7. Đóng góp của luận văn
1.3. Tiểu sử Phạm Thái
Như phần lịch sử vấn đề đã trình bày, khi tìm hiểu về tiểu sử Phạm Thái, chúng tôi nhận thấy trong Từ điển văn học (bộ mới), các bộ lịch sử văn học, các bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành… đều có viết về Phạm Thái trong đó nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc có lẽ là người đã trình bày một cách đầy đủ nhất về tiểu sử, cuộc đời Phạm Thái. Dựa vào các nguồn tài liệu đã sưu tầm được, nhất là phần viết về Sơ kính tân trang trong Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX của Nguyễn Lộc ta có thể phác họa về tiểu sử, cuộc đời Phạm Thái như sau:
- Phạm Thái còn gọi là Phạm Phụng, hay Phạm Đan Phượng, hiệu là Chiêu Lỳ, sinh ngày 19 tháng 9 năm Đinh Dậu, tức ngày 19 tháng 10 năm 1777. Quê quán: thôn Yên thị, xã Yên Thường, tổng Xuân Dục, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (nay thuộc huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh).
- Hoàn cảnh xuất thân: trong một gia đình quan lại dưới thời Lê Cảnh Hưng, cha là võ tướng Thạch Trung hầu Phạm Đạt. Phạm Thái mồ côi mẹ từ năm lên 4 tuổi.
- Cuộc đời: Khi triều đại Tây Sơn được thành lập, cha Phạm Thái từng khởi binh chống lại nhưng không thành rồi mất (năm 1796). Phạm Thái nối chí cha, quyết tâm chống Tây Sơn. Ông tìm đến Nguyễn Đoàn lúc ấy đang tụ binh chống Tây Sơn, dâng bài “Quân yếu” nhưng không được dùng. Sau đó Nguyễn Đoàn cũng thất bại và bị giết. Phạm Thái bị truy nã gắt gao, phải ẩn náu nhiều nơi, giả dạng đi tu, lấy đạo hiệu là Phổ Chiêu thiền sư, kết giao với một nhà sư trụ trì ở chùa Tiêu Sơn – Hà Bắc.
Bấy giờ có một người bạn của Phạm Thái là Thanh Xuyên hầu Trương Đăng Thụ ra làm quan cho Tây Sơn, giữ chức trấn thủ Lạng Sơn đang có âm mưu khôi phục nhà Lê. Trương Đăng Thụ viết thư mời Phạm Thái lên Lạng Sơn tham gia với mình. Công việc chưa kịp tiến hành thì Trương Đăng Thụ đột ngột qua đời. Gia đình đưa thi hài về an táng tại quê nhà thuộc làng Thanh Nê, huyện
Chân Định, phủ Kiến Xương, trấn Sơn Nam (nay là làng Thanh Nê, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình). Phạm Thái trên đường về quê nghe tin bạn mất, vội vàng đến Thanh Nê viếng bạn. Cha Trương Đăng Thụ là Kiến Xuyên hầu Trương Đăng Quỹ thấy Phạm Thái là một thanh niên tài hoa, tuấn tú, ông rất mến, liền lưu Phạm Thái ở lại nhà mình.
Trong thời gian ở lại nhà Kiến Xuyên hầu, Phạm Thái gặp và yêu Trương Quỳnh Như, em gái của Trương Đăng Thụ. Quỳnh Như là mộ cô gái có nhan sắc, giỏi thơ văn, đã yêu Phạm Thái bằng một tình yêu say đắm. Nhiều lần Quỳnh Như làm thơ xướng họa với Phạm Thái, hiện còn mười hai bài Quỳnh Như làm về tình yêu và nỗi nhớ của nàng với Phạm Thái trong mười hai giờ của một ngày. Chính mối tình này là nguồn cảm hứng cho rất nhiều thơ văn của Phạm Thái, đặc biệt là Sơ kính tân trang.
Về sau, tình yêu không thành, Quỳnh Như bị ép lấy người khác, nàng không chịu đã tự vẫn. Sau cái chết của người yêu, Phạm Thái chán nản chìm vào men rượu, lang bạt khắp nơi.
Năm 1802, sau khi chiếm lại toàn bộ Bắc Hà, Nguyễn Ánh lên ngôi, lập ra triều đại mới. Giấc mộng phù Lê của Phạm Thái thế là tan thành mây khói. Sự nghiệp, tình yêu, tất cả đều tan vỡ. Đau buồn đến thành tuyệt vọng, Phạm Thái sống lang thang như một kẻ điên dại, suốt ngày uống rượu và làm những vần thơ ngông nghênh đượm buồn.
Năm 1813 ông mất ở Thanh Hóa, mới ba mươi sáu tuổi, kết thúc cuộc đời của một con người tài hoa nhưng đầy bi kịch.
Thống nhất về các chi tiết tiểu sử như trên nhưng hầu như tất cả các công trình nghiên cứu đều không đưa ra những cứ liệu minh chứng cho những ghi chép, đánh giá của mình. Thông thường với các nhân vật lịch sử của thời trước việc tìm hiểu về tiểu sử, cuộc đời họ thường dựa vào phả hoặc những ghi chép của những người cùng thời. Thế nhưng ngoài Nguyễn Lộc, Lại Ngọc Cang trong các công trình của mình có chú thích đôi chút về tư liệu các ông tham khảo thì hầu hết các nhà nghiên cứu khác không nêu căn cứ để xây dựng tiểu sử Phạm Thái. Nhìn lại các công trình nghiên cứu đề cập đến tiểu sử Phạm Thái thì chủ
yếu các tác giả đều căn cứ vào chính sáng tác của Phạm Thái để tạo lập tiểu sử của ông. Có lẽ bởi vì các tác phẩm của Phạm Thái đều có tính chất tự thuật.
Năm sinh của Phạm Thái đến nay cũng còn nhiều điểm nghi vấn. Trong
Thi văn bình chú Ngô Tất Tố chép: “Phạm Thái sinh năm 1757, chết năm 1793, thọ 37 tuổi (tuổi ta)” [dẫn theo 3, tr.7]. Lê Dư trong Phổ Chiêu thiền sư thi văn tập và các tác giả Dương Quảng Hàm (trong Việt Nam văn học sử yếu), Hoài Thanh (trong Bài giảng văn ở trường đại học – Tổng hợp năm thứ hai, niên khóa 1957 – 1958), Lê Trí Viễn (trong Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam), Văn Tân (trong Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam), Nguyễn Lộc (trong Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII – nửa đầu thế kỉ XIX, 1976) đều chép Phạm Thái sinh năm 1777, chết năm 1813, thọ 37 tuổi. Tuy nhiên, Lại Ngọc Cang lại đưa ra một căn cứ khác: “Trong một bài thơ tự thuật, tôi đọc thấy mấy câu:
Năm bảy năm nay những loạn ly, Cũng thì duyên phận, cũng thì thì. Ba mươi tuổi lẻ là bao nả?
Theo câu 1, bài thơ phải viết trước 1802, lúc đang còn xẩy ra cuộc xung đột giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn. Theo câu 3, năm ấy Phạm Thái phải ngoài 30 tuổi. Thế mà nếu quả sinh năm 1777 thì năm 1802, Phạm Thái mới có 26 tuổi.
Phạm Thái từng chống Tây Sơn trong khoảng 1787 (năm nhà Lê mất) – 1802 (năm nhà Tây Sơn mất). Việc ông bị truy nã chứng tỏ ông là người có địa vị khá cao trong đám cựu thần nhà Lê. Thật khó có thể tin rằng người ấy lại chỉ mới vào khoảng từ 11 đến 26 tuổi.
Rất nhiều bài thơ văn uẩn súc của Phạm Thái chứng tỏ rằng ông đã có thời kì được học tập lối văn cử nghiệp rất chu đáo, thời kì ấy phải chấm dứt muộn nhất vào năm 1787. Nếu quả sinh năm 1777, năm ấy Phạm Thái mới có 11 tuổi.
Bởi những lí do ấy, tôi muốn tin rằng Phạm Thái sinh trước năm 1770, mất trước năm 1810, vài năm sau khi viết “Sơ kính tân trang” (1804), thọ dưới 40 tuổi” [3, tr.7-8].
Tuy tỏ ra nghi ngờ về năm sinh của Phạm Thái nhưng Lại Ngọc Cang cũng không đưa ra được chứng cứ thuyết phục nào ngoài việc dựa vào những vần thơ
của chính Phạm Thái. Cuối cùng nhà nghiên cứu này cũng chỉ kết luận là “tôi muốn tin rằng” chứ không có một kết luận chính thức nào. Nhận định của Lại Ngọc Cang chỉ mới căn cứ vào tác phẩm của Phạm Thái để kết luận, mà tác phẩm văn chương dù có tính tự thuật nhưng vẫn là một tác phẩm có ít nhiều hư cấu. Bởi thế kết luận này, theo tôi chưa đủ sức thuyết phục.
Trong trường hợp này, chúng ta không tìm được tài liệu phả của dòng họ Phạm Thái. Hiện chỉ có những ghi chép của Nguyễn Tử Mẫn (1810-1901) trong bài Chiêu tôn sư Tân trang truyện thuyết viết năm Đinh Hợi, Đồng Khánh thứ 2 (1887) có sức thuyết phục hơn bởi vì ông là người sống gần như cùng thời với Phạm Thái. Nguyễn Tử Mẫn còn nói thêm: “Thân phụ tôi sinh năm Ất mùi (1775), hơn ông (tức Phạm Thái) hai tuổi”. Các nhà nghiên cứu Nguyễn Lộc, Lê Dư, Dương Quảng Hàm, Hoài Thanh… đã dựa theo tư liệu này để xác định thời điểm ra đời của Phạm Thái.
Một trong những điểm gây tranh cãi nữa khi nghiên cứu về Phạm Thái đó là thái độ của ông với nhà Tây Sơn. Dù tất cả đều thừa nhận rằng Phạm Thái có tư tưởng chống Tây Sơn nhưng cách đánh giá lại khác nhau. Nguyễn Văn Xung trong bài viết Phạm Thái, một mộ diện đặc biệt trong văn học cuối Lê, đầu Nguyễn (1970) cho rằng Phạm Thái là hiện thân của những “đam mê cao cả”. Trần Nghĩa [43] phản bác lại quan điểm này, ông cho rằng: đó là tư tưởng “vừa phản động lại vừa hèn”. Căn cứ để Trần Nghĩa đưa ra kết luận này là dựa vào các tác phẩm của Phạm Thái:
- Trong Văn bia mộ Thanh Xuyên hầu Phạm Thái khúm núm nhắc tới ân huệ của quân Thanh xâm lược đối với họ Trương:
Đại Thanh xảy tiếp binh vào
Vâng nhung chức cũ lại trao tiếp quyền
- Trong Chiến tụng Tây Hồ phú Phạm Thái đã nhắc tới những kỉ niệm vàng son của thời nhà Lê, “đã quay lưng lại với tất cả cái gì là mới mẻ, là tiến bộ của Tây Sơn”
- Trong Sơ kính tân trang vì thù ghét nhà Tây Sơn mà Phạm Thái đã “đổi trắng thay đen, vu khống với một thái độ hằn học bỉ ổi” khi ông miêu tả nguyên
nhân gây nên cái chết của Quỳnh Thư là sự cưỡng hôn của một viên quan Đô đốc nói rặt tiếng Đàng Trong.
Bàn về thái độ chống Tây Sơn của Phạm Thái, Nguyễn Nghiệp trong bài
Qua những ý kiến khác nhau về “Sơ kính tân trang” của Phạm Thái lại cho rằng nguyên nhân của cách ứng xử này là vì quyền lợi cá nhân: “Cái tước hầu của gia đình Phạm bị tan tác sau khi Trạch trung hầu (cha Phạm Thái) thất bại trong mưu đồ phò Lê, diệt Tây Sơn đã nói lên nhiều hơn thế. Nó nói rằng tư tưởng Phạm Thái căn bản là tư tưởng của một con người của tập đoàn phong kiến thống trị đã bị cuộc khởi nghĩa nông dân đạp đổ, nhưng vẫn không chịu từ bỏ địa vị thống trị và những đặc quyền đặc lợi của mình” [47]. Tuy nhiên, suy luận này cũng chỉ mang tính chất cá nhân cảm tính, thiếu thuyết phục!
Qua những ý kiến tranh luận trên, ta thấy các nhà nghiên cứu đều thống nhất cho rằng: Phạm Thái có thái độ chống nhà Tây Sơn. Điều này có lẽ không phải bàn cãi nữa bởi vì thực tế lịch sử cũng như trong các sáng tác văn chương của mình Phạm Thái đều nêu rõ quan điểm chống Tây Sơn (tiêu biểu là Chiến tụng Tây Hồ phú). Tuy nhiên, nếu dựa vào đó mà quy kết Phạm Thái có “một thái độ hằn học bỉ ổi” như Trần Nghĩa thì có phần nặng nề, áp đặt. Thực chất vấn đề ở đây là thái độ của Phạm Thái trong lẽ xuất - xử. Trong một xã hội loạn lạc như thế kỉ XVIII, khi vua Lê không còn giữ được uy quyền của mình, các tập đoàn phong kiến tranh đoạt quyền lực, các cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp nơi… thì vấn đề đặt ra cho các nhà nho là sẽ chọn con đường nào? Phò tá cho ai? Như đã trình bày ở trên, có nhiều người chọn con đường ẩn dật, đứng ngoài thời cuộc nhưng cũng có nhiều nhà nho vẫn hăm hở chí trai thời loạn. Gần như cùng thời với Phạm Thái, Nguyễn Bá Xuyến chính là “mẫu” người khá điển hình của số đông trai thời loạn bấy giờ. Trong tình thế xã hội rối ren, mọi chuẩn mực đạo lí gần như bị đảo lộn, Nguyễn Bá Xuyến băn khoăn chọn con đường thực hiện công danh: “Ta năm nay 28 tuổi, sắp đến tuổi nhi lập mà chưa nên một việc gì. Há phải trời sinh ra ta chỉ để ăn và ngủ trên cõi phù sinh này hay sao?” [dẫn theo 55, tr.14]. Trong vòng 6 năm sau đó là những cuộc chọn đường và thử nghiệm của Nguyễn Bá Xuyến: ông đã từng theo nhiều thủ lĩnh chống lại nhà Tây Sơn,
cũng có lúc đã tìm đến muốn hợp tác với nhà Tây Sơn nhưng đều thất vọng vì nhận thấy họ đều là những người không đáng tin, “không hợp” với mình nên ra đi. Nhận ra sự vô dụng của tập đoàn Lê – Trịnh, cũng không tìm được chỗ đứng trong triều đại Tây Sơn, Nguyễn Bá Xuyến đã vào Nam, theo Nguyễn Ánh và được tin dùng. Kể từ đó ông đã có nhiều đóng góp cho nhà Nguyễn trong công cuộc chống Tây Sơn. Sau khi cuộc chiến thành công, Nguyễn Ánh lên ngôi vua, Nguyễn Bá Xuyến được phong làm Án phủ sứ Hoài Đức. Như vậy, rõ ràng, việc lựa chọn con đường thực hiện lí tưởng, hoài bão của các nhà nho thời bấy giờ là một câu chuyện rất phức tạp, tùy vào hoàn cảnh riêng mà mỗi người lại có một hướng đi khác nhau. Con đường phù Lê, chống Tây Sơn của Phạm Thái rồi cuối cùng thất bại cũng là một cách lựa chọn của nhà nho trước thời cuộc lúc bấy giờ.
Về mối tình của Phạm Thái và Trương Quỳnh Như hầu hết các tác giả đều dựa vào truyện thơ Sơ kính tân trang cùng một số bài thơ khác của Phạm Thái để mô tả lại. Nguyên nhân dẫn đến kết thúc bi thảm của mối tình này cũng có nhiều ý kiến chưa thống nhất. Hiện có hai luồng ý kiến chính. Luồng ý kiến thứ nhất của Ngô Tất Tố cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự tan vỡ của mối tình này là do “Quỳnh Như bị ép gả làm vợ lẽ một viên quan võ”. Luồng ý kiến thứ hai của Lê Dư cho rằng: “mẹ Quỳnh Như muốn gả nàng cho một kẻ nhà giàu là Trịnh Nhị”.
Các học giả khác như Lại Ngọc Cang, Hoàng Hữu Yên, Nguyễn Lộc… đều không đưa ra một đánh giá cụ thể nào về những lực lượng ngáng trở cuộc hôn nhân này mà chỉ viết chung chung: “Hai bên yêu nhau tha thiết song việc nhân duyên không thành, Quỳnh Như tự tử. Phạm Thái đau khổ bỏ ra đi” [3, tr.10; học viên nhấn mạnh]; “về sau tình yêu không thành, Quỳnh Như bị ép lấy người khác, nàng không chịu đã tự vẫn. Cái chết của Quỳnh Như khắc sâu thêm nhữnh đau khổ làm nát lòng Phạm Thái” [35, tr.309]…
Trong Sơ kính tân trang Phạm Thái lí giải nguyên nhân dẫn đến cái chết đau đớn của Quỳnh Thư và sự tan vỡ mối tình này là do một viên đô đốc nói tiếng Đàng trong dùng quyền lực để ép buộc Quỳnh Thư phải cưới hắn. Có lẽ Ngô Tất Tố dựa vào chi tiết này để cho rằng “Quỳnh Như bị ép gả làm vợ lẽ một
viên quan võ”. Tuy nhiên nếu chỉ dựa vào một chi tiết trong tác phẩm văn chương lãng mạn này để kết luận thì có lẽ chưa đủ sức thuyết phục. Trong trường hợp này tôi tán thành cách lí giải của Lê Dư. Bởi lẽ thực tế khi ấy Phạm Thái đang là đối tượng bị triều đình nhà Lê truy nã, cha mẹ Quỳnh Như dẫu có quý mến tài của Phạm Thái đến đâu chăng nữa cũng không liều lĩnh để gả con gái mình cho một người không sự nghiệp công danh, lại đang là tội phạm lẩn trốn. Rồi mẹ nàng ép gả nàng cho một kẻ giàu có trong vùng là Trịnh Nhị. Có lẽ đây là nguyên nhân chính ngáng trở mối tình này. Việc Phạm Thái đã sáng tạo nên một viên đô đốc nói tiếng Đàng Trong trong Sơ kính tân trang là để thể hiện thái độ chống Tây Sơn mà thôi.
Tiểu kết
Thế kỉ XVIII là một thế kỉ có nhiều biến động lớn: sự khủng hoảng, bế tắc của nhà nước phong kiến và sự rạn nứt của ý thức hệ thống trị, sự vùng dậy của quần chúng nông dân bị áp bức mà đỉnh cao là cuộc khởi nghĩa Tây Sơn với vai trò của Nguyễn Huệ. Việc Nguyễn Huệ kéo quân ra Bắc tiêu diệt chúa Trịnh, sau đó đánh tan cả quân Thanh xâm lược và lật đổ ngai vàng của ông vua bù nhìn Lê Chiêu Thống, lập nên triều đại mới thực sự đã tạo nên một biến động lớn trong đời sống văn hóa, tư tưởng xã hội lúc bấy giờ: sĩ phu Bắc Hà phải đứng thực hiện một lựa chọn sống khá nghiệt ngã với nguyên tắc ứng xử Nho gia “trung thần bất sự nhị quân”, sẽ có người vì nặng lòng với nhà Lê mà chống đối triều đại Tây Sơn, và cũng có không ít người nhiệt huyết với triều đại mới, vì họ nhận ra luồng sinh khí trong những chính sách kinh tế, chính trị, văn hóa… của Tây Sơn hoặc đơn giản vì họ tán thưởng lực lượng đã kết thúc cuộc nội