Có thể nói công tác thẩm định tín dụng là một trong những nghiệp vụ có yếu tố quyết định nhất, tác động mạnh mẽ nhất đến sự tồn tại và phát triển của Ngân hàng, nó tạo tiền đề cho các quyết định đầu tư hay cho vay chính xác và hiệu quả. Khi công tác thẩm định có hiệu quả, các quyết định đầu tư và tài trợ của Ngân hàng sẽ sẽ đúng đắn hơn, giảm thiểu được tối đa các rủi ro, mang lại nhiều lợi ích cho Ngân hàng cũng như khách hàng, góp phần khẳng định vị thế và uy tín của Ngân hàng trên thị trường. Nhưng nếu công tác thẩm định tín dụng mang nhiều bất cập dẫn đến việc ra các quyết định đầu tư sai lầm thì những hậu quả chính Ngân hàng phải gánh chịu: nguy cơ không thu hồi được các khoản nợ vay là rất lớn, uy tín giảm sút do không bảo đảm được sự hợp lý khi cấp các khoản tín dụng, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của khách hàng.
Vì vậy, trong khi thẩm định cán bộ tín dụng cần tập trung vào:
+ Tình hình tài chính của khách hàng: là yếu tố đảm bảo khả năng thanh toán nợ của khách hàng. Việc kiểm tra bao gồm xem xét nguồn số liệu, dữ liệu do doanh nghiệp lập, chế độ kế toán áp dụng, tính chính xác của các số liệu kế toán. Xem xét tình hình sản xuất và bán hàng và phân tích khả năng tài chính thông qua các nhóm tỷ số tài chính.
+ Tình hình sản xuất kinh doanh: cần xem xét các loại sản phẩm và khách hàng sản xuất kinh doanh, tình hình tiêu thụ, giá cả thị trường, thị phần tiêu thụ...
+ Tài sản thế chấp: căn cứ vào Hồ sơ đảm bảo tiền vay để xác định khách hàng vay vốn trong trường hợp nào, kiểm tra và xác minh thông tin trên giấy tờ về tài sản đảm bảo do khách hàng cung cấp để tạo cơ sở xem có nên ra quyết định cho vay hay không.
+ Tư cách pháp lý của khách hàng: bao gồm các bước: Tìm hiểu chung về khách hàng; Đánh giá tư cách và năng lực pháp lý; Mô hình tổ chức của doanh nghiệp; Tìm hiểu và đánh giá khả năng quản trị điều hành của Ban lãnh đạo.