xót xa và đầy tủi nhục. Cô đem lòng yêu một kẻ đào ngũ với một tình yêu chân thành “ta đã yêu thật lòng.Ta đã trao thân cho người đó” [7, tr.107]. Tưởng rằng tình yêu ấy đủ sức mạnh để cảm hoá anh ta đồng ý quay trở về mặt trận. Nhưng trên đường trở về đơn vị anh ta đã bỏ trốn mà cô không hay biết rồi còn nhận nhầm người đứng ra che chắn bom đạn cứu mạng mình chính là anh ta. Cô cảm thấy hạnh phúc và tự hào biết bao khi khẳng định
với các nữ thanh niên xung phong người ấy, người đã hy sinh để cứu em “là chồng em”. Và cùng họ chôn cất cho anh ta, đánh dấu phần mộ để sau này khi giải phóng sẽ tìm lại xương cốt. Người phụ nữ Mường luôn sống trong sự thuỷ chung, tình nghĩa vì thế cô đã nghĩ đến cái ơn, cái tình khi con gái cô mới chập chững biết đi cô đã gửi con ở Mường Dồ, bán tất cả những gì cô có để đi tìm: “Hài cốt người đó về giao cho người cha và quỳ lạy để xin ông tha thứ” [7, tr.109], vì giải phóng đã nửa năm và cô sợ sẽ quên mất chỗ người đó đang nằm. Nhưng cũng vì lý do ấy lại khiến cho cô dằn vặt, day dứt đau khổ suốt ba mươi năm trời khi cô bị kẻ gian lấy mất chiếc va li đựng hài cốt của người lính trên chuyến tàu mà phải bất lực nhìn theo. Nhưng với nghĩa tình sâu nặng dành cho người lính ấy cô đã quyết tâm bằng được phải tìm kiếm lại cái mà cô đã đánh mất cho dù cuộc tìm kiếm đó khiến cô gặp bao vất vả, cơ cực, đắng cay, tủi nhục: “Ta phải tìm lại cái mà ta đã đánh mất. Thế là ta bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình. Ta tìm kiếm suốt mấy tháng trời dọc theo tuyến đường sắt dài dằng dặc. Ta lang thang như một kẻ không nhà, không cửa. Ta vật vờ như một hồn ma không người thờ cúng. Ta cô đơn giữa biển người xa lạ. Tiền hết, ta phải đi xin cơm thừa, canh cặn của những người tốt bụng để sống qua ngày. Ta phải chịu đói, chịu rét. Ta bị người ta hãm hiếp. Ta đã phải cả bán mình một vài lần để lấy chút tiền lẻ nhàu nát mà sống và tiếp tục tìm kiếm. Ta trở nên quẫy chí, dồ dại khi cuộc tìm kiếm của ta trở nên vô vọng” [7, tr.116]. Tấm lòng chân thực, hồn hậu của người phụ nữ Mường ấy như nước suối rừng ngọt ngào. Lòng tốt của con người ấy không gì có thể tả hết. Ta không chỉ xót xa cho số phận bất hạnh của những người phụ nữ này hơn thế nữa còn cảm phục trước một sức sống mãnh liệt, dẻo dai của cô. Sau cuộc tìm kiếm trong vô vọng ấy kỷ vật để lại cho cô là cuốn nhật ký của người đó đã giúp cô tìm và đón “bố chồng” về phụng sự , chăm sóc, nuôi dưỡng:“Ngày nắng mế lên rẫy luồng cỏ, tra hạt. Vào núi trồng luồng. Ngày mưa mế xuống ruộng be bờ, bừa đất, xuống suối Ly Lai quăng chài xúc cá để ông nội có bát canh nóng” [7, tr.113].Và chữa khỏi bệnh viêm khớp cho ông cụ. Cuộc sống cứ thế qua đi một mình cô tần tảo, chịu thương, chịu khó nuôi cha già nuôi con gái khôn lớn trở thành một cô giáo. Nhưng ba mươi năm sau anh ta đột ngột trở về. Trở thành một ông chủ giàu có, đầy uy quyền, muốn mua cả ngôi nhà và vườn đào nơi cất giữ kỷ niệm hẹn ước của hai
người. Nơi:“Mỗi lần tết đến, con gái, con trai Mường Dồ đem cồng chiêng đến treo trong vườn đào rồi hát Xường, hát đối với đám con trai Mường khác thâu đêm, suốt sáng. Vườn đào cũng là chỗ hẹn hò của nhiều cặp trai gái trong Mường” [7, tr.113]. Thật phũ phàng đau xót biết bao vì sự trở về của một con người “vong ân bội nghĩa” kia lại là nỗi đau đớn khuôn nguôi của cô:“Cha tôi đột ngột trở về. Mế tôi bị choáng váng. Bà đổ ụp xuống như một cái cây bị bão nhổ bật tung cả gốc rồi xô mạnh xuống đất. Bà ngất đi. Rất lâu bà mới tỉnh lại. Sau khi tỉnh lại mế hoá điên thật sự” [7, tr.104]. Không chỉ hoá điên cô nhảy bùm xuống suối để trẫm mình giữa trời đông mịt mù giá rét. Nỗi đau tê tái của thân xác làm sao có thể bằng nỗi đau tan nát cõi lòng của một người phụ nữ dám yêu hết mình, dũng cảm sống cho tình yêu thì giờ đây chính tình yêu ấy khiến cho cô phải ân hận, đau khổ: “Lỗi là tại ta. Ta đã yêu một đêm. Ta đã thương một ngày để rồi phải đau khổ suốt ba mươi năm. Ba mươi năm là cả một đời người” [6, tr.105].
Sự hi sinh âm thầm lặng lẽ là một trong những tính cách đặc trưng của người phụ nữ trong truyện ngắn của Hà Thị Cẩm Anh. Nhưng mỗi người lại có những suy nghĩ và cách thể hiện khác nhau. Từ đó nhà văn đã làm sáng tỏ thế giới nội tâm phong phú của người phụ nữ qua đôi mắt quan sát tinh tế với sự trân trọng. Trong tác phẩm của bà còn có những nhân vật khi họ rơi vào bế tắc đã tìm đến với cái chết để quên đi đau khổ, tủi nhục nhưng lại không thể chết được hoặc không dám chết. Vì nếu cái chết của họ làm khổ những người thân thì họ trở thành ích kỉ. Và nếu như không thể chết được thì họ sống cam chịu, âm thầm lặng lẽ hi sinh và cống hiến. Và cũng chính vì vậy, lòng trắc ẩn, sự cả tin, đức vị tha và sự hi sinh hết mình của họ - nhiều khi bị lợi dụng một cách tàn nhẫn, nhiều khi đã trả giá bằng cả cuộc đời: bị mất